MỞ ĐẦU

-------------------------------

1. Lý do xuất bản cuốn sách Chuẩn hóa địa danh Việt Nam trong xuất bản bản đồ

Hiện nay, địa danh ở Việt Nam ngoại trừ địa danh hành chính (như tên tỉnh, thành phố, thị xã, quận, huyện, thị trấn, xã, phường) là đã được sử dụng thống nhất trong cả nước theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về việc thành lập các đơn vị hành chính, còn lại các địa danh được sử dụng rất không thống nhất kể cả với địa danh Việt Nam, địa danh nước ngoài, hay địa danh ngoại lai (exonyms)…Việc không thống nhất trên có nhiều nguyên nhân trong đó có cả về quá trình hình thành chữ Việt và Việt hoá địa danh. Địa danh được đặt tên mới cũng do nhiều bộ, ngành... thực hiện.

Nếu như địa danh sử dụng chưa đúng, chưa chuẩn thì sẽ có rất nhiều phức tạp, phiền toái và dễ gây nhầm lẫn, sai sót. Việc chuẩn hoá địa danh sẽ góp phần làm phong phú và chính xác thêm tiếng Việt, thúc đẩy phát triển ngôn ngữ góp phần hội nhập quốc tế, xác định thương hiệu hàng hoá, chủ quyền lãnh thổ, phục vụ các công tác như cứu hộ, cứu nạn…

Địa danh xuất hiện, thay đổi, mất đi hoặc tồn tại đều gắn với những sự kiện xác định. Địa danh liên quan đến vấn đề ngôn ngữ, địa lý, lịch sử, văn hoá, dân tộc, các quá trình phát triển tự nhiên và xã hội, biến động chính trị thường rất dễ làm thay đổi địa danh. Địa danh do con người đặt ra và gửi gắm vào đó sự mong muốn, mô tả đặc điểm… nói chung đều có ý nghĩa xác định được biểu thị trong ngữ nghĩa.

Địa danh do những dân tộc bản địa đặt ra nên có những cách phát âm riêng tùy thuộc vào ngữ âm. Nếu ghi âm lại không chuẩn dẫn đến sai nghĩa, thậm chí phản cảm, ảnh hưởng đến những vấn đề lớn như tập quán, phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo. Địa danh cũng chịu ảnh hưởng của sự xâm cư giữa các dân tộc trong tiến trình phát triển. Do đó, có những địa danh quen dùng và địa danh gốc cần được chuẩn hoá bảo vệ.

Chuẩn hoá địa danh cũng là nhằm xác định tính duy nhất của địa danh do mỗi địa danh đều được gắn với tọa độ cụ thể. Trong đó, bản đồ là một công cụ rất hữu hiệu cho việc chuẩn hoá địa danh.

Các tài liệu, giáo trình khoa học về địa danh, địa danh học, địa danh bản đồ học còn chưa đầy đủ và thiếu rất nhiều từ cơ sở lý luận, định nghĩa đến thực tiễn chuẩn hoá địa danh.

Những mâu thuẫn và tồn tại trong cách gọi tên và viết địa danh hiện nay là rất nhiều bởi các quy định không thống nhất từ nguồn của Văn phòng Quốc hội, Chính phủ hay trong Từ điển Bách khoa… Đó đều chỉ là các quy định mang tính tạm thời và có giá trị riêng biệt, chỉ sử dụng trong từng ngành, lĩnh vực riêng. Nước ta hiện chưa có Ủy ban quốc gia về địa danh dẫn đến việc có những địa danh tưởng chừng rất đơn giản nhưng có thể có nhiều cách viết và gọi tên khác nhau, cách hiểu và cách đọc cũng khác nhau với một địa danh (Ví dụ: Daclac, Đăclăc, Đaklak, hay Dak-lak…).

Từ chỗ chưa có Ủy ban quốc gia về địa danh dẫn đến việc sử dụng các địa danh khác nhau, chưa thống nhất thậm chí ngay trên một phương tiện, một đơn vị truyền thông... Từ đó, nhiệm vụ cần đánh giá đúng thực trạng của việc sử dụng địa danh hiện nay và chuẩn hoá địa danh là việc làm hết sức cần thiết bên cạnh việc xác định lại hệ thống cơ sở lý luận khoa học về địa danh nói chung và địa danh bản đồ nói riêng.

Thực tế hiện nay nước ta chưa có danh mục địa danh chính thức (kết quả cuối cùng của chuẩn hoá) để công bố và trình nộp cho LHQ, nên những nghiên cứu đóng góp cho việc chuẩn hoá địa danh là hết sức cần thiết, mang tính thời sự cao xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Việt Nam.

2. Tình hình chung nghiên cứu về địa danh trong xuất bản bản đồ

- Hiện nay, nước ta chưa có Ủy ban quốc gia về địa danh cho nên mỗi bộ, ngành đều làm công tác địa danh riêng để phục vụ mục đích riêng, từ đó dẫn đến tồn tại các quy định, chuẩn riêng.

Các nhà nghiên cứu địa danh và ngôn ngữ cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố rộng rãi, điển hình như:

- “Các nước trên thế giới”, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990.

- “Địa danh nước ngoài”, Nguyễn Văn Khang và Nguyễn Trung Thuần, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1995.

- “Sổ tay địa danh nước ngoài”, Nguyễn Dược, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.

- “Sổ tay địa danh Việt Nam”, Đinh Xuân Vịnh, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1996.

- “Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ”,  Bùi Đức Thịnh, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh,1999.

- “Khảo cứu ngôn ngữ các nhóm dân tộc Việt Nam”, Trần Chí Dõi, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1999.

- “Từ điển Bách khoa nhân danh - địa danh Anh - Việt”, Nxb Văn hoá - thông tin, Hà Nội, 2000.

- “Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới hành chính (1945 - 2002)”, Nguyễn Quang Ân, Nxb Thông tin, Hà Nội, 2003.

- Báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu “Xây dựng cơ sở chọn và ghi địa danh cho bản đồ địa hình Việt Nam”, Tổng cục Địa chính, 1994.

- Báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu “Phiên âm địa danh dùng cho Atlas và bản đồ tỷ lệ nhỏ”, Viện Nghiên cứu địa chính, Tổng cục Địa chính, 1995.

- “Tiến tới chuẩn hoá việc viết địa danh của các dân tộc thiểu số trên các tài liệu Việt Nam”, Tóm tắt các nghiên cứu của Hội ngôn ngữ Việt Nam, 2001.

Các nghiên cứu trên mới chỉ có những giá trị riêng biệt nhất định, thiếu tính tổng quát, chưa thể phối hợp đồng bộ để giải quyết những vấn đề lớn của địa danh và địa danh trên bản đồ, có cả quy chuẩn mới ban hành chưa qua thực tiễn và rất cần sự bổ sung đánh giá chỉnh sửa mới áp dụng được cho nhu cầu thực tiễn cũng như việc hội nhập quốc tế đồng thời cũng thiếu chế tài áp dụng. Như vậy, có thể thấy sự khác biệt của đề tài là tập trung nghiên cứu tổng hợp, hệ thống các khía cạnh cơ sở lý luận của địa danh học và ngôn ngữ bản đồ, hướng tới sự chuẩn hoá địa danh một cách có cơ sở khoa học vững chắc, phù hợp cho việc áp dụng vào các bộ môn khoa học khác đồng thời cũng đề xuất những giải pháp trong quản lý nhà nước, nghiên cứu đào tạo... đặc biệt cho danh mục địa danh Việt Nam để thống nhất ban hành và trình nộp LHQ mà ta chưa có.

3. Mục đích và nhiệm vụ xuất bản cuốn sách Chuẩn hóa địa danh Việt Nam trong xuất bản bản đồ

3.1. Mục đích

Trên cơ sở những nghiên cứu cơ bản về địa danh học, địa danh bản đồ học, thực trạng sử dụng địa danh ở Việt Nam nói chung và địa danh trên bản đồ nói riêng, cuốn sách đề xuất hoàn thiện những quy định chung và quy trình chuẩn hoá địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn và kinh tế, xã hội Việt Nam trên bản đồ và giải pháp khắc phục thực trạng hướng tới việc ra đời, công bố được danh mục địa danh chuẩn.

3.2. Nhiệm vụ

Tiến hành nhằm phân tích, làm rõ thực trạng địa danh ở Việt Nam và sự cần thiết phải chuẩn hoá địa danh cùng với những lợi ích của việc chuẩn hoá địa danh.

Làm rõ những khái niệm, nguyên tắc cơ bản về địa danh học, địa danh bản đồ học...

Xác định chuẩn hoá địa danh và những nguyên tắc, quy trình của chuẩn hoá địa danh Việt Nam trên bản đồ.

Những vấn đề ngôn ngữ liên quan đến địa danh (nguồn gốc hình thành chữ Việt, ảnh hưởng của ngôn ngữ Hán Việt, tiếng Pháp, hoặc các ngôn ngữ khác đến địa danh Việt Nam).

Tiến hành nghiên cứu, đề xuất các nguyên tắc, quy định và biện pháp thực hiện trong quá trình chuẩn hoá địa danh Việt Nam. Đồng thời, thuyết trình các yếu tố ảnh hưởng đến địa danh như chính trị, xã hội, ngôn ngữ, dân tộc, tôn giáo, lịch sử… Đề ra được những biện pháp khắc phục và tăng cường hiệu lực chuẩn hóa địa danh trên bản đồ để có ban hành được danh mục địa danh trên toàn quốc và trình nộp cho LHQ.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của cuốn sách

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Vấn đề địa danh và công tác chuẩn hoá địa danh Việt Nam trong xuất bản bản đồ.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Các công tác chuẩn hoá địa danh Việt Nam trong biên tập và xuất bản bản đồ tại Nxb Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam từ 1996 đến nay.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của cuốn sách

5.1. Cơ sở lý luận

Dựa trên những nguyên tắc cơ bản của địa danh học, địa danh bản đồ học, ngôn ngữ học, lý luận nghiệp vụ xuất bản và sử dụng các phương pháp chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Được thực hiện dựa trên cơ sở khảo sát và phân tích sản phẩm biên tập và thành lập bản đồ từ năm 1996 tới nay về địa danh Việt Nam và kết hợp các phương pháp thu thập, thống kê, phân loại; phương pháp phân tích nguồn gốc lịch sử; phương pháp từ nguyên học; phương pháp khảo sát bản đồ; phương pháp kế thừa, phương pháp tổng hợp hoá, phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp điều tra thực địa, phương pháp chuyên gia.

6. Điểm mới của cuốn sách

Nhằm minh xác và hệ thống hoá các cơ sở lý luận về địa danh, địa danh bản đồ, danh pháp địa lý, xuất bản bản đồ... hướng theo nguyên tắc căn bản của UNGEGN - LHQ về địa danh.

Với mong muốn tìm ra những tồn tại trong các quy định, quy chuẩn hiện hành về chuẩn hoá địa danh đã ban hành, đề xuất nhiều giải pháp, biện pháp mới có ý nghĩa thời sự có tính khả thi và là tài liệu tham khảo, tập huấn trong công tác đào tạo các biên tập viên về xuất bản bản đồ, các cán bộ công tác liên quan đến địa danh.

7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của cuốn sách

Với ý nghĩa lý luận đã bám sát nguyên tắc căn bản của nhóm chuyên gia Liên hợp quốc về địa danh (United nation group experts on geographical names - viết tắt là UNGEGN), của địa danh học, địa danh học bản đồ.

Giá trị của việc nghiên cứu địa danh giúp nhập môn sâu sắc về những nguyên tắc cơ bản của địa danh học, địa danh bản đồ học cũng như phân tích, làm rõ thực trạng địa danh hiện nay để vận dụng vào việc chuẩn hoá địa danh trên bản đồ.

Cuốn sách được tiến hành phân tích, viết sâu và kỹ dựa trên cơ sở khoa học nhằm làm rõ thực trạng địa danh ở Việt Nam và sự cần thiết phải chuẩn hoá địa danh cùng với những lợi ích của việc chuẩn hoá địa danh.

Cơ sở nguyên gốc và thực trạng địa danh Việt Nam (nguồn gốc hình thành chữ Việt, ảnh hưởng của ngôn ngữ Hán Việt, tiếng Pháp, hoặc các ngôn ngữ khác) dẫn đến việc sử dụng địa danh hiện tại rất khác nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn hay các nhóm cộng đồng.

Hiện tại, trong cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin địa lý (GIS) đã có đủ các lớp thông tin về thủy văn, địa hình, lớp phủ thực vật, giao thông, hành chính, kinh tế, xã hội nhưng thiếu lớp thông tin về địa danh cho nên việc chuẩn hoá hệ thống địa danh phục vụ công tác lập bản đồ, xuất bản bản đồ là hết sức cần thiết. Nếu không có lớp thông tin về địa danh trên bản đồ thì đây là bản đồ câm, không có hoặc có rất ít giá trị sử dụng. Mặt khác, nếu có lớp thông tin địa danh mà nội dung lại không chuẩn (về ngữ âm, ngữ nghĩa, chính tả) thì giá trị của lớp thông tin này và của bản đồ cũng kém đi.

Cuốn sách chuẩn hoá địa danh đem lại rất nhiều lợi ích thực tiễn, đó là trả lại tên đúng với ngữ âm, ngữ nghĩa và cách viết. Địa danh được chuẩn hóa phục vụ cho nhiều mục đích cuộc sống, hội nhập, thương hiệu hàng hóa, cứu hộ cứu nạn, bảo vệ các địa danh và di sản văn hoá, tên đúng để xác định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ...

Việc lựa chọn tên gọi cho cuốn sách “Chuẩn hoá địa danh Việt Nam trong xuất bản bản đồ” là rất đúng đắn, mang tính tổng hợp của địa danh học và ngôn ngữ bản đồ, có giá trị lý luận, thực tiễn và ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu của các bộ môn khoa học có liên quan.

8. Kết cấu cuốn sách

Ngoài phần lời giới thiệu, mở đầu, phụ lục, câu chuyện địa danh và những địa danh nổi tiếng của Việt Nam, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung cuốn sách gồm 4 chương:

Chương 1: Địa danh và vấn đề chuẩn hoá địa danh trong xuất bản bản đồ;

Chương 2: Thực trạng sử dụng địa danh ở Việt Nam;

Chương 3: Những quy tắc và quy trình chuẩn hóa địa danh Việt Nam trên bản đồ;

Chương 4: Một số giải pháp và kiến nghị về vấn đề chuẩn hóa địa danh trên bản đồ.