CHƯƠNG 4

MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ VỀ VẤN ĐỀ CHUẨN HÓA ĐỊA DANH TRÊN BẢN ĐỒ

anhhoavan

4.1. Về quản lý nhà nước


 

Như các quá trình phân tích, đánh giá thực trạng sử dụng địa danh Việt Nam ở các phần trên, việc không đồng nhất cách sử dụng địa danh trên các phương tiện truyền thông, ngay cả trên bản đồ từ các nguồn thành lập như Cục Bản đồ - Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Bản đồ giáo khoa - Nxb Giáo dục đều rất không thống nhất, mặc dù từ năm 2002 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2002/NĐ-CP giao cho ngành Đo đạc bản đồ ban hành danh mục địa danh thể hiện trên bản đồ để sử dụng thống nhất trong cả nước nhưng vì những lý do cả khách quan và chủ quan vẫn chưa thực hiện được. Vài năm gần đây tại Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ban hành một số văn bản về chuẩn hóa như đã nêu đặc biệt là QCVN37:2011/BTNMT nhưng vẫn còn khá nhiều khiếm khuyết, kể cả việc thiếu điều kiện thực thi giá trị pháp lý chung thống nhất trong bình diện quốc gia, việc sử đụng dịa danh trong các cơ quan nhà nước, trong truyền thông xã hội... chưa bị ràng buộc bởi những điều kiện mang tính pháp lý, có chế tài bắt buộc phải tuân thủ về chuẩn hóa địa danh. Mặt khác, ngay cả công tác chuẩn hóa cụ thể cũng chưa thật sự đầy đủ những cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn thực hiện.

“...Một thành quả quan trọng về địa danh là ban hành được danh mục địa danh (gazetter) trên toàn quốc và đăng ký với quốc tế thì ta vẫn chưa làm được... [75, tr.263]”.

Vì vậy chúng ta phải nhanh chóng xác lập đầy đủ các cơ sở nghiên cứu cơ bản về địa danh học, các kết quả xác minh từ thực tiễn, tiến hành hoàn thiện các văn bản pháp lý có chế tài thực hiện, tài liệu kỹ thuật cho công tác chuẩn hóa hệ thống địa danh trên bản đồ đã xuất bản nhằm thống nhất sử dụng trong cả nước về công tác lập bản đồ, hướng đến việc sử dụng thống nhất trên các xuất bản phẩm, các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhằm đảm bảo chỉ đạo, quản lý về việc chuẩn hóa địa danh và thống nhất sử dụng trên toàn quốc cần phải hình thành một cơ quan chuyên trách về địa danh Việt Nam (Ủy ban quốc gia về địa danh) theo thông lệ quốc tế. Ủy ban này là cơ quan thường trực thay mặt quốc gia về quản lý nhà nước cho các công tác về địa danh Việt Nam đó là:

- Xây dựng các nguyên tắc, quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc chuẩn hóa địa danh và các danh mục địa danh trong nước và quốc tế.

- Xây dựng các tài liệu khoa học về địa danh học, địa danh bản đồ học một cách có cơ sở lý luận khoa học chặt chẽ tạo cơ sở căn bản cho các ngành khoa học ứng dụng và đào tạo lý luận.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thống kê các địa danh có trên các tờ bản đồ địa hình và bản đồ chuyên đề hiện có tại Việt Nam, đối chiếu và xác minh tìm ra địa danh đúng. Căn cứ vào các nguyên tắc, quy định đã được xác lập chọn cách ghi địa danh đúng nhất bằng chữ Việt.

- Chỉ đạo việc lập và ban hành các danh mục địa danh Việt Nam và quốc tế làm cơ sở khoa học và pháp lý cho hệ thống cơ sở dữ liệu địa danh Việt Nam.

- Yêu cầu sử dụng các địa danh đã được chuẩn hóa sẽ thể hiện trên các bản đồ chính thức của nhà nước (bản đồ hành chính quốc gia, bản đồ địa hình tỷ lệ cơ bản phủ trùm toàn quốc, bản đồ mang tính quốc gia).

- Quản lý, xây dựng và chỉ đạo việc thành lập hệ thống thông tin địa danh Việt Nam GNIS (geographical names information system). Đảm bảo sự thu thập, phân tích và cập nhật có hệ thống từ các cơ sở dữ liệu đã được thu thập và chuẩn hóa, ủy ban sẽ chỉ đạo việc phân phối thông tin dưới các hình thức và qua mạng internet dưới dạng website thông tin địa danh.

- Ngoài ra ủy ban còn đại diện quản lý nhà nước về tổ chức nghiên cứu, quản lý trực nhật theo các cấp quản lý chuyên về dữ liệu địa danh cũng như đào tạo, đầu tư, hợp tác quốc tế và xây dựng các chính sách của ngành sẽ được phân tích ở sau.

Ngày nay, nhiều quốc gia có loại hình cơ quan địa danh quốc gia. Liên hợp quốc cho rằng “phương pháp tốt nhất để đạt được tiêu chuẩn hóa quốc tế là qua các chương trình chuẩn quốc gia”. Nhiều quốc gia thành lập các chính sách liên quan đến địa danh ở các quốc gia của họ.

Hiện nay có hai mô hình công tác địa danh tại Hoa Kỳ và Hungary cần tham khảo (phụ lục 1).

- Thông qua tài liệu của UNGEGN về công tác địa danh tại hai quốc gia trên ta đã thấy rõ việc cấp thiết phải có hệ thống tổ chức nghiên cứu về địa danh theo các cấp quản lý với những đơn vị trực nhật cơ sở dữ liệu địa danh.

Liên hợp quốc đã khảo sát với các quốc gia có loại hình cơ quan địa danh quốc gia và đã có kết luận rằng “phương pháp tốt nhất để đạt được tiêu chuẩn hóa quốc tế là qua các chương trình chuẩn quốc gia”.

Nhiều quốc gia phải nghiên cứu xây dựng các chính sách có liên quan đến địa danh ở các quốc gia của họ.

Ở Việt Nam, với yêu cầu cấp thiết thành lập Ủy ban quốc gia về địa danh nhằm quản lý và theo dõi, chỉ đạo mọi hoạt động về địa danh, mỗi địa danh thay đổi phải thông qua ủy ban địa danh và rõ ràng phải có tổ chức nghiên cứu về địa danh theo các cấp quản lý như quốc gia, tỉnh, thành phố, huyện, thị xã..., các cấp bộ, ngành theo dõi quản lý liên tục có những biện pháp kịp thời với việc đặt tên mới (naming), xử lý những tồn tại cũ như: Đường Nguyễn Tất Thành trong Thành phố Hồ Chí Minh.

Tìm những giải pháp đúng khi đặt tên mới, bỏ tên cũ:

Ví dụ: Tại UBND các cấp, các Sở Nội vụ và tại Bộ Nội vụ phải có các chuyên viên theo dõi về địa danh, ngoài ra, đối với các cơ sở nghiên cứu, các hội, đoàn thể như Hội Ngôn ngữ, Hội Trắc địa - Bản đồ, Địa lý... phải có hệ thống các chuyên gia về địa danh... chưa kể các cấp quốc gia tại Ủy ban địa danh quốc gia phải có những đại diện, chuyên gia nằm trong tổ chức của UNGEGN.

Thông qua các bước chuẩn hóa địa danh từ trong phòng tới công tác tại địa phương các cấp với những phụ lục cần xây dựng trong giai đoạn ban đầu này ta đã thấy sự hiện diện của các chuyên gia, các thành viên trong tổ chức bộ máy của chính quyền các cấp, như vậy một công tác quan trọng là hệ thống, xây dựng bộ máy tổ chức về địa danh theo các cấp quản lý với những nhiệm vụ cụ thể từ những việc cấp thiết đến công việc thường xuyên, từ những biến đổi trong xã hội và công tác trực nhật địa danh.

- Một điều quan trọng của Ủy ban quốc gia về địa danh là việc tích hợp địa danh chuẩn hóa vào hệ thống thông tin địa danh Việt Nam (GNIS -Geographycal names information system).

Danh mục địa danh (Việt Nam và Quốc tế) là mục tiêu, sản phẩm cuối cùng của việc chuẩn hóa địa danh, Danh mục địa danh sẽ được xây dựng từ GNIS và được công bố dưới dạng trên giấy và dạng số (CD, internet...), và phát hành theo các kênh thông tin truyền thông xuất bản.

Các công tác chuẩn hóa địa danh trên bản đồ làm cho việc xuất bản những bản đồ có những địa danh chuẩn trở thành cơ sở cho các công việc nghiên cứu, học tập, thực hiện những công tác phục vụ chung cho mọi ngành nghề và dân sinh xã hội.

- Các dữ liệu của hệ thống thông tin địa danh và xuất phẩm dạng số sẽ được bảo trì, cập nhật thường xuyên do Ủy ban quốc gia về địa danh chỉ đạo, thực hiện và giám sát theo dõi.

- Việc xây dựng hệ thống tổ chức các cấp quản lý về địa danh nhằm đảm bảo cho hệ thống thông tin địa danh về Việt Nam và quốc tế là hệ thống mở, có đủ chức năng cập nhật, quản lý, khai thác và phân phối thông tin địa danh.

- Các cơ sở dữ liệu không gian phải đáp ứng được các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực hệ thống thông tin địa lý (GIS).

- Cơ sở dữ liệu địa danh phải đầy đủ, chính xác, hiện thực và có sơ sở pháp lý được xây dựng phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành ở Việt Nam (hệ quy chiếu, hệ tọa độ, hệ thống mã đơn vị hành chính) đồng thời cũng đảm bảo hướng tới sự hội nhập khu vực, quốc tế (theo quy định và hướng dẫn của Liên hợp quốc).

- Nhờ vai trò chủ đạo của Ủy ban quốc gia về địa danh Việt Nam và hệ thống tổ chức, nghiên cứu về địa danh ở các cấp quản lý thì mới tạo ra các xuất bản phẩm về danh mục địa danh, bản đồ địa danh cần phải dễ sử dụng, dễ truy cập và kết nối, thống nhất, cập nhật được theo các công nghệ hiện đại.

4.2. Hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn hóa địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ QCVN37:2011/ BTNMT

Xuất phát từ việc chưa có Ủy ban quốc gia về địa danh nên nhiều năm qua các bộ, ngành của Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu hoặc xây dựng những danh mục địa danh đáp ứng nhu cầu của bộ, ngành mình theo những quan điểm mà trong đó còn nhiều vấn đề chưa thống nhất thậm chí còn khác nhau.

Việc đặt địa danh cho từng yếu tố địa lý và kinh tế, xã hội được chia nhỏ cho nhiều bộ nên thiếu tính thống nhất và không tránh khỏi những sai sót, nảy sinh nhiều vấn đề tồn tại.

Trong những năm qua Bộ Tài nguyên Môi trường đã tiến hành những công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho việc chuẩn hóa địa danh trong thành lập bản đồ đặc biệt là đã ban hành Thông tư 23/2011/TT-BTNMT ngày 06/07/2011 cùng với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn hóa địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ QCVN37:2011/BTNMT.

Đây là lần đầu tiên Bộ TNMT đã ban hành cùng với thông tư thực hiện một bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với hướng dẫn quy trình và các bước thực hiện. Trong khi rất nhiều các bộ, ngành và cả một số cơ quan thông tấn vẫn đang trong thực trạng sử dụng địa danh chưa chuẩn hóa, còn tùy tiện và nhiều sai sót thì tại Bộ TNMT, công tác thành lập bản đồ đã bắt đầu thực hiện quy trình chuẩn hóa theo quy chuẩn và cùng với hệ thống thông tin địa danh sẽ là những cơ sở khoa học và dữ liệu cho phát triển ngành đo đạc bản đồ, tài nguyên môi trường và phục vụ mọi ngành kinh tế, xã hội, bộ quy chuẩn sẽ là kim chỉ nam cho tài liệu bản đồ về địa danh trở thành nguồn tài liệu tin cậy cho các nhà khoa học, địa danh học, các cơ quan, các ngành sử dụng và đây sẽ là cơ sở hợp nhất ban đầu về địa danh, hướng tới việc lập ra Ủy ban quốc gia về địa danh theo đúng tiêu chí của Liên Hợp Quốc và UNGEGN (united nations group experts on geographycal names).

Tuy nhiên trên thực tế do bộ quy chuẩn này mới được đưa vào thực hiện khoảng một năm nay do đó những vấn đề lớn về địa danh hiệp thương ở cấp tỉnh chưa được giải quyết nên cũng chưa có nhiều cơ hội đánh giá vấn đề phát sinh từ thực tiễn vì vậy từ góc độ cá nhân cũng xin có một số ý kiến nhỏ mong cho công tác chuẩn hóa địa danh có thuận lợi, hiệu quả hơn:

- Trong mục thu thập hệ thống tài liệu quy chuẩn cần làm rõ hơn về việc cần phải sử dụng hai nguồn tài liệu là bộ bản đồ địa hình tỉ lệ 1/10.000 do Pháp thành lập trên lưới chiếu Born vào đầu thế kỷ 20 (đây có thể coi là công trình Việt hóa địa danh theo hướng Pháp ngữ đầu tiên); tiếp theo là bộ bản đồ tỉ lệ 1/50.000 do Mỹ thành lập trên lưới chiếu UTM thời kỳ từ năm 1954 -1975 (đây là bộ bản đồ phủ kín Đông Dương và Việt hóa địa danh theo hướng Anh ngữ), hai bộ bản đồ này có lượng thông tin về địa danh khá tốt, tư liệu có giá trị kế thừa mang tính lịch sử cao, có khả năng truy nguồn gốc địa danh trong khi những bản đồ địa chính cơ sở, chi tiết do các tỉnh và cơ quan thuộc Bộ TNMT thành lập ở tỉ lệ lớn 1/100; 1/500 thì rất khó khăn trong việc đối chiếu với các BĐ khác và loại bản đồ này dường như ít quan tâm về địa danh đặc biệt với các địa danh lớn.

- Những ý kiến khác góp ý quy chuẩn tại điều 1.1.5 về xác định tọa độ của địa danh.

Theo chúng tôi hiểu đây là nguyên tắc xác định cụ thể địa danh của các đối tượng địa lý theo đặc thù của đối tượng địa lý là thể hiện theo ký hiệu dạng điểm, dạng đường, dạng vùng (ranh giới xác định, ranh giới không xác định).

Ở đây chắc là QCVN37:2011/BTNMT có sự sai sót và nhầm lẫn khi quy định ký hiệu dạng vùng có ranh giới xác định và dạng vùng có ranh giới không xác định đều xác định theo vị trí trung tâm của vùng (khu vực) phân bổ đối tượng?.

Thực tế do đặc thù khác nhau giữa ký hiệu dạng vùng có ranh giới xác định và ranh giới không xác định mà chúng ta phải:

+ Xác định theo vị trí trọng tâm (centroid) của vùng phân bổ đối tượng với ký hiệu dạng vùng có ranh giới xác định.

+ Xác định theo vị trí trung tâm (central) của vùng phân bổ đối tượng với ký hiệu dạng vùng có ranh giới không xác định.

Ví dụ: Nhiều trường hợp trọng tâm của vùng phân bổ đối tượng với ký hiệu dạng vùng có ranh giới xác định như hình móng lừa thì trọng tâm sẽ nằm ngoài.

- Nên bổ sung thêm những thông tin về nguồn gốc và nghĩa ban đầu của địa danh, quá trình biến đổi, những địa danh mới đặt tên (naming)... thông qua các quá trình chuẩn hóa và thể hiện trên cột bổ sung kèm theo nhằm đảm bảo đúng theo tiêu chí của UNGEGN và quốc tế.

- Một vấn đề rất cần quan tâm đó là danh mục địa danh vì danh mục địa danh chính là kết quả sau việc chuẩn hóa địa danh, trong kiến nghị E của Nghị quyết số 4 [75, tr.290] của Liên hợp quốc về địa danh đã nêu rất rõ về việc mỗi cơ quan địa danh của các quốc gia lập ra và thường xuyên tái bản, cập nhật các danh mục địa danh sau chuẩn hóa và nộp cho UNGEGN, từ đó mà danh mục địa danh của các nước đặc biệt với địa danh trên bản đồ là rất quan trọng được công bố ra quốc tế và đây thực ra chính là quyền lợi của các quốc gia đó về địa danh.

Ở đây trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn hóa địa danh phục vụ cho công tác thành lập bản đồ (QCVN37:2011/BTNMT) còn nêu quá giản đơn và dẫn đến thiếu chi tiết hướng dẫn cho công tác lập được danh mục địa danh đáp ứng được chuẩn của quốc tế và đòi hỏi về chất lượng của danh mục địa danh là chưa được phù hợp cho việc công bố và sử dụng danh mục địa danh hoàn chỉnh.

Phần nói về danh mục địa danh Việt Nam trong quy chuẩn: 

“. 3. Danh mục địa danh.

3.1. Danh mục địa danh Việt Nam.

3.1.1. Danh mục địa danh Việt Nam được biên tập từ CSDL địa danh Việt Nam theo đơn vị hành chính cấp tỉnh.

3.1.2. Các địa danh được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 “Quy chuẩn QCVN37:2011/ BTNMT ban hành kèm theo quy chuẩn này”.

Ta thấy quy chuẩn chỉ nêu về danh mục Việt Nam như vậy, xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của quy chuẩn (trang), căn cứ theo phụ lục thì Danh mục địa danh Việt Nam không thể nêu rõ ràng, đầy đủ vì vậy rất cần sự nhìn nhận như sau:

- Đây là lần đầu chúng ta chuẩn hóa để chuẩn bị ra đời danh mục địa danh của mình nên cần phải nghiên cứu, tập hợp đầy đủ những ý kiến khoa học, minh xác về bố cục, nội dung, hình thức trình bày loại tài liệu đặc biệt này theo đúng tiêu chí của quốc tế và của UNGEGN do đó rất cần phải nắm rõ ràng định nghĩa, tiêu chí của Liên hợp quốc đã đề ra thông qua UNGEGN, ở đây có thể nói rằng hầu như các tài liệu về địa danh ngay cả những tài liệu mới xuất bản tại Việt Nam cũng chưa đề cập nhiều đến vấn đề này.

- Việc tham khảo công bố của các nước đã công bố danh mục địa danh mà nhiều nước trên thế giới đã công bố là hết sức cần thiết, ví dụ 77 , 78 , 79 .

Khi thực hiện việc lập danh mục địa danh trên Phụ lục 2 và theo hướng dẫn tại mục 3. Danh mục địa danh thì ta sẽ thấy vướng ở một số vấn đề sau khi sắp xếp theo thứ tự A, B, C như:

+ Nếu không phân biệt rõ giữa danh pháp và đia danh thì sẽ rối và nhầm lẫn ví dụ tên Đoàn kết ở nước ta có rất nhiều ở các cấp như thôn, xóm, xã... thậm chí còn có thôn Đoàn kết 1, Đoàn kết 2... ngoài ra còn rất nhiều địa danh trùng tên... ở đây Phụ lục số 2 chưa đủ cơ cấu cũng như Quy chuẩn QCVN37:2011/BTNMT chưa rõ để giải thích cho vấn đề này.

+ Việc đưa các địa danh đánh số vào danh mục địa danh như thôn 1, thôn 2... Rồi thôn Đoàn Kết 1 hay thôn 1 Đoàn kết?.. thứ tự sẽ thế nào..?

+ Đối với những địa danh như sông, đường... sẽ bị lặp lại như: Đường 1 (xã A, huyện B); Đường 1 (xã C, huyện D)...? cũng như vậy với các địa danh lớn (Đại địa danh) thì ta cũng sẽ tiếp tục trùng lặp và không hợp lý như: Đường Hồ Chí Minh (xóm A, xã B)... Dải Trường Sơn (xóm.., xã..). Đây là những việc rất kỵ cho danh mục địa danh mà Quy Chuẩn chưa có hướng dẫn chi tiết.

- Xin đề xuất khắc phục cho công tác chuẩn hóa, lập danh mục như sau:

+ Cần phải phân biệt rõ địa danh (mục từ) với các danh pháp địa lý, yếu tố chung như sông, rạch, ấp, xã, đường,... việc sắp xếp theo vần A,B,C chỉ cho địa danh thực sự chứ không theo vần của các đơn vị hành chính hay danh pháp.

+ Không thể lặp lại địa danh như cách lập bảng theo Phụ lục 2 và hướng dẫn của quy chuẩn, nhất là đối với địa danh của các yếu tố dạng đường và vùng, gây rối thông tin khó sử dụng tạo ra những sai sót kiểu như: “Đường Hồ Chí Minh” hay “Dải Trường Sơn “trong một xã?... Nên bổ sung cột mô tả kèm theo cho địa danh các đối tượng dạng đường, vùng (vị trí của đối tượng, chi tiết liên hệ đến đối tượng).

+ Nên bổ sung thêm những thông tin về nguồn gốc và nghĩa ban đầu của địa danh, quá trình biến đổi, những địa danh mới đặt tên (naming)... thông qua các quá trình chuẩn hóa và thể hiện trên cột bổ sung kèm theo nhằm đảm bảo đúng theo tiêu chí của UNGEGN  và quốc tế.

+ Ngoài ra cần xem xét đánh giá lại vấn đề địa danh bằng số, một thực tế hiện nay do nhiều lý do mang tính lịch sử mà hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế như: với địa danh số không có khả năng thể hiện là “Tấm bia lịch sử bằng ngôn ngữ” ví dụ: Phường 12 với phường Cầu Kho (được xây dựng năm 1805 cạnh kho Cẩm Thảo để chứa lúa); khi nêu tên địa danh số phải nêu kèm địa danh khác mới xác định được như: nói phường 3 phải kèm theo quận... trong khi nói phường Đa kao ta xác định được ngay; địa danh bằng chữ còn ghi lại được những chiến công hiển hách, những danh nhân trong lịch sử như: Hàm Tử Quan, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo...

Với thái độ của các học giả, nhà khoa học thì nhiều ý kiến không đồng tình như: Trong “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức SG Khai Trí 1970 có phần nhân danh và địa danh nhưng không ghi một địa danh bằng số nào mặc dù lúc ấy Sài Gòn đã có 11 Quận mang số; Trong “Sổ tay địa danh Việt Nam” của Nguyễn Dược  và Trung Hải – HN, Nxb Giáo dục 1998 cũng loại tất cả các quận mang số ở TP. Hồ Chí Minh dù lúc đó có 12 quận mang số ở đấy.

Trong Từ điển “Larousse, Paris 1996” có phần nhân danh và địa danh của Pháp và thế giới nhưng hoàn toàn không ghi nhận một địa danh bằng số nào của Pháp và của thế giới trong khi ngay thủ đô Paris có đến 20 quận mang số.

Với Phụ lục 2 của Quy chuẩn QCVN37:2011/BTNMT nên có thêm một cột riêng dành cho các địa danh bằng số để đảm bảo các nguyên tắc về thứ tự và mục từ của danh mục địa danh.

Chúng ta có thể thấy rằng QCVN37:2011/BTNMT đã có giá trị ban đầu cho công tác chuẩn hóa địa danh trong thành lập bản đồ nhưng chắc chắn trong quá trình thực hiện cùng với những vấn đề phát sinh từ thực tiễn rất cần sự bổ sung, hoàn thiện mới có thể có được một Danh mục địa danh Việt Nam hoàn chỉnh với đầy đủ giá trị để công bố cho Việt Nam và với quốc tế, là cơ sở vững chắc làm tiền đề cho việc xây dựng công trình Từ điển địa danh Việt Nam.

4.3. Về đầu tư, đào tạo và những cơ chế, chính sách hỗ trợ

Khi thực sự được phép thực hiện đề tài chuẩn hóa địa danh Việt Nam trong xuất bản bản đồ, thực sự đi tìm kiếm các tài liệu, giáo trình về địa danh mới nhận ra rằng ở Việt Nam hiện nay việc quan tâm đến địa danh và các vấn đề liên quan còn quá ít ỏi, ngay cả đến những tài liệu, giáo trình phổ thông đề cập đến những vấn đề trên một cách toàn diện là rất ít, trong khi thực tế cuộc sống, giao tiếp và hội nhập hàng ngày thì vấn đề địa danh và yêu cầu chuẩn hóa là vấn đề có tính phổ biến, thường trực ở nhiều ngành, lĩnh vực và trong xã hội.

Trong sự giao tiếp, hội nhập quốc tế việc địa danh đã chuẩn hóa được vào các tài liệu giáo khoa (sách giáo khoa, bản đồ giáo khoa, quả cầu...) và được giảng dạy ngay từ phổ thông cơ sở sẽ là một cơ hội tốt cho các thế hệ công dân tương lai, tránh cho những khó khăn khi giao tiếp và hòa nhập thế giới, UNGEGN cũng khuyến khích việc giáo dục, giải thích những địa danh chuẩn hóa cho những địa danh quen dùng cho người sử dụng.

Trong hoạt động thương mại và thương hiệu hàng hóa thấy rằng:

Trong vô số các thương hiệu hàng hoá có một loại thương hiệu hàng hoá gắn với các địa danh cụ thể, đó là những hàng hoá của những vùng nguyên liệu đặc biệt, nơi khác không có hoặc có nhưng chất lượng không thể so sánh sản phẩm của nơi này.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) rất quan tâm khuyến khích việc các nước đăng ký thương hiệu hàng hoá này và bảo hộ cho những thương hiệu đã được đăng ký không chỉ vì quyền lợi thương mại nói riêng mà còn vì họ cùng với Nhóm chuyên gia về địa danh của LHQ (UNGEGN) nhìn thấy trước việc tranh chấp thương hiệu hàng hoá loại này sẽ dẫn đến việc tranh chấp liên quan đến lãnh thổ có thể xảy ra về sau.

Ở Việt Nam, các thương hiệu sản phẩm cũng thường được gắn theo tên địa danh và có một số sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài, có nhiều triển vọng phát triển thì có một số công ty nước ngoài lợi dụng chiếm tên, thương hiệu thậm chí tìm cách đăng ký bảo hộ các thương hiệu đó trên thị trường quốc tế:

Trường hợp nước mắm Phú Quốc, thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã và đang bị lạm dụng để sử dụng nhãn tại nhiều địa phương trong cả nước, kể cả nước láng giềng Thái Lan cũng “chôm” luôn thương hiệu này.

UBND tỉnh Kiên Giang đã phải ban hành Quyết định Quy định việc quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm. Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm (gọi tắt là chỉ dẫn địa lý) là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ Phú Quốc và có danh tiếng, chất lượng đặc thù do điều kiện tự nhiên và bí quyết sản xuất của người dân Phú Quốc quyết định.

Như vậy, việc triển khai áp dụng quy định chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm rõ ràng là giải pháp hữu hiệu và bền vững để bảo vệ thương hiệu cho loại đặc sản nổi tiếng này.

Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam có hàng ngàn loại nông sản có khả năng đăng ký chỉ dẫn địa lý nhưng đến nay mới có 35 sản phẩm được đăng ký ở Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, gạo tám xoan Hải Hậu, vải thiều Thanh Hà… Trong số 35 sản phẩm này, chỉ mới có 3 chỉ dẫn địa lý được đăng ký ở nước ngoài.

Một khi thương hiệu đã bị đánh cắp, doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để theo đuổi các vụ kiện nhằm đòi lại thương hiệu nhưng không nhiều trường hợp đòi lại thành công. Một số vụ điển hình là chủ nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre đòi lại thương hiệu bị một đối tác ở Trung Quốc làm nhái và đăng ký độc quyền tại quốc gia này. Theo các luật sư, bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài vô cùng quan trọng vì doanh nghiệp muốn xác lập được thị trường ở nước ngoài thì phải có chiến lược tiếp cận và có kế hoạch về nhãn hiệu độc quyền tại thị trường đó. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến việc bảo hộ nhãn hiệu làm cơ sở cho các hoạt động thương hiệu của doanh nghiệp. Không ít các doanh nghiệp thờ ơ với các hiện tượng làm hàng giả, hàng nhái, chưa có những hoạt động tích cực hướng đến việc đảm bảo quyền của mình đối với nhãn hiệu, chỉ khi nhãn hiệu của mình đã bị doanh nghiệp khác hoặc các chủ thể nước ngoài chiếm đoạt mới “Bừng tỉnh” để đổi mới cách tiếp cận với việc bảo hộ nhãn hiệu,còn nhiều ví dụ như trường hợp của Công ty Trung Nguyên, Tổng công ty dầu khí Việt Nam, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam v.v.

Câu chuyện vừa qua về địa danh Buôn Mê Thuột khi cà phê Buôn Mê Thuột của Việt Nam bị Trung Quốc tranh cướp thương hiệu, đó là sự kiện Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Quảng Châu - Trung Quốc) đã đăng ký độc quyền 10 năm. Hiện Đăk Lăk vẫn đang trong giai đoạn khiếu kiện với Trung Quốc mặc dù phía Trung Quốc không hề có địa danh Buôn Mê Thuột và cơ sở để Việt Nam khiếu kiện là dựa vào địa danh Buôn Mê Thuột.

Logo nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc

Việc tranh chấp, khởi kiện đòi lại thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam có một chứng cứ căn bản đó là tên địa danh, vùng đất được khai thác và sản xuất ra sản phẩm mang thương hiệu đó, nằm trong chỉ dẫn địa lý và trong trường hợp chúng ta đã có danh mục địa danh chính thống đã ban hành và trình nộp Liên Hợp Quốc  thì đó là những chứng cứ có giá trị rất cao.

Như vậy, việc đầu tư, đào tạo với những cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc chuẩn hóa địa danh để có được danh mục địa danh chính thức công bố với quốc tế là hết sức quan trọng và gắn với tầm nhìn phát triển quốc gia.

Hiện nay, trong các trường đại học với các chuyên ngành gắn với địa lý bản đồ, ngôn ngữ, dân tộc, GIS, thông tin, xuất bản... đều chưa có bộ môn chính thức về địa danh học, do đó địa danh và các vấn đề chuẩn hóa cần được hoàn chỉnh thành một bộ môn khoa học và được đưa vào ngiên cứu, giảng dậy để đảm bảo phát huy tính khoa học, tính pháp lý, tính phổ biến cho địa danh chuẩn.

Ngay trong giáo dục phổ thông việc công bố đầy đủ các địa danh chuẩn trong nhà trường cũng là hết sức quan trọng và cần thiết.

Ngay tại các cơ quan thông tấn, các Nxb cũng cần phải có những bộ phận chuyên môn theo dõi, xử lý về địa danh.

- Việc đầu tư cho công tác chuẩn hóa địa danh, công bố các danh mục địa danh quốc gia, nghiên cứu xây dựng các tài liệu, giáo trình chuẩn cho địa danh là hết sức cần thiết và chắc chắn phải dựa vào những cơ chế chính sách hỗ trợ từ nhà nước, chính phủ và rất cần được sự điều phối, chỉ đạo của Ủy ban quốc gia về địa danh hoặc cơ quan chuyên trách của nhà nước trong việc áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ cho đào tạo, đầu tư về địa danh.

- Phải lập được những kênh truyền thông, hoạt động thông tấn báo chí và những kênh thông tin trên bình diện quốc gia để quảng bá, giới thiệu về địa danh, danh mục địa danh Việt Nam, những hoạt động chuẩn hóa địa danh, những địa danh mới được đặt tên và khai thác.

- Phải tăng cường các công tác giáo dục đào tạo về địa danh, mở các lớp tập huấn (Training course) cho các cán bộ quản lý địa phương, ngành nội vụ...

- Đưa vào Luật Xuất bản yêu cầu thực hiện việc tuân thủ Danh mục địa danh quốc gia Việt Nam trên các xuất bản phẩm và có chế tài giám sát thực hiện.

4.4. Về hợp tác quốc tế

Để đảm bảo cho việc hội nhập và hợp tác quốc tế về địa danh phải hình thành cơ quan quốc gia về địa danh (Ủy ban địa danh Việt Nam) với đầy đủ cơ cấu, tổ chức và chức năng nhiệm vụ:

- Là một tập thể các thành viên phối hợp có nghĩa vụ và quyền hạn rõ ràng, thực hiện theo đúng quy phạm mục đích đề ra cho việc chuẩn hóa địa danh và có những đề xuất chính sách cụ thể.

- Là một tổ chức bền vững trong cấu trúc nhà nước luôn hướng theo mục đích lớn của chương trình chuẩn hóa quốc gia.

- Có cơ cấu tổ chức theo các cấp quản lý như Ban Địa danh theo các vùng miền, lãnh thổ.

- Có mối liên hệ chặt chẽ với UNGEGN tại Liên hợp quốc và mối liên hệ với UNGEGN khu vực Đông Nam Á và các nước thành viên, trở thành thành viên của UNGEGN hoạt động theo các phân ban được giao, kết nối mối quan hệ quốc gia với Liên hợp quốc (UNGEGN) một cách chặt chẽ, đầy đủ, phù hợp với lợi ích chung của Việt Nam và quốc tế.

- Tạo điều kiện cho các cơ quan Chính phủ, các tổ chức tư nhân khác xem xét, phối hợp, sử dụng những hiệu quả hoạt động của nó tạo nên mối quan tâm chung của cả nước và quốc tế, xây dựng các cơ chế cung cấp và phát hành thông tin địa danh, danh mục địa danh và bản đồ giữa Việt Nam và quốc tế qua vai trò là thành viên của UNGEGN.

- Là thành viên của UNGEGN, tham gia và đóng góp nghiên cứu cho các hội nghị, hội thảo thế giới và khu vực về địa danh theo mục đích phục vụ quốc gia và quốc tế.

- Tham dự các chương trình về địa danh của quốc tế, thông qua UNGEGN, tham gia nghiên cứu và xây dựng các khóa đào tạo trên thế giới và khu vực về địa danh theo định hướng quốc tế và phù hợp với lợi ích quốc gia Việt Nam.

- Công bố được danh mục địa danh Việt Nam trên bình diện quốc tế.

+ Trước tiên phải lập kế hoạch để thực hiện và công bố được danh mục địa danh các đơn vị hành chính Việt Nam thể hiện trên bản đồ, mỗi tỉnh có một tập bản đồ địa danh hành chính thể hiện trên bản đồ bao gồm bản đồ và danh mục địa danh đơn vị hành chính các cấp (địa danh dân cư, giao thông, kinh tế, xã hội, sơn văn, thủy văn).

+ Là một quốc gia có đường bờ biển chiếm 1/2 đường biên giới, ta phải công bố được danh mục địa danh đảo, quần đảo Việt Nam theo đúng công ước quốc tế và phù hợp với lợi ích quốc gia Việt Nam. Hơn bao giờ hết chúng ta đều thấm thía sâu sắc về vấn đề chủ quyền và lãnh thổ với địa danh mà Tổ quốc chúng ta hàng ngày, hàng giờ phải nghiên cứu, chuẩn bị, triển khai mọi động thái, hành động để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên đất liền, biển trời và hải đảo.

4.5. Ý kiến về tầm nhìn cho chuẩn hóa địa danh

Tại các quốc gia lớn, trong Ủy ban quốc gia về địa danh của họ còn có các phân ban về địa danh tại các cực (Bắc cực, Nam cực) nhằm nghiên cứu khoa học, xác lập chủ quyền của nước mình.

Rồi các địa danh trong vũ trụ, trong thiên văn tên các chòm sao, trên mặt Trăng, sao Hỏa... các nước lớn khi có điều kiện nghiên cứu hay đặt chân đến là họ đều không quên đặt tên cho các đối tượng địa lý đó bằng ngôn ngữ và quan điểm quốc gia của họ, phải chăng đây là định hướng nghiên cứu và phát triển địa danh của các quốc gia đó.

Lúc này vấn đề chung đặt ra về cơ sở lý luận, các quan niệm, định nghĩa địa danh, danh pháp địa lý... chắc chắn cũng khác đi.

Trong lịch sử phát triển nhân loại về nhiều vấn đề cùng với sự biến đổi của giới tự nhiên và xã hội, đặc biệt ngay trong khoa học công nghệ đã có những minh chứng rõ ràng, trong khoảng thời gian chưa lâu thì đã có những cuộc cách mạng công nghệ làm thay đổi bản chất các thành quả cũng như các quan niệm, định nghĩa cho các khoa học đó ví dụ như: Trước kia những tấm ảnh, tấm phim là kết quả của quá trình ion hóa các halogen bạc thì nay công nghệ kỹ thuật số (digital) đã hầu như thay thế, đối với xuất bản bản đồ nghề chế bản phân màu trên phim và kính đã không còn nữa mà được thay thế bằng bộ phận làm phim điện tử; Trong khoa học về âm thanh (Phonetic) thì âm thanh số đã dần dần thay thế các âm thanh ghi rãnh (Analog) và các âm thanh ghi trên băng từ, đây là một bước tiến quan trọng để đưa công cụ hình ảnh và âm thanh vào sách điện tử đối với xuất bản nói chung và với xuất bản bản đồ nói riêng trong các Atlas điện tử...

Vậy vấn đề cho những người nghiên cứu không gian vũ trụ qua các bản đồ thiên văn, đồ hình của các hệ thống trong vũ trụ được thành lập làm như thế nào?... Việc thể hiện các tên gọi địa lý có còn phù hợp với các cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu, định nghĩa hiện nay không? Việc quản lý và phương cách chuẩn hóa các tên gọi địa lý lúc này sẽ được qui định thế nào?

Địa lý truyền thống đã chứng minh rõ ràng những mối quan hệ giữa địa danh với dân tộc, ngôn ngữ, địa lý, lịch sử và nhiều phạm trù khoa học khác.

Mối quan hệ giữa địa danh và lãnh thổ, việc gắn chủ quyền lãnh thổ khi nghiên cứu địa danh là công việc khách quan khoa học.

Trong khi nước ta hiện nay còn chưa có được Danh mục địa danh quốc gia chính thức nộp cho Liên hợp quốc và công bố với quốc tế.

Hiện nay nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã xây dựng đến Phố danh chi tiết, trong khu vực, Nhật Bản đã xây dựng được hệ thống địa danh cho từng ngõ phố, đến gia đình (tên chủ nhà) tại các thành phố lớn.

Như vậy, để nghiên cứu và xây dựng được tầm nhìn xa và rộng cho địa danh trong tương lai rất cần phải có một hệ thống nghiên cứu chặt chẽ về lý luận khoa học, những bước đi cơ bản, cụ thể và có những thành quả thực tiễn giá trị cao làm cơ sở căn bản cho phát triển những bước tiếp theo một cách liên tục.

Trước hết, phải theo kịp các nước trên thế giới về việc xây dựng và công bố được hệ thống Danh mục địa danh quốc gia sau đó phải hoàn chỉnh được hệ thống thông tin địa danh Việt Nam (GNIS-Ge- Ographycal Names Information System) bằng việc tích hợp, cập nhật địa danh chuẩn hóa vào. Luôn định hướng xây dựng các lớp thông tin về địa danh chi tiết hơn như phố danh, ngõ danh...

Việc xây dựng hoàn chỉnh lớp thông tin về địa danh cho hệ thống thông tin địa lý (GIS) là vô cùng quan trọng bởi đó chính là những cơ sở để thành lập và xuất bản bản đồ có giá trị sử dụng cao trong thực tiễn và nghiên cứu.

Công tác nghiên cứu về địa danh tại các cực trái đất, thiên văn, trong không gian và vũ trụ cũng nằm trong tầm nhìn của nghiên cứu địa danh về tương lai, về mối quan hệ giữa địa danh và chủ quyền lãnh thổ.

 

*

* *

Chuẩn hóa địa danh Việt Nam trên bản đồ là cả một quá trình bao gồm nghiên cứu lý luận khoa học, tích lũy, kế thừa các kiến thức, tài liệu và hoạt động thực tiễn trong phòng, cả hoạt động ngoài trời cùng với các công cụ, phương tiện khoa học kỹ thuật theo những tiến trình cụ thể để có được địa danh chuẩn trên bản đồ.

Có thể quan niệm chuẩn hóa địa danh là thống nhất cách đọc, cách viết địa danh trên cơ sở nguyên tắc có tính định hướng của nhóm chuyên gia LHQ về địa danh (UNGEGN), các nguyên tắc của địa danh học và địa danh bản đồ học, chính tả tiếng Việt trong khi bộ môn riêng về địa danh ở Việt Nam chưa được rõ ràng, công việc chuẩn hóa địa danh bản đồ còn rất mới chỉ ở bước đầu chưa có được danh mục địa danh.

Xuất phát từ thực trạng sử dụng địa danh Việt Nam ngoại  trừ các địa danh hành chính (tỉnh, thành phố, thị xã, quận, huyện, thị trấn, phường, xã...) do được sử dụng thống nhất trong cả nước theo các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ cho việc thành lập các đơn vị hành chính, còn lại địa danh được sử dụng rất không thống nhất bao gồm cả địa danh Việt Nam, địa danh nước ngoài, địa danh ngoại lai. Sự không thống nhất này do nhiều nguyên nhân đã phân tích kỹ lưỡng tại chương 2 của cuốn sách này.

Thấm thía và tâm huyết việc nói đúng, viết đúng các địa danh Việt Nam là yêu cầu mang tính bắt buộc, đòi hỏi sự thống nhất cao độ hướng đến xây dựng cho Việt Nam một danh mục địa danh đầy đủ đã được chuẩn hóa, công bố và trình nộp LHQ bảo đảm đầy đủ các lợi ích của chuẩn hóa địa danh cũng như mối quan hệ sâu sắc giữa địa danh và chủ quyền lãnh thổ, vì thế thực hiện cuốn sách “Chuẩn hóa địa danh Việt Nam trong xuất bản bản đồ” là một đề tài rất tâm huyết và cũng rất cấp thiết, cần thiết để giải quyết những nhiệm vụ khó khăn đã nêu trên.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn được trình bày trong cuốn sách, chúng tôi xin rút ra một số kết luận sau:

- Để có được hiệu quả cao trong chuẩn hóa địa danh Việt Nam trên bản đồ rất cần có sự minh xác, hệ thống hóa các cơ sở lý luận về địa danh, địa danh bản đồ, danh pháp địa lý, xuất bản bản đồ... đảm bảo các yêu cầu của khoa học và hướng theo nguyên tắc căn bản của UNGEGN về địa danh.

- Cuốn sách đã tìm ra những giải pháp, đề xuất kiến nghị để khắc phục những tồn tại trong qui định, qui chuẩn hiện hành liên quan đến chuẩn hóa địa danh nhằm hướng tới kết quả cuối cùng của chuẩn hóa địa danh là Danh mục địa danh Việt Nam mà hiện nay ta chưa có, đề tài này có thể ứng dụng trong thực tiễn làm tài liệu tham khảo, tập huấn trong công tác đào tạo biên tập viên bản đồ và các cán bộ, tác nghiệp viên có liên quan đến địa danh trên bản đồ.

- Cuốn sách đã đề xuất biện pháp trong quản lý nhà nước là thành lập Ủy ban quốc gia về địa danh, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng đây là việc có tính thời sự khả thi trong thực tiễn và hy vọng được các cấp, các ngành có thẩm quyền quan tâm trong thời gian gần nhất.

- Cuốn sách cũng còn có những đề xuất mở rộng trong lý thuyết và thực tiễn với quan niệm địa danh trong thiên văn học và vũ trụ đồng thời quan tâm sâu sắc đến mối quan hệ địa danh và chủ quyền lãnh thổ.

Cuốn sách được thực hiện với cường độ tập trung, công phu và tâm huyết nhưng do thời gian và trình độ có hạn nên không tránh khỏi những khiếm khuyết, tác giả hết sức mong muốn nhận được sự chỉ giáo của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, sự góp ý của đồng nghiệp và các bạn đọc để có thể hoàn thiện và phát triển hơn trong lần tái bản sau.


75 Naftali kadmon (2000), Toponymy Vantage Press New York. Website: http://www.lexilogos.com/toponymie.htm

77 Website: http://unstats.un.org/unsd/geoinfo/geonames/

78 Website: http://www.geographic.org.geographicnames/

79 Grand Dictionnaire encyclopedique Larousse (1982).