Hiện nay, việc quan tâm đến địa danh và các vấn đề liên quan còn chưa đầy đủ, ngay cả những tài liệu, giáo trình phổ thông đề cập đến những vấn đề trên một cách toàn diện cũng rất ít, trong khi trong thực tế cuộc sống, giao tiếp và hội nhập hàng ngày thì vấn đề địa danh và yêu cầu chuẩn hóa là vấn đề có tính phổ biến, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực trong xã hội.
Trong các thương hiệu hàng hóa, có một loại thương hiệu hàng hóa được gắn với địa danh cụ thể, là tên vùng để sản xuất ra hàng hóa đó. Đặc thù của những sản phẩm này có thể là từ những nguyên liệu đặc biệt của nơi đã sản xuất ra sản phẩm hay do công nghệ, phương thức sản xuất có tính độc đáo, riêng biệt mà vùng khác không có hoặc bởi chất lượng sản phẩm đặc biệt mà sản phẩm tương tự của các vùng khác không thể so sánh nổi.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cùng với nhóm chuyên gia về địa danh của Liên hợp quốc (UNGEGN) đã nhìn thấy trước việc tranh chấp thương hiệu loại này, thậm chí sẽ dẫn đến việc tranh chấp lãnh thổ. Do vậy, họ đã khuyến khích các nước đăng ký thương hiệu hàng hóa gắn với địa danh cụ thể (chỉ dẫn địa lý) và bảo hộ cho những thương hiệu đã được đăng ký.
Việc tranh chấp các thương hiệu hàng hóa diễn ra hết sức phức tạp, không chỉ ở bình diện địa phương mà còn ở trên thị trường Quốc tế.
Sau đây xin giới thiệu mối quan hệ giữa địa danh và thương hiệu hàng hóa qua thực tiễn.
Mới năm 2007, câu chuyện tranh chấp thương hiệu Champagne - tên một loại rượu vang nổi tiếng thế giới đến mức ở Việt Nam nó được hiểu như một danh từ chung: “Sâm panh” - được báo chí thế giới quan tâm. Chuyện rằng, Champagne là tên của hai ngôi làng thuộc hai quốc gia Pháp và Thụy Sĩ, sát biên giới nhau. Từ nhiều thế kỷ trước, dân làng Champagne của cả hai nước đều có nghề trồng nho và cất rượu vang giống nhau. Để phân biệt chuyện trùng hợp có tính chất lịch sử này, người ta gọi ngôi làng Champagne của Thụy Sĩ là “Champagne nhỏ” còn của Pháp là “Champagne lớn”.
Địa danh Champagne đã được lấy tên cho loại rượu nổi tiếng. (Hình ảnh minh họa)
Chuyện trở thành rắc rối từ cách đây hơn 30 năm, khi thương hiệu Champagne trở nên quá nổi tiếng, cuộc tranh chấp tên gọi (thương hiệu) một loại rượu vang của hai quốc gia này nổ ra và phân xử chuyện này cuối cùng là Tòa án Liên minh Châu Âu.
Người Thụy Sĩ đã thua trong cuộc chơi thương hiệu này dù cái tên làng Champagne của họ từng tồn tại từ thế kỷ thứ IX. Nguyên nhân Thụy Sĩ thua kiện là: cả 2 loại rượu vang sản xuất từ hai làng mang tên Champagne được bán ra thị trường về cơ bản chất lượng như nhau, nhưng có thời kỳ làng Champagne của Thụy Sĩ dùng những tên gọi khác cho sản phẩm của mình như Bonvillars, Cor- celles... Khi rượu Champagne bắt đầu tạo tiếng vang trên thị trường thế giới, người Pháp đã nhanh chân đăng ký nhãn hiệu cho rượu vang vùng Champagne của mình. Lúc người Thụy Sĩ ý thức ra rằng cái tên làng Champagne đã trở thành tài sản quý thì mọi sự đã muộn. Lý lẽ của người Thụy Sĩ đi kiện là không có luật lệ quốc tế hay quy định nào của Châu Âu quy định rằng nhà sản xuất không được phép đặt tên sản phẩm theo tên địa danh nơi họ đang sống, Thụy Sĩ có làng Champagne thì họ có quyền lấy tên Champagne cho loại rượu của mình.
Còn lý lẽ của Tòa án Liên minh Châu Âu là với một loại sản phẩm thì chỉ có một thương hiệu. Làng Champagne của Pháp được quyền sử dụng cái tên này vì người Pháp đã đăng ký nó thành nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1974.
Ở Việt Nam, các thương hiệu sản phẩm cũng thường được gắn theo tên địa danh và có một số sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài, có nhiều triển vọng phát triển thì có một số công ty nước ngoài lợi dụng chiếm tên, thương hiệu thậm chí tìm cách đăng ký bảo hộ các thương hiệu đó trên thị trường quốc tế.
Trường hợp nước mắm Phú Quốc: Nước mắm Phú Quốc có hương vị thơm ngon rất đặc trưng do sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu cá cơm với bí quyết gia truyền của các cơ sở sản xuất nước mắm trên đảo. Sản xuất nước mắm là nghề thủ công truyền thống lâu đời của cư dân huyện đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, để mua được một chai nước mắm chính hiệu Phú Quốc không dễ chút nào. Bởi thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã và đang bị lạm dụng để sử dụng nhãn tại nhiều địa phương trong cả nước, kể cả nước láng giềng Thái Lan cũng “chôm” luôn thương hiệu này.
Trước tình hình đó, để tạo cơ sở pháp lý cho việc khẳng định thương hiệu nước mắm Phú Quốc, tháng 10/2008, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định Quy định việc quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm. Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm (gọi tắt là chỉ dẫn địa lý) là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ Phú Quốc và có danh tiếng, chất lượng đặc thù do điều kiện tự nhiên và bí quyết sản xuất của người dân Phú Quốc quyết định. Khi một nhà thùng được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thì được gắn tem bảo hộ lên sản phẩm; lưu thông, chào bán, quảng bá sản phẩm, phân phối sỉ và lẻ. Lô hàng được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý phải đồng nhất về chất lượng, được đóng gói tại Phú Quốc và phân phối trực tiếp đến khách hàng. Việc chứng nhận lô hàng do Ban Kiểm soát nước mắm thuộc Hội nước mắm Phú Quốc chịu trách nhiệm thực hiện. Vừa qua, Hội nước mắm Phú Quốc đã tổ chức hội thảo nhằm tìm biện pháp triển khai thực hiện quy định sử dụng chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc cũng quy định cụ thể, chi tiết về vùng khai thác, loại nguyên liệu, tỉ lệ cá tạp (ngoài cá cơm) không quá 15%, dụng cụ chế biến và vật liệu sản xuất dụng cụ, phương pháp chế biến, các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ghi nhãn và kỹ thuật bảo quản...
Như vậy, việc sớm triển khai áp dụng quy định chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm rõ ràng là giải pháp hữu hiệu và bền vững để bảo vệ thương hiệu cho loại đặc sản nổi tiếng này. Quy định đã có, tổ chức thực hiện đã hình thành, các nhà thùng nước mắm cũng được đồng tình, ủng hộ, hi vọng trong tương lai không xa, thương hiệu nước mắm Phú Quốc sẽ được trả lại đúng xuất xứ và chất lượng vốn có của mình.
Sau 3 năm thực hiện các thủ tục, mới đây, thương hiệu nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) được Ủy ban Châu Âu (EC) cấp quy chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên hiệp Châu Âu (EU). Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết với chứng nhận bảo hộ này, sản phẩm nước mắm Phú Quốc sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Theo Bộ Công Thương, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ ở cả 28 nước EU. Việc bảo hộ tên gọi xuất xứ tại EU đã nâng cao uy tín thương hiệu nước mắm Phú Quốc của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả nước mắm Phú Quốc tại thị trường EU… và mở đường cho việc đăng ký độc quyền các mặt hàng nông sản tiềm năng khác của Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Hội Nước mắm Phú Quốc cho biết, hiện Hội đang chuẩn bị kiện các nhà sản xuất nước mắm ở Thái Lan làm giả nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc bán ở Châu Âu. Các nhà sản xuất ở Thái Lan chưa đăng ký độc quyền nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc tại thị trường nào, kể cả tại Thái Lan. Song song đó, hội cũng chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu nước mắm Phú Quốc tại các thị trường Thái Lan, Hồng Kông…
Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trao Chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa “Nghề làm nước mắm Phú Quốc, phường Dương Đông, An Thới, TP Phú Quốc, Kiên Giang” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nguồn: Báo Công an nhân dân.
Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam có hàng ngàn loại nông sản có khả năng đăng ký chỉ dẫn địa lý nhưng đến nay mới có 35 sản phẩm được đăng ký ở Việt Nam như: nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, gạo tám xoan Hải Hậu, vải thiều Thanh Hà… Trong số 35 sản phẩm này, mới chỉ có 3 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý được đăng ký ở nước ngoài. Theo các chuyên gia kinh tế, thật ra, việc đăng ký không quá khó bởi thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc…
Nhìn ra nước ngoài, hiện nay chính phủ Thụy Sĩ vừa đề nghị ban hành luật mới nghiêm ngặt hơn, hạn chế việc sử dụng thương hiệu Thụy Sĩ. Chính phủ nước này cho biết, sản phẩm và dịch vụ Thụy Sĩ có tiếng tốt trong và ngoài nước, thương hiệu Thụy Sĩ được coi là biểu tượng đáng tin cậy, chất lượng cao và vì vậy các trường hợp lạm dụng thương hiệu Thụy Sĩ ngày càng gia tăng. Hiện tượng giả mạo thương hiệu Thụy Sĩ ở một số nước đem đến nhiều rắc rối, thua thiệt cho các nhà sản xuất của nước này, bao gồm các nhà sản xuất đồng hồ Omega, Rolex, Patex Philippe…
Chính phủ Thụy Sĩ đang chỉnh đốn tình trạng lạm dụng thương hiệu để sản phẩm Thụy Sĩ phải là sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành còn quá nhiều lỗ hổng trong việc xem xét trường hợp nào được quyền dán hai chữ “Thụy Sĩ” lên sản phẩm hoặc dịch vụ trong quá trình quảng bá. Luật mới quy định sản phẩm được dán nhãn hiệu Thụy Sĩ phải 60% chi phí sản xuất trong nước; với thực phẩm chế biến, phải có ít nhất 80% nguyên liệu của Thụy Sĩ, trừ khi Thụy Sĩ không có nguyên liệu như ca cao...
Đối với doanh nghiệp Việt Nam chúng ta cũng nên chủ động phòng tránh việc “Mất bò mới lo làm chuồng”. Một khi thương hiệu đã bị đánh cắp, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để theo đuổi các vụ kiện nhằm đòi lại thương hiệu nhưng không nhiều trường hợp đòi lại thành công. Một số vụ điển hình là chủ nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre đòi lại thương hiệu bị một đối tác ở Trung Quốc làm nhái và đăng ký độc quyền tại quốc gia này. Theo các luật sư, bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài vô cùng quan trọng vì doanh nghiệp muốn xác lập được thị trường ở nước ngoài thì phải có chiến lược tiếp cận và có kế hoạch về nhãn hiệu độc quyền tại thị trường đó. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài mà chỉ chú trọng đến tiếp thị, bán hàng. Để thành công, các doanh nghiệp phải quan tâm giải quyết nhiều vấn đề, trong đó không thể bỏ qua hay xem nhẹ việc bảo hộ nhãn hiệu do vai trò của nó đối với các hoạt động kinh doanh và với chính doanh nghiệp như một loại tài sản trí tuệ có giá trị. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến việc bảo hộ nhãn hiệu làm cơ sở cho các hoạt động thương hiệu của doanh nghiệp. Không ít các doanh nghiệp thờ ơ với các hiện tượng làm hàng giả, hàng nhái, chưa có những hoạt động tích cực hướng đến việc đảm bảo quyền của mình đối với nhãn hiệu, chỉ khi nhãn hiệu của mình đã bị doanh nghiệp khác hoặc các chủ thể nước ngoài chiếm đoạt mới “bừng tỉnh” để đổi mới cách tiếp cận với việc bảo hộ nhãn hiệu, còn nhiều ví dụ như trường hợp của Công ty Trung Nguyên, Tổng công ty dầu khí Việt Nam, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam...
Nhân đây cũng xin nói rõ về địa danh Buôn Mê Thuột và cà phê Buôn Mê Thuột của Việt Nam bị Trung Quốc tranh cướp thương hiệu. Đó là sự kiện thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột của tỉnh Đắk Lắk (Việt Nam) đã bị Công ty Guangzhou Buonmathuot coffee Co.Ltd (Quảng Châu - Trung Quốc) đăng ký độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc. Hiện Đắk Lắk vẫn đang trong giai đoạn khiếu kiện với Trung Quốc bởi vì phía Trung Quốc không hề có địa danh Buôn Mê Thuột và cơ sở để Việt Nam khiếu kiện là dựa vào địa danh Buôn Mê Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk của Việt Nam. Việc tranh chấp, khởi kiện đòi lại thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam có một chứng cứ căn bản, đó là tên địa danh, vùng đất được khai thác và sản xuất ra sản phẩm mang thương hiệu đó, nằm trong chỉ dẫn địa lý và trong trường hợp chúng ta đã có danh mục địa danh chính thống đã ban hành và trình nộp Liên hợp quốc thì đó là những chứng cứ có giá trị rất cao.
Chủ quyền của Việt Nam xác lập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi với những phân tích cụ thể của từng giai đoạn lịch sử:
Từ xưa, người Việt Nam đã đặt cho Hoàng Sa cái tên Nôm là Bãi Cát Vàng. Tên Cát Vàng đó được ghi trên bản đồ của Đỗ Bá Công Đạo. Người Anh Gutztlaff, trong bài Geography of Cochinchi- na trong tập san của Geographical Socity of London năm 1894 cũng gọi là Kát Vàng. Trong một bài về Việt Nam đăng trên tờ báo của Hội Á Châu tại xứ Bengale năm 1837, Giám mục J.L. Taberd cũng gọi bằng tên Nôm Cát Vàng. Dubois De Jancigny, trong một cuốn sách xuất bản năm 1850 nói rõ người Việt Nam gọi Paracels là Cát Vàng. Sau này, do xu hướng Hán hóa người ta mới dịch là Hoàng Sa (vẫn nghĩa là Cát Vàng).
Đến đời các vua Nguyễn, Nhà nước phong kiến Việt Nam chiếm hữu và quản lý Hoàng Sa bằng một đơn vị do Nhà nước thành lập. Như vậy Nhà nước phong kiến Việt Nam đã chiếm hữu thật sự các đảo Hoàng Sa mà phái đoàn Kergariou – Locmaria năm 1787 – 1788 sau này khám phá ra gồm hai quần đảo riêng biệt cách nhau 500 km: quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và quần đảo Spratly (Trường Sa).
Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư viết:
…“Giữa biển có một dải dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển”.
Bãi Cát Vàng được vẽ đối diện huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa, xa Cù Lao Ré mãi ngoài khơi.
Ngay sau khi được phát hiện, Bãi Cát Vàng đã được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là Phủ Quảng Nghĩa.
Tất cả các sách sử chính thức của Nhà nước do Quốc Sử Quán soạn đều nói đến Hoàng Sa.
Đại Nam thực lục tiền biên (1844) về đời các Chúa Nguyễn viết:
…“Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Nghĩa có hơn 130 cồn cát, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài canh. Chiều dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa, trên có giếng nước ngọt, sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba…”.
Đại Nam thực lục chính biên (1848) về các vua Nguyễn viết:
…“Dải Hoàng Sa trong hải quân Quảng Nghĩa, xa trông trời nước một mầu không phân biệt được nông hay sâu…”. Lại viết:
…“Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực biển nước ta, rất là hiểm yếu…”. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ viết từ năm 1843 đến năm 1851 ghi chép những việc làm của triều đình thuộc lục bộ khẳng định:
…“Hoàng Sa thuộc khu vực ngoài biển rất là hiểm yếu”.
Đại Nam Nhất thống chí soạn từ năm 1865 đến 1882 (sau có chỉnh lý) là bộ sách địa lý chính thức của nước Việt Nam soạn theo chỉ thị của vua Tự Đức. Quyển 6 về tỉnh Quảng Nghĩa viết:
…“Phía Đông có đảo cát nằm ngang (Hoàng Sa đảo) liền với biển xanh làm hào che, phía Tây khống chế vùng Sơn Man có lũy đá dài chồng chất giữ cho vững vàng, phía Nam kề bên tỉnh Bình Định, có sườn núi Bến Đá làm mũi chặn ngang, phía Bắc tiếp giáp tỉnh Quảng Nam, có Ghềnh Sa có thể làm giới hạn”.
“...Ở phía Đông đảo Lý (tức Cù Lao Ré) huyện Bình Sơn, từ bờ biển Sa Kỳ chạy ra khơi, thuận gió 3, 4 ngày đếm có thể đến. Trên đảo nhiều núi la liệt tất cả hơn 130 ngọn, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài canh. Giữa đảo có bãi Hoàng Sa (Cát Vàng) bề dài kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý Trường Sa, trên bãi có giếng nước ngọt, hải điểu tụ tập nhiều, không biết bao nhiêu mà kể, sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba, hàng hóa đồ vật của các thuyền bị phong nạn cũng tụ tập ở đó...”.
Từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, nhiều vị đại thần, có người là thành viên hay tổng tài Quốc sử quán của triều đình nhà Nguyễn, đã viết về Hoàng Sa.
Năm 1776, nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn khi đó làm Hiệp trấn Thuận Hóa, đã viết trong bộ sách lớn Phủ biên tạp lục:
“...Ở ngoài Cù Lao Ré (cách bờ biển độ 4 canh – tác giả) có đảo Đại Trường Sa ngày trước nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán các nơi, nên Nhà nước có thiết lập một đội Hoàng Sa để thu nhận các hải vật. Người ta phải đi 3 ngày đêm mới đến được Đại Trường Sa ấy, như thế là đảo Đại Trường Sa đã đến gần xứ Bắc Hải...”.
Năm 1821, Phan Huy Chú, một nhà nho nổi tiếng uyên bác, đã giữ nhiều chức vụ quan trọng: từng là biên tu Quốc sử quán, đã viết trong bộ sách lớn Lịch triều hiến chương loại chí một đoạn dài về Hoàng Sa, từ địa thế, sản vật đến tổ chức đội Hoàng Sa. Về địa thế, ông viết:
“...Ở đây (tức Phủ Tư Nghĩa – tác giả), vật lực phong phú, lúa gạo không xiết kể, vàng bạc, cây gỗ, châu báu, trầm hương, tức hương đều rất tốt, voi ngựa chăn nuôi cũng rất nhiều. Lại có đảo lớn, đảo nhỏ ở ngoài biển, cảnh vật sinh tốt, báu kỳ, vật lạ phần nhiều ở nơi này vậy (Thôn An Vĩnh thuộc huyện Bình Dương, sau đổi là Bình Sơn – tác giả). Ở ngoài biển, có hòn đảo lớn nhiều núi linh tinh hơn 130 ngọn, từ trong núi ra biển, ước đầy một ngày đường hoặc vài canh… ra khơi 3 ngày 3 đêm mới đến đảo này...”.
Năm 1876, Nguyễn Thông, một đại nhân được cử duyệt bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đã viết cuốn Việt sử cương giám khảo lược về lịch sử và địa lý lịch sử Việt Nam. Ông viết về Hoàng Sa:
…“Vạn lý Trường Sa: từ đảo Lý (tục gọi là Ngoại Lao, người Trung Quốc gọi là Ngoại La) tức Cù Lao Ré đi thuyền về phía Đông ba ngày thì đến”.
Người Trung Quốc không nói phát hiện mà chỉ nói biết có “Tây Sa” và “Nam Sa”, còn người Việt Nam không những biết mà thật sự phát hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Người Trung Quốc không chỗ nào nói tới chiếm hữu các quần đảo Nam Hải mà chỉ nói biết có, còn người Việt Nam nói chiếm hữu và khai thác, quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặc dù phía Trung Quốc đã viện dẫn nhiều sách cổ từ đời Tam Quốc (220 – 265 sau Công nguyên) đến ngày nay, chủ yếu là từ các triều đại sau này. Chỉ có một vài tài liệu có thể coi là chính thức, còn lại là những sách của các nhà văn, nhà hàng hải viết (tường thuật hành trình biển, địa chí, địa lý). Tất cả các tư liệu đó đều nói người Trung Quốc từ xa xưa đã biết có những Cửu Nhũ Loa Châu, Thạch Đường, Thiên lý Thạch Đường, Vạn lý Thạch
Đường, Trường Sa, Thiên lý Trường Sa, Vạn lý Trường Sa. Họ giải thích những tên đó tương ứng với các quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa của Việt Nam), “Nam Sa” (Trường Sa của Việt Nam), Đông Sa, Trung Sa ngày nay, tuy rằng việc phân biệt trong các tên đó cái nào là “Tây Sa”, cái nào là “Nam Sa” chưa giải quyết được một cách rõ ràng trên cơ sở khoa học. Trong vụ Palmas có một đảo mà cũng có tới 4 tên và trọng tài Huber cũng phải đặt vấn đề trước hết xác minh tên đảo. Huống chi ở đây có rất nhiều tên, nhiều đảo, việc xác minh tên và vị trí các đảo nhất thiết phải có nhưng không phải dễ. Nếu chỉ nhìn thấy đất, không có một hành động nào dù là tượng trưng để chiếm hữu, hoặc chỉ nghe nói thôi mà không có một hành động tiếp theo thì không thể tạo ra một danh nghĩa chủ quyền. Tạo ra quyền chưa đủ, còn phải duy trì quyền đó. Tạo ra quyền và duy trì quyền là hai vấn đề khác nhau. Dù cho rằng các tên đó thật sự tương ứng với các tên “Tây Sa”, “Nam Sa” ngày nay thì điều đó cũng không có ý nghĩa về mặt xem xét chủ quyền vì nhân dân Trung Quốc chỉ biết mà không phát hiện, và hai từ đó thể hiện hai khái niệm khác nhau với những hệ quả khác nhau. Đã không phát hiện và không chiếm hữu thì những yếu tố đầu tiên của việc xác lập chủ quyền lãnh thổ rõ ràng không có.
Về khoảng thời gian từ đời Tam Quốc đến năm 1909, hơn 16 thế kỷ, phía Trung Quốc chỉ đưa ra được ba “sự kiện” để chứng tỏ họ đã “thực hiện chủ quyền”: đời Tống đã “đi tuần biển” vùng “Tây Sa” (tức Hoàng Sa của Việt Nam), việc “đo đạc” thiên văn ở phía Nam Hải Nam và tướng Ngô Thăng “đi tuần biển” vùng “Tây Sa” (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Sự kiện thứ nhất chỉ là sự xuyên tạc Vũ Kinh Tổng yếu vì cuốn sách chỉ nói hành trình từ Quảng Châu đi Ấn Độ Dương qua Cửu Nhũ Loa Châu. Đời Nguyên, cương vực của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam; việc đo đạc thủy văn ở đây là “quá” đảo Hải Nam, nghĩa là ngoài cương vực của Trung Quốc. Sự kiện thứ ba là “cuộc đi tuần” của tướng Ngô Thăng chung quanh đảo Hải Nam, hoàn toàn không phải là đi tuần đến Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là “Tây Sa”). Cần nhấn mạnh một lần nữa là Trung Quốc không đưa ra được sự kiện nào về Trường Sa (Trung Quốc gọi là “Nam Sa”) gọi là có giá trị; không thể biến cuộc viễn chinh xâm lược của tướng Mông Cổ Sử Bật thành cuộc “tuần tiễu vùng biển “Nam Sa”. Ba sự kiện trên quá nghèo nàn cho một thời gian dài, lại chỉ về Hoàng Sa thôi.
Cho đến năm 1909 có thể khẳng định được rằng Trung Quốc không lần nào phản kháng Việt Nam chiếm hữu, quản lý và khai thác Hoàng Sa, thậm chí còn mặc nhiên thừa nhận việc đó. Câu trả lời của nhà cầm quyền Quảng Đông nhân vụ tàu Bellona và tàu Imezi Maru phản ánh đúng sự thật là Hoàng Sa không phải là của Trung Quốc.
Trước khi Định ước chung Berlin năm 1885 đề ra nguyên tắc chiếm hữu thật sự, việc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ cũng đã nêu ra hai yếu tố: yếu tố vật chất (corpus) tức là sự phát hiện và yếu tố ý chí (animus). Việc phát hiện phải là kết quả của những sự kiện theo một bản chất nào đó là xuất phát từ những nhà chức trách cụ thể.
Trọng tài Max Huber đã nói:
…“Ở thế kỷ XIX, do phần lớn các phần trên thế giới đều được đặt dưới chủ quyền của những quốc gia thành viên của Cộng đồng các quốc gia và các lãnh thổ vô chủ đã trở thành tương đối hiếm, luật quốc tế coi trọng một xu hướng đã có và đặc biệt phát triển từ giữa thế kỷ XVIII và đề ra nguyên tắc việc chiếm hữu, muốn đi tới chủ quyền lãnh thổ, phải thật sự, nghĩa là có những bảo đảm nào đó đối với các quốc gia khác và dân của họ”.
Tất nhiên mức độ thật sự đòi hỏi trong thời kỳ này không gắt gao như các điều khoản của Định ước Berlin sau này đòi hỏi.
Phát hiện tiếp theo đó là chiếm hữu thật sự đi cùng với ý chí hành động như người làm chủ, đó là ba điều cần có để có một danh nghĩa chủ quyền, và đó cũng là ba điều mà Trung Quốc không có.
Ít nhất từ thế kỷ XVII Nhà nước phong kiến Việt Nam đã phát hiện Bãi Cát Vàng tức Hoàng Sa trong Biển Đông và đã tổ chức đội Hoàng Sa, đã khai thác và quản lý các đảo.
Các tiêu chuẩn thời bấy giờ về việc xác lập chủ quyền của nước Việt Nam đối với một đất vô chủ (res nullius) là đầy đủ.
Quần đảo đã được phát hiện và tiếp liền việc phát hiện là ý chí chiếm hữu và làm chủ của Nhà nước dưới hình thức thành lập một tổ chức Nhà nước vừa quản lý vừa khai thác Hoàng Sa. Danh nghĩa chủ quyền đối với Hoàng Sa được khẳng định, duy trì và củng cố ít nhất từ thời các Chúa Nguyễn đến khi Pháp thiết lập chế độ bảo hộ năm 1884.
Đội Hoàng Sa là một mô hình tổ chức Nhà nước thời các Chúa Nguyễn, có nguyên tắc tổ chức và hoạt động rõ rằng. Nói chung mỗi năm đội ra Hoàng Sa hoạt động 6 tháng liên tục. “Tuy về nguyên tắc phải liên tục, chủ quyền không thể được thực hiện trên thực tế, mọi lúc, mọi điểm của lãnh thổ. Sự gián đoạn và sự đứt quãng đều phù hợp với việc duy trì quyền nhưng nhất thiết khác nhau tùy theo là những vùng có dân cư hay không có dân cư, hay là những vùng được bao quanh bởi những lãnh thổ có một chủ quyền không tranh cãi được, hoặc cuối cùng là những vùng có thể tới được chẳng hạn từ biển cả”.
Những nơi không có điều kiện ở liên tục như vùng Bắc Cực hay Nam Cực quá lạnh thì việc chiếm hữu liên tục thực tế là không thể được, đó là quan điểm đã được chấp nhận trong vụ Greenland Đông. J.P.Ferrier còn thêm yếu tố chu kỳ do hoặc là gió mùa tiếp nối nhau hoặc thời hạn hợp đồng hoặc thời vụ. Thậm chí những sự đứt quãng nhiều năm đã không được coi là “không phù hợp với việc duy trì quyền” chủ quyền của Hà Lan trong vụ Palmas.
Sự liên tục thực hiện chủ quyền của Nhà nước phong kiến Việt Nam không phải tính từng năm mà còn từ năm này qua năm khác suốt trong ba thế kỷ. Cho đến thời kỳ thuộc địa:
1. Hoàng Sa đã được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là phủ Quảng Nghĩa sau đổi là tỉnh Quảng Nghĩa như các sách sử và địa lý chính thức của Quốc Sử quán các Triều đình đã ghi rõ.
2. Từ đời vua Minh Mệnh, trong khuôn khổ kế hoạch làm “Địa bạ Gia Long” kéo dài từ 1805 đến 1836, đã liên tiếp phái đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa vẽ bản đồ, đo đạc thủy trình.
3. Ý thức được trách nhiệm của nước mình trong cộng đồng các quốc gia, vua Minh Mệnh năm 1833 đã lệnh cho đội Hoàng Sa trồng nhiều cây trên các đảo của Hoàng Sa để các tàu dễ nhận biết từ xa các đảo, do đó tránh được nạn đắm tàu. Từ các Chúa Nguyễn đến Vua Nguyễn, Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần cứu hộ các tàu bị tai nạn ở Hoàng Sa, giúp đỡ lương thực, thuốc men cho những người sống sót. Nói theo Max Huber, như thế là có “những bảo đảm nào đó cho các quốc gia khác và dân các nước đó”.
4. Suốt trong mấy trăm năm không hề có sự phản đối của các nước láng giềng trực tiếp, trước hết là Trung Quốc, của Philippin hay Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, những nước khi đó đang đi chiếm thêm thuộc địa ở Đông Nam Á. Thậm chí Trung Quốc có lần mặc nhiên công nhận đội Hoàng Sa, lại có lần nói rằng Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc. Đó là sự chấp nhận việc chiếm hữu Hoàng Sa của Việt Nam, là sự từ bỏ yêu sách của mình.
…“Sự củng cố (danh nghĩa) có thể áp dụng với những lãnh thổ mà trước đó việc quy thuộc về một quốc gia khác không thể xác lập được và có thể thụ đắc được, không phải chỉ bằng bản thân việc chấp nhận thật sự, mà dễ dàng hơn bằng sự thiếu phản đối kéo dài tương đối từ phía các quốc gia hữu quan đối với việc chiếm hữu”…
Từ năm 1884, với việc ký Hiệp ước thiết lập chế độ bảo hộ của Pháp, tình hình Nhà nước Việt Nam có một sự thay đổi cơ bản: Nước Pháp thay mặt Việt Nam trong quan hệ đối ngoại. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn tồn tại nhưng điểm mới là việc bảo vệ nó chuyển sang Chính phủ Pháp “nhân danh nước Việt Nam”.
Tóm lại, cho đến năm 1909 danh nghĩa lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với việc xác lập chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự thật không thể tranh cãi được.
2. Từ năm 1909 đến nay
Năm 1909, sự kiện đô đốc Lý Chuẩn, theo lệnh của Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm (Ile Boisée) đánh dấu sự thay đổi đột ngột thái độ của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa: Trung Quốc muốn khẳng định cái gọi là chủ quyền của họ đối với đảo này mà mới cách đấy 10 năm họ đã coi không phải là của Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu việc Trung Quốc bắt đầu tranh cãi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
1. Cho đến nay, sau hơn một thế kỷ, tình hình cuộc tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa đã mở rộng ra quần đảo Trường Sa và phát triển phức tạp trong một bối cảnh quốc tế phức tạp sau hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc chiến tranh lạnh. Gạt bối cảnh quốc tế chung ra một bên, chỉ xét những sự kiện liên quan tới cuộc tranh chấp quần đảo thì tình hình nội bộ một số nước có liên quan và tình hình quốc tế đã dẫn tới những vấn đề thừa kế quốc gia và thay đổi thành phần các bên tranh chấp.
- Các quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đã dẫn tới việc chia sẻ trách nhiệm về phía người Việt Nam quản lý Hoàng Sa, Trường Sa; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cuối cùng là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi nước Việt Nam được thống nhất.
- Tại Trung Quốc, ba Chính phủ kế tiếp nhau: Nhà Thanh, Trung Hoa dân quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đài Loan vẫn tồn tại và giữ nguyên yêu sách của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thực tế đang chiếm giữ đảo Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa.
- Nhiều bên trong cuộc tranh chấp hai quần đảo đã chấm dứt yêu sách, rút khỏi cuộc tranh chấp trong khi đó lại xuất hiện những bên mới: Pháp đã trả lãnh thổ Việt Nam cho Việt Nam, Nhật Bản đã rút quân khỏi hai quần đảo và cam kết từ bỏ mọi quyền, mọi danh nghĩa và mọi đòi hỏi với hai quần đảo Paracels và Spratly, Anh đã tuyên bố không tranh chấp gì về Trường Sa, ngược lại từ những năm 1970, Philippin rồi Malaysia đã chiếm một số đảo, bãi trong quần đảo Trường Sa. Riêng Philippin đòi cả quần đảo Trường Sa trừ đảo Trường Sa. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sau khi đã chiếm quần đảo Hoàng Sa lại tiến xuống phía Nam chiếm một số bãi, kiểm soát một số vùng biển trong quần đảo Trường Sa.
Thực tế hiện nay đã nảy ra hai vấn đề:
- Vấn đề quần đảo Hoàng Sa trở thành vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc (kể cả Đài Loan).
- Vấn đề quần đảo Trường Sa trở thành vấn đề đa phương giữa Việt Nam và ba nước khác: Trung Quốc (kể cả Đài Loan), Philippin, Malaysia.
2. Như trên đã phân tích, từ 1909 cuộc tranh chấp về Hoàng Sa chỉ liên quan tới Pháp và Việt Nam (mà Pháp đại diện từ 1884) và Trung Quốc là nước duy nhất khi đó tranh cãi chủ quyền của Pháp và Việt Nam. Khi đó, sự thụ đắc chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được hoàn thiện, hai quần đảo đó đã là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam. Cuộc đổ bộ lên đảo Phú Lâm của đô đốc Lý Chuẩn chỉ có thể coi là sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Chính phủ Pháp đã ba lần, năm 1932, năm 1937 và năm 1947, đề nghị với Chính phủ Trung Quốc lựa chọn hoặc là một giải pháp hữu nghị hoặc là một giải pháp trọng tài, nhưng Chính phủ Trung Quốc khước từ cả ba đề nghị.
Việc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng hai đợt và chiếm một số bãi đá trong quần đảo Trường Sa, tiến hành cải tạo trái phép một số đảo, bãi đá trong quần đảo Trường Sa từ năm 1988 đến nay đã đánh dấu một sự tranh chấp ngày càng diễn ra nghiêm trọng.
Hiến chương Liên hợp quốc từ năm 1945 đã cấm việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực chống lại độc lập chính trị và độc lập lãnh thổ của các quốc gia (Điều 2 và các Khoản có liên quan).
Trên cơ sở nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và nguyên tắc các dân tộc tự quyết, năm 1970, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bản Tuyên bố liên quan tới các nguyên tắc của Luật quốc tế về các quan hệ hữu nghị và sự hợp tác giữa các quốc gia theo đúng Hiến chương Liên hợp quốc (Nghị quyết 26/25):
…“Mọi quốc gia phải tránh gây mọi hành động nhằm phá vỡ một phần hay toàn phần sự thống nhất lãnh thổ và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác hay một nước khác”.
…“Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự thụ đắc bởi một quốc gia khác đi liền với việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Không một sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng đe dọa sử dụng vũ lực hay vũ lực sẽ được công nhận là hợp pháp”.
…“Mọi quốc gia có nghĩa vụ tránh sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực để xâm phạm các biên giới quốc tế đang có của một quốc gia khác, hay làm phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan tới các biên giới các quốc gia”.
Việc sử dụng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số bãi và đá trong quần đảo Trường Sa không thể coi là hợp pháp do đó không thể tạo ra chủ quyền lãnh thổ.
3. Trong thời gian từ 1909 cho đến khi rút khỏi Đông Dương năm 1956, Pháp có một thời gian ngắn còn tỏ vẻ dè dặt trong lúc công cuộc bình định Bắc Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, chưa đủ sức vươn ra quần đảo xa, lại cũng chưa thật sự hiểu danh nghĩa Việt Nam là vững vàng, cho nên không phản ứng kịp thời về cuộc hành quân của đô đốc Lý Chuẩn. Nhưng sau đó, từ tuần tra, khảo sát đến lập đơn vị hành chính, cho quân ra đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa, nhà cầm quyền Đông Dương ngày càng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Đối với quần đảo Trường Sa, Pháp đã cho lực lượng vũ trang chiếm hữu quần đảo này nhân danh Việt Nam và chính thức thông báo cho các quốc gia khác. Hành động này càng củng cố thêm danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Về phía Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, người có trách nhiệm quản lý miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào, qua con đường ngoại giao cũng như bằng hành động vũ trang, đã kiên quyết chống lại việc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Có một điều rõ ràng là nhà cầm quyền Việt Nam của cả hai miền chưa hề lần nào tuyên bố từ bỏ danh nghĩa chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc Pháp không phản ứng với cuộc hành quân của đô đốc Lý Chuẩn là tiêu cực, nhưng điều đó cũng rõ ràng là Pháp không hề một lần công nhận chủ quyền của Trung Quốc hay tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo và cho đến khi rút khỏi Đông Dương vẫn chiếm giữ các đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngay cả khi Pháp im lặng trước hành động nào đó của Trung Quốc thì chủ quyền của Việt Nam vẫn tồn tại. Khi có điều kiện, những nhân vật có trách nhiệm trong Chính phủ quốc gia của Hoàng đế Bảo Đại cũng ba lần tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo đó: Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề, Đổng lý văn phòng của Hoàng đế Bảo Đại Bửu Lộc, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu.
Người ta chỉ coi một lãnh thổ bị người chủ bỏ (abandonné) khi nào cả hai yếu tố vật chất (corpus) và ý chí (animus) làm nên chủ quyền đều thiếu cả.
…“Về mặt luật quốc tế, tình trạng bỏ (dereliction) là kết quả của hai yếu tố: về bình diện vật chất, thiếu một sự cai quản thật sự trên lãnh thổ liên quan; trên bình diện tâm lý, ý định bỏ lãnh thổ đó”.
“Từ những tiền đề đó sinh ra hệ quả là đảo Clipperton đã được nước Pháp thụ đắc một cách hợp pháp ngày 17-11-1858. Không có một cớ nào để cho rằng nước Pháp về sau sẽ mất quyền của mình do dereliction, vì nước Pháp không hề bao giờ có animus (ý chí) bỏ đảo về việc nước Pháp không thực hiện chủ quyền của mình một cách tích cực không dẫn tới việc truất bỏ một sự thụ đắc đã hoàn thiện dứt khoát".
…“Việc không thật sự chiếm hữu đảo không có tác động gì đến các danh nghĩa đó, vì để mất chủ quyền từ bỏ sự hưởng thụ chưa đủ mà còn phải từ bỏ animus possidenti” (ý định sở hữu).
Trong thời kỳ Pháp thuộc, Chính phủ Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ những năm 1925 và 1927, Pháp đã tổ chức điều tra trên Hoàng Sa và duy trì tuần tra trên quần đảo. Liên tục trong các năm 1930-1933, Pháp đã đưa quân đội ra đóng ở quần đảo Trường Sa. Tiếp đó để tiện quản lý năm 1933, Pháp đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa (Nam Kỳ) và đến năm 1938 đã thành lập đơn vị hành chính ở Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Bên cạnh các hoạt động đó, Pháp còn cho đặt cột mốc, xây hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện trên hai quần đảo. Trong quan hệ quốc tế, Pháp đã nhiều lần lên tiếng phản đối các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 14-10-1950, Pháp chính thức trao việc quản lý quần đảo Hoàng Sa cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Tại Hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951, đại diện Chính phủ Việt Nam đã khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo mà không gặp phải bất cứ sự phản đối nào của các quốc gia tham dự hội nghị. Về hành chính từ năm 1956, chính quyền Sài Gòn quyết định quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy và năm 1961 chuyển quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Thừa Thiên vào tỉnh Quảng Nam.
Cùng với việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 4 năm 1975, Hải quân Việt Nam đã giải phóng các đảo do quân đội chính quyền Sài Gòn đóng giữ: Đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn và An Bang; Đồng thời Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Liên tục từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và Việt Nam có đầy đủ bằng chứng chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Về quản lý hành chính năm 1982, Chính phủ đã quyết định thành lập huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Đồng Nai và huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính hiện nay Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Tháng 4 năm 2007, để hoạt động quản lý hành chính hiệu quả hơn, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định thành lập thị trấn Trường Sa và hai xã Song Tử Tây và Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa.
So sánh với danh nghĩa của Trung Quốc, danh nghĩa của Việt Nam hơn hẳn. Như vậy chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thụ đắc một cách hợp pháp và Việt Nam là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu, quản lý hai quần đảo một cách liên tục, hòa bình và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, thực hiện thật sự và hòa bình trong mấy trăm năm liên tục. Địa danh Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa) ngày nay vẫn tiếp tục được chuẩn hóa trên bản đồ Việt Nam.
Vịnh Hạ Long nghĩa là vịnh nơi rồng đáp xuống. Tên gọi Hạ Long đã thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử. Thời Pháp thuộc khu vực này được gọi là Lục Châu, Lục Hải. Thời Lý – Trần – Lê thì gọi là Hoa Phong, Hải Đông, An Bang, Vân Đồn, Ngọc Sơn, Lục Thủy. Tên Vịnh Hạ Long mới xuất hiện trong một số thư tịch và các bản đồ hàng hải của Pháp từ cuối thế kỷ 19(1). Đây là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn.
Một số những thắng cảnh nổi tiếng ở Vịnh Hạ Long
Hình ảnh vịnh Hạ Long với muôn vàn hòn đảo được ví như vô số châu ngọc đàn rồng phun ra. Truyền thuyết về vịnh Hạ Long kể rằng: Vịnh Hạ Long có từ xa xưa do những kiến tạo địa chất. Tuy nhiên, trong tâm thức của người Việt từ thời tiền sử với trí tưởng tượng dân gian và ý niệm về cội nguồn con Rồng cháu Tiên, một số truyền thuyết cho rằng khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm, Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa và nhấn chìm thuyền giặc. Sau thấy phong cảnh tươi đẹp, đàn Rồng đã ở lại và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển, như bức tường thành vững chắc chặn bước tiến của thuyền chiến giặc.
Cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau đã níu giữ Rồng Mẹ và Rồng Con mãi mãi ở lại hạ giới. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay, với bãi cát dài trên 15km).
Lại có truyền thuyết khác nói rằng vào thời kỳ nọ khi đất nước có giặc ngoại xâm, một con rồng đã bay theo dọc sông xuôi về phía biển và hạ cánh xuống ở vùng ven biển Đông Bắc làm thành bức tường thành chắn bước tiến của thủy quân giặc. Chỗ rồng đáp xuống che chở cho đất nước được gọi là Hạ Long.
Là một vịnh nhỏ, bộ phận của vịnh Bắc Bộ, vịnh Hạ Long được giới hạn với phía Đông Bắc giáp vịnh Bái Tử Long; phía Tây Nam giáp quần đảo Cát Bà; phía Tây và Tây Bắc giáp đất liền bằng đường bờ biển khoảng 120km kéo dài từ huyện Yên Hưng, qua thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả đến hết huyện đảo Vân Đồn; phía Đông Nam và phía Nam hướng ra vịnh Bắc Bộ. Trong diện tích 1.553km² gồm vùng lõi và vùng đệm, nằm tại các tọa độ từ 106°58’-107°22’ Đông và 20°45’-20°50’ Bắc, vịnh Hạ Long bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa được đặt tên.
Từ hơn 500 năm về trước trong bài thơ Lộ nhập Vân Đồn, Nguyễn Trãi đã lần đầu tiên ca ngợi vịnh Hạ Long là “kỳ quan đá dựng giữa trời cao”9 . Năm 1962 Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam đã xếp hạng vịnh Hạ Long là di tích danh thắng cấp Quốc gia đồng thời quy hoạch vùng bảo vệ. Năm 1994 vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị thẩm mỹ (tiêu chuẩn vii), và được tái công nhận lần thứ 2 với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo (tiêu chuẩn viii) vào năm 2000. Cùng với vịnh Nha Trang và vịnh Lăng Cô của Việt Nam, vịnh Hạ Long là một trong số 29 vịnh được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới xếp hạng và chính thức công nhận vào tháng 7 năm 2003.
Vịnh Hạ Long cùng với đảo Cát Bà tạo thành 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam. Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo có khí hậu phân hóa 2 mùa rõ rệt: mùa hạ nóng ẩm với nhiệt độ khoảng 27 - 29°C và mùa đông khô lạnh với nhiệt độ 16 - 18°C, nhiệt độ trung bình năm dao động trong khoảng 15 - 25°C. Trong số 1.969 đảo của Hạ Long hiện nay chỉ có khoảng 40 đảo là có dân sinh sống, những đảo này có qui mô từ vài chục đến hàng ngàn hecta tập trung chủ yếu ở phía Đông và Đông Nam vịnh Hạ Long. Mấy chục năm gần đây, nhiều vạn chài sống trôi nổi trên mặt nước, bắt đầu lên một số đảo định cư biến những đảo hoang sơ trở thành trù phú như đảo Sa Tô (thành phố Hạ Long), đảo Thắng Lợi (huyện đảo Vân Đồn). Dân số trên vịnh Hạ Long hiện nay khoảng 1.540 người, tập trung chủ yếu ở các làng đánh cá Cửa Vạn, Ba Hang, Cặp Dè (thuộc phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long). Cư dân vùng Vịnh phần lớn sống trên thuyền, trên nhà bè để thuận tiện cho việc đánh bắt, nuôi trồng và lai tạo các giống thủy sản, hải sản. Ngày nay đời sống của cư dân Vịnh Hạ Long đã phát triển do kinh doanh dịch vụ du lịch.
Các đảo trên vịnh Hạ Long có những hình thù riêng, không giống bất kỳ hòn đảo nào ven biển Việt Nam và không đảo nào giống đảo nào. Có chỗ đảo quần tụ lại nhìn xa ngỡ chồng chất lên nhau, nhưng cũng có chỗ đảo đứng dọc ngang xen kẽ nhau, tạo thành tuyến chạy dài hàng chục kilômét như một bức tường thành. Đó là một thế giới sinh linh ẩn hiện trong những hình hài bằng đá đã được huyền thoại hóa: Đứng giữa biển nước bao la là một lư hương khổng lồ như một vật cúng tế trời đất (hòn Lư Hương); đảo khác lại tựa như nhà sư đứng giữa mặt vịnh bao la chắp tay niệm Phật (hòn Ông Sư); có đảo hình tròn cao khoảng 40m trông như chiếc đũa phơi mình trước thiên nhiên (hòn Đũa), mà nhìn từ hướng khác lại giống như vị quan triều đình áo xanh, mũ cánh chuồn, nên dân chài còn gọi là hòn Ông. Có đảo thì giống khuôn mặt ai đó đang hướng về đất liền (hòn Đầu Người); đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước (hòn Rồng); đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá (hòn Lã Vọng); phía xa là hai cánh buồm nâu đang rẽ sóng nước ra khơi (hòn Cánh Buồm); có đảo lại lúp xúp như mâm xôi cúng (hòn Mâm Xôi); rồi hai con gà trống - mái đang âu yếm vờn nhau trên sóng nước (hòn Trống Mái)...
Bên cạnh các đảo được đặt tên căn cứ vào hình dáng, là các đảo khác được đặt tên theo sự tích dân gian (núi Bài Thơ, hang Trinh Nữ, đảo Tuần Châu), hoặc căn cứ vào các đặc sản có trên đảo hay vùng biển quanh đảo (hòn Ngọc Vừng, hòn Kiến Vàng, đảo Khỉ v.v.). Dưới đây là một vài hòn đảo, hang động nổi tiếng:
Hòn Trống Mái: Là một trong những hòn đảo nổi tiếng trên vịnh Hạ Long, hòn Trống Mái nằm gần hòn Đỉnh Hương ở phía Tây Nam của vịnh, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 5km. Đây là cụm gồm 2 đảo có hình thù giống như một đôi gà, một trống một mái, có chiều cao khoảng hơn 10m với chân thót lại ở tư thế rất chênh vênh. Là biểu tượng trên logo của vịnh Hạ Long, hòn Trống Mái cũng là biểu tượng trong sách hướng dẫn du lịch Việt Nam nói chung.
Hòn Trống MáiHòn Con Cóc: Nằm cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 12km về phía Đông Nam, trên vùng vịnh Hạ Long. Đây là hòn núi đá rất đẹp có góc nghiêng và hình dáng như một con cóc ngồi xổm giữa biển nước, cao khoảng 9m.
Quá trình trượt lở theo mặt lớp đá vôi đã tạo nên hòn Con Cóc
Đảo Tuần Châu: Nằm cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 4km về phía Tây Nam trên vùng vịnh Hạ Long. Đảo Tuần Châu là một đảo đất rộng khoảng 3km², gần bờ, có làng mạc và dân cư thưa thớt. Trước kia trên đảo các nhà khoa học đã tìm được nhiều di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Hạ Long. Từ năm 2001, một con đường lớn đã được xây dựng nối đảo với đất liền. Một tổ hợp dịch vụ vui chơi, giải trí, quần thể khách sạn, nhà hàng và bãi tắm sang trọng được xây dựng, đưa vào phục vụ góp phần làm thay đổi bộ mặt của Hạ Long từ năm du lịch 2003 tới nay.
Đảo Tuần Châu – Vịnh Hạ Long
Đảo Ngọc Vừng: Nằm cách cảng tàu du lịch khoảng 34km, thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, có đặc điểm là một trong số ít đảo đất trên vùng vịnh Hạ Long. Xung quanh đảo có nhiều bãi biển đẹp, có núi Vạn Xuân cao 182m và có di chỉ khảo cổ thuộc văn hoá Hạ Long rộng 45.000m². Đảo Ngọc Vừng rộng 12km², có người ở, có bến cảng cổ Cống Yên thuộc hệ thống thương cảng cổ Vân Ðồn từ thế kỷ 11, và có di tích thành cổ nhà Mạc, thành nhà Nguyễn. Phía đông của đảo có bãi cát dài tới hàng kilômét với cát trắng trải ra tới tận bến tàu. Khu vực này tương truyền trước kia có nhiều ngọc trai, đêm đêm phát sáng cả một vùng trời biển, nên có một số đảo mang tên đảo Ngọc như đảo Ngọc Vừng (ngọc phát sáng), hay Minh Châu (ngọc châu, ngọc sáng). Trước kia cư dân trên đảo sống bằng nghề đánh bắt hải sản và khai thác ngọc trai. Ngày nay cư dân ở đây vẫn còn mò trai lấy ngọc, đồng thời nghề nuôi trai lấy ngọc cũng đang phát triển mạnh.
Đảo Ngọc Vừng: Hòn đảo đẹp giữa lòng Quảng Ninh
Đảo Ti Tốp: Thời Pháp thuộc mang tên hòn Cát Nàng, nằm trên khu vực vịnh Hạ Long cách Bãi Cháy chừng 14km về phía Đông. Đảo được đặt tên Ti Tốp từ khi Bác Hồ đến thăm vịnh Hạ Long cùng với nhà du hành vũ trụ người Nga Gherman Titov, vào năm 1962. Đảo Ti Tốp có bờ dốc đứng và bãi cát trắng phẳng hình vầng trăng nằm dưới chân. Các tour du lịch thường ghé tàu vào đảo để du khách lên bờ leo núi ngắm toàn cảnh vùng vịnh, tắm biển, chèo thuyền kay-ắc, kéo phao và kéo dù.
Đảo Ti Tốp: Hòn ngọc trong lòng kỳ quan
Hang động vịnh Hạ Long cũng thật kỳ ảo, sinh động và ẩn chứa bao dấu tích của lịch sử xa xưa đầy bí ẩn. Không chỉ vì biến đổi của những đảo đá màu xanh đen trên mặt nước biếc vùng vịnh hấp dẫn du khách, trên những chiếc thuyền dơi màu nâu đỏ xuất phát từ bến tàu Hạ Long bắt đầu hành trình ngoạn cảnh, những khám phá lại tiếp tục khi du khách lên đảo, thăm thú những hang động ẩn chứa nhiều chứng tích lịch sử. Những hang động tại Hạ Long, theo các nhà thám hiểm địa chất người Pháp, khi nghiên cứu về vịnh Hạ Long đầu thế kỷ 20, khẳng định rằng hầu hết trong số chúng đều được kiến tạo trong thế Pleistocen kéo dài hàng triệu năm trước, nằm trong 3 nhóm hang ngầm cổ, hang nền carxtơ và các hàm ếch biển.
Các hang động tiêu biểu là:
Các hang động tiêu biểu ở Vịnh Hạ Long
Hang Sửng Sốt, hay động Sửng Sốt nằm trên đảo Bồ Hòn ở trung tâm vịnh Hạ Long, được người Pháp đặt tên “Grotte des sur- prises” (động của những kỳ quan). Ðây là một hang động rộng và đẹp vào bậc nhất của vịnh Hạ Long. Nằm ở vùng trung tâm du lịch của vịnh với hệ thống trong tuyến du lịch bao gồm bãi tắm Ti Tốp - hang Bồ Nâu - động Mê Cung - hang Luồn - hang Sửng Sốt. Ðường lên hang Sửng Sốt quanh co uốn lượn dưới những tán lá rừng, với những bậc đá ghép cheo leo, khúc khuỷu. Ðộng được chia làm hai ngăn chính, toàn bộ ngăn thứ nhất như một nhà hát lớn rộng thênh thang với trần hang được phủ bằng nhũ đá, những tượng đá, voi đá, hải cẩu, mâm xôi, hoa lá, mở ra một thế giới của cổ tích. Ngăn hai cách biệt với ngăn một qua một lối đi hẹp. Bước vào lòng ngăn này, động mở ra một khung cảnh mới khác lạ hoàn toàn với lòng ngăn rộng có thể chứa được hàng ngàn người. Trong lòng ngăn hai của hang Sửng Sốt có những hình tượng được gắn với truyền thuyết Thánh Gióng: cạnh lối ra vào là khối đá hình chú ngựa, thanh gươm dài và trong lòng hang có những ao hồ nhỏ như vết chân ngựa Gióng.
Hang Sửng Sốt là một hang dạng ống, nằm ở độ cao 25m so với mực nước biển hiện tại. Diện tích khoảng 10.000m2, chiều dài hơn 200m, chỗ rộng nhất 80m, khoảng cách lớn nhất từ nền tới trần hang xấp xỉ 20m. Do có cửa hang mở rộng, hang Sửng Sốt được phát hiện khá sớm trên vịnh Hạ Long (cuối thế kỷ thứ XIX). Tên của hang mãi đến năm 1946 mới được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng do một số đoàn thám hiểm đã đến đây. Năm 1999, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã đầu tư tôn tạo hang Sửng Sốt. Hệ thống đường đi, ánh sáng để du khách có thể quan sát và cảm nhận được vẻ đẹp của những khối nhũ, măng đá trong lòng hang. Ánh sáng được thiết kế phù hợp với kiến trúc hang đồng thời hài hòa với ánh sáng tự nhiên từ phía cửa hang.
Động Thiên Cung: Được phát hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước. Động nằm ở độ cao 25m so với mực nước biển, ở lưng chừng đảo Canh Độc, cách thành phố Hạ Long khoảng 8km và cách bến tàu du lịch 4km. Du khách vừa bước vào cửa động Thiên Cung, sẽ choáng ngợp trước lòng động đột ngột mở ra với không gian có chiều dài hơn 130 mét, với những măng đá như một đền đài mỹ lệ. Vách động cao và thẳng đứng được bao bọc bởi những nhũ đá và trên mỗi vách động ấy thiên nhiên đã khảm nhiều hình thù kỳ lạ, hấp dẫn người xem. Đó là là 4 cột trụ to lớn giữa động mà từ chân cột tới đỉnh đều được chạm nổi nhiều hình thù kỳ lạ như chim cá, cảnh sinh hoạt của con người, hoa lá cành; là những thạch nhũ mang hình tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, tiên nữ múa hát; là trần hang với những điêu khắc người, chim, hoa, muông thú đang dự tiệc, hoàn toàn do bàn tay nhào nặn của tạo hóa tác thành qua hàng vạn năm. Cửa động nhỏ hẹp được giấu kín trong lòng núi nhưng càng đi vào bên trong, lòng động càng mở lớn và rộng, dẫn dắt người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và bao điều bí ẩn đang chờ được du khách tiếp tục khám phá.
Hang Đầu Gỗ: cách động Thiên Cung khoảng 100m và được thông nhau bằng những lối đi quanh co, uốn lượn phía dưới những vòm xanh xôn xao của lá rừng. Từ cửa Suốt nhìn vào hòn Canh độc, người ta thấy đầu của hòn núi này nhô ra trông giống như đầu một cây gỗ nổi lập lờ trên mặt nước. Hai bên “đầu gỗ” có hai hốc lõm vào, trông tựa như “mắt gỗ” mà thợ sơn tràng thường khoét vào đầu gỗ để kéo, để lôi khi khai thác. Những cư dân vạn chài của vùng sông nước đã căn cứ vào hình dáng đó mà đặt tên cho cái hang mà họ thường lưu lại trong những ngày nghỉ ngơi, tránh mùa giông bão! Tên đảo Đầu gỗ; hang Đầu gỗ phải chăng đã được hình thành như vậy! Người Pháp khi lập bản đồ khu vực này, cứ theo lời kể của cư dân sông nước mà ghi tên thành hang “daugo”, cũng như tên “hòn đảo của những búi gai” thành “hongai” để rồi thành Hồng Gai. Cửa hang Đầu Gỗ ở lưng chừng vách núi và trong lòng hang được chia thành 3 ngăn chính. Ngăn phía ngoài hình vòm cuốn tràn ánh sáng tự nhiên, với trần hang như một bức tranh khổng lồ vẽ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ với những đàn voi, hươu sao, sư tử trong những tư thế sinh động. Phía dưới là rừng măng đá, nhũ đá với nhiều màu sắc, hình thù tùy theo trí tưởng tượng của từng người. Chính giữa lòng hang là một cột trụ đá khổng lồ hàng chục người ôm, từ phía dưới chân cột lên trên là những hình mây bay, long phi phượng vũ, hoa lá, dây leo. Qua ngăn thứ nhất, vào ngăn thứ 2 bằng một khe cửa hẹp lòng hang mở ra với ánh sáng chiếu vào mờ ảo, những bức tranh đá trở nên long lanh hơn và những chùm hoa đá lúc ẩn lúc hiện. Tận cùng hang là một chiếc giếng nước ngọt và những hình tượng bằng đá như đang diễn tả một trận hỗn chiến kỳ lạ.
Có phải vì quá yêu lịch sử chiến công của thời Trần mà người ta cố ghép tên hang “Đầu gỗ”, “Giấu gỗ” cho trận chiến Bạch Đằng năm 1288, gắn với tên tuổi của vị anh hùng Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư! Trong sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: hòn Canh Độc lưng chừng đảo có động rộng rãi chứa được vài ngàn người, gần đó có hòn Cặp Gà, Hòn Mèo, Hòn La. Động nói ở đây chính là hang “Đầu gỗ”; Động Thiên cung. Năm 1917, hang Đầu Gỗ được vua Khải Ðịnh lên thăm và cho khắc một tấm văn bia với nội dung ca ngợi cảnh đẹp của non nước Hạ Long nói chung và hang Ðầu Gỗ nói riêng. Hiện nay, tấm bia đá vẫn còn ở phía bên phải cửa động tuy chữ đã bị mài mòn.
Ngoài hai hang động trên, du khách còn tham quan hàng chục hang động đẹp và quyến rũ khác như Hang Bồ Nâu có cửa uốn vòng cung với nhũ đá buông xuống mềm mại như cành liễu; Hang Hanh cách thị xã Cẩm Phả 9km về phía tây, là một hang động đẹp và dài nhất so với các hang động hiện có trên vịnh Hạ Long, với chiều dài 1.300m chạy xuyên suốt dãy núi đá Quang Hanh ra tới biển; Hang Trinh Nữ với tảng đá hình cô gái đứng xõa mái tóc dài hướng ra biển, và đối diện với nó là hang Trống (hay hang Con Trai) với bức tượng chàng trai hóa đá quay mặt hướng về phía hang Trinh Nữ; còn có hang Tiên Long, Ba Hang, hang Luồn, động Tiên Ông, động Tam Cung, động Lâu Đài, Ba Hầm v.v. Cho đến nay vẫn chưa thể thống kê hết được tất cả hang động trên 1.969 đảo và mọi sự khám phá thú vị đang chờ đợi các du khách.
Vịnh Hạ Long là nơi tập trung đa dạng sinh học với 2 hệ sinh thái điển hình là “hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới” và “hệ sinh thái biển và ven bờ”.
Vịnh Hạ Long rất đặc trưng về hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, phong phú với tổng số loài thực vật sống trên các đảo khoảng trên 1.000 loài. Một số quần xã các loài thực vật khác nhau bao gồm các loài ngập mặn, các loài thực vật ở bờ cát ven đảo, các loài mọc trên sườn núi và vách đá, trên đỉnh núi hoặc mọc ở của hang hay khe đá....
Theo tài liệu của phân viện Hải Dương học – Hải Phòng, vịnh Hạ Long có 347 loài thực vật và có 20 loài thực vật ngập mặn, 232 loài san hô, 130 loài hai mảnh vỏ, 200 loài giun nhiều tơ, 81 loài chân bụng, 140 loài rong biển, 200 loài chim, 10 loài bò sát, 13 loài da gai…
Hạ Long không chỉ là kỳ quan thiên nhiên mà còn là cái nôi của người tiền sử. Năm 1937, ông Vũ Xuân Tảo, một công nhân lò nấu thủy tinh, trong lúc đào cát để làm nguyên liệu chế tạo thủy tinh đã tình cờ phát hiện được một chiếc rìu đá trên đảo Ngọc Vừng. Phát hiện này đã gây xôn xao các nhà khảo cổ học Pháp thời ấy.
Di chỉ khảo cổ và chứng tích lịch sử văn hóa trên khu vực vịnh Hạ Long
Từ đó đến nay, các nhà khảo cổ học thế giới và Việt Nam đã liên tiếp nghiên cứu, khảo sát, khai quật được hàng loạt những mảnh ghè, mảnh xương, công cụ đồ đá, đồ trang sức, mũi tên đồng... để khẳng định sự tồn tại của người tiền sử trên vùng vịnh Hạ Long.
Di chỉ khảo cổ và chứng tích lịch sử văn hóa trên khu vực vịnh Hạ Long
Tiếp nối không gián đoạn trong suốt tiến trình sơ sử, ba nền văn hóa mang tên Soi Nhụ (cách ngày nay khoảng 18.000 - 7.000 năm trước công nguyên) - Cái Bèo (cách ngày nay khoảng 7000 - 5000 năm trước công nguyên) – Hạ Long (cách ngày nay khoảng
3.500 - 5.000 năm trước công nguyên) trên khu vực vịnh Hạ Long chứa đựng những giá trị nhất định, cho thấy vịnh Hạ Long và khu vực lân cận một thời đã từng là một cái nôi văn hóa của nhân loại. Năm 2006, trong một hang động tại Đông Trong, các nhà khảo cổ học phát hiện được di cốt người tiền sử, rìu đá, mảnh nồi gốm, trầm tích nhuyễn thể được sử dụng làm thức ăn và hàng trăm hạt chuỗi làm từ vỏ ốc, là một trong ba khu vực trên vùng vịnh Hạ Long tìm thấy di cốt người tiền sử sau Soi Nhụ và hòn Hai Cô Tiên.
Những di tích khảo cổ, những chứng tích lịch sử tại vịnh Hạ Long vẫn tiếp tục chờ đợi nhưng giải mã để hé lộ những bất ngờ, thú vị, hấp dẫn.
Di chỉ khảo cổ và chứng tích lịch sử văn hóa Đông Trong trên khu vực vịnh Hạ Long
Kinh doanh trên thuyền của dân vạn chài tại vịnh Hạ Long hiện nay cũng là điểm hấp dẫn du khách. Sách Địa Việt sử ký toàn thư cho biết: “Kỷ Tỵ, (Đại Định) năm thứ 10 (1149). Mùa xuân, tháng hai, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào cảng Hải Đông (vịnh Hạ Long) xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quí, dâng tiến sản vật địa phương”. Thương cảng Vân Đồn với đặc điểm là có nhiều đảo đất, đảo đá ngang dọc, chia cắt biển thành nhiều vũng, luồng lạch sâu và kín gió, giúp cho thuyền bè neo đậu an toàn, không bị gió bão uy hiếp, đã khiến khu vực này trở nên sầm uất trong thông thương với khu vực và nhiều nơi trên thế giới.
Bên cạnh thương cảng Vân Đồn, vịnh Hạ Long còn có Núi Bài Thơ lịch sử, nơi lưu lại bài thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông hoàng đế khắc trên đá từ năm 1468, nhân chuyến tuần du vùng biển phía Đông; và bút tích của chúa Trịnh Cương năm 1729.
Ngư dân làng chài Cửa Vạn trên vùng vịnh Hạ Long hiện nay còn lưu giữ những câu hát giao duyên cổ xưa, đó là lối hát đúm, hò biển và hát đám cưới. Trong đó, theo cụ Nguyễn Văn Cải, ngư dân cao tuổi của làng chài Cửa Vạn, hát đám cưới của Hạ Long không kém gì lối hát của người quan họ Kinh Bắc, và đám cưới của cư dân vạn chài cũng khá đặc biệt vì theo phong tục chỉ được tổ chức trong những ngày rằm. Đây là lúc trên Vịnh có trăng sáng, cá ăn tản, người dân chài không đi đánh cá.
Biểu diễn hát giao duyên trên Vịnh – Nét đặc sắc của làng chài Cửa Vạn
Vịnh Hạ Long hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành kinh tế du lịch với loại hình đa dạng. Đến vịnh Hạ Long, du khách có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham quan ngắm cảnh, tắm biển, bơi thuyền, thả dù, lặn khám phá rặng san hô, câu cá giải trí. Hiện nay, khách đến vịnh Hạ Long chủ yếu tham quan ngắm cảnh, tắm biển và bơi thuyền. Các loại hình du lịch du thuyền tại vịnh Hạ Long bao gồm tham quan vịnh ban ngày, đi tour buổi chiều ngắm hoàng hôn trên vịnh, du thuyền đêm để ngắm cảnh vịnh về đêm kết hợp với câu cá mực, thậm chí có thể tự chèo thuyền để khám phá vịnh. Trong những năm tới, ngành du lịch sẽ mở thêm nhiều tuyến điểm tham quan và tăng thêm nhiều loại hình du lịch khác. Năm 2010, Quảng Ninh là một trong những điểm du lịch lớn nhất cả nước.
Quá trình đô thị hóa thành phố Hạ Long đang diễn ra mạnh mẽ về mọi mặt là một tiền đề vững chắc để phát triển du lịch. Là một trong 2 vịnh biển đẹp nhất Việt Nam bên cạnh vịnh Nha Trang, vịnh Hạ Long là nơi thường xuyên đón tiếp các tàu du lịch quốc tế chọn làm điểm dừng tham quan.
Ngày 17 tháng 12 năm 1994, trong kỳ họp thứ 18 tại Phuket, Thái Lan, Ủy ban Di sản Thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mĩ (tiêu chí vii), theo tiêu chuẩn của Công ước Quốc tế về bảo vệ Di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới.
Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên Thế giới về giá trị thẩm mỹ năm 1994
Nguồn: baoquangninh.vn
Ngày 2 tháng 12 năm 2000, căn cứ Công ước Quốc tế về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và kết quả xét duyệt hồ sơ địa chất vịnh Hạ Long, tại Hội nghị lần thứ 24 của Hội đồng Di sản Thế giới tại thành phố Cairns, Queensland, Úc, Hội đồng Di sản Thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long là di sản thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn (viii) về giá trị địa chất địa mạo.
Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên Thế giới về giá trị địa chất năm 2000
Nguồn: baoquangninh.vn
Trong 4 năm từ 2007-2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng kết hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, báo Tuổi Trẻ các hội đoàn như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên v.v... cùng tỉnh Quảng Ninh và nhiều địa phương khác, tổ chức vận động quy mô bầu chọn cho Hạ Long là một trong Bảy Kì quan Thiên nhiên Mới của Thế giới.
Lúc 7h ngày 11 tháng 11 năm 2011 (tức 2h ngày 12 tháng 11 năm 2011 giờ Việt Nam), vịnh Hạ Long được tổ chức New7Wonders tuyên bố là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới sau cuộc kiểm phiếu sơ bộ.
Biểu tượng vịnh Hạ Long là kỳ quan thế giới bằng đồng được Chủ tịch New 7 Wonders trao cho Việt Nam
Biển, trời, đảo, hang động vịnh Hạ Long lung linh, kỳ ảo, thơ mộng. Động, thực vật của vịnh Hạ Long đa dạng, phong phú, quí hiếm. Tiềm năng kinh tế: du lịch, cảng biển, giao thông thủy, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản… bất tận; tiềm năng văn hóa, nghiên cứu, khám phá di tích khảo cổ, chứng tích lịch sử dồi dào, bí ẩn… Tất cả đang lôi cuốn, mời gọi chúng ta.
Tên gọi này được ghép từ hai thành phần: tên động Phong Nha và tên khu vực rừng núi đá vôi Kẻ Bàng. Động Phong Nha trước đây thường được xem là động lớn và đẹp nhất trong quần thể hang động khu vực rừng núi đá vôi Kẻ Bàng. Có ý kiến cho rằng nguồn gốc tên gọi Phong Nha có nghĩa là gió (phong), răng (nha) (gió thổi từ trong trong động, nhũ đá tua tủa như hàm răng); có ý kiến khác lại cho rằng Phong Nha có nghĩa là tên ngôi làng gần đấy chứ không có nghĩa là gió và răng như vẫn thường được giải thích. Nhưng theo Lê Quý Đôn thì Phong Nha là tên một làng miền núi ngày xưa . Có ý kiến khác lại cho rằng tên gọi Phong Nha không phải xuất phát từ ý nghĩa răng và gió, mà từ hình ảnh những ngọn núi nằm thành từng dãy đều đặn như hình ảnh các quan đứng thành hàng trên sân chầu hay ở quan thự, người ta đã lấy chữ Phong Nha theo chữ Hán (phong nghĩa là đỉnh núi, nha có nghĩa là quan lại) để đặt tên cho động Phong Nha.
Động Phong Nha còn có tên khác như Động Thầy Tiên, Núi Thầy, Động Troóc, Hang Trùa (Hang Chùa).
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50km về phía Tây Bắc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 500km về phía nam. Vườn quốc gia này giáp khu bảo tồn thiên nhiên Hin Namno ở tỉnh Khammouan, Lào về phía tây, cách Biển Đông 42km về phía đông kể từ biên giới của hai quốc gia.
Kiến tạo carxtơ của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được hình thành từ 400 triệu năm trước, từ thời kỳ Đại Cổ Sinh do đó là carxtơ cổ nhất ở châu Á. Trải qua nhiều thay đổi lớn về địa tầng và địa mạo, địa hình khu vực này hết sức phức tạp. Phong Nha - Kẻ Bàng phô diễn các bằng chứng ấn tượng về lịch sử Trái Đất, giúp nghiên cứu lịch sử, giúp hiểu được lịch sử địa chất và địa hình của khu vực. Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng có lẽ là một trong những mẫu hình riêng biệt và đẹp nhất về sự kiến tạo carxtơ phức tạp ở Đông Nam Á.
Tháng 4 năm 2009, một đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã phát hiện và công bố hang Sơn Đoòng là hang động có kích thước lớn nhất thế giới (dài trên 5km, cao 200m và rộng 150m), lớn hơn nhiều so với hang Deer ở Vườn quốc gia Gunung Mulu ở Sarawak, Malaysia, lớn gấp 4 đến 5 lần so với Phong Nha.
Hang Sơn Đoòng là hang động có kích thước lớn nhất thế giới
Được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, Phong Nha - Kẻ Bàng cũng từng được đề cử UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học ngày 29 tháng 6 năm 2011.
Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới lần 2
Nguồn: Báo ảnh Dân tộc và miền núi
Trước khi trở thành một vườn quốc gia, khu vực này đã là một khu bảo tồn tự nhiên. Khu bảo tồn Phong Nha - Kẻ Bàng có diện tích 5000 ha đã được Chính phủ Việt Nam chính thức công bố ngày 9 tháng 8 năm 1986 và đã được mở rộng thành 41.132 ha vào năm 1991. Ngày 12 tháng 12 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 189/2001/QĐ-TTg chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng thành vườn quốc gia với tên gọi như hiện nay.
Diện tích vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là 85.754 ha, bao gồm:
Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 64.894 ha;
Phân khu phục hồi sinh thái: 17.449 ha;
Phân khu dịch vụ hành chính: 3.411 ha.
Còn khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng rộng 195.400ha, có dân của 12 xã thuộc huyện Minh Hóa (các xã Dân Hóa, Hóa Sơn, Trung Hoa, Thượng Hóa); Bố Trạch (các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Xuân Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch, Phú Định, Hưng Trạch) và huyện Quảng Ninh (xã Trường Sơn). Các khu vực dân cư này chủ yếu sống ven các sông lớn như sông Chày, sông Son và các các thung lũng có suối phía đông và đông bắc của vườn quốc gia này. Các khu vực này thuộc khu vực vùng sâu vùng xa của Quảng Bình, nên điều kiện hạ tầng cơ sở như đường giao thông, điện, giáo dục, y tế kém phát triển. Dân cư ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, khai thác lâm sản.
Khí hậu ở vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23-25°C.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một trong hai khu vực đá vôi lớn nhất thế giới. So với 41 di sản thế giới khác có carxtơ, Phong Nha - Kẻ Bàng có các điều kiện địa hình, địa mạo và sinh vật khác biệt. Carxtơ tại đây có niên đại từ thời kỳ Đại Cổ Sinh, 400 triệu năm trước, do đó Phong Nha - Kẻ Bàng là vùng carxtơ lớn cổ nhất châu Á. Nếu như khu vực Hin Namno, một khu vực bảo tồn tự nhiên của tỉnh Khăm Muộn, Lào, giáp Phong Nha - Kẻ Bàng về phía tây được kết hợp thành một khu bảo tồn liên tục, thì khu vực bảo tồn này sẽ là khu rừng carxtơ còn tồn tại lớn nhất ở Đông Nam Á. So với 3 vườn quốc gia khác đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới khác ở Đông Nam Á (Vườn quốc gia Gunung Mulu ở Malaysia, Vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa ở Palawan của Philippines và Vườn quốc gia Lorentz ở Tây Irian của Indonesia) và một số khu vực carxtơ khác ở Thái Lan, Trung Quốc, Papua New Guinea thì carxtơ ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có tuổi già hơn, cấu tạo địa chất phức tạp hơn và có hệ thống sông ngầm đa dạng và phức tạp hơn.
Thạch nhũ và măng đá trong động Phong Nha vô cùng kỳ vĩ, đa dạng. Lịch sử khám phá hang động ở đây có bề dày lịch sử và hấp dẫn du khách vì sự bí ẩn và kỳ thú. Các văn tự khắc trên vách đá bằng ngôn ngữ Chăm Pa cổ cho thấy động Phong Nha được người Chăm phát hiện từ thời xa xưa khi vùng đất này còn thuộc Vương quốc Chăm Pa.
Dương Văn An là người đầu tiên viết về động Phong Nha năm 1550. Dưới triều Nguyễn, động Phong Nha đã được chạm lên một trong Cửu Đỉnh tại Đại Nội - Huế.
Năm 1824, động Phong Nha được vua Minh Mạng sắc phong là “Diệu ứng chi thần”. Ngoài ra còn được các vua nhà Nguyễn phong là “Thần Hiển Linh”.
Việc thám hiểm các hang động trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng là một công việc khó khăn và nguy hiểm. Các đoàn thám hiểm đã mất nhiều thời gian với những khó khăn như: hang động sắc nhọn dễ gây thương tích, lòng hang hẹp, các sông suối ngầm có thể dâng lên đột ngột làm bít cửa hang, lượng ô xy trong nhiều khu hang động có thể không đủ...
Các kết quả thám hiểm, nghiên cứu này đã mang đến một sự hiểu biết toàn diện về hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng và đã được làm cơ sở cho bảo vệ, quy hoạch và phát triển du lịch cũng như hoàn thiện hồ sơ để trình lên UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Hang động trong vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm đến kỳ ảo và hấp dẫn.
Năm 2005, Hội hang động Anh phát hiện một hang động khô, đặt tên Động Thiên Đường, lớn nhất và đẹp nhất tại Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo đánh giá, hang động Thiên Đường còn to lớn và đẹp hơn cả động Phong Nha.
Ngày 1 tháng 6 năm 2006, Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam đã phát hành bộ tem chọn lọc Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bộ tem chọn lọc Phong Nha – Kẻ Bàng
Từ năm 2007 đến năm 2008, đoàn khảo sát hang động của Hội hang động hoàng gia Anh đã khảo sát khu vực thượng nguồn sông Chày, khu vực hang Vòm, hố kast ở km12 trên đường 20 và một số hang động mới ở Thượng Hóa, Hóa Sơn, Dân Hóa, Trọng Hóa (thuộc huyện Minh Hóa), Trường Sơn (huyện Quảng Ninh).
Tháng 4 năm 2009, đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội hang động hoàng gia Anh đã tiến hành thám hiểm khu vực vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các khu vực phụ cận. Họ đã phát hiện thêm 20 hang động mới với tổng chiều dài 56km và công bố phát hiện mới về hang Chà Lòi (Minh Hóa) dài trên 5km.
Hang Chà Lòi – Quảng Bình dài trên 5km
Đồng thời phát hiện hang Khe Ry là hang sông ngầm dài nhất thế giới28 . Đặc biệt, đoàn thám hiểm cũng đã phát hiện một hang mới và tạm đặt tên là Sơn Động. Theo kết quả khảo sát, hang này dài 6,5km, rộng hơn 150m và vòm hang chỗ cao nhất hơn 200m, kích thước gấp 4-5 lần so với hang Phong Nha, lớn hơn nhiều so với hang Deer tại vườn quốc gia Gunung Mulu tại Sarawak, Malaysia vốn được xem là hang động lớn nhất thế giới.
Hang Sơn Động – Hang động lớn nhất Thế giới
Hệ thống động Phong Nha theo các nhà khoa học đã khảo sát có tới 44,5km nhưng du khách chỉ có thể vào được 1.500m.
CÁC ĐỘNG TIÊU BIỂU
Động Tiên Sơn (Động Khô): Là một động đẹp nổi tiếng ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng. Động này được phát hiện năm 1935, ban đầu, cư dân địa phương gọi động này là động Tiên, do vẻ đẹp kỳ bí thần tiên của nó. Sau này động Tiên Sơn được gọi là động Khô, để phân biệt với động Phong Nha là động nước. Cửa vào động Tiên Sơn nằm cách cửa động Phong Nha khoảng 1.000m, ở độ cao so với mực nước biển khoảng 200m. Động Tiên Sơn có chiều dài là 980m. Từ cửa động đi vào khoảng 400m có một vực sâu chừng 10m, và sau đó là động đá ngầm tiếp tục dài gần 500m, khá nguy hiểm nên du khách chưa được phép đến khu vực này mà chỉ tham quan tới khoảng cách 400 m từ tính từ cửa động. Động Tiên Sơn là nơi có cảnh thạch nhũ và măng đá kỳ vĩ huyền ảo như trong động Phong Nha nhưng lại có nét riêng là các âm thanh phát ra từ các phiến đá và cột đá khi được gõ vào vang vọng như tiếng cồng chiêng và tiếng trống.
Động Tiên Sơn – Chốn bồng lai tiên cảnh
Hang động Thiên Đường: Năm 2005, hang Thiên Đường được phát hiện, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh khám phá và xác định hang này có tổng chiều dài là 31km. Do vẻ đẹp của hang, họ đã đặt tên hang này là Thiên Đường. Hang Thiên Đường được đánh giá là hang động lớn và dài hơn hang động Phong Nha. Đây là một động khô, không có sông ngầm chảy qua như động Phong Nha. Trong động Thiên Đường có nhiều khối thạch nhũ và măng đá kỳ ảo. Phần lớn nền động là đất dẻo, khá bằng phẳng nên thuận tiện cho việc tham quan và thám hiểm. Trong khi nhiệt độ mùa hè ở bên ngoài là 36-37°C thì nhiệt độ trong động Thiên Đường luôn ở 20-21°C. Hang Thiên Đường đã được Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư phương tiện và đường vào động, đường bên trong động với chiều dài 1,1km và đã đón khách tham quan từ ngày 3 tháng 9 năm 2010.
Hang Sơn Động hay Sơn Đoòng: Là một trong những hang mới nhất được phát hiện tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng. Hang này do nhóm thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tiến hành thám hiểm từ năm 2009 - 2010. Hang được cho là hang động lớn nhất thế giới. Khoang lớn nhất ở Sơn Động có chiều dài hơn 5km, cao 200m và rộng 150m. Với kích thước này, hang Sơn Động vượt hang Deer ở vườn quốc gia Gunung Mulu ở Sarawak Malaysia, lớn gấp 4-5 lần động Phong Nha, lớn hơn Động Thiên Đường. Do dòng nước của sông ngầm ở động này chảy xiết nên các nhà thám hiểm Anh không thể thám hiểm hết động này. Họ đã ước lượng chiều dài của hang bằng cách sử dụng đèn nháy. Đoàn thám hiểm đã báo cáo chính quyền tỉnh Quảng Bình về phát hiện này nhưng cho rằng chưa thể khai thác du lịch ngay. Họ sẽ quay lại khám phá hang này vào năm sau.
Trên thực tế, một người dân địa phương tên là Hồ Khanh đã phát hiện ra hang này năm 1991 nhưng ông không nhớ lối vào hang cho đến tháng 1 năm 2008. Từ cuối tháng 3 đến 11 tháng 4 năm 2009, ông đã giúp đoàn thám hiểm Anh vượt rừng, núi khoảng 10km để đến cửa hang.
Ngoài hệ thống hang động, Phong Nha - Kẻ Bàng còn có các sông ngầm dài nhất. Đặc trưng núi đá vôi của khu vực Phong Nha
- Kẻ Bàng đã tạo ra một hệ thống sông ngòi trong vùng khá phức tạp, có rất ít sông suối có nước thường xuyên. Có 3 con sông chính trong vườn quốc gia này là sông Chày, sông Son và sông Troóc. Cả ba con sông này đều chảy vào sông Gianh, sau đó đổ ra biển Đông ở thị trấn Ba Đồn thuộc huyện Quảng Trạch. Nguồn nước cung cấp cho các con sông này là hệ thống các sông suối ngầm dưới lòng đất, các suối này đều nổi lên mặt đất tại các hang động như Én, Vòm, Tối và Phong Nha.
Ngã ba Sông Son – sông Chày – sông Troóc
Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng còn có hàng chục con suối và
thác nước đẹp như: Thác Gió, Thác Mệ Loan, Suối Mọc phun lên từ chân một dãy núi đá vôi...
Phong Nha - Kẻ Bàng có một số ngọn núi cao hơn 1000m, đáng chú ý là đỉnh Co Rilata với độ cao 1.128m và đỉnh Co Preu cao 1.213m.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một bộ phận của vùng sinh thái Trường Sơn. Chủng loại thực vật lớn nhất ở đây là rừng thường xanh ẩm, rậm nhiệt đới trên đá vôi cao 800m so với mực nước biển. 96,2% diện tích khu vườn quốc gia này được rừng bao phủ; 92,2% là rừng nguyên sinh với các loại thực vật đặc trưng như: nghiến (Burretiodendron hsienmu), chò đãi (Annamocarya spp.), chò nước (Plantanus kerii) và sao (Hopea spp.).
Ở vườn quốc gia này có một khu vực rừng bách xanh được phân bổ trên đỉnh núi đá vôi có diện tích khoảng trên 5000 ha. Các cây bách xanh ở vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có tuổi 500 - 600 năm.
Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi sinh sống của 140 loài thú thuộc 31 họ và 10 bộ, nổi bật nhất là hổ và bò tót, loài bò rừng lớn nhất thế giới, 302 loài chim, trong đó có ít nhất 43 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 19 loài nằm trong Sách đỏ thế giới; 81 loài bò sát lưỡng cư (18 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 6 loài Sách đỏ thế giới); 259 loài bướm; 72 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu Việt Nam. Phong Nha - Kẻ Bàng được đánh giá là có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng chứa đựng nhiều di vật khảo cổ. Các bằng chứng về sự sinh sống của con người ở khu vực này là các đầu rìu thuộc Thời kỳ Đồ đá mới và các hiện vật tương tự đã được các nhà khảo cổ Pháp và Việt Nam tìm thấy trong các hang động.
Động Phong Nha còn là nơi vua Hàm Nghi trú ngụ trong thời kỳ thực hiện Chiếu Cần Vương kháng chiến chống thực dân Pháp.
Các di tích lịch sử cách mạng có: Bến phà Xuân Sơn, Đường mòn Hồ Chí Minh và đường 20 Quyết Thắng, Mụ Giạ, A.T.P, Trà Ang, Cà Tang, cua Chữ A, Khe Ve... hay các di tích Hang Tám Cô, hang Chín Tầng, bến phà Nguyễn Văn Trỗi, các kho hàng hoá trong hệ thống hang động ở Tuyên Hoá, Minh Hóa trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Tại kỳ họp toàn thể lần thứ 27 từ 30 tháng 6 đến 5 tháng 7 năm 2003, đại diện 160 quốc gia thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cùng với 30 địa danh khác trên toàn thế giới, là di sản thiên nhiên thế giới.
Ngày 1 tháng 8 năm 2008, các địa danh của Việt Nam đã có trong danh sách bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới với các thứ hạng là Vịnh Hạ Long xếp thứ 3, Động Phong Nha xếp thứ 11, núi Fansipan thứ 12, sông Mêkông thứ 30.
Sau khi vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là di sản thế giới, chính quyền tỉnh Quảng Bình đã bổ sung ngành du lịch là một trong 4 ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Với những ưu thế về hệ thống hang động và đa dạng sinh học, vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được khai thác để phát triển du lịch với các loại hình du lịch:
Du lịch khám phá hang động bằng xuồng.
Du lịch khám phá hang động bằng xuồng.
Du lịch sinh thái, khám phá hệ động thực vật.
Hệ Thống Động, Thực Vật Ở Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Leo núi mạo hiểm: ở đây có hang chục đỉnh núi có độ cao tương đối trên 1.000 m, dốc đá vôi dựng đứng phù hợp cho các hoạt động leo núi thể thao mạo hiểm.
Loại hình leo núi mạo hiển tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Ban quản lý dự án vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hiện có đội ngũ nhân viên 115 người bao gồm các chuyên gia về động vật học, thực vật học, lâm sinh học, kinh tế - xã hội học nhưng lại không có thẩm quyền xử lý các vi phạm và thiếu các phương tiện quản lý hữu hiệu đối với các mối đe dọa đối với vườn quốc gia này.
Hiện có một khu bán hoang dã dành cho linh trưởng với diện tích 18 ha tại vườn quốc gia này với hàng rào điện tử. Dự án này do Hội động vật Frankfurt (Zoologische Gesellschaft Frankfurt) (Đức) đầu tư dành riêng cho vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để bào tồn 10 loại linh trưởng, trong đó có voọc Hà Tĩnh, voọc chà vá chân nâu quý hiếm. Khu vực này có có hệ sinh cảnh với đầy đủ thức ăn cho linh trưởng phát triển tốt.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn 1997 - 2010. Vườn quốc gia này cũng được đưa vào kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Namno giữa Lào và Việt Nam. Nhiều cuộc hội thảo đã được chính quyền hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn tổ chức để phối hợp bảo tồn khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Namno của Lào.
Có hai làng người dân tộc thiểu số Arem và Ma Coong sinh sống ở trong vùng lõi của vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Bên trong vùng đệm của vườn quốc gia này, có 52.001 người đang sinh sống, chủ yếu là người Kinh và một số nhỏ người Chứt và Vân Kiều, nhiều người trong số họ mưu sinh bằng cách khai thác lâm sản.
Phong Nha - Kẻ Bàng đã và đang trở thành điểm đến du lịch đầy hấp dẫn và kỳ thú với hàng triệu triệu du khách trong và ngoài nước. Hy vọng những bí ẩn ở vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục được khám phá.
...“Nghiêng mình bên dòng sông xanh hiền hòa của miền Trung, thành phố mà chúng ta đang nói đến mang một cái tên đơn âm nôm na như tên những làng mạc cổ Việt Nam: Huế.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tên những làng mạc cổ dần chìm khuất. Nhưng điều kỳ lạ, Huế vẫn giữ nguyên vẹn cái tên “cúng cơm” ban đầu của mình để đi vào thế giới hiện đại.
Cái cách thành phố này chung thủy giữ gìn tên tuổi của mình như người phương Đông thường coi trọng chính danh, phải chăng là một dấu hiệu đầu tiên về bản sắc của nó?
… Là nơi tiếp giáp hai vùng khí hậu, trong mỗi khu vườn Huế đều có hoa trái cả hai miền. Ca nhạc Huế có chất cội nguồn miền Bắc, lại có sắc thái tràm của phương Nam. Người Huế ăn tương như Đàng Ngoài nhưng cũng ăn mắm như Đàng Trong. Triều đình Huế từng là triều đình nói đủ giọng Nam Bắc, ngay cả vua Minh Mạng cũng nói giọng Sài Gòn, thay vì tiền bối của ông nói giọng Bắc.
Trong cái thế tổng hợp những cội nguồn khác nhau nhất, người Huế tập cho mình lối sống khoan hòa, nhân ái, cách cư xử tế nhị, mềm mỏng.
Đế chế Nguyễn ở thời cực thịnh của nó đã để lại cho Huế, cho Quốc gia Việt Nam một quần thể kiến trúc đặc trưng của Nhà nước phong kiến, mà ý nghĩa của nó là sự chuẩn bị cuối cùng, về văn hóa truyền thống của các bậc tiền nhân để thế hệ mới bình tâm đi vào đời sống công nghệ hiện đại. Bằng lòng tự hào và sức mạnh tâm linh nào đó, những người Huế đã giữ gìn, trau chuốt các giá trị vật chất và văn hóa tinh thần của mình ở mức ổn định nhất có thể được, cho dù chiến tranh, sự ly tán đã từng đè nặng lên kinh thành Huế.
Thăm Huế, bạn còn nhận được mùi sen ngào ngạt như từ thời Cao Bá Quát từng sống, từng viết… và vầng trăng trên sông Hương như từ thời Nguyễn Du…
Thăm Huế, bạn có thể gởi lòng mình lên những mái ngói hoàng lưu ly, thanh lưu ly, như những áng mây vàng, mây xanh cổ tích, trên đó những con rồng thực hiện một cuộc bay miên viễn vào thế giới ta không bao giờ gặp lại…
Huế sống mãi trong lòng dân tộc với hôm qua, hôm nay và ngày mai của đất nước.”
(Đôi dòng về Huế - Nguyễn Khoa Điềm)
Kinh đô Huế là thủ đô của Quốc gia Việt Nam thống nhất từ năm 1802, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế mở đầu cho nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam với 143 năm trị vì.
Kinh đô Huế kết thúc sứ mệnh là thủ đô Việt Nam vào năm 1945 khi vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị. Kể từ đó, thủ đô Việt Nam một lần nữa lại được chọn là Hà nội. Kinh đô Huế xưa trở thành cố đô.
Quần thể di tích Cố đô Huế hay Quần thể di tích Huế là những di tích lịch sử - văn hoá do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn Kinh đô Huế xưa; nay thuộc phạm vi thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, Việt Nam. Phần lớn các di tích này nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993. Quần thể di tích Cố đô Huế có thể phân chia thành các cụm công trình gồm các cụm công trình ngoài Kinh thành Huế và trong Kinh thành Huế.
Được vua Gia Long và đại thần Nguyễn Văn Yến tiến hành khảo sát thực địa vào hai năm 1803 và 1804, khởi công xây dựng vào mùa hè năm 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Các di tích trong Kinh thành Huế bao gồm:
Kỳ Đài (còn gọi là Cột cờ)
Kỳ Đài Huế
Nằm chính giữa mặt nam của Kinh thành Huế thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh cũng là nơi treo cờ của triều đình. Kỳ Đài được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (1807) cùng thời gian xây dựng Kinh thành Huế. Đến thời Minh Mạng, Kỳ Ðài được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840. Trong lịch sử, Kỳ Đài thường là nơi đánh dấu các sự kiện quan trọng và sự thay đổi thể chế chính quyền ở Huế.
Trường Quốc Tử Giám (còn gọi là Đốc Học Đường)
Vua Gia Long cho xây dựng Đốc Học Đường vào năm 1803 tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách Kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây, trường nằm cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương. Quốc Tử Giám được xem là trường quốc học đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn. Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía Đông Nam Hoàng thành (tức vị trí hiện nay).
Điện Long An
Điện Long An: Cung điện đẹp nhất Kinh thành Huế
Điện được xây dựng vào năm 1845, thời vua Thiệu Trị với tên gọi là Điện Long An trong cung Bảo Định, phường Tây Lộc (Huế) làm nơi nghỉ của vua sau khi tiến hành lễ Tịch điền (cày ruộng) mỗi đầu xuân. Đây cũng là nơi vua Thiệu Trị thường hay lui tới, nghỉ ngơi, đọc sách, làm thơ, ngâm vịnh.
Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế
Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế
Tòa nhà chính của viện Bảo tàng chính là điện Long An xây năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị. Hiện Bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn. Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế tọa lạc tại số 3, Lê Trực, Huế giúp người tham quan một cái nhìn tổng thể về cuộc sống cung đình Huế thuở ấy.
Đình Phú Xuân
Đình Phú Xuân
Đình Phú Xuân được xây dựng nửa đầu thế kỷ XIX ở tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế; nay thuộc phường Tây Lộc, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố 2km về phía Bắc.
Hồ Tịnh Tâm
Hồ Tịnh Tâm
Là một di tích cảnh quan được kiến tạo dưới triều Nguyễn. Hồ nguyên là vết tích của đoạn sông Kim Long chảy qua Huế. Đầu thời Gia Long, triều đình cho cải tạo một số đoạn sông và khơi dòng theo hướng khác để tạo thành Ngự Hà và hồ Ký Tế. Hai bãi nổi trong hồ này được dùng làm nơi xây dựng kho chứa thuốc súng và diêm tiêu. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ. Năm 1838, vua Minh Mạng cho di dời hai kho sang phía đông, tái thiết nơi này thành chốn tiêu dao, giải trí và gọi là hồ Tịnh Tâm. Dưới thời vua Thiệu Trị đây được xem là một trong 20 cảnh đẹp xứ Kinh thành Huế mộng mơ.
Tàng thư lâu
Được xây dựng năm 1825 trên hồ Học Hải trong Kinh thành
Huế, dùng làm nơi lưu trữ các công văn cũ của triều đình nhà Nguyễn. Đây có thể coi là một Tàng Kinh Các của Việt Nam dưới triều Nguyễn lưu trữ các tài liệu văn bản quý hiếm liên quan đến sinh hoạt của triều đình và biến đổi của đất nước. Chỉ riêng số địa bạ thời Gia Long và Minh Mạng lưu trữ ở đây đã lên đến 12.000 tập. Có thể nói Tàng thư lâu rất quan trọng trong việc chứa các tài liệu và địa bạ, giấy tờ quan trọng thời Nguyễn và là kho sử liệu quí hiếm cho các nhà nghiên cứu và sử học thời nay.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 1, mặt khắc 36 ghi chép về Tàng Thư lâu dưới triều Nguyễn
Viện Cơ Mật - Tam Tòa
Viện Cơ Mật - Tam Tòa
Là cơ quan tư vấn của nhà vua gồm bốn vị đại thần từ Tam Phẩm trở lên, là Đại Học Sĩ của các điện Đông Các, Văn Minh, Võ Hiển và Cần Chánh. Viện lúc đầu đặt ở nhà Tả Vu. Sau khi Kinh đô thất thủ năm 1885 phải dời đến nhà của bộ Lễ, rồi bộ Binh, và cuối cùng là về chùa Giác Hoàng cùng với toà Giám Sát (của người Pháp) và Trực Phòng các bộ nên gọi là Tam Toà. Hiện nay Tam Tòa là trụ sở của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nằm ở địa chỉ 23 Tống Duy Tân, thuộc phường Thuận Thành, ở góc Đông-Nam bên trong kinh thành Huế.
Đàn Xã Tắc (Cửu vị công thần)
Cửu vị thần công là tên gọi 9 khẩu thần công được các nghệ nhân Huế đúc dưới thời vua Gia Long. Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, khi lên ngôi, vua Gia Long liền cho các nghệ nhân đương thời tập trung tất cả chiến lợi phẩm là binh khí và vật dụng bằng đồng để đúc thành 9 khẩu thần công làm vật chứng cho chiến thắng vẻ vang của mình. Công việc đúc chính thức từ năm 1803 và hoàn thành vào năm 1804.
1. Hoàng thành Huế
Hoàng Thành nằm bên trong Kinh Thành, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia.
Ngọ Môn
Ngọ Môn – Biểu tượng kiến trúc Cung đình Huế
Là cổng chính phía nam của Hoàng thành Huế được xây dựng vào năm Minh Mạng 14 (1833). Ngọ Môn có nghĩa đen là Cổng giữa trưa là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Về mặt từ nguyên, Ngọ Môn có nghĩa là chiếc cổng xoay mặt về hướng Ngọ, cũng là hướng Nam, theo Dịch học là hướng dành cho bậc vua Chúa.
Điện Thái Hoà và sân Đại Triều Nghi
Điện được xây dựng vào năm 1805 thời vua Gia Long. Năm 1833 khi vua Minh Mạng quy hoạch lại hệ thống kiến trúc cung đình ở Đại Nội, trong đó có việc cho dời điện về mé Nam và làm lại đồ sộ và lộng lẫy hơn. Điện Thái Hoà là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội của Kinh thành Huế. Điện cùng với sân chầu là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như: lễ Đăng Quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 Âm lịch hàng tháng. Trong chế độ phong kiến cung điện này được coi là trung tâm của đất nước.
Triệu Tổ Miếu
Triệu Tổ Miếu
Còn gọi là Triệu Miếu, được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804). Miếu này nằm ở phía bắc của Thái Miếu trong Hoàng thành Huế, là miếu thờ Nguyễn Kim, thân sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
Hưng Tổ Miếu
Còn gọi là Hưng Miếu là ngôi miếu thờ cha mẹ vua Gia Long (ông Nguyễn Phúc Luân (hay Nguyễn Phúc Côn) và bà Nguyễn Thị Hoàn), vị trí ở tây nam Hoàng thành Huế (cách Thế Miếu chừng 50 mét về phía Bắc).
Thế Tổ Miếu
Thường gọi là Thế Miếu tọa lạc ở góc tây nam bên trong Hoàng thành Huế, là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn. Đây là nơi triều đình đến cúng tế các vị vua quá cố, nữ giới trong triều (kể cả hoàng hậu) không được đến tham dự các cuộc lễ này.
Thái Tổ Miếu
Còn gọi là Thái Miếu là miếu thờ các vị chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần. Miếu được xây dựng từ năm Gia Long 3 (1804) ở góc đông nam trong Hoàng thành, đối xứng với Thế Tổ Miếu ở phía tây nam.
Cung Diên Thọ
Cung Diên Thọ có tên ban đầu là cung Trường Thọ, các tên khác là Từ Thọ, Gia Thọ, Ninh Thọ; được bắt đầu xây dựng năm 1803 để làm nơi sinh hoạt của Hoàng Thái Hậu của triều Nguyễn.
Cung Trường Sanh
Cung Trường Sanh hay Cung Trường Sinh (còn có tên gọi khác là Cung Trường Ninh), được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ nhất (1821) ở phía tây bắc Hoàng thành với vai trò ban đầu là hoa viên, nơi các vua triều Nguyễn mời mẹ mình đến thăm thú ngoạn cảnh. Về sau cung được được chuyển thành nơi ăn ở sinh hoạt của một số bà hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu. Trong thời kỳ rực rỡ nhất, kiến trúc cảnh quan của Cung Trường Sanh được vua Thiệu Trị xếp vào hàng thứ bảy của thắng cảnh đất Kinh đô Huế.
Hiển Lâm Các
Hiển Lâm Các
Được xây dựng vào năm 1821 và hoàn thành vào năm 1822 thời vua Minh Mạng, nằm trong khu vực miếu thờ trong Hoàng thành Huế, cao 17m và là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng thành. Đây được xem là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích của các vua nhà Nguyễn và các quan đại thần có công lớn của triều đại.
Cửu Đỉnh
Cửu Đỉnh
Là chín cái đỉnh bằng đồng đặt ở trước Hiển Lâm Các đối diện với Thế Miếu, phía tây nam Hoàng hành Huế. Tất cả đều được đúc ở Huế vào cuối năm 1835, hoàn thành vào đầu năm 1837. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một vị hoàng đế của triều Nguyễn, chúng có trọng lượng khác nhau và hình chạm khắc bên ngoài đỉnh cũng khác nhau. 9 đỉnh đó là: Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh, và Huyền Đỉnh.
Điện Phụng Tiên
Điện Phụng Tiên
Là một ngôi điện nằm ở gần cửa Chương Đức, phía trước Cung Diên Thọ, cửa tây của Hoàng thành được vua Gia Long và vua Minh Mạng xây dựng dùng để thờ cúng các vua triều Nguyễn. Khác với Thế Miếu, điện này tuy cũng thờ các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn nhưng nữ giới trong triều được phép đến đây cúng tế. Ngoài ra, nó còn là nơi lưu trữ nhiều bảo vật của nhiều đời vua nhà Nguyễn. Tháng 2 năm 1947, toàn bộ điện bị đốt cháy, hiện nay chỉ còn lại cửa Tam Quan và vòng tường thành còn tương đối nguyên vẹn.
2. Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành - Huế
Tử Cấm Thành nguyên gọi là Cung Thành là vòng tường thành thứ 3 của Kinh đô Huế, giới hạn khu vực làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia.
Các di tích trong Tử cấm thành gồm:
Tả Vu và Hữu Vu
Tả Vu và Hữu Vu
Tả Vu là toà nhà dành cho các quan văn, còn Hữu Vu là toà nhà dành cho các quan võ. Tả Vu và Hữu Vu được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, và cải tạo vào năm 1899, là nơi các quan chuẩn bị nghi thức trước khi thiết triều, nơi làm việc của cơ mật viện, nơi tổ chức thi đình và yến tiệc.
Vạc đồng
Vạc đồng trong sân điện Thái Hòa
Tại cố đô Huế hiện còn lưu giữ và trưng bày 15 chiếc vạc đồng là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện trình độ kỹ thuật đúc và mỹ thuật tuyệt vời. Trong số đó, 11 chiếc được đúc từ thời các chúa Nguyễn, còn 4 chiếc được đúc vào thời Minh Mạng.
Điện Kiến Trung
Điện Kiến Trung
Được vua Khải Định cho xây vào năm 1921-1923 cùng thời gian với xây lăng để làm nơi sinh hoạt của vua trong hoàng cung. Sau này, vua Bảo Đại cho tu sửa lại điện, tân trang các tiện nghi Tây phương và cùng hoàng hậu Nam Phương dọn về ở tại đây.
Điện Cần Chánh
Điện Cần Chánh
Được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), sau còn được tu bổ nhiều lần. Điện là nơi vua thiết triều, thường tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình của triều Nguyễn, hiện nay đã trở thành phế tích do bị phá huỷ từ năm 1947.
Thái Bình Lâu
Thái Bình Lâu
Được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1919, đến năm 1921 thì hoàn thành, là nơi để nhà vua có thể nghỉ ngơi lúc rảnh rỗi, cũng là chỗ để nhà vua đọc sách, viết văn, làm thơ, thư giãn.
Duyệt Thị Đường
Duyệt Thị Đường: Nhà hát cổ nhất Việt Nam
Được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (năm 1826) nằm bên trong Tử Cấm Thành , là một nhà hát dành cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần xem biễu diễn các vở tuồng. Đây được xem là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam. Từ năm 2004, Duyệt Thị Đường được Trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế khôi phục và đưa vào hoạt động biểu diên nhã nhạc cung đình Huế phục vụ khách du lịch.
Lăng tẩm
Lăng Gia Long
Còn gọi là Thiên Thọ Lăng bắt đầu được xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất. Lăng thực ra là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn nhỏ, trong đó có Đại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này.
Lăng Minh Mạng
Còn gọi là Hiếu lăng do vua Thiệu Trị cho xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 để chôn cất vua cha Minh Mạng. Lăng nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12 km.
Lăng Thiệu Trị
Còn gọi là Xương Lăng nằm ở địa phận thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Được vua Tự Đức cho xây dựng vào năm 1847 để chôn cất vua cha Thiệu Trị. So với lăng tẩm các vua tiền nhiệm và kế vị, lăng Thiệu Trị có những nét riêng. Đây là lăng duy nhất quay mặt về hướng Tây Bắc, một hướng ít được dùng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn.
Lăng Tự Đức
Được chính vua Tự Đức cho xây dựng khi còn tại vị, là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất vua Tự Đức tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau cuộc nổi loạn Chày Vôi, Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi Tự Đức mất, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng. Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.
Lăng Đồng Khánh
Lăng Đồng Khánh – Di sản văn hóa thế giới giữa lòng cố đô
Còn gọi là Tư Lăng tọa lạc giữa một vùng quê thuộc làng Cư Sĩ, xã Dương Xuân ngày trước (nay là thôn Thượng Hai, phường Thủy Xuân, thành phố Huế). Nguyên trước đây là Ðiện Truy Tư được vua Đồng Khánh xây dựng để thờ cha mình là Kiên Thái Vương. Khi Ðồng Khánh mắc bệnh và đột ngột qua đời. Vua Thành Thái (1889- 1907) kế vị trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế suy kiệt nên không thể xây cất lăng tẩm quy củ cho vua tiền nhiệm, đành lấy điện Truy Tư đổi làm Ngưng Hy để thờ vua Ðồng Khánh.
Lăng Dục Đức
Lăng Dục Đức: Nơi an nghỉ của 3 vị vua thời Nguyễn
Cách trung tâm thành phố chưa đầy 2km, Lăng Dục Ðức tên chữ là An Lăng, tọa lạc tại thôn Tây Nhất, làng An Cựu, xưa thuộc huyện Hương Thủy, nay thuộc phường An Cựu, thành phố Huế. Đây là nơi an táng của 3 vua nhà Nguyễn: Dục Ðức, Thành Thái và Duy Tân. Dục Đức lên ngôi năm 1883 được 3 ngày thì bị phế trất và mất, sau này con ông là vua Thành Thái (lên ngôi năm 1889) cho xây lăng để thờ cha đặt tên là An Lăng. Năm 1954, khi vua Thành Thái mất, thi hài được đưa về chôn tại địa điểm hiện nay trong khu vực An Lăng và được thờ ở ngôi điện Long Ân. Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa về an táng cạnh lăng Thành Thái.
Lăng Khải Định
Còn gọi là Ứng Lăng toạ lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế. Đây là lăng mộ của vị vua thứ 12 – vua Khải Định của triều Nguyễn. Lăng được xây dựng từ năm 1920 ngay sau khi Khải Định lên ngôi. Về kiến trúc lăng Khải Định được người đời sau thường đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi sự pha trộn kiến trúc Đông Tây Kim Cổ lạ thường, với các tác phẩm nghệ thuật ghép tranh sành sứ độc đáo.
Các di tích khác
Trấn Bình đài
Nằm ở vị trí Đông Bắc kinh thành Huế, bên ngoài cửa Trấn Bình được xây dựng năm Gia Long thứ 4 (1805), lúc đầu gọi là đài Thái Bình, đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832) đổi thành Trấn Bình đài, dân gian gọi là đồn Mang Cá. Đây là cái pháo đài thứ 25 của Kinh thành Huế, một thành phụ của Kinh thành, cách thành chính chỉ một đoạn hào chung.
Phu Văn Lâu
Phu Văn Lâu
Phu Văn Lâu nằm trên trục chính của Hoàng thành Huế phía trước Kỳ Đài, được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long, dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức. Năm 1829, vua Minh Mạng dùng nơi đây làm địa điểm tổ chức cuộc đấu giữa voi và hổ, năm 1830 ông lại tổ chức cuộc vui chơi yến tiệc suốt 3 ngày để mừng sinh nhật của mình.
Tòa Thương Bạc
Tòa Thương Bạc
Tọa lạc bên bờ Nam sông Hương, bên ngoài cổng Thượng Tứ được vua Tự Đức cho xây dựng năm 1936, tại vị trí hiện nay, cách vị trí Thương Bạc Viện cũ khoảng 100m để ghi nhớ di tích Thương Bạc Viện. Đây là trụ sở để đón tiếp các sứ thần nước ngoài. Công trình này được xây bằng vật liệu mới như xi măng, sắt thép; mặt nền hình bát giác, mái chia 2 tầng lợp ngói lưu ly, cấu trúc thanh nhã, hài hòa với cảnh vật xung quanh.
Văn Miếu
Văn Thánh Miếu
Văn Miếu còn gọi là Văn Thánh Miếu là nơi thờ Khổng Tử và dựng bia tiến sĩ. Miếu được chính thức xây dựng vào năm 1808 dưới triều vua Gia Long và có quy mô uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế.
Võ Miếu
Võ Miếu hay Võ Thánh miếu tại Huế được khởi công xây dựng từ tháng 9 năm Ất Mùi (1835) thời Minh Mạng tại làng An Ninh thuộc huyện Hương Trà, phía bên trái Văn Miếu, trước mặt là sông Hương. Đây là nơi thờ phụng và ghi danh những danh tướng Việt Nam, những tiến sĩ đỗ trong 3 khoa thi võ dưới triều Nguyễn, đây còn là nơi thờ một số danh tướng Trung Quốc.
Đàn Nam Giao
Đàn Nam Giao Huế: Kiến trúc cổ LINH THIÊNG giao hòa cùng trời đất
Đàn Nam Giao triều Nguyễn được xây dựng vào năm 1803, đặt tại làng An Ninh, thời vua Gia Long. Năm 1806, đàn được dời về phía Nam của kinh thành Huế, trên một quả đồi lớn thuộc làng Dương Xuân, nay thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Đây là nơi các vua Nguyễn tế trời.
Hổ Quyền
Hổ Quyền: Đấu trường sinh tử giữa Hổ và Voi
Được xây dựng năm Minh Mạng thứ 11 (1830), Hổ Quyền còn đọc là Hổ Khuyên tọa lạc tại địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, thành phố Huế. Đây là một chuồng nuôi hổ và là một đấu trường độc đáo. Dưới triều Nguyễn đây là đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ nhằm tế thần trong ngày hội và phục vụ nhu cầu giải trí tiêu khiển cho vua, quan lại và người dân.
Điện Voi Ré
Điện Voi Ré
Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây- Nam, cách Hổ Quyền khoảng 400m, trên địa phận thôn Trường Đá thuộc xã Thủy Biều, thành phố Huế. Tương truyền, dưới thời Trịnh
- Nguyễn phân tranh, nhân dân địa phương đã làm lễ an táng, xây mộ cho một con voi của một dũng tướng chết trận, gọi là mộ Voi Ré. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho xây dựng bên cạnh mộ con voi một ngôi điện thờ với tên gọi là Long Châu Miếu để thờ các vị thần bảo vệ và miếu thờ bốn con voi dũng cảm nhất trong chiến trận của triều Nguyễn. Từ truyền thuyết và sự kiện lịch sử như vậy, dân gian quen gọi ngôi miếu này là điện Voi Ré.
Điện Hòn Chén
Toàn cảnh Điện Hòn Chén – Huế
Tọa lạc trên núi Ngọc Trản, thuộc làng Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi tên là Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc), dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén vì nó ngay ngắn tròn trĩnh như hình chén úp. Cũng vì vậy, người ta quen gọi ngôi điện thờ Thánh mẫu tọa lạc giữa lưng chừng núi là điện Hòn Chén. Ðiện Hòn Chén là nơi ngày xưa người Chàm thờ nữ thần PoNagar, sau đó người Việt theo Thiên Tiên Thánh Giáo tiếp tục thờ bà với danh xưng Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
Chùa Thiên Mụ
Là một ngôi chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Đây có thể nói là ngôi chùa cổ nhất của Huế.
Trấn Hải Thành (Thành trấn giữ mặt biển)
Là một thành lũy dùng để bảo vệ Kinh đô triều Nguyễn được xây dựng ở cửa ngõ phía Đông Kinh thành Huế, cách đó 10km đường sông và 13 km đường bộ. Cửa biển này người ta gọi là Hải Môn - hay Cửa Eo (Cửa Lấp). Năm 1813, Gia Long cho xây dựng Trấn Hải Đài và đổi tên Cửa Eo thành Cửa Thuận An. Đến năm 1834, vua Minh Mạng cho đổi tên Trấn Hải đài ra Trấn Hải thành.
Nghênh Lương Đình
Nghênh Lương Đình hay Nghênh Lương Tạ là một công trình nằm trên trục dọc từ Kỳ đài ra đến Phu Văn Lâu được xây dựng dưới triều vua Tự Đức thứ 5 (1852), dùng làm nơi nghỉ chân của nhà vua trước khi đi xuống bến sông để lên thuyền rồng hoặc làm nơi hóng mát.
Cung An Định
Cung An Định
Cung An Định tọa lạc bên bờ sông An Cựu, xưa thuộc phường Đệ Bát - Thị xã Huế, nay tại số 97 đường Phan Đình Phùng, Thành phố Huế, là cung điện riêng của vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến khi làm vua, sau này được Vĩnh Thuỵ thừa kế và từng sống ở đây sau khi thoái vị.
Quần thể di tích cố đô Huế luôn là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt. Nơi đây lưu giữ bao sắc thái văn hóa, bao thăng trầm lịch sử và là một quần thể kiến trúc đặc trưng của nhà nước phong kiến Việt Nam.
Năm 1987, Việt Nam gia nhập “Công ước bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới” của UNESCO.
Năm 1990, UNESCO đề nghị Chính phủ Việt Nam lập hồ sơ một số công trình kiến trúc, thiên nhiên trong đó có khu Di tích Huế. Với sự hướng dẫn giúp đỡ của các chuyên gia UNESCO, trong hai năm 1992 và 1993, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố Đô Huế đã thực hiện bộ hồ sơ về Quần thể di tích Cố đô Huế nộp lên Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO (ICCROM). Tháng 3 năm 1993, một chuyên gia của ICCROM và IUCN đến Việt Nam để thẩm định giá trị của các khu vực Việt Nam nộp hồ sơ, trong đó có khu di tích Huế và đến tháng 9 năm 1993 Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô gửi hồ sơ bổ sung cho UNESCO. Ngày 11 tháng 12 năm 1993 trong một phiên họp tại Carthagène (Colombia), Hội đồng đã ghi danh Quần thể di tích Cố đô Huế vào Danh mục Di sản Thế giới. Ngày 2 tháng 8 năm 1994, đích thân Phó Tổng Giám đốc UNESCO, ông Dan- iel Janicot, đến Huế trao tấm bằng chứng nhận của UNESCO cho Huế có chữ ký của Tổng Giám đốc UNESCO, ông Fédérico Mayor Zaragoza với dòng chữ: “Ghi tên vào danh mục công nhận giá trị toàn cầu đặc biệt của một tài sản văn hóa hoặc thiên nhiên để được bảo vệ vì lợi ích nhân loại”.
Di sản văn hóa phi vật thể
Cùng với di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể của cố đô Huế cũng vô cùng phong phú và có giá trị văn hóa cao. Vào năm 2003 nhã nhạc cung đình Huế cũng được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Namdo UNESCO cấp.
Cùng tồn tại với dòng âm nhạc mang tính lễ nghi, cung đình, các loại hình âm nhạc mang tính giải trí tiêu khiển, dân gian của cố đô Huế cũng được biết đến như một điển hình mang đậm bản sắc riêng của một vùng văn hóa, mộc mạc thuần khiết, đặc thù không pha trộn. Đó là những điệu múa Huế, những vở tuồng Huế, những bài ca Huế đã thu hút sự chú ý của hàng triệu triệu du khách trong và ngoài nước.
“… Mãi cho đến ngày nay, Huế là một trong số ít ỏi còn lại giữa lòng thế giới hiện đại vẫn đắm chìm trong bài thơ sâu thẳm của thiên nhiên. Núi, sông, hồ và biển dựng lên một không gian hoành tráng, vừa mở ra tầm nhìn bát ngát, vừa viền khung lại trên mặt đất những bức tranh biến ảo đầy màu sắc do chính thiên nhiên vẽ lên. Thành phố đã từng biết đến nhiều thế kỷ tráng lệ này bây giờ vẫn còn lại một món quà tặng quý giá dành cho con người, đáp ứng một khao khát đang trở nên bức xúc đối với cư dân những đô thị hiện đại, đó là nhu cầu thiên nhiên…”.
(Được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới ngày 1-12-1999)
Đô thị cổ Hội An hình thành khoảng thế kỷ XVI, nằm giữa miền khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt, trải qua bao cuộc chiến tranh tàn phá, nhưng đến ngày nay, như một kỳ tích - Hội An vẫn còn được giữ lại gần như nguyên vẹn.
Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng hoài cảm và băn khoăn:
“… Hội An có từ bao giờ và tên cũ của nó là gì? Là Hải Phố, là Phải Phố? (Mà Tây thuộc địa sau thiết lập hành dinh tòa sứ và trại âm thành FaiFôô). Hay là Hoài Phố? Tôi không phải là nhà tra khảo cố sự, nên tôi vẫn cho Hoài Phố là phải hơn. Một cái phố nằm bên sông Hoài (sông Thu Bồn viền phố Hội An còn mang một tên nữa là sông Hoài). Chao ôi, một thị Nhớ dựng lên sát một hải cảng Đợi (Cửa Đại), sao mà đất nước mình có những đại danh từ gợi cảm khá nhiều như vậy?
Hội An nguyên là một chợ phiên quốc tế có những khu Tây, Tầu, Nhật, Ấn Chà Và. Chợt nhớ thơ Thông Phu (Chiếc lư đồng mắt cua: “Ai dựng thôn quê thành phố xá. Vì đâu bãi cát nổi lâu đài”. Một cái cảng sông thành cái cảng biển. Đôi bờ sông Hoài, nay nối tiếp những việc làm ăn cũ, bến dâu trên, bãi dâu dưới, các em, các bà, các cô Tây Thi Quảng Nam vẫn đều đều tiếng đập lụa, giãi lụa. Từ cảng biển không ngớt đưa vào thương điếm phố sông hằng hà thuyền tổ yến và thanh quế lừng danh. Phố tấp nập vui như chợ. Bây giờ đây, sáu trăm khung dệt chạy điện nhộn nhịp lòng phố chính và các đầu ngõ kiệt. Vui thích vậy thay là Hội An.
Càng nhớ cảnh năm trăm năm trước của Hội An, càng nhớ về một tương lai trước mắt lâu dài phồn vinh xây dựng giữa hòa bình Đông Nam Á cầm chắc trong tay mình”. (Phố cổ Hội An. Hà Nội - Đà Nẵng tháng 2/1985).
Hội An là một thành phố trực thuộc tỉnh, được thành lập ngày 29 tháng 1 năm 2008 theo Nghị định số 10/2008/NĐ-CP của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội An hiện nay đã được công nhận là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh Quảng Nam.
Phố cổ Hội An
Hiện nay, Hội An phân chia thành 9 phường: Cẩm An, Cẩm Chân, Cẩm Nam, Cẩm Phô, Cửa Đại, Minh An, Sơn Phong, Tân An, Thanh Hà và 4 xã: Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Tân Hiệp (xã đảo nằm trên Cù Lao Chàm).
Hội An trở thành thành phố vào tháng 1 năm 2008 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Hội An với 6.146,88ha, 121.716 nhân khẩu và một phần nhỏ huyện Điện Bài.
Có thể tạm phân kỳ như sau:
Trước thế kỷ 2
Tại Hội An, qua nhiều cuộc thăm dò, quan sát các di tích mộ táng: Bãi Ông; Hậu Xá I, II; An Bàng; Xuân Lâm và các di chỉ cư trú: Hậu Xá I; Đồng Nà; Cẩm Phô I; Trảng Sỏi; Lăng Bà; Thanh Chiêm… đã cung cấp nhiều thông tin quý về thời Tiền sử và thời văn hóa Sa Huỳnh muộn. Ngoài di tích Bãi Ông có niên đại hơn 3.000 năm, thuộc thời Tiền sử (Tiền Sa Huỳnh), các di tích còn lại đều trên dưới 2.000 năm, tức là vào giai đoạn hậu kỳ Sa Huỳnh.
Những bộ sưu tập hiện vật quý được thu thập từ các di tích khảo cổ là các loại thuộc về công cụ sinh hoạt, lao động sản xuất, chiến đấu, trang sức, tín ngưỡng... bằng các chất liệu gốm, đồng, sắt, đá, thuỷ tinh. Đặc biệt còn có cả những tiền đồng Trung Quốc: Ngũ Thù; Vương Mãng cùng với các đồ trang sức mã não, thủy tinh có gốc gác từ Nam Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Đông, chứng tỏ cách đây 2.000 năm, dân cư ở đây đã có nghề trồng lúa nước, khai thác thủy sản và làm các nghề thủ công. Đồng thời cũng thể hiện rõ mối quan hệ giao lưu văn hóa trong nước cùng các hoạt động buôn bán với nước ngoài, lập nên một cảng-thị sơ khai, là nền móng cho các cảng-thị sau này.
Thế kỷ 2 - Thế kỷ 15
Kế tiếp dân cư Sa Huỳnh cổ là dân cư Champa với nền văn hoá rực rỡ, mở đầu thời kỳ vàng son cho một cảng thị hưng thịnh. Vùng Lâm Ấp phố là nơi các chiến thuyền ngoại quốc thường ghé lấy nước ngọt từ những giếng Champa rất ngon và trong; trao đổi sản vật như trầm hương, quế, ngọc ngà, thuỷ tinh, tơ lụa, đồi mồi, xà cừ. Những cái tên Chiêm Bất Lao (Cù Lao Chàm), Đại Chiêm Hải Khẩu (Cửa Đại), Cachiam cùng với những tượng đá, giếng gạch và dấu vết nền tháp, đặc biệt trong các di chỉ khảo cổ học với các hiện vật gốm sứ Champa, Ả Rập, Trung Quốc; các đồ trang sức từ Trung Đông, Ấn Độ và nhiều tài liêu, thư tịch cổ Trung Quốc, Ả Rập, Ấn Độ, Ba Tư xác nhận vùng Cửa Đại xưa kia là hải cảng chính của nước Champa.
Thế kỷ 15 - Thế kỷ 19
Tiếp nối thời Champa, khoảng cuối thế kỷ 15, Hội An đã có dân cư Đại Việt tới sinh sống. Trong buổi đầu cùng với việc khai hoang, lập làng, người Việt còn sáng tạo ra một số ngành nghề phù
hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội nơi đây. Từ cuối thế kỷ 16 - thế kỷ 17, có thêm nhiều người Hoa và người Nhật đến định cư, giúp thương nghiệp Hội An phát triển. Kết hợp với vị trí địa lý phù hợp, Hội An nhanh chóng trở thành một thương cảng phồn thịnh trong nhiều thế kỷ.
Đến giữa thế kỷ 19, nền kinh tế Hội An nhanh chóng suy thoái do nhiều nguyên nhân bất lợi: sự bồi cạn, sông chuyển dòng, chính sách kinh tế hạn chế của triều đình phong kiến. Ngay gần đó, thương cảng Đà Nẵng hiện đại do người Pháp lập nên đã lấn át hết vai trò của Hội An.
1858 đến nay
Trong suốt 117 năm kháng chiến, nhân dân Hội An đã kiên cường chiến đấu cho độc lập và thống nhất của Việt Nam; tiêu biểu là phong trào Nghĩa Hội của Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Sau đó, có nhiều cuộc nổi dậy, phong trào như Duy Tân, phong trào chống thuế, Đông Du.
Ngày 22 tháng 8 năm 1998 Hội An được nhà nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân”.
Nghề làm lồng đèn Hội An - nét đặc sắc của mỹ thuật ứng dụng
Đèn lồng Hội An là một sản phẩm thủ công của Hội An đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam bảo hộ nhãn hiệu độc quyền từ năm 2005.
Đèn lồng Hội An rực rỡ và đủ các kích cỡ. Đêm Hội An thắp đèn lồng, không có điện sẽ như đêm hội hoa đăng, mờ ảo, lung linh, hoài niệm.
Với lịch sử phát triển lâu dài của mình, các cư dân sinh sống ở Hội An đã dần dần phát triển những ngành nghề đa dạng khác như nghề mộc, làm gốm mỹ nghệ, trồng rau, nghề thuốc... để phục vụ nhu cầu đời sống của mình, đồng thời cũng làm nên sự phồn thịnh, tấp nập cho cảng thị Hội An từ thế kỷ VII - cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Nhằm bảo tồn những ngành nghề này, Trung tâm văn hóa thể thao Hội An đã cho xây dựng xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ Hội An tại số 9 đường Nguyễn Thái Học, làm nơi trưng bày cũng như giới thiệu quy trình sản xuất đơn giản các sản phẩm của 12 làng nghề truyền thống trong vùng. Đây cũng là một trong những điểm tham quan thu hút rất nhiều khách du lịch.
Làng gốm Thanh Hà – Hội An
Đó là làng gốm Thanh Hà với quá trình phát triển 500 năm, thế mà có lúc người ta đã quên mất rằng Thanh Hà có nghề làm gốm rất độc đáo. Thế nhưng với tâm huyết của những người cao niên trong làng, gốm Thanh Hà lại dần được phục hồi.
Nằm cách Hội An 3 Km về hướng Tây, vào thế kỷ 16, 17, Thanh Hà là một ngôi làng rất thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp các tỉnh miền Trung Việt Nam. Nghề gốm của làng có nguồn gốc xuất xứ từ Thanh Hóa, sau khi đã tiếp thu được một số vốn liếng kỹ thuật thì làng đã hình thành một làng gốm như ngày nay.
Làng mộc Kim Bồng - Di sản văn hóa trăm năm tuổi
Làng mộc Kim Bồng thuộc xã Cẩm Kim nằm bên kia sông Hội An. Làng Kim Bồng đã nổi tiếng rất lâu với nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ.
Nghề mộc của làng có nguồn gốc từ miền Bắc. Qua quá trình giao lưu, các nghệ nhân mộc Kim Bồng đã tiếp thu một số nét tinh hoa của các truyền thống điêu khắc chạm trổ Chiêm Thành, Trung Hoa, Nhật Bản… kết hợp với tài hoa điệu nghệ của mình đã làm nên những sản phẩm mang đầy tính mỹ thuật và triết học. Làng vốn rất nổi tiếng về nghề mộc của mình vì hầu hết các kiến trúc cổ kính của Hội An đều do bàn tay tài hoa của cha ông họ dựng nên từ những ngày vàng son của thương cảng mậu dịch quốc tế Hội An.
Làng nghề đúc đồng Phước Kiều - Quảng Nam
Vị trí của làng nghề: Nằm dọc theo quốc lộ 1A, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ phố cổ Hội An đi khoảng 30 phút ra quốc lộ 1A, đến xã Điện Phương, gần cầu Câu Lâu cũ.
Làng đúc đồng Phước Kiều là một trong số những làng nghề truyền thống nổi tiếng đất Quảng Nam.
Đi dọc theo quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Điện Phương, dọc hai bên đường du khách có thể nhìn thấy rất nhiều các cửa hàng trưng bày rất nhiều sản phẩm của làng nghề rất tinh xảo và mang đầy tính chất dân tộc.
Theo ghi chép lịch sử (Việt Nam gia phả), làng nghề được hình thành từ thế kỷ thứ 16, khi ông Dương Không Lộ, quê xã Đề Kiều, Tổng Bình Quân, châu Thất Truyền, phủ Tường Khánh, tỉnh Lạng Sơn, trên bước đường đi làm ăn đã đặt chân đến phủ Điện Bàn khai khẩn 10 mẫu đất hoang để làm nghề đúc đồng, đổi tên là làng Phước Kiều. Và từ đó cùng với bao biến động, thăng trầm của đất nước làng nghề vẫn được duy trì và phát triển cho đến ngày nay.
Làng rau Trà Quế
Nằm cách trung tâm Hội An khoảng 3 km về hướng Tây bắc và cách TP Đà Nẵng chưa đến 20km về phía Nam, làng rau Trà Quế hiện có 220 hộ gia đình làm nghề nông nghiệp, trong đó có 130 hộ chuyên trồng rau luân canh, xen canh trên diện tích 40 héc ta. Từ xưa đến nay, làng rau Trà Quế nổi tiếng vì có trên 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị, đặc biệt là có nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng như húng, tía tô… Khi trộn lẫn các loại rau vào nhau sẽ hội đủ 5 vị cay, chua, ngọt, đắng, chát.
Khu phố cổ Hội An
Khu phố cổ nằm trọn trong phường Minh An, diện tích khoảng 2 km², với những con đường ngắn và hẹp, có đoạn uốn lượn, chạy dọc ngang theo kiểu bàn cờ. Nằm sát với bờ sông là đường Bạch Đằng, tiếp đó tới đường Nguyễn Thái Học rồi đường Trần Phú nối liền với Nguyễn Thị Minh Khai bởi Chùa Cầu. Do địa hình khu phố nghiêng dần từ Bắc xuống Nam, các con đường ngang Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ và Trần Quý Cáp hơi dốc dần lên nếu đi ngược vào phía sâu trong thành phố.
Đường Trần Phú là con đường chính, nơi tập trung nhiều nhất những công trình kiến trúc quan trọng, cũng như những ngôi nhà cổ điển hình cho kiến trúc Hội An. Nổi bật nhất trong số này là các hội quán do người Hoa xây dựng để tưởng nhớ đến quê hương của họ. Nếu bắt đầu từ Chùa Cầu, sẽ thấy năm hội quán trên đường Trần Phú, tất cả đều bên số chẵn: Hội quán Quảng Đông, Hội quán Trung Hoa, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Quỳnh Phủ và Hội quán Triều Châu. Ở góc đường Trần Phú và Nguyễn Huệ là miếu Quan Công, di tích đặc trưng cho kiến trúc đền miếu của người Minh Hương ở Việt Nam. Ngay sát miếu về phía Bắc, có thể thấy Bảo tàng Lịch sử
- Văn hóa Hội An, nguyên trước đây là ngôi chùa Quan Âm của dân làng Minh Hương. Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh và Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch cũng nằm trên con đường này. Theo đường Trần Phú, đi qua Chùa Cầu sẽ dẫn tới đường Nguyễn Thị Minh Khai. Những ngôi nhà truyền thống ở đây được tu bổ và bảo tồn rất tốt, phần lối đi bộ hai bên được lát gạch đỏ, phía cuối đường là vị trí của đình Cẩm Phô. Phía Tây đường Nguyễn Thái Học có một dãy phố được hình thành bởi những ngôi nhà có kiến trúc mặt tiền kiểu Pháp, còn phần phía Đông là khu phố mua bán nhộn nhịp với những ngôi nhà kiểu hai tầng, diện tích lớn. Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An nằm ở số 33 của con đường này. Đây là ngôi nhà cổ lớn nhất khu phố cổ, có chiều dài 57 mét, chiều ngang 9 mét. Trong mùa mưa bão, đường Nguyễn Thái Học và khu vực xung quanh thường bị ngập lụt, dân cư phải sử dụng thuyền để đi mua sắm và đến các quán ăn. Khu phố phía Đông phố cổ từng là khu phố của người Pháp. Trên đường Phan Bội Châu, dãy phố phía Tây được xây dựng san sát những ngôi nhà với mặt đứng kiểu châu Âu, đa số một tầng. Nơi đây từng là nhà ở của các công chức dưới thời Pháp thuộc.
Kiểu nhà ở phổ biến nhất của Hội An chính là những ngôi nhà phố một hoặc hai tầng với đặc trưng chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài tạo nên kiểu nhà hình ống. Những vật liệu chính dùng để xây dựng nhà ở đây đều có sức chịu lực và độ bền cao do đặc điểm khí hậu khắc nghiệt và bão lụt hàng năm của vùng này. Thông thường, các ngôi nhà có kết cấu kiểu nhà khung gỗ, hai bên có tường gạch ngăn cách. Khuôn viên trung bình của các ngôi nhà có chiều ngang khoảng 4 đến 8 mét, chiều sâu khoảng 10 đến 40 mét, biến thiên theo từng tuyến phố. Bố cục mặt bằng phổ biến của những ngôi nhà ở đây gồm: vỉa hè, hiên, nhà chính, nhà phụ, hiên, nhà cầu và sân trong, hiên, nhà sau ba gian, vườn sau. Thực chất, nhà phố ở Hội An bao gồm nhiều nếp nhà bố trí theo chiều sâu và cấu thành không gian kiến trúc gồm 3 phần: không gian buôn bán, không gian sinh hoạt và
không gian thờ cúng. Cách phân chia này phù hợp với mặt bằng hẹp và kết hợp nhiều công năng của ngôi nhà. Có thể nhận thấy đây là một sản phẩm kiến trúc mang tính văn hóa khu vực.
Ở không gian nhà chính, hệ thống 16 cây cột phân bố 4 x 4 tạo thành phân vị chiều ngang và chiều sâu theo cấu trúc 3 x 3 gian, trong đó 4 cột trung tâm cao hơn hẳn các cột còn lại. Đây chính là không gian dành cho buôn bán với gian đầu từ đường vào là chỗ bán hàng, gian kế tiếp là kho hàng hóa được ngăn bằng vách, gian thứ ba bố trí nhà thờ quay mặt vào bên trong. Điểm đặc biệt này là một đặc trưng rất quan trọng của nhà phố cổ Hội An, dù đôi khi cũng có trường hợp bàn thờ quay ra phía đường. Bên cạnh các nhà chính phổ biến dạng 3 x 3 gian, một số ít ngôi nhà khác có nhà chính rộng hoặc hẹp hơn, kiểu 3 x 2 gian hoặc 3 x 5 gian. Không gian tiếp theo nhà chính là nhà phụ, thường thấy ở những ngôi nhà hai tầng có chiều cao thấp. Khoảng không gian mở này vừa được tiếp nối với mặt đường, vừa tách biệt với những hoạt động buôn bán phía ngoài, lại có thể tiếp nhận ánh sáng của sân trời, được dùng làm nơi gia chủ tiếp khách. Nhà cầu và sân trong là không gian được chia hai phần theo chiều dọc, có kết cấu độc lập với nhà trước và nhà sau, mang chức năng chuyển tiếp. Phần sân trời được lát đá, trang trí bể nước, non bộ, cây cảnh, giúp ngôi nhà thoáng và hòa hợp với thiên nhiên hơn. Ngược lại, phần nhà cầu có mái nối liền nhà trước với nhà sau thành một cơ cấu liên tục, rất phù hợp với điều kiện khí hậu nhiều mưa và nắng nóng ở đây. Dù trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, mọi sinh hoạt trong nhà vẫn có thể diễn ra bình thường. Nhà sau là không gian sinh hoạt của cả gia đình, được ngăn buồng bằng các vách gỗ. Phía sau nhà sau còn một khoảng không gian nữa, dành cho bếp, nhà vệ sinh và các chức năng phụ khác. Đối với một ngôi nhà thông thường, không gian thờ cúng chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng luôn được dành riêng một vị trí quan trọng. Để các công năng buôn bán, vận chuyển hàng hóa, sinh hoạt không bị cản trở, ban thờ thường được chuyển lên gác lửng. Ở những ngôi nhà một tầng, ban thờ được đặt ở phần mái phụ của nhà trước hoặc trung tâm nhà sau. Trong những ngôi nhà hai tầng, toàn bộ tầng hai của nhà chính thường được dùng làm kho hàng và ban thờ cũng được bố trí ở tầng này.
Những ngôi nhà ở Hội An hầu hết được làm theo dạng hai mái, đa số nhà chính và nhà phụ không chung một mái mà là hai nếp mái kế tiếp nhau. Rất ít trường hợp mái nhà chính phủ lên cả phần nhà phụ. Ngói ở Hội An là loại ngói làm từ đất, mỏng, nung thô, mang hình vuông, mỗi cạnh khoảng 22 cm và có dạng hơi cong. Khi lợp, đầu tiên người ta xếp một hàng ngói ngửa lên và sau đó tiếp tới một hàng ngói úp xuống. Cách lợp này được gọi là kiểu lợp ngói âm dương. Khi lợp xong mái, các viên ngói được cố định bằng vữa, tạo thành những dải ngói nhô lên dọc xuôi theo mái, khiến toàn bộ mái toát nên một vẻ cứng cáp, mạnh mẽ. Ở trên đỉnh mái, phần nóc mái được xây cao lên hình chữ nhật như một cái hộp, cũng có một số trường hợp hai bên tường hồi cũng được xây cao hẳn làm cho toàn bộ tổng thể dường như bị mất cân đối. Hình thức và cách trang trí của tường hồi luôn gây một ấn tượng mạnh và là yếu tố tạo ra giá trị rất riêng của phố cổ Hội An.
Mặc dù phần lớn các ngôi nhà phố của Hội An ngày nay được hình thành vào thời kỳ thuộc địa, nhưng trong khu phố cổ vẫn gìn giữ được nhiều di tích phản ánh các giai đoạn lịch sử hình thành, hưng hịnh và suy tàn của đô thị. Các loại hình kiến trúc từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 18 thường mang chức năng cơ bản, bị tác động bởi nền kinh tế, yếu tố cảng thị của Hội An khi đó. Tiêu biểu cho giai đoạn này là những bến thuyền, giếng nước, chùa chiền, đền miếu, cầu, mộ, những nhà thờ tộc và các thương điếm. Từ thế kỷ 18, Hội An không còn vị trí thương cảng bậc nhất nữa. Thời kỳ này xuất hiện phổ biến những văn miếu, văn chỉ, đình, nhà thờ và đặc biệt là các hội quán. Qua sự phân bố, quy mô, hình thức, chức năng của các công trình kiến trúc, có thể thấy sự chuyển đổi của Hội An trong giai đoạn này. Thời kỳ Pháp thuộc, cũng như nhiều đô thị khác của Việt Nam, Hội An chịu ảnh hưởng sâu đậm của kiến trúc Pháp. Những ngôi nhà mang phong cách thuộc địa xuất hiện nhiều và tập trung trên một tuyến phố. Sự đan xen phong cách kiến trúc Pháp giữa những ngôi nhà cổ truyến thống là hệ quả của một lối sống phương Tây đã xuất hiện trong đời sống của cư dân Hội An. Các công trình thời kỳ này giữ được vẻ hài hòa trong ngôn ngữ kiến trúc, mềm dẻo trong trang trí, phù hợp với không gian đô thị, mang lại cho Hội An một dáng vẻ mới. Theo thống kê tháng 12 năm 2000, Di sản thế giới Hội An có 1360 di tích gồm 1068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và 1 cây cầu. Khoảng hơn 1100 di tích trong số này nằm trong khu vực đô thị cổ.
Hội An từng là một trung tâm của Phật giáo sớm của Đàng Trong với đa số các ngôi chùa theo dòng Tiểu thừa. Nhiều ngôi chùa ở đây có niên đại khởi dựng khá sớm, nhưng hầu hết kiến trúc gốc đã bị thay đổi, thậm chí mai một qua những biến thiên của lịch sử và những lần trùng tu. Ngôi chùa sớm nhất được biết đến là chùa Chúc Thánh, tương truyền có gốc gác từ năm 1454, nằm cách trung tâm khu phố cổ khoảng 2 km về phía Bắc. Nơi đây vẫn lưu giữ nhiều di vật, tượng thờ, bia ký liên quan đến quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo ở Đàng Trong.
Chùa Chúc Thánh là ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng tại Hội An
Ngoại ô khu phố cổ còn nhiều ngôi chùa khác như Phước Lâm, Vạn Đức, Kim Bửu, Viên Giác... mang niên đại muộn hơn. Giai đoạn đầu thế kỷ 20 cũng là thời kỳ ra đời của nhiều ngôi chùa mới, nổi bật trong số này là chùa Long Tuyền hoàn thành vào năm 1909. Bên cạnh những ngôi chùa tách khỏi làng xóm, nằm ven những dòng chảy cổ, ở Hội An còn có các ngôi chùa làng gắn với những quần cư như một thành phần hữu cơ của tổng thể làng xóm. Điều này phản ánh giới tu hành gắn bó với thế tục và chứng tỏ Minh Hương xã ở đây đã có một thiết chế văn hóa sinh hoạt cộng đồng khá mạnh. Trong khu phố cổ, Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa Hội An nguyên trước đây là ngôi chùa thờ Phật Bà Quan Âm do người Việt và người Minh Hương khởi dựng vào khoảng thế kỷ 17.
Các công trình đền miếu ở Hội An mang chức năng chính là nơi thờ cúng các vị tiên hiền có công sáng lập phố, hội và Minh Hương xã. Loại hình kiến trúc này thường có hình thức đơn giản, nằm ngay trong làng xóm, bố cục mặt bằng 1 x 3 gian tường gạch chịu lửa, mái ngói âm dương với ban thờ được đặt ở gian chính giữa. Tiêu biểu nhất cho loại hình kiến trúc này chính là miếu Quan Công, còn được gọi là Chùa Ông, nằm trong trung tâm khu phố cổ, số 24 đường Trần Phú. Công trình được người Minh Hương và người Việt khởi dựng vào năm 1653, thờ Quan Công, vị tướng nổi tiếng thời Tam Quốc, biểu tượng của trung hiếu, tiết nghĩa. Tượng Quan Công cao gần 3 mét, mặt đỏ, mắt phượng, râu dài, mặc áo bào màu xanh lục, tọa trên mình con ngựa bạch đang quỳ. Hai bên là tượng Quan Bình và Châu Thương, hai người con nuôi, cũng là hai võ quan trung thành của Quan Công. Trước đây, miếu Quan Công là trung tâm tín ngưỡng của các thương gia Hội An, nơi chứng giám, tạo niềm tin cho các thương gia trong những cuộc giao kèo thương mại. Ngày nay, vào ngày 13 tháng 1 và 24 tháng 6 Âm lịch hàng năm, lễ hội Chùa Ông được tổ chức thu hút rất đông tín đồ và dân chúng tới dự.
Tại Hội An, cũng như nhiều địa phương khác của Việt Nam, các dòng họ đều có nơi thờ cúng tổ tiên, được gọi là miếu tộc hay nhà thờ họ. Đây là một dạng kiến trúc nhà ở đặc biệt, của những dòng họ lớn có công lập làng dựng phố từ thời kỳ sơ khai của Hội An và truyền lại cho con cháu làm nơi thờ tự tổ tiên. Những dòng họ nhỏ, nhà thờ họ kết hợp với nhà ở của vị trưởng họ có nguồn gốc từ Trung Hoa. Hậu duệ về sau có trách nhiệm hương khói và tu sửa kiến trúc tùy theo tình trạng ngôi nhà. Phần lớn các nhà thờ họ tập trung ở khoảng giữa hai đường Phan Chu Trinh và Lê Lợi, một số ít rải rác trên đường Nguyễn Thị Minh Khai hay nằm ngay sau những ngôi nhà phố trên đường Trần Phú. Các nhà thờ tộc có niên đại sớm nhất hầu hết của người Hoa kiều, vào đầu thế kỷ 17, số có niên đại thế kỷ 18 chỉ chiếm một phần nhỏ. Khác với những nhà thờ tộc ở thôn quê, nhà thờ họ ở Hội An thường mang phong cách đô thị. Vì là nơi thờ tự nên nhà thờ tộc được xây dựng theo dạng khuôn viên, có bố cục và kết cấu chặt chẽ, bao gồm cả sân vườn, cổng, tường rào, nhà phụ... Nhiều nhà thờ họ ở đây có quy mô và kiến trúc rất đẹp, như nhà thờ tộc Trần, nhà thờ tộc Trương, nhà thờ tộc Nguyễn hay nhà thờ Tiền hiền Minh Hương.
Nhà thờ tộc Trần nằm ở số 21 đường Lê Lợi, được xây dựng vào đầu thế kỷ 19. Cũng giống như các nhà tộc khác ở Hội An, nhà thờ tọa sâu trong một khuôn viên rộng khoảng 1500 m², tường cao bao quanh, sân trước trồng cây cảnh, hoa, cây ăn quả. Ngôi nhà có kiến trúc chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, dựng từ gỗ quý, 3 gian 2 nếp, mái dốc lợp ngói âm dương. Không gian trong nhà được chia làm hai phần, phần chính để thờ cúng, phần phụ là nơi ở của vị trưởng tộc và tiếp khách. Gian thờ cúng có ba cửa ra vào, trong đó cửa bên phải dành cho nữ, bên trái dành cho nam, cửa chính ở giữa dành cho những người cao tuổi có vai vế trong họ và chỉ mở vào dịp lễ tết. Trên bàn thờ, các hộp nhỏ đựng di vật và tiểu sử những người họ Trần xếp theo vai vế trong dòng tộc. Trong ngày lễ hay giỗ kỵ, vị trưởng tộc sẽ mở những hộp gỗ này để tưởng nhớ đến người quá cố. Phía sau ngôi từ đường có một vạt đất cao dùng để chôn những núm nhau của các thành viên trong tộc khi sinh ra. Cũng trên vạt đất này, phía sau còn trồng một cây khế, tượng trưng cho sự gắn bó với quê hương đất tổ của các thế hệ con cháu trong họ.
Mặt trước nhà 3 gian của nhà thờ tộc Trần Hội An
Một trong những đặc tính nổi trội của người Hoa là bất cứ nơi cư trú nào của họ ở ngoại quốc đều có các hội quán, sản phẩm sinh hoạt cộng đồng dựa trên cơ sở những người đồng hương. Tại Hội An ngày nay vẫn tồn tại 5 hội quán tương ứng với 5 bộ phận dân cư Hoa kiều lớn ở đây: Phúc Kiến, Trung Hoa, Triều Châu, Quỳnh Phủ và Quảng Đông. Các hội quán này có quy mô khá lớn, đều nằm trên trục phố Trần Phú và thống nhất hướng chính ra sông Thu Bồn.
5 hội quán lớn nhất còn tồn tại ở Hội An đến ngày nay
Trong năm hội quán ở Hội An, Phúc Kiến là hội quán lớn nhất, nằm ở số 46 đường Trần Phú. Buổi ban đầu, nơi đây chỉ là một ngôi chùa lợp tranh do người Việt dựng vào năm 1697 để thờ Phật. Qua thời gian, ngôi chùa bị hư hỏng và người Việt không đủ khả năng để sửa chữa. Những thương nhân Phúc Kiến mua lại ngôi chùa vào năm 1759 và sau nhiều lần trùng tu, năm 1792 đổi thành Hội quán Phúc Kiến.
Hội quán Phúc Kiến Hội An với 3 cánh cổng dẫn vào bên trong, tượng trưng cho thiên – địa – nhân, nam tả nữ hữu
Công trình có kiến trúc theo kiểu chữ Tam, kéo dài từ đường Trần Phú đến đường Phan Chu Trinh, theo thứ tự: cổng tam quan, sân, hai dãy nhà Đông Tây, chính điện, sân sau và hậu điện. Cổng tam quan của hội quán mới được xây dựng trong lần trùng tu lớn đầu thập niên 1970. Chiếc cổng có một hệ mái ngoạn mục gồm 7 mái lợp ngói ống men xanh uốn lượn, xếp nối nhau thấp dần xuống, cân xứng giữa hai bên. Phía cao của cổng, dưới tầng mái trên, một tấm bảng trắng có ghi ba chữ Hán màu đỏ “Kim Sơn Tự”. Phía dưới tầng mái dưới cũng có một tấm biển đá xanh đề bốn chữ Hán màu đỏ “Hội quán Phúc Kiến”. Hai bức tường hai bên cổng tam quan ngăn cách sân trong của hội quán với một sân bên ngoài. Phần chính điện của hội quán được trang trí những cây cột màu đỏ son, treo những đôi liễn gỗ ca tụng Thiên Hậu Thánh Mẫu. Chính điện thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đang ngồi thiền, phía trước là một lư hương lớn. Hai bên hương án sẽ thấy hai bức tượng Thiên Lý Nhãn và Thượng Phong Nhĩ, hai vị thần phụ tá cho Thiên Hậu cứu giúp các thuyền buôn người Hoa gặp nạn. Tiếp theo chính điện, băng qua sân sau sẽ tới hậu điện. Ở đây phần chính giữa được dành để thờ sáu vị tướng nhà Minh người Phúc Kiến, bên trái là ban thờ 3 bà chúa Sanh Thai và 12 bà mụ, bên phải là ban thờ Thần Tài. Ngoài ra, hậu điện còn thờ những người đã có công đóng góp tiền của xây dựng hội quán và chùa Kim Sơn.
Hàng năm, vào ngày 23 tháng 3 Âm lịch, lễ hội Thiên Hậu Thánh Mẫu được người Hoa tổ chức với nhiều hoạt động như múa lân, bán pháo hoa, xộ cỗ, xin lộc... thu hút nhiều người dân Hội An và những vùng khác đến tham dự.
Chùa Cầu – Linh hồn của phố Cổ Hội An
Chiếc cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An ngày nay là Chùa Cầu, còn có tên gọi khác là Cầu Nhật Bản. Cây cầu này dài khoảng 18 mét, bắc qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Thu Bồn, nối liền đường Trần Phú với đường Nguyễn Thị Minh Khai. Theo sự tích kể lại thì Cầu Nhật Bản được xây dựng vào năm 1593, nhưng không có một cơ sở chính xác nào để khẳng định điều này. Trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ năm 1630, cái tên “Hội An Kiều” và hình ảnh một cây cầu có mái đã xuất hiện. Nhà sư Thích Đại Sán cũng nhắc tới cái tên “Nhật Bản Kiều” trong cuốn Hải ngoại ký sự năm 1695. Trải qua rất nhiều lần trùng tu, hình dáng cây cầu đã bị thay đổi nhiều, dáng vẻ ngày nay được hình thành trong những lần sửa chữa vào thế kỷ 18 và 19. Những trang trí bằng mảnh sứ tráng men hay đĩa sứ là biểu hiện đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn.
Cầu Nhật Bản có một kiến trúc khá độc đáo, kiểu thượng gia hạ kiều, tức trên là nhà dưới là cầu, một loại hình kiến trúc khá phổ biến ở những quốc gia châu Á nhiệt đới. Dù mang tên Cầu Nhật Bản nhưng sau nhiều lần trùng tu, thật khó có thể tìm thấy một chút dấu tích kiến trúc Nhật Bản trên cây cầu này. Nhìn từ bên ngoài, cây cầu nổi bật nhờ hệ mái cong mềm mại nâng đỡ bởi một hệ thống kết cấu gỗ, và phần móng được làm bằng vòm trụ đá. Mặt cầu vồng lên kiểu cầu vồng, được lát ván làm lối qua lại, hai bên có bệ gỗ nhỏ, trước kia làm nơi bày hàng buôn bán. Gắn liền với cầu về phía thượng nguồn là một ngôi chùa rất nhỏ thờ Huyền Thiên đại đế, xây dựng sau cầu khoảng nửa thế kỷ. Ngôi chùa nằm ngay cạnh cầu, ngăn cách bởi một lớp vách gỗ và bộ cửa “thượng song hạ bản”, tạo không gian riêng biệt. Trên cửa chùa treo bức hoành màu đỏ với ba chữ “Lai Viễn Kiều” do chúa Nguyễn Phúc Chú ban tặng vào năm 1719 với ý nghĩa cây cầu của những người bạn từ phương xa đến. Ở mỗi đầu cầu, hai bên lối đi đều có hai bức tượng thú, một bên tượng khỉ, bên kia tượng chó. Các tượng đều được chạm bằng gỗ mít trong tư thế ngồi chầu, phía trước mỗi tượng có một bát nhang. Theo truyền thuyết, con thủy quái Mamazu có đầu nằm ở Nhật Bản, đuôi ở Ấn Độ Dương và thân thì ở Việt Nam, mỗi khi cựa mình sẽ gây ra động đất, thiên tai, lũ lụt. Vì vậy những người Nhật đã xây dựng cây cầu cùng tượng Thần Khỉ và Thần Chó để trấn yểm con quái vật. Một thuyết khác cho rằng những bức tượng khỉ và chó xuất hiện trên cầu vì công trình này được khởi dựng vào năm Thân, hoàn thành vào năm Tuất. Cây cầu nhỏ này ngày nay đã trở thành biểu tượng của thành phố Hội An.
Ở Hội An hiện nay vẫn gìn giữ được nhiều loại hình lễ hội truyền thống, như lễ hội kính ngưỡng Thành hoàng làng, lễ hội tưởng niệm những vị tổ sư ngành nghề, lễ hội kỷ niệm các bậc thánh nhân, lễ hội tín ngưỡng tôn giáo. Quan trọng nhất chính là những lễ hội đình ở các làng ven đô thị. Thông thường, mỗi làng đều có một ngôi đình để thờ Thành hoàng và các vị tiên hiền. Mỗi năm, thường vào đầu mùa xuân, các làng lại mở lễ hội để kính ngưỡng vị thánh của làng mình và tưởng nhớ công lao các vị tiên hiền. Công việc này thường do những người cao niên phụ trách, cứ đến kỳ hạn họ bầu ra một ban tế lễ và dân làng cùng đóng góp kinh phí, tham gia vệ sinh, trang hoàng đình miếu. Lễ cúng thường diễn ra trong hai ngày, ngày thứ nhất chỉ làm lễ cáo yết, ngày thứ hai mới là ngày tế chính thức. Vào dịp Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy hàng năm, những người dân vùng Hội An tổ chức lễ hội Long Chu tại các đình làng. Dịp tổ chức lễ hội chính là hai thời điểm chuyển từ mùa mưa sang mùa khô và ngược lại, khoảng thời gian dịch bệnh thường xảy ra. Trong suy nghĩ của dân gian, các dịch bệnh do những thế lực thiên nhiên xấu xa mang tới, vì vậy tất cả mọi người trong làng, không trừ một ai, đều tham gia vào lễ hội. Vào ngày lễ chính, toàn thể dân làng rước Long Chu, một chiếc thuyền làm theo hình rồng, về đình và người chủ bái cùng thầy phù thủy sẽ khai quan điểm nhãn cho Long Chu. Sau nhiều nghi lễ cúng tế, buổi tối các tráng đinh đưa Long Chu đến những nơi cần yểm và sau đó mang đốt rồi thả ra biển.
Tại các làng chài ven sông, biển của Hội An, đua ghe là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu, thường diễn ra trong dịp mừng xuân từ mùng 2 đến mùng 7 tháng Giêng, cầu ngư vào Rằm tháng hai và cầu an vào khoảng trung tuần tháng ba Âm lịch. Theo quan niệm dân gian, đua ghe là dịp làm vui lòng các thánh thần thượng sơn hạ thủy và những đấng khuất mặt đã phù hộ cho thôn xóm được bình yên. Trước mỗi cuộc đua ghe, các làng xã náo nhiệt chuẩn bị, tập luyện. Chiến thắng trong các cuộc đua là niềm tự hào của dân làng và có ý nghĩa mang lại một vận may trong mùa màng sắp tới. Trước đây, trong hội đua ghe, các yếu tố lễ, hội đều được xem trọng, nhưng ngày nay, phần hội thường nổi trội hơn và đọng lại lâu trong tâm thức mọi người. Cũng vào dịp cầu ngư hàng năm, dân cư các làng chài Hội An còn tổ chức lễ tế cá Ông, tri ân cá Ông đã cứu giúp những người hoạn nạn trên biển. Trong những lễ tế này, thường có hoạt động hát bả trạo, một loại hình văn nghệ dân gian độc đáo, miêu tả lại cảnh sinh hoạt, lao động trên sông nước. Và giống như các địa phương khác ở ven biển miền Trung, mỗi dịp cá Ông chết trôi dạt vào bờ, ngư dân thường tổ chức chôn cất, cúng tế rất linh đình.
Từ năm 1998, chính quyền Hội An bắt đầu tổ chức Lễ hội đêm Rằm phố cổ vào mỗi đêm 14 Âm lịch hàng tháng. Ý tưởng độc đáo này xuất phát từ mong ước của kiến trúc sư Ba Lan Kazimier Kwiat- kowski, người đã dành nhiều công sức trong việc bảo tồn hai di sản Hội An và Mỹ Sơn. Trong dịp lễ hội, thời gian từ 17 đến 22 giờ, tất cả các ngôi nhà, hàng quán, tiệm ăn đều tắt điện, toàn bộ khu phố chìm trong ánh sáng của trăng rằm và những ngọn đèn lồng. Trên các con phố, những phương tiện giao thông tạm thời bị cấm, chỉ dành cho người đi bộ. Tại các điểm di tích, nhiều hoạt động ca nhạc, trò chơi dân gian, thi đấu cờ tướng, đánh bài chòi, thả hoa đăng... được tổ chức. Khi các ngày lễ lớn khác trùng vào đêm rằm, các hoạt động văn hóa sẽ phong phú hơn với những vũ hội hóa trang, vịnh thơ Đường, múa lân... Khách du lịch đến Hội An vào dịp đêm Rằm sẽ được sống trong một không gian đô thị từ những thế kỷ trước.
Hội An đẹp như cổ tích trong đêm rằm hoa đăng
Với vị trí vùng cửa sông ven biển, nơi gặp nhau của các tuyến giao thông đường thủy và cũng là nơi hội tụ về kinh tế, văn hóa liên tục trong nhiều thế kỷ, Hội An có được một nền ẩm thực đa dạng và mang những sắc thái riêng biệt. Vùng đất nơi đây không có được những cách đồng rộng lớn như đồng bằng sông Cửu Long hay đồng bằng sông Hồng, nhưng bù lại Hội An có các cồn bãi ven sông màu mỡ và những thửa ruộng hẹp giàu phù sa. Môi trường sông biển này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày, phong tục tập quán, lối sống của cư dân địa phương, trong đó có thói quen ẩm thực. Trong bữa ăn hàng ngày của người dân Hội An, thủy hải sản luôn chiếm một phần lớn, còn ngoài chợ, số lượng tôm cua cá được tiêu thụ thường gấp đôi số lượng thịt. Cá trở thành một món ăn không thể thiếu trong khẩu phần hàng ngày của dân cư Hội An và người ta quen gọi khu vực bày bán thức ăn là chợ cá. Ngày nay tại Hội An vẫn lưu truyền một số thói quen, tập quán ẩm thực của một số gia đình người Hoa. Vào những dịp lễ tết, các dịp hôn hỉ, họ thường nấu một số món ăn riêng như bún xào Phước Kiến, cơm Dương Châu, kim tiền kê, phạch xồi... để cùng nhau thưởng thức, cũng là dịp nhớ lại nguồn gốc dân tộc. Những người Hoa đã góp phần đáng kể làm nên sự phong phú của ẩm thực Hội An, cũng là tác giả của nhiều món đặc sản chỉ có ở đây.
Một trong những món ăn tiêu biểu và nổi tiếng nhất của ẩm thực Hội An là món cao lầu. Sợi cao lầu được chế biến rất công phu. Người ta ngâm gạo và nước trong được lọc kỹ, sau đó xay thành nước bột. Bột được dùng vải bòng nhiều lần để khô, dẻo rồi cán thành miếng vừa cỡ và cắt thành con mỳ. Cao lầu không cần nước lèo, nước nhân, thay vào đó là thịt xíu, nước xíu, tép mỡ và để bớt béo người ta dùng kèm với giá trụng, rau sống. Khi bán, người ta trần mỳ, giá đổ ra bát và thêm mấy lát thịt xíu hoặc thịt ba chỉ, đổ tép mỡ, thêm một muỗng mỡ heo rán sẵn ở lò bên. Trước đây ở Hội An có các tiệm cao lầu ông Cảnh, Năm Cơ rất nổi tiếng, từng đi vào câu ca dao: Hội An có Hạ Uy Di. Chùa Cầu, Âm Bổn, cao lầu Năm Cơ.
Bên cạnh những món đặc sản mang tính phố thị như cao lầu, hoành thánh, bánh bao, bánh vạc... Hội An còn có nhiều món ăn dân dã hấp dẫn như bánh bèo, hến trộn, bánh xèo, bánh tráng... và đặc biệt là mì Quảng. Đúng như tên gọi, món mỳ này có nguồn gốc xuất phát từ Quảng Nam. Mỳ Quảng cũng như phở, bún đều được chế biến từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị rất riêng biệt. Để làm mỳ, người ta dùng gạo tốt ngâm nước cho mềm, đem xay thành bột nước mịn rồi pha thêm phèn sa để sợi mỳ giòn, cứng, đem tráng thành lá mỳ. Khi mỳ chín được vớt ra đặt lên vỉ cho nguội, thoa sơ một lớp mỡ cho mỳ khỏi dính rồi cắt thành sợi. Nước nhân mỳ được làm bằng tôm, thịt lợn hoặc thịt gà, có khi được làm bằng cá lóc, thịt bò. Nước nhân mỳ không cần nhiều màu mè, không nhiều gia vị mà phải trong và có vị ngọt. Ở Hội An, mỳ Quảng được bán khắp nơi, từ các quán ăn thành thị đến những hàng quán ở thôn quê, đặc biệt là những quán mỳ trên hè phố.
Bánh bao, bánh vạc là một trong những món ăn sang trọng, nổi tiếng ngon và lạ của phố cổ Hội An. Bánh bao, bánh vạc thường đi đôi với nhau, cả hai đều được làm bằng nguyên liệu chính là bột gạo. Ngay từ khâu chọn gạo đã thấy bánh bao bánh vạc là loại bánh kén chọn nguyên liệu. Bột gạo làm bánh phải lấy từ loại gạo thơm ngon, mua về sàng sảy kỹ rồi cho vào nước và xay thành bột. Nước dùng để xay phải trong, không nhiễm mặn, nhiễm phèn, thường là nước từ giếng cổ Bá Lễ. Sau nhiều lần chắt lọc, bột được vê lại và để trong một chiếc thau sạch. Cùng với việc chế biến bột, người thợ tiến hành làm nhân bánh, gia chế hành, trải trên bánh trước khi ăn. Nhân bánh được chia làm hai loại, nhân bánh bao và nhân bánh vạc. Nhân bánh bao chủ yếu gồm tôm và gia vị được pha trộn và giã nhiều lần trong cối. Nhân bánh vạc hơi khác và phong phú hơn, ngoài chả tôm còn có giá hột, nấm mèo, măng tre, thịt heo thái hình hạt lựu, lá hành. Tất cả hỗn hợp nhân này được cho vào xoong và xào với muối, mắm. Bắt đầu vào công đoạn chế biến bánh, cả bánh bao và bánh vạc được làm song song, thường có từ 2 đến 4 thợ làm bánh. Bánh bao được làm với lớp bột thật mỏng, cách điệu như những cánh hoa hồng. Bánh vạc lớn hơn bánh bao, trông giống hình quai vạc. Khi làm xong, bánh được chưng cách thủy trên bếp, khoảng chừng 10 đến 15 phút là chín. Lúc ăn, hai loại bánh được dùng chung với nhau, nhưng thực khách có thể chọn bánh bao bánh vạc tùy thích. Những chiếc bánh được bày cầu kỳ, bánh bao xếp ở giữa và bên trên, bánh vạc xếp xung quanh và bên dưới. Bánh xếp xong được trải lớp hành phi vàng, kế đó rưới thêm một muỗng dầu phụng khử chín. Bánh bao, bánh vạc được dùng với nước chấm riêng, pha chế từ nước mắm, có vị ngọt của thịt tôm, có vị chua của chanh và vị cay nồng của những lát ớt vàng được xắt khéo léo.
Không chỉ có những món ăn ngon, phong phú, các hàng quán ở Hội An còn có cách bài trí, phục vụ mang những nét riêng. Những nhà hàng trong khu phố cổ thường treo một vài bức tranh xưa, xung quanh trang trí chậu hoa, cây cảnh hoặc đồ mỹ nghệ. Một số hàng quán còn có thêm hồ cá, hòn non bộ... tạo sự thư giãn, thoải mái cho du khách.
Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới - một điểm đến đầy lý thú, hấp dẫn và trầm tích bao tầng văn hóa từ lâu đời - nơi có những “Phố ngang như những nhịp cầu / Phố dọc như những dài lâu đợi chờ” (Lý Phương Liên); nơi có tuổi của những mái nhà, những bức tường được tính bằng thế kỷ; nơi có những hội quán trầm tư; nơi có những món ăn đã trở thành tên phố; nơi có chùa Cầu, có sông Hoài thương nhớ; nơi có những dãy phố cổ với những đêm hội đèn lồng ảo mờ, lung linh, hoài niệm…
“… Tháp Chăm không rộng lắm, thông thường bên trong chỉ thờ một bộ Linga tượng trưng cho thần Siva chiếm gần hết diện tích tháp – chỉ chừa một lối hẹp để người hành lễ xếp hàng một đi vòng quanh... Đền tháp Chăm bao giờ cũng quay về hướng Đông – hướng mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh, ngoại trừ một vài ngôi tháp tại Mỹ Sơn xây mặt về hướng Tây hoặc có cả hai cửa trổ về hai hướng Đông và Tây. Những đền tháp xoay về hướng Tây biểu hiện trí tưởng hướng về thế giới bên kia của những vị vua sau khi chết được phong thần và để bày tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.
Tháp Chăm xây bằng gạch, ghép với những mảng trang trí bằng sa thạch, kỹ thuật sử dụng gạch của người Chăm phải nói là tuyệt diệu và tinh vi. Những ngôi tháp gạch không có mạch hồ đã đứng vững hàng nghìn năm phơi sương gió…” (Trần Kỳ Phương)
Người Chăm, tháp Chăm, văn hóa Chăm Pa … tất cả những độc đáo, kỳ ảo, vi diệu đó đều được hội tụ và tỏa rạng ở Thánh địa Mỹ Sơn.
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20km, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
Thông thường người ta hay so sánh thánh địa này với các tổ hợp đền đài chính khác ở Đông Nam Á như Borobudur (Java, Indonesia), Pagan (Myanma), Angkor Wat (Campuchia) và Ayutthaya (Thái Lan). Từ năm 1999, thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban di sản thế giới theo tiêu chuẩn C (II) như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn C (III) như là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất.
Thánh địa Mỹ Sơn
Dựa trên các tấm bia văn tự còn lưu giữ được, người ta biết nơi đây đã từng có một đền thờ đầu tiên được làm bằng gỗ vào thế kỷ 4. Hơn 2 thế kỷ sau đó, ngôi đền bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỷ 7, vua Sambhuvarman (Phạm Phạn Chi - trị vì từ năm 577 đến năm 629) đã dùng gạch để xây dựng lại ngôi đền còn tồn tại đến ngày nay (có lẽ sau khi dời đô từ Khu Lật về Trà Kiệu). Các triều vua sau đó tiếp tục tu sửa lại các đền tháp cũ và xây dựng các đền tháp mới để thờ các vị thần. Gạch là vật liệu tốt để lưu giữ ký ức của một dân tộc kỳ bí và kỹ thuật xây dựng tháp của người Chàm cho tới nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Người ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thích hợp về chất liệu gắn kết, phương thức nung gạch và xây dựng.
Trong nhiều thế kỷ, Thánh địa Mỹ Sơn được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn nhỏ và đã trở thành khu di tích chính của văn hóa Chăm Pa tại Việt Nam. Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các thánh thần, Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Chăm Pa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực. Những di vật đầu tiên được tìm thấy ghi dấu thời đại vua Bhadravarman I (Phạm Hồ Đạt - trị vì từ năm 381 đến 413), vị vua đã xây dựng một thánh đường để thờ cúng Linga và Siva. Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn của Ấn Độ cả về kiến trúc - thể hiện ở các đền tháp đang chìm đắm trong huy hoàng quá khứ, và về văn hóa - thể hiện ở các dòng bia ký bằng chữ Phạn cổ trên các tấm bia.
Những ngọn tháp và lăng mộ có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 14, nhưng các kết quả khai quật cho thấy các vua Chăm đã được chôn cất ở đây từ thế kỷ 4. Tổng số công trình kiến trúc là trên 70 chiếc. Thánh địa Mỹ Sơn có thể là trung tâm tôn giáo và văn hóa của nhà nước Chăm Pa khi thủ đô của quốc gia này là Trà Kiệu hay Đồng Dương.
Sau khi vương quốc Chiêm Thành lụi tàn, thánh địa Mỹ Sơn đã chìm trong lãng quên hàng thế kỷ, đến năm 1885, nó mới được phát hiện. Mười năm sau, các nhà nghiên cứu bắt đầu thực hiện các cuộc phát quang, nghiên cứu khu di tích này.
Có thể chia việc nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp về Mỹ Sơn thành hai giai đoạn:
Từ năm 1898 đến 1899: Louis de Finot và Launet de La- jonquere nghiên cứu các văn bia.
Từ năm 1901 đến 1902: Henri Parmentier nghiên cứu về nghệ thuật, năm 1904 ông cùng Olrpeaus tổ chức khai quật khảo cổ học tại đây.
Đến năm 1904, những tài liệu cơ bản nhất về Mỹ Sơn đã được
L. Finot và H. Pamlentier công bố. Từ công trình nghiên cứu của H. Pamlentier, người ta biết cách đây hơn 100 năm Mỹ Sơn còn 68 công trình kiến trúc, và ông đã chia chúng thành các nhóm từ A, A’ đến N.
Còn nhà nghiên cứu nghệ thuật F.S. Tern chia di tích Chăm Việt Nam thành 7 phong cách nghệ thuật theo quá trình tiến triển của nó. Mỹ Sơn có đủ đại biểu các phong cách, trong đó có 2 phong cách xuất phát từ Mỹ Sơn. Đặc biệt phong cách Mỹ Sơn A1 với xuất phát là đền A1 thường được gọi là kiệt tác kiến trúc của di tích Chăm.
Các nhà khảo cổ học Pháp chia các công trình kiến trúc ở Mỹ Sơn ra làm 10 nhóm chính: A, A’, B, C, D, E, F, G, H, K để đặt tên cho mỗi lăng mộ theo kiểu ghép chữ cái và số.
Thánh địa Mỹ Sơn vẫn còn ẩn chứa bao điều bí ẩn và đang mời gọi các nhà nghiên cứu, các du khách tiếp tục tìm hiểu, khám phá.
Nghệ thuật và kiến trúc qua bố cục đền tháp mang ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ. Khu thánh địa gồm nhiều cụm tháp, bố cục mỗi cụm tháp đều có một tháp chính (kalan) ở giữa và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Kalan thường thờ Linga (sinh thực khí) hay linh tượng Siva. Mặt trước mỗi cụm tháp là một tháp cổng (gopura), tiếp đến tiền đình (mandapa), hạng mục công trình có chức năng là nơi sắp xếp lễ vật và múa hát nghi thức hành lễ. Bên cạnh là một kiến trúc luôn quay về hướng Bắc (hướng thần tài lộc Kuvera), gồm 1 hay 2 phòng, gọi là Kósa Grha dùng để chứa đồ tế và thức ăn (cỗ) cúng chư thần. Các tháp đều có hình chóp, biểu tượng của đỉnh Meru thần thánh, nơi cư ngụ của các vị thần Hindu. Cổng tháp thường quay về phía Đông để tiếp nhận ánh sáng Mặt Trời. Nhiều tháp có kiến trúc rất đẹp với hình những vị thần được trang trí với nhiều loại hoa văn. Phần lớn những kiến trúc này hiện nay đã bị suy tàn, nhưng đây đó vẫn còn sót lại những mảng điêu khắc mang dấu ấn hoàng kim của các triều đại Chăm Pa huyền thoại.
Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - thần bảo hộ của các triều vua Chăm pa. Những người cầu nguyện thời trước thường đi vòng quanh tháp theo chiều kim đồng hồ trên một lối nhỏ.
Cụm tháp A (Kalan Mỹ Sơn A1) thờ một bộ Linga, có 6 ngôi đền nhỏ từ A2 - A7 đối xứng nhau bao quanh thờ các vị thần phương hướng (trừ 2 hướng Đông, Tây): hướng Đông-thần sấm Indra, hướng Đông Nam-thần lửa Agni, hướng Nam - Diêm vương Yama, hướng Tây - thần bầu trời Varuna, hướng Tây Nam - thần Nairta, hướng Tây Bắc-thần gió Vayu, hướng Bắc-thần Kuvera, hướng Đông Bắc - thần toàn năng Isána. Tháp A1 có 2 cửa chính đối diện nhau, quay về 2 hướng Đông và Tây. Bao phía ngoài, xa tháp chính A1 hơn, là các tháp phụ tương đối lớn, được ký hiệu từ A8-A12, phân bố trên một mặt bằng vuông vắn.
Cụm Tháp A: Kalan Mỹ Sơn A1Đối diện với cụm tháp A, là cụm tháp B (Kalan Mỹ Sơn B1) là cụm tháp trung tâm của Thánh địa Mỹ Sơn.
Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ Ấn Độ giáo, song biểu tượng của Phật giáo cũng tìm thấy ở Mỹ Sơn, vì đạo Phật Đại Thừa (Ma- hayana) đã trở thành tín ngưỡng chính của người Chăm vào thế kỷ 10. Một số đền đài đã được xây dựng trong thời gian này, tuy nhiên vào thế kỷ 17 nhiều tòa tháp ở Mỹ Sơn đã được tu sửa và xây dựng thêm. Đền Đá ở Mỹ Sơn là một đặc trưng có vẻ cổ xưa nhất ở khu thánh địa bí ẩn này.
Tại Thánh địa Mỹ Sơn có một đền xây dựng bằng đá, nó cũng là đền đá duy nhất của các di tích Chăm. Văn bia tại Mỹ Sơn cho biết, đền này được trùng tu lần cuối cùng bằng đá vào năm 1234. Nhưng rất tiếc là xây dựng chưa hoàn thành. Khi người Pháp khám phá Mỹ Sơn nó có nền như ngày nay, phía trên là đống gạch khổng lồ mà họ phải dọn dẹp 2 tháng mới xong (theo Vòng tròn Mỹ Sơn, tác giả Parmentier, 1904). Ngày nay, ngôi đền này đã bị sập (có lẽ do bom Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, vì ngay sát tháp là dấu tích một hố bom sâu hoắm) nhưng hệ móng của nó cho thấy nó cao trên 30 m và đây là ngôi đền cao nhất của thánh địa này. Các tài liệu thu thập được xung quanh khu đền này cho thấy nhiều khả năng đây là vị trí của ngôi đền đầu tiên vào thế kỷ 4.
Là hệ thống các phong cách xây dựng các ngôi tháp Chăm của Chăm Pa trong các thời kỳ liên tiếp nhau từ thế kỷ 7 đến thể kỷ 17 ở miền Trung Việt Nam hiện nay. Nhà nghệ thuật học nổi tiếng người Pháp Philippe Stern đã sắp xếp trật tự và niên đại, phong cách các tháp Chăm như sau:
Phong cách cổ (Phong cách Mỹ Sơn E1)
Có niên đại ở thế kỷ 7 - thế kỷ 8, phong cách thời kỳ này phản ánh ảnh hưởng từ bên ngoài của văn hóa tiền Angkor và cả nghệ thuật Dvaravati và miền Nam Ấn Độ.
Tiêu biểu cho phong cách Mỹ Sơn E1 là ở bệ thờ bên trong tháp làm bằng đá cát kết có hình dạng Linga tượng trưng cho ngọn núi là nhà của thần Siva, xung quanh có chạm các tu sĩ đang tu luyện trong rừng núi hay hang động, với các hình dạng như đang chơi các loại nhạc cụ khác nhau, đang giáo hóa cho các loài vật và cả đang thư giãn. Một công trình tiêu biểu nữa là phù điêu ở trên lối vào chính chạm khắc buổi bình minh thời đại theo thần thoại Ấn Độ.
Các tháp theo phong cách cổ bao gồm: tháp Mỹ Sơn E1 (đã đổ nát), tháp Mắm (không còn), tháp Phú Hài và tháp Damrei (di tích Chăm ở Campuchia).
Phong cách Hoà Lai
Có niên đại nửa đầu thế kỷ 9, với các vòm cửa nhiều mũi tròn với các trụ bổ tường hình bát giác làm bằng đá cát kết với các trang trí hình lá uốn cong.
Các tháp theo phong cách Hoà Lai bao gồm: tháp Hòa Lai, tháp Po Dam, tháp Mỹ Sơn F3, tháp Mỹ Sơn A2 và tháp Mỹ Sơn C7.
Phong cách Đồng Dương
Là phong cách chuyển tiếp sau phong cách Hoà Lai, có niên đại vào nửa sau thế kỷ 9. Các trang trí chuyển thành những hình hoa lá hướng ra ngoài. Các tháp thuộc phong cách Đồng Dương đều có những hàng trụ bổ tường và vòm cửa khỏe khắn và có góc cạnh. Đây cũng là điểm khác biệt giữa phong cách Đồng Dương và Mỹ Sơn. Đỉnh cao của phong cách là kiến trúc một tu viện Phật giáo vào cuối thế kỷ 9. Bức tường tu viện dài đến một cây số và có rất nhiều tượng Phật.
Các tháp theo phong cách Đồng Dương bao gồm: tháp Đồng Dương, tháp Mỹ Sơn B2, tháp Mỹ Sơn B4, tháp Mỹ Sơn A10, tháp Mỹ Sơn A11, tháp Mỹ Sơn A12 và tháp Mỹ Sơn A13.
Phong cách Mỹ Sơn A1
Có niên đại vào thế kỷ 10 - thế kỷ 11, phong cách này các trụ bổ tường đứng thành đôi một với bức tường hình người ở giữa như trong tháp Mỹ Sơn A1. Các vòm cửa có hình dáng phức tạp nhưng không chạm khắc. Thân tháp cao vút với các tầng dần thu nhỏ lại. Đây là thời kỳ chịu ảnh hưởng của Java và cũng là thời hoàng kim của Chăm Pa. Phong cách Mỹ Sơn A1 có tính động, dường như đang nhảy múa, với vẻ đẹp duyên dáng. Các vũ công là các họa tiết được ưa chuộng của các nhà điêu khắc Chăm thời kỳ này. Bên cạnh đó các linh vật cả trong cuộc sống thực lẫn từ thần thoại cũng là một chủ đề được ưa thích như voi, hổ, garuda.
Các tháp theo phong cách Mỹ Sơn A1: tháp Khương Mỹ, tháp Mỹ Sơn A1, và các tháp thuộc nhóm B,C,D ở Mỹ Sơn.
Phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định
Có niên đại từ đầu thế kỷ 11 đến giữa thế kỷ 12, gồm có các tháp: tháp Bình Lâm, tháp Mỹ Sơn E1, tháp Chiên Đàn, tháp Po Nagar, tháp Bánh Ít (tháp Bạc).
Phong cách Bình Định
Có niên đại từ giữa thế kỷ 12 đến đầu thế kỷ 14, gồm có các tháp: tháp Hưng Thạnh, tháp Dương Long, tháp Thủ Thiện, tháp Cánh Tiên (tháp Đồng), tháp Phước Lộc (tháp Vàng) và tháp Nhạn.
Phong cách muộn
Có niên đại từ đầu thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 17, gồm các tháp: tháp Po Klaung Garai, tháp Po Rome, tháp Yang Prong và tháp Yang Mun (đã đổ nát).
Thánh địa Mỹ Sơn còn nhiều ẩn số, việc tìm hiểu, khám phá những bí ẩn của Thánh địa Mỹ Sơn sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về quá trình phát triển cùng giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của khu di tích này.
Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn được ví như những tòa tháp cổ của người Chăm Pa, là nơi có không gian lý tưởng cho một trung tâm đậm đà bản sắc tôn giáo của vương quốc Chăm Pa.
Người Chăm Pa có mặt ở nhiều nơi từ Trung và Nam bộ lên đến tận Tây Nguyên. Và khu di tích Mỹ Sơn là một trong số nơi người Chăm Pa sinh sống, địa điểm còn sót lại nhiều đền tháp được xây dựng theo tâm thức Ấn Độ giáo, tiến triển liên tục từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII và đây là nơi còn khắc đậm dấu ấn của người Chăm Pa .
Những tòa tháp nguy nga tráng lệ xưa kia, sau chiến tranh và sự phá hủy của thời gian, nay đã không còn nữa. Theo các nhà nghiên cứu của văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam và nước ngoài, thì Mỹ Sơn hàm chứa các phong cách được định danh theo quy chuẩn của kiến trúc Mỹ Sơn. Trong đó ở thế kỷ X đánh dấu nhiều công trình đỉnh cao của những công trình này. Các lớp gạch đá xây dựng ở khu di tích được người Chăm Pa xây hầu như không thấy mạch vữa, mà vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Hiện nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về những công trình này. Có người thì cho rằng thời đó, người Chăm Pa đã dùng nhựa cây đốt lên, có người thì nói họ dùng lá cây nghiền ra bôi vào sau đó để cho khô rồi xây tiếp… nhưng vẫn chưa có những kết luận chính xác”. Theo anh Cường, nhân viên hướng dẫn du lịch ở khu di tích Mỹ Sơn thì: “Thánh địa Mỹ Sơn vẫn đầy những bí ẩn – những ẩn số ấy đang vẫy gọi, mời chào những nhà nghiên cứu, những du khách tìm hiểu, khám phá để tìm hiểu trọn vẹn cội nguồn Chăm Pa, để giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về quá trình phát triển và giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của những di sản thế giới này.”
Còn cố kiến trúc sư Kazimiers Kwia Kowski thì cho rằng: “Người Chăm cổ đã gửi tâm linh vào đất, đá và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ - thâm nghiêm – hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu hơn chúng ta mới hiểu hết”.
Đón bằng công nhận Di sản văn hóa Thành nhà Hồ
Đây là nhóm di tích thứ bảy ở Việt Nam sau phố cổ Hội An, cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, vịnh Hạ Long, khu hang động Phong Nha - Kẻ Bàng và Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Vào đầu thế kỷ 20, nhà nghiên cứu người Pháp L.Bezacier - chuyên nghiên cứu về văn hóa Đông Dương - đã nhận xét về thành nhà Hồ là “một thành cổ mẫu mực độc nhất về việc sử dụng những khối đá vôi to lớn, được đẽo gọt và ghép một cách rất tài tình...”.
Thành nhà Hồ được xây dựng như thế nào?
Thành được xây dựng vào năm 1397 dưới đời vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398), thành nhà Hồ do quyền thần Hồ Quý Ly - người lập ra nhà Hồ năm 1400 - chỉ huy. Theo sử liệu thì vào năm .1937, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành, nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời cũng lafcasch để hướng lòng dân đoạn tuyệt với nhà Trần.
Với cái nhìn của một nhà quân sự, Hồ Quý Ly đã chọn vị trí xây thành đặc biệt hiểm yếu, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ. Có lẽ chính vì vậy, mà bao quanh khu vực này vừa có sông nước, vừa có núi non hiểm trở. Thành được xây dựng ở khoảng giữa hai con sông là sông Mã và sông Bưởi, phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, phía Đông có núi Hắc Khuyển và phía Nam là nơi hội tụ của sông Mã và sông Bưởi.
Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn là 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) thành đã được xây xong và ngay sau đó, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô. Cho đến nay, dù đã tồn tại nhiều thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này vẫn còn tương đối nguyên vẹn.
Cũng như mọi thành quách khác thời kỳ đó, thành nhà Hồ được chia làm hai khu: thành ngoại và thành nội.
Khu thành ngoại:
Thành ngoại được đắp bằng đất với khối lượng gần 100.000 mét khối, trên trồng tre gai dày đặc, cùng với một vùng hào sâu có bề mặt rộng gần tới 50m bao quanh.
Khu thành nội:
Nằm ở phía trong thành ngoại. Đây là nơi thể hiện nghệ thuật kiến trúc xây ghép đá tuyệt diệu của nhân dân ta ở thế kỷ 14. Thành nội được xây dựng trên bình đồ hình chữ nhật, chiều Bắc – Nam dài khoảng 900m, chiều Đông – Tây dài 883.5m và chiều cao trung bình là từ 6 – 8m, có độ dày hơn 4m.
Mặt ngoài của thành nội ghép thẳng đứng bằng đá khối, có kích thước trung bình là 2m x 1m x 0.70 m, mặt trong đắp đất.
Hiện nay, các cung điện, dinh thự trong khu vực thành đã bị phá huỷ, chỉ còn lại 4 cổng thành bằng đá cuốn vòm, tường thành và đặc biệt là Di tích Đàn tế Nam Giao còn khá nguyên vẹn. Trong số các phế tích, đáng chú ý nhất là một đôi tượng rồng đá dài hơn 3m của nền chính điện.
Tường thành:
Có kết bên trong là hào đất, bên ngoài đá xếp, tường thành được xây bằng những phiến đá xanh, đẽo vuông vức, công phu, có tấm ở cửa Tây dài tới 5.1m, rộng 1.59m, cao 1.3m, được xếp chồng lên nhau. Các phiến đá này không cần chất kết dính mà vẫn bền vững sau hơn 600 năm. Các phiến đá ở bốn cổng thành Đông, Tây, Nam, Bắc được xếp theo hình múi cam, tất cả đều có kích thước rất lớn. Theo các sử gia cho biết: Việc đắp hào đất bên trong sẽ thuận tiện cho việc di chuyển các khối đá khổng lồ, để xếp tường thành tạo sự vững chãi cho tường thành và thuận tiện cho việc phòng thủ khi có chiến tranh. Đây cũng là công trình kiến trúc quân sự vĩ đại của Nhà bác học Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quý Ly) còn sót lại cho đến ngày nay.
Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận:
La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50 m. Công trình này có nhiệm vụ bảo vệ nội thành. Và hoàng thành được xây dựng trên bình đồ có hình gần vuông, bao gồm bốn cổng thành theo hướng chính Nam – Bắc – Tây – Đông.
Cổng thành:
Cổng thành nhà Hồ
Chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông còn được gọi là các cổng tiền - hậu - tả - hữu, theo đó, cửa Tiền còn được gọi là cửa Nam, cửa Hậu còn được gọi là cửa Bắc và cửa Đông Môn, cửa Tây Giai. Các cổng đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi, trong đó to nhất phải kể đến cửa chính phía Nam.
Cổng tiền (cửa Nam) là cổng chính, gồm 3 cửa cuốn dài 33.8 m, cao 9.5 m, rộng 15.17m. Cửa giữa rộng và cao hơn 5m, hai cửa hai bên cao 7,8m, cả ba cửa đều dày khoảng 15m, phía trên là mặt đá bằng phẳng, có lầu son gác tía. Đây cũng là cửa có chức năng như cửa Ngọ Môn của kinh thành Huế, là nơi nhà vua ngự mỗi khi có những nghi lễ trọng đại. Ở trong thành có các công trình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy, các đền đài, cung điện, nơi vua ngự triều, nơi vua ở, Đông cung, Đông Thái miếu, Tây Thái miếu.
Ba cổng Đông Môn (cửa Đông), Tây Giai (cửa Tây) và Cửa Hậu (cửa Bắc): Mỗi cửa đều chỉ có một vòm cuốn nhô lên cao hơn mặt tường thành. Cửa Đông Môn và cửa Tây Giai mỗi cửa có chiều rộng 5,8m và sâu 14m. Cửa Bắc to lớn hơn, phía ngoài dài 22m và cao 75m, mặt trên là nền đá bằng phẳng, xưa kia có Vọng lâu đài được dựng bằng gỗ mái ngói. Đến nay, dấu tích này vẫn còn lưu lại là những hố chôn cột đục trên đá sâu 0,45m.
Khu di tích thành nhà Hồ:
Nằm ở phía Tây huyện Vĩnh Lộc, Thành Hóa, khu di tích thành nhà Hồ ở giữa sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa giới hành chính các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Thành, Vĩnh Long, Vĩnh Yên, Vĩnh Quang, Vĩnh Ninh, Vĩnh Khang, thị trấn Vĩnh Lộc, một phần xã Vĩnh Phúc (huyện Vĩnh Lộc) và một phần xã Thạch Long (huyện Thạch Thành). Ngoài thành nhà Hồ - được gọi là thành trong - khu di tích này có: Hào thành, La Thành, Đàn Nam Giao, Đền thờ nàng Bình Khương, Đình Đông Môn, Nhà cổ, Đền Tam Tổng, Hồ Mỹ Đàm, Hang Nàng và núi An Tôn, Chùa Giáng, Đền thờ Trần Khát Chân, Chùa Du Anh, Động Hồ Công.
Khu di tích thành nhà Hồ gồm có 2 vùng là vùng đệm và vùng lõi.
Vùng đệm của khu vực này có diện tích trên 5.000ha; bao gồm cảnh quan tự nhiên (sông, núi và đất đai), khu dân cư và kiến trúc nhân tạo (nhà cửa, cầu cống, đường giao thông, di tích lịch sử văn hoá, đầm, hồ) thuộc địa phận hành chính các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, Vĩnh Thành, Vĩnh Phúc, Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh và thị trấn Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Nằm giữa hai con sông Mã (phía Tây) và sông Bưởi (phía Đông), vùng đệm hợp lưu với nhau ở phía Nam thuộc khu vực xã Vĩnh Khang. Có một điều đáng lưu ý trong địa hình khu vực này là các ngọn núi, vừa là những thắng cảnh ngoạn mục, lại vừa là những yếu tố thiêng trong thuyết phong thủy khi người xưa lựa chọn xây dựng kinh đô.
Khu núi Cẩm Viên với dãy Xuân Đài, Trác Phong và khu núi Thọ Vực, núi Tiến Sĩ là yếu tố tạo cảnh quan hùng vĩ của kiểu núi đá vôi ít thấy còn sót lại trên đất nước Việt Nam.
Khu chùa Du Anh được coi là điểm trung tâm của cảnh quan thiên nhiên phía Nam. Đứng ở cửa động Hồ Công trên dãy Xuân Đài nhìn về phía Tây và phía Bắc là một vùng trời đất mênh mông, một “vịnh Hạ Long” thu nhỏ. Từ vị trí này, chúng ta cũng có thể ngắm nhìn dòng sông Mã uốn lượn giữa đồng bằng, bên kia sông là Đan Nê và đền Đồng Cổ.
Chùa Du Anh
Khu Thọ Vực với núi Tiến Sĩ là khu vực ấn tượng trong vùng này. Theo mạch núi về phía sông Mã, mỗi điểm quan sát có thể cảm nhận một dáng vẻ khác nhau. Các hồ giữa núi đá vôi cũng là một lợi thế về địa hình để tạo dựng các điểm nhấn trong thiết kế các tuyến du lịch tới nơi đây.
Các núi còn lại như núi Đốn Sơn và Thổ Tượng nằm theo trục Tây Bắc - Đông Nam của tòa thành trong. Theo quan niệm phong thủy của người Trung Hoa cổ đại thì những ngọn núi này được coi là tiền án và hậu chẩm của tòa thành.
Vùng lõi: Là khu vực có diện tích trên 150ha, gồm: vùng lõi La Thành, vùng lõi thành nhà Hồ (còn gọi là thành trong), và vùng lõi đàn Nam Giao.
Vùng lõi La Thành: Còn được gọi là La Thành Tây Đô, có diện tích 9.0 ha, là vòng kiến trúc ngoài cùng của khu di tích thành nhà Hồ. Khu vực này được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào tháng 9 năm Kỷ Mão (1399). Nằm ở phía hữu ngạn sông Bưởi (ở phía Đông Nam) và tả ngạn sông Mã (ở phía Tây), vùng lõi La Thành có chu vi khoảng hơn 4km, đắp bằng đất kết hợp với việc trồng tre gai. Khi xây dựng khu vực này, nhà Hồ đã sử dụng các sườn núi, sườn đồi như: đồi Bèo, núi Voi, đồi Thợi - thuộc xã Vĩnh Long - để đắp và nối thành luỹ đất kiên cố, chạy song song với tuyến phòng ngự tiền duyên (sông Bưởi và sông Mã). Ngoài việc làm tuyến phòng ngự kiên cố thứ hai, La Thành còn ngăn nước lũ từ sông Bưởi và sông Mã vào mùa mưa tại khu vực các xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến.
Hiện nay, kiến trúc của La Thành còn được nhận biết qua con đê đất có những đoạn rộng 20m và tại làng Bèo hay làng Yên Mỗ ngày nay, vẫn còn đó những luỹ tre gai dày đặc, chạy dọc theo triền núi Bèo và đồi Thợi. Điểm đặc biệt là khu vực La Thành ngày nay vẫn còn những ngôi làng cổ có từ thời Trần - Hồ như: làng Bái Xuân, làng Cổ Điệp (nay thuộc xã Vĩnh Phúc), làng Bèo (nay thuộc xã Vĩnh Long) hay làng Cẩm Hoàng (nay thuộc xã Vĩnh Quang).
Cùng với Hoàng Thành, La Thành đã góp phần tạo nên khu di tích thành nhà Hồ, một trong những công trình thành luỹ quân sự hoành tráng, tiêu biểu nhất về kiến trúc nghệ thuật ở khu vực Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ 15.
Đàn Nam Giao: Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi, lập ra triều đại nhà Hồ và lập kinh đô mới là Tây Đô. Năm 1402, vua Hồ Hán Thương đã cho xây dựng đàn tế Nam Giao (còn có tên gọi là đàn Nam Giao nhà Hồ) ở Đốn Sơn. Theo quan niệm của nhà Hồ thì chữ “Giao” có một nghĩa duy nhất là lễ tế trời ở vùng phía Nam kinh thành. Vì vậy, lễ tế này thường gọi là lễ tế Nam Giao, nơi thực hiện nghi lễ này gọi là đàn Nam Giao. Hàng năm, vương triều Hồ tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ.
Đàn Nam Giao có diện tích khoảng hơn 2 ha, lưng tựa Đốn Sơn (núi Đún), phía trước là “cánh đồng Nam Giao”. Tại đây có những dấu tích kiến trúc của các cấp nền bao như: nền Thượng, nền Trung và nền Hạ. Vật liệu kiến trúc chính để xây dựng đàn là đá xanh và nhóm vật liệu bằng đất nung (gạch, ngói…). Hiện nay, vẫn còn những dấu tích của con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn – con đường trước kia vua thường đi để vào khu vực tế chính.
Năm 2007, di tích khảo cổ địa điểm đàn tế Nam Giao - Tây Đô đã được xếp hạng di tích quốc gia. Và tới thời điểm hiện tại, một công trình được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là Giếng Vua, còn gọi là Ngự Dục, Ngự Duyên. Giếng có hình vuông, được kè đá theo các cấp bậc nhỏ dần vào lòng. Các nhà khảo cổ đã tìm ra mạch nước của giếng cổ ở độ sau 10m so với nền đàn trung tâm. Xung quanh khu vực đàn Nam Giao còn có các địa danh như Dọc Bái, Dọc Sen…
Dù chỉ tồn tại trong thời gian bảy năm (1400 – 1407) dưới triều đại nhà Hồ nhưng thành nhà Hồ đã trở thành một công trình kiến trúc độc đáo, một di sản quý báu trong số những công trình thành cổ tại Việt Nam. Trong thời gian từ năm 2004 đến nay, các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều hiện vật quý tại khu vực nền vua (thuộc nội thành), La Thành, đàn tế Nam Giao và khu vực cửa phía Nam của thành.
Những hiện vật như ngói mũi, ngói bò bằng đất nung, dùng để trang trí bộ mái của kiến trúc cung điện thời nhà Hồ hay các loại vũ khí gồm đạn đá, chông sắt bốn cạnh, mũi dao, mũi tên, đinh thuyền được tìm thấy gần như còn nguyên vẹn ở đây. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy bao nung gốm dùng để nung các vật liệu tráng men và bình, lon sành - là các đồ gia dụng thường được dùng thời nhà Hồ. Các loại vật liệu này có nhiều hoa văn tinh xảo như ngói đầu đao, đầu rồng... dùng để trang trí góc mái cung điện thời kỳ này.
Theo các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành khảo cổ học Việt Nam, thì thành nhà Hồ có “mặt bằng kiến trúc trải qua hơn 600 năm nhưng đến nay vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Di tích này là kinh đô cổ nhất ở nước ta còn nguyên vẹn cả về kiến trúc bề mặt và các lớp hiện vật, di vật nằm trong lòng đất chưa khai quật”.
Cao nguyên đá Đồng Văn
Địa danh đầu tiên nằm trong danh sách những danh hiệu khác được UNESCO công nhận có thể xếp vào di sản thế giới là cao nguyên đá Đồng Văn hay còn gọi là Sơn nguyên Đồng Văn.
Nằm ở điểm cực Bắc nước ta, cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Từ thị xã Hà Giang, du khách đi theo quốc lộ 4C khoảng 43km là tới Quản Bạ. Tiếp tục theo con đường quốc lộ này, qua đèo Cán Tỷ hiểm trở, qua những cánh rừng thông đại ngàn, những con dốc quanh co, uốn lượn như những dải lụa là du khách có thể khám phá cao nguyên đá hùng vĩ này. Với độ cao trung bình từ 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc thiểu số khác nhau của Việt Nam. Ngày 3/10/2010, hồ sơ “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu. Đây hiện là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.
Không phải ngẫu nhiên mà cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với du khách và những nhà nghiên cứu khoa học. Chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, những cảnh quan đặc sắc, tính đa dạng sinh học cao và những truyền thống văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân cư bản địa, cao nguyên Đồng Văn thực sự là một công viên địa chấn toàn cầu độc đáo và ấn tượng.
Gọi “công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn” là bởi nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một công viên Địa chất toàn cầu. Đó là các yếu tố như: diện mạo địa chất khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên phong phú; có bản sắc văn hoá độc đáo, ấn tượng và cũng là nơi có nhiều di tích danh thắng quốc gia đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, núi Đôi Quản Bạ v.v.
Cao nguyên Đồng Văn là một vùng núi đá có tuổi khác nhau từ kỷ Devon (một kỷ địa chất trong đại Cổ Sinh, được đặt theo tên gọi của khu vực Devon) cho đến kỷ Pecmi (một kỷ địa chất trong thời kỳ cuối đại Cổ Sinh), được bao quanh bởi các núi đất. Có nhiều khu vực núi đá vôi nằm sát chí tuyến Bắc nên cao nguyên có độ dốc khá lớn, các thung lũng, sông, suối cũng bị chia cắt nhiều. Đến với cao nguyên đá Đồng Văn, người ta dễ dàng có được một ấn tượng sâu đậm bởi đá. Đá ba bề, bốn bên, đá ở trong nhà, ngoài ngõ. Cuộc sống của người dân nơi đây dường như sống trọn cùng đá: dọn đá để dựng nhà, có đất để trồng trọt; khoét đá để tìm dòng nước ngọt, dựng đá thành tường rào bao quanh làng xóm. Đá giữ nước, giữ đất để có ruộng bậc thang, đá dựng thành rừng, thành lũy để bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì cao nguyên Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau. Và theo nghiên cứu của Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản thì có tới 11 hệ tầng địa chất tại khu vực này, gồm: Chang Pung, Lutxia, Sika, Làng Xảng, Si Phai, Tốc Tát, Lũng Nậm, Bắc Sơn, Đồng Đăng, Sông Hiến và Hồng Ngài; trong đó Chang Pung là hệ tầng cổ nhất có niên đại 545 triệu năm. Trong danh sách những di sản địa chất tiêu biểu của Cao nguyên đá Đồng Văn (theo cách hiểu của người dân địa phương) thì các địa điểm như: núi Đôi Cô Tiên ở Quản Bạ, Mặt cắt Ma Lé - Lũng Cú, hẻm vực Tu Sản trên sông Nho Quế và đèo Mã Pì Lèng, vùng Khau Vai - Lũng Pù, vùng Sà Phìn - Lũng Táo và Khu phố cổ thị trấn Đồng Văn là những di sản địa chất đặc trưng của khu vực này.
Núi Đôi Cô Tiên: Được kiến tạo hình thành do hoạt động đứt gãy thuận của thung lũng Quản Bạ phương Tây - Bắc – Đông - Nam, cách đây khoảng 250 triệu năm. Theo góc độ khoa học địa chất và giá trị di sản địa chất thì thông thường, địa hình đá vôi thường lởm chởm, gồ ghề do quá trình karts hóa - hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn – nhưng hình dáng núi Đôi Cô Tiên lại tròn triạ theo dạng bát úp giống như địa hình ở các vùng đá lục nguyên. Nguyên nhân thành tạo dạng địa hình đá vôi độc đáo này là do sự bào mòn đều đặn, tạo thành dăm kết vôi chứa dolomit ở thung lũng đứt gãy Quản Bạ.
Nói về núi Đôi Cô Tiên, người dân nơi đây thường nhắc tới những truyền thống vô cùng lãng mạn và đậm tính nhân văn. Có một câu chuyện kể lại rằng: Ngày xửa ngày xưa, có một nàng tiên xinh đẹp tên là Hoa Đào, trốn xuống hạ giới kết hôn với một chàng trai H’Mông tài giỏi, có tiếng đàn môi lúc réo rắt như tiếng suối chảy, lúc ríu rít như tiếng chim rừng, lúc lại trầm bổng thiết tha như tiếng gió ngàn thủ thỉ giữa đêm khuya... Nàng tiên Hoa Đào và chàng trai H’Mông đã chung sống với nhau rất hạnh phúc và sinh được một bé trai khôi ngô tuấn tú. Khi phát hiện ra sự việc, Ngọc Hoàng đã vô cùng giận dữ và sai người xuống bắt Hoa Đào về thượng giới để trị tội. Vì yêu chồng, thương con, Hoa Đào đã van xin Ngọc Hoàng cho phép được ở lại hạ giới, nhưng không được. Cuối cùng, nàng đành quay về trời và để đôi nhũ hoa của mình ở lại hạ giới cho đứa con thơ. Đôi nhũ hoa của nàng tiên luôn đầy căng sữa mẹ, nuôi đứa con của nàng ngày một lớn khôn và đó chính là hai trái núi tròn trịa, cân đối, căng tràn sức sống mà ngày nay, du khách còn được thưởng ngoạn. Dòng nước mắt nhớ chồng, thương con của nàng tiên đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, ôm trọn mảnh đất phía sau Cổng Trời Quản Bạ huyền thoại. Không biết có phải nhờ “dòng sữa tiên” của nàng Tiên Hoa Đào hay không mà đất đai ở khu vực này luôn phì nhiêu, phong phú, khí hậu mát mẻ và cỏ cây, hoa lá thơm ngon kỳ lạ, xanh tốt quanh năm.
Mặt cắt Ma Lé - Lũng Cú: Một nếp lồi lớn với hai cánh cắm đơn nghiêng về phía Đông Bắc và Tây Nam bị phá hủy bởi đứt gãy dọc trục phương Tây - Bắc – Đông - Nam đã tạo nên Lũng Cú. Lũng Cú còn là mảnh đất chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc khác về khảo cổ, lịch sử cũng như những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc Mông và Lô Lô…
Đỉnh núi Rồng - nơi đặt Cột cờ Lũng Cú
Đỉnh núi Rồng: Nơi đặt cột cờ Lũng Cú
Được cấu tạo bởi đá vôi hệ tầng Chang Pung, có tuổi trên 500 triệu năm và được coi là loại đá cổ nhất lộ ra trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Trên đường đi lên Cột cờ Lũng Cú, ngay trên bề mặt của đá vôi này, di tích hóa thạch phần đuôi của Bọ ba thùy trông hệt một chiếc vương miện lộ ra rất đẹp là bằng chứng về khoảng tuổi trên 500 triệu năm của đá vôi Núi Rồng. Đây cũng chính là bằng chứng sinh động cho thấy, từ xa xưa nơi đây đã từng là biển cả, để rồi trải qua những quá trình địa chất lâu dài và phức tạp đã được nâng lên, tạo thành núi cao như ngày nay. Không chỉ có vậy, khu vực vùng Ma Lé - Lũng Cú còn là nơi các nhà địa chất đã phát hiện ra ranh giới bất chỉnh hợp giữa hai hệ tầng Lutxia và Si Ka, minh chứng cho một giai đoạn ngưng nghỉ trầm tích và trôi dạt lục địa kéo dài gần 30 triệu năm, nơi các hóa thạch Cá cổ và Thực vật thủy sinh tuổi Devon lần đầu tiên đã được J. Deprat đề cập từ năm 1915 .
Hẻm vực Tu Sản trên sông Nho Quế và đèo Mã Pì Lèng:
Hẻm vực Tu Sản – Danh thắng hung vĩ của Hà Giang
Di sản kiến tạo - địa mạo này được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan” và đã được các nhà khoa học xếp vào di sản cấp quốc tế. Đèo Mã Pì Lèng nằm trên quốc lộ 4C, thuộc địa phận xã Pải Lùng, huyện Mèo Vạc, nối hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc.
Sông Nho Quế hình thành vào Kainozoi (cách ngày nay khoảng 32 triệu năm đến 15 triệu năm) theo cơ chế trượt bằng trái theo đứt gãy phương Tây - Bắc – Đông – Nam. Cho đến quãng thời gian cách đây khoảng 5 triệu năm, đứt gãy hoạt động theo cơ chế trượt bằng phải và đã tạo nên hẻm vực Tu Sản hiện nay. Hẻm có vực sâu 700-800m, dài khoảng 1.7km, vách dốc 70-90 độ, là danh thắng thuộc loại kỳ vĩ nhất trên Cao nguyên đá, được coi là hẻm vực sâu nhất Việt Nam và có thể là sâu nhất Đông Nam Á. Chính vì vậy mà đây là một trong những khu vực phong phú bậc nhất trong các di sản địa chất tiêu biểu của Cao nguyên đá Đồng Văn.
Ngày nay, đỉnh Mã Pì Lèng còn được người ta biết tới với tên gọi là đỉnh của Con đường Hạnh phúc. Tên của con đường này được xuất phát từ mồ hôi, xương máu của hàng vạn đồng bào 16 dân tộc các tỉnh Cao - Bắc - Lạng, Thái – Tuyên - Hà, Hải - Hưng và Nam Định trong suốt 5 năm liền (từ 10/9/1959 đến 15/6/1065) để làm nên. Và theo những ghi chép ghi nhận được thì chỉ riêng đoạn qua đèo Mã Pì Lèng đã có hơn 1.000 thanh niên xung phong phải treo mình trên vách đá suốt 11 tháng ròng để phá đá mở đường. Đây cũng là một minh chứng rõ nét về sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc anh em trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Hẻm vực Mã Pì Lèng - Huyền thoại trên cao nguyên Hà Giang
Vùng Khau Vai - Lũng Pù: Được phân bố ở hai bên đường đến huyện Mèo Vạc.
Ở khu vực Khau Vai, quá trình karst phát triển sâu vào lớp đá vôi có tính chất khác nhau tạo nên các hình dạng hấp dẫn, nhờ những điều kiện địa chất và khí hậu đặc thù mà phần trên của chóp đá thường có dạng bông hoa, nụ hoa, nhành hoa với muôn vẻ kiều diễm, tuỳ thuộc vào trí tưởng tượng phong phú của người chiêm ngưỡng. Cũng chính vì vậy mà khu vực này vẫn thường được gọi bằng cái tên “Vườn hoa đá Khau Vai” – một sản phẩm độc đáo của tự nhiên được giữ gìn để nghiên cứu và thưởng ngoạn.
Khác với vườn hoa đá Khau Vai, Lũng Pù lại có tên gọi là “Vườn thú đá Lũng Pù”, được phân bố bên phải đường Mèo Vạc. Đây là sản phẩm của quá trình karst diễn ra trong đới dập vỡ kiến tạo mạnh. Nhờ cả 2 tác động là dập vỡ kiến tạo và rửa lũa karst mà mỗi tháp đá, chỏm đá, tảng đá... trong khu vực này đều có hình thù kỳ dị như: các thế rồng cuộn, hổ ngồi, chim kêu, vượn hót... Đặc biệt, trong khu vườn còn nhiều giống địa lan làm cho khu vườn càng trở nên sống động.
Về địa mạo, vùng Khau Vai - Lũng Pù nằm trên bề mặt san bằng 1.000-1.300 m với cảnh quan hoang mạc đá điển hình, các khối karst dạng vòm, các nón rời kiểu fenglin và karst dạng dãy hướng Tây Bắc – Đông Nam và Đông Bắc – Tây Nam. Xen kẽ giữa chúng là các thung lũng thoải và hố sụt karst. Ngoài ra, vùng Lũng Pù còn là nơi có mặt khoáng sản bauxit nằm trực tiếp trên bề mặt bào mòn của đá vôi hệ tầng Bắc Sơn.
Vùng Sà Phìn - Lũng Táo: Sà Phìn và Lũng Táo và hai xã của huyện Đồng Văn, nơi tập trung những di sản rất giá trị của Cao nguyên đá Đồng Văn. Khu vực này nằm trong một hố sụt karst lớn của đá vôi hệ tầng Bắc Sơn, tại vị trí giao cắt của các đứt gãy phương Tây Bắc – Đông Nam và Đông Bắc – Tây Nam trong giai đoạn Kainozoi (cách ngày nay khoảng hơn 32 triệu năm).
Thung lũng Sà Phìn được ví như một viên ngọc xanh giữa lòng Cao nguyên đá bởi sự phong phú của các di sản địa chất như tiếp xúc kiến tạo giữa các đá lục nguyên hệ tầng Sông Hiến và đá vôi hệ tầng Bắc Sơn, qua đứt gãy Lũng Táo - Tu Sản. Các khu rừng đá, hoang mạc đá, các bề mặt san bằng, những khối karst dạng chóp, các chỏm đá vôi dạng kim tự tháp hoặc nón lệch, các hang động karst. đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn khó cưỡng nổi cho hòn ngọc xanh giữa lòng Cao nguyên đá này.
Dinh thự nhà Vương: Là một kiến trúc theo phong cách cung đình Trung Hoa độc đáo, có vị trí đắc địa và cảnh quan tổng thể hài hòa. Đây là dinh thự của Vua Mèo, được xây dựng trong 8 năm, trên gò đất hình mai rùa, dựa lưng vào một thế núi vững chãi hình vòng cung và phía trước là 2 trái núi tượng trưng cho quyền lực và sự giàu sang.
Dinh thự họ Vương: Ngôi nhà quyền quý nhất Hà Giang
Khu phố cổ thị trấn Đồng Văn: Thị trấn Đồng Văn nằm trong một thung lũng đứt gãy hình thành từ Pliocen (cách đây khoảng 5 triệu năm) và cũng là một trong di sản địa chất tiêu biểu của cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là nơi tập trung di sản địa chất rất cao, như: các nếp uốn trong đá sét vôi silic hệ tầng Tốc Tát, hệ thống mặt trượt của đứt gãy Lũng Táo - Tu Sản phương Tây Bắc – Đông Nam cắt qua đá vôi hệ tầng Bắc Sơn và các đá lục nguyên hệ tầng Sông Hiến ở phía tây thị trấn. Địa hình Cuesta (địa hình núi đơn nghiêng) dạng chờm nghịch trông giống như một đàn cóc đang chồm về phía Bắc. Thị trấn Đồng Văn có thể nói là di sản địa mạo nổi bật nhất ở vùng này, ngoài ra, hoang mạc đá, rừng đá, các hố sụt karst v.v. cũng là những di sản địa mạo độc đáo, phổ biến tại đây.
Khu phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn nằm ở trung tâm huyện lỵ Đồng Văn, được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20. Thời kỳ đầu, khu phố này chủ yếu gồm người Tày và người Hoa sinh sống. Vào những năm 40, 50 của thế kỷ 20, có thêm người Kinh, người Dao, người Nùng đến cư ngụ. Phố cổ Đồng Văn tuy tuổi không cổ và quy mô không lớn như phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An, làng cổ Đường Lâm v.v., nhưng lại mang những bản sắc độc đáo của cư dân vùng cao nguyên đá thuộc miền biên cương xa xôi của Tổ quốc. Hiện nay, phố cổ Đồng Văn còn khoảng trên dưới 40 ngôi nhà cổ, trong đó cổ nhất là ngôi nhà của dòng họ Lương, được xây dựng từ năm 1890.
Không chỉ có sự đa dạng, phong phú về diện mạo địa chất, khoáng sản, công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn hiện vẫn còn bảo tồn và lưu giữ nhiều tài nguyên thiên nhiên quý báu. Trong đó, phải kể đến các di sản cổ sinh – địa tầng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Các di sản cổ sinh – địa tầng đã được các nhà khoa học nghiên cứu và tìm thấy tại cao nguyên đá Đồng Văn là một minh chứng rõ ràng cho sự phong phú của diện mạo địa chất – khoáng sản nơi đây. Các nhóm hóa thạch đa dạng, phong phú về giống, loài đã được phát hiện, gồm: Tay cuộn, Bọ ba thùy, Cá cổ, Thực vật thủy sinh, Vỏ cứng, San hô vách đáy, San hô 4 tia, Lỗ tầng, Răng nón, Trùng lỗ, Vỏ nón, Hai mảnh vỏ, Chân bụng, Chân đầu, Động vật dạng rêu, Huệ biển và Tảo….. đã giúp các nhà khoa học hoàn chỉnh bức tranh lịch sử phát triển địa chất vùng cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và địa chất khu vực đông bắc Việt Nam – Nam Trung Quốc nói chung.
Cổ sinh vật: Có rất nhiều các nhóm cổ sinh vật khác nhau, trong đó phải kể đến 17 nhóm hóa thạch rất đa dạng và phong phú về giống, loài, gồm: Tay cuộn, Bọ ba thùy, Cá cổ, Thực vật thủy sinh, Vỏ cứng, San hô vách đáy, San hô 4 tia, Lỗ tầng, Răng nón, Trùng lỗ, Vỏ nón, Hai mảnh vỏ, Chân bụng, Chân đầu, Động vật dạng rêu, Huệ biển và Tảo. Đặc biệt là di sản cổ sinh có giá trị đá vôi Trùng thoi của hệ tầng Bắc Sơn ở phía Bắc chợ cổ Đồng Văn có triển vọng trở thành một điểm nhấn rất thú vị cho lộ trình du lịch địa chất ở vùng này.
Các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác: Do có sự đa dạng địa chất cùng với sự thay đổi của khí hậu nên quá trình tiến hóa karst đã tạo nên những nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú và đa dạng cho vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Ngoài các “vườn đá”, “rừng đá” như: vườn đá Khâu Vai (Mèo Vạc) có các chóp đá hình bông hoa, nụ hoa muôn hình muôn vẻ; vườn đá Lũng Pù (Mèo Vạc) với các chóp đá, tảng đá, tháp đá có hình rồng cuộn, hổ ngồi… thì hàng chục loại cây địa y, lan quý hiếm hay hệ thống hang động uy nghi, hùng vỹ như: hang Rồng ở Sảng Tủng (Đồng Văn), hang Khổ Mỷ ở Tùng Vài (Quản Bạ), động Én ở Vần Chải (Đồng Văn) cũng đã được tìm thấy tại vùng cao nguyên này. Bên cạnh đó, quần thể rừng nguyên sinh tại đây vẫn còn tương đối nguyên vẹn, có nhiều gỗ, lâm sản và các loài thuốc quý như: nghiến, thông đá, dẻ, thảo quả, đỗ trọng, nấm hương… cũng đã tạo nên một môi trường sống lý tưởng cho các loài động vật hoang dã. Với trên 50 loài thú, chim, bò sát như: sơn dương, voọc, hoẵng, lợn rừng, cầy hương, sóc, gà rừng, chim, khướu, hoạ mi… khu vực này hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn dành cho các du khách.
Bản sắc văn hóa độc đáo của Thiên đường màu xám
Bên cạnh những giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan… cao nguyên đá Đồng Văn còn chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc như Mông, Dao, Lô Lô, Pu Péo… Với một màu đá xám bao phủ, xen lẫn với màu xanh của những ruộng ngô, màu vàng của những nương lúa, “Thiên đường màu xám” cao nguyên địa chất Đồng Văn - đã làm say đắm bao du khách tới nơi đây. Những phiên chợ vùng cao đặc sắc, những bộ trang phục ấn tượng của người dân Lô Lô, những tiếng khèn lúc réo rắt, lúc dặt dìu như mời gọi hay những món ăn hấp dẫn của người dân nơi đây…. tất cả đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo và riêng biệt mang tên: “Thiên đường màu xám”.
Chợ tình Khâu Vai: Những phiên chợ vùng cao không phải là hiếm ở khu vực này. Có thể kể đến các phiên chợ như Phố Bảng, Đồng Văn, Lũng Cú, Sà Phìn… nhưng đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến chợ tình Khâu Vai:
“Khâu Vai ơi, chợ tình biên giới
Cho anh uống một chén tình thôi nhé
Để nhớ về “người thương” thủa còn xuân Khâu Vai ơi! Cho anh nợ một chút tình Em đừng đem bán nỗi lòng kẻ tình si”
Có lẽ những ai đã từng đến cao nguyên đá Đồng Văn, đến với chợ tình Khâu Vai đều đã được nghe khúc thơ này. Chẳng ai biết khúc thơ này có từ bao giờ và do ai sáng tác, chỉ biết rằng, vào phiên chợ ngày 23 tháng 3 Âm lịch, người dân sinh sống tại xã Khâu Vai lại tụ họp tại đây, để đọc cho nhau nghe những vần thơ như thế. Theo các cụ già trong làng kể lại thì phiên chợ tình này cũng đã có tới hơn trăm năm lịch sử. Trải qua thời gian, nơi đây đã trở thành chốn hò hẹn yêu đương của các đôi trai gái. Dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng phiên chợ này vẫn tồn tại với một sức hấp dẫn lạ kỳ.
Nói về nguồn gốc của phiên chợ tình Khâu Vai, có câu chuyện kể rằng: Phiên chợ được lưu truyền trong dân gian về mối tình của một đôi trai gái. Năm xưa, một chàng trai và cô gái nọ dù khác tộc nhưng vẫn đem lòng yêu nhau tha thiết. Mối tình sâu đậm của họ khiến hai tộc xảy ra xích mích. Đau lòng trước cảnh tượng này, họ quyết định chia tay và thầm hò hẹn. Cứ thế hàng năm, vào ngày 27 tháng 3 Âm lịch, họ lại tương ngộ cho thỏa nỗi nhớ mong. Lâu dần, nơi hẹn hò của đôi trai gái kém duyên ấy trở thành phiên chợ tình của các chàng trai, cô gái của vùng cao nguyên này. Ngày nay, những chàng trai, cô gái đến chợ tình Khâu Vai để tìm kiếm bạn tình. Các chàng trai sẽ chủ động nắm tay cô gái và đó sẽ là tín hiệu để hai người trở nên gần gũi hơn nếu cô gái không rút tay lại. Đáp lại tấm thiện tình ấy, cô gái sẽ tấu những điệu nhạc lời ca đậm nét truyền thống dành tặng cho đối phương.
Miếu Ông – Miếu Bà: Đi từ chợ Khâu Vai trên con đường bằng bê tông, tới khe núi của khu rừng cấm, vào sâu hơn 100m về hướng Tây Bắc có 2 ngôi miếu vẫn được người dân nơi đây gọi là “miếu thờ tình yêu”. Gọi là “miếu thờ tình yêu” bởi lẽ nơi đây rất linh thiêng và đầy màu nghiệm với những đôi trai gái yêu nhau có trắc trở hay những cặp vợ chồng hiếm muộn con cái.
Miếu Ông nằm ở phía trên, nhìn ra sông Nho Quế theo hướng chính Đông, tựa lưng vào núi. Miếu được dựng bằng cột gỗ, có kết cấu mái đơn giản, không có tường bao xung quanh, lợp ngói âm dương. Trong miếu đặt 1 pho tượng bằng đá.
Muốn đi đến miếu Bà phải đi qua một khe núi, còn được gọi là suối cạn. Khu miếu này được dựng giáp vách đá, gồm có một gian, không có vì kèo và có một mái lợp ngói âm dương. Hai bên cạnh của phiến đá có chạm khắc chữ Hán, nội dung như sau: “Thành giai cổ vạn, tu miếu an thần đinh xạ vượng, tích Phật cầu tiên bảo bình an”, có nghĩa là: “Thành đẹp muôn đời, sửa miếu an thần cầu thịnh vượng, tích Phật cầu tiên bảo vệ bình an”. Bên trong miếu Bà có một bức tượng Bà chạm nổi vào phiến đá lớn.
Hàng năm, người dân tại khu vực này vẫn tổ chức lễ cúng cầu mùa tại miếu Ông, miếu Bà vào ngày 2 tháng 2 và lễ cúng lúa mới vào ngày 2 tháng 8 Âm lịch. Lễ vật để cúng gồm có một con lợn khoảng 50kg được nhân dân trong làng góp tiền mua và mỗi gia đình có một con gà để sau lễ cúng, dân làng cùng nhau tổ chức ăn uống ngay tại hai ngôi miếu này.
Lễ hội Cấp sắc của người Dao: Cũng như nhiều vùng, miền khác, cao nguyên đá Đồng Văn có rất nhiều lễ hội khác nhau nhưng lễ hội được nói tới nhiều nhất và đặc biệt nhất là “Lễ hội Cấp sắc của người Dao”.
Lễ Cấp sắc của người Dao còn có tên gọi khác là lễ Lập tịnh, chỉ có ở nam giới. Người Dao quan niệm, đàn ông chưa được coi là người lớn, là người đã trưởng thành nếu chưa có thầy cấp sắc, chưa được cấp đạo sắc và chưa có tên âm. Đối với những người đã được cấp sắc thì dù còn ít tuổi nhưng vẫn được coi là người trưởng thành và được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng. Quan trọng hơn là phải trải qua lễ Cấp sắc mới biết lẽ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Nếu gạt bỏ những yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng thì lễ cấp sắc có tính giáo dục rất lớn, thể hiện qua những lời giáo huấn hướng tới việc thiện, không làm điều ác. Các điều giáo huấn được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng kiến của tổ tiên và các quan âm binh nên tính giáo dục càng có giá trị.
Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, ngày thụ lễ được lựa chọn rất kĩ. Người Dao Đỏ, Dao Tiền thường làm lễ Cấp sắc từ độ tuổi 12-30, có khi đến già và có thể tổ chức cấp sắc cho tối đa 13 người/đợt, trong khi đó người Dao Áo Dài làm lễ từ độ tuổi là 11-19 tuổi và mỗi lần chỉ cấp sắc cho một người và tại nhà người đó. Mỗi nhóm người Dao có một cách thức làm lễ Cấp sắc khác nhau và một cấp bậc cấp sắc khác nhau như người Dao Đỏ và Dao Áo Dài cấp 7 đèn, Dao Tiền cấp 3 đèn, nhưng nhìn chung, trước khi làm lễ, người được thụ lễ phải kiêng hò hát, cãi nhau, ngủ chung. Để phục vụ lễ nghi và khoản đãi dân làng đến chứng kiến, các gia đình có người thụ lễ phải chuẩn bị các vật thiết yếu như lợn, thóc gạo, rượu, y phục thầy cúng... Và sau khi thực hiện đầy đủ các nghi thức phức tạp và đã cấp sắc cho người thụ lễ xong, các thầy cúng đều phải cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã đến dự thì nghi lễ mới kết thúc.
Khèn: Trên Cao nguyên đá Đồng Văn, cây khèn là nhạc cụ thân thuộc của người Mông. Có thể dễ dàng nhận thấy, khèn có mặt trong hầu hết các nghi lễ truyền thống, trong các ngày hội của bản làng hay trong những ngày vui của mỗi gia đình... Đối với các chàng trai Mông, khèn giống như một người bạn, giúp họ gửi gắm tình cảm qua những làn điệu ngâm nga, trầm bổng. Chẳng thế mà người ta vẫn nói, người đàn ông Mông đích thực phải: “trên vai có cây khèn, đầu đội mũ nồi và tay xách lồng chim họa mi”. Những ngón khèn điêu luyện của các chàng trai Mông thường được các dòng họ lưu giữ, coi đó là báu vật của dòng họ mình và chỉ được truyền cho con trai trong họ. Chính vì vậy mà ngày nay, các chàng trai của các dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn ai cũng thổi khèn điêu luyện.
Người dân trên cao nguyên đá Đồng Văn biết làm khèn nhưng làm được loại khèn tốt nhất, có âm chuẩn nhất phải kể đến người dân ở xã Sủng Trái. Nguyên liệu dùng làm khèn là trúc đinh và thông đá. Trúc đinh phải là những dóng thẳng và đều để tạo tính ổn định cho khèn, tránh cong vênh, nứt nẻ và luồng âm chạy qua được đều. Hàng năm, bà con trong các bản làng trên Cao nguyên này lại tổ chức thổi khèn vào những dịp đầu xuân và vào những dịp lễ hội. Có thể thấy, cây khèn Mông luôn chiếm một vị trí quan trọng cho nét văn hóa đặc sắc của dân tộc này.
Ẩm thực trên cao nguyên đá Đồng Văn: Không phải ngẫu nhiên mà từ nhiều năm nay, vùng núi đá cực Bắc của tỉnh Hà Giang lại trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Vùng đất được mệnh danh là cao nguyên đá này không chỉ ấn tượng bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn hút hồn những khách du lịch bởi nét ẩm thực độc đáo mà hấp dẫn. Một trong những món ngon phải kể đến đầu tiên khi tới vùng đất này là cải ngồng.
Không phải là nơi duy nhất có cải ngồng xanh mướt nhưng cải ngồng Hà Giang lại khiến người ta không thể quên được cái vị ngọt ngọt, bùi bùi khi luộc chín. Được trồng trên những khu đất khô cằn, đầy những đá, thế nhưng những lá cải ngồng nơi đây lại cứ xanh tươi, mũm mĩm như thách thức những tảng đá cứng nhắc, xám xịt kia. Không chỉ riêng cải ngồng mà những loại rau, đậu nơi đây cũng rất ngon và lạ, như dưa mèo, đậu Hà Lan….
Sau cải ngồng, món ăn đặc biệt phải kể tới là gà mèo. Con gà mèo ở đây không khác gà thường là mấy nhưng lại có chân đen, mặt đen, mào đen, da đen, thịt đen và xương cũng đen nốt. Luộc, rang và nấu canh gừng là các cách mà người dân nơi đây thường sử dụng để chế biến món ăn này. Không béo, không nát, chắc mà không dai, nạc mà không xác là vị của thịt loài gà này.
Và một món ăn nữa mà bất cứ du khách nào tới đây cũng đều phải thử, đó là mắm cá rô. Mắm cá rô là món ăn đặc sản của người dân tộc Tày trên cao nguyên Đồng Văn. Để làm ra loại mắm này, người ta phải làm sạch cá rô, đánh vảy, để cho ráo nước rồi ướp hỗn hợp gia vị, gồm: muối, rượu, giềng và lá cơm đỏ. Sau khi ướp các loại này xong, người ta sẽ trộn đều với hơn 10 loại lá thảo dược đã được giã nhỏ, có độ nóng cao. Hỗn hợp này sẽ được đậy kín trong một khoảng thời gian dài, từ 2 – 3 năm rồi mới được mang ra sử dụng. Mắm cá rô khi nấu chín, có thể dùng để chấm cơm lam hoặc măng luộc. Món đặc sản này có hương vị đậm đà, lạ miệng, thơm ngon và chỉ có ở cao nguyên đá Đồng Văn.
Khi tìm hiểu về công viên địa chấn toàn cầu Đồng Văn, chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng trước những vẻ đẹp hùng vĩ và tráng lệ của vùng cao nguyên đá này và những gì mà chúng tôi viết ở đây chỉ là những nét mà chúng tôi cho là đặc sắc nhất tại khu vực này. Chắc chắn rằng, với chúng tôi và cả những nhà khoa học, cao nguyên đá Đồng Văn vẫn còn là một ẩn số cần lời giải đáp. Hi vọng trong tương lai, chúng tôi có thể giới thiệu tới quý vị và các bạn nhiều hơn nữa về khu thiên đường màu xám này.
9 Nguyễn Đình Chúc (2007), Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ da dao Phú Yên, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
28 Nguyễn Văn Khang (1995), Địa danh nước ngoài, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.