CHƯƠNG 3

NHỮNG QUY TẮC VÀ QUY TRÌNH CHUẨN HÓA ĐỊA DANH VIỆT NAM TRÊN BẢN ĐỒ

anhhoavan

3.1. Những quy tắc chung và riêng trong việc chuẩn hóa địa danh


Trong công tác xuất bản bản đồ, ngay từ những bước đầu tiên trong biên tập và thành lập bản đồ,việc tiến hành công tác chuẩn hóa địa danh là hết sức quan trọng và việc xác lập ra những quy tắc chung và riêng trong việc chuẩn hóa nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chuẩn hóa địa danh gắn chặt với công tác xuất bản bản đồ. Phát huy những lợi ích của việc chuẩn hóa địa danh nói chung và trong ngành bản đồ nói riêng.

Trong các văn bản, tài liệu của UNGEGN cũng như các quy định về chuẩn hóa của Bộ Tài nguyên Môi trường như:

- “Quy định phiên chuyển địa danh các dân tộc Việt Nam ra tiếng Việt phục vụ cho công tác lập bản đồ” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2007.

- “Quy định chung về chuẩn hóa địa danh Việt Nam phục vụ công tác lập bản đồ” ban hành kèm Quyết định số 271/QĐ-BTNMT ngày 28/02/2007.

- “Thông tư số 23/2011/TT-BTNMT kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn hóa địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ QCVN37:2011/BTNMT” có hiệu lực từ năm 2012.

Trong các tài liệu trên những quy tắc chung cho chuẩn hóa địa danh cũng như các quy tắc riêng cho việc chuẩn hóa địa danh bản đồ đã được nêu một cách chưa tập trung tại các phần quy định về kỹ thuật, vì vậy chúng tôi mạnh dạn tổng hợp và trình bày rõ ràng theo những quy tắc chung và riêng trong chuẩn hóa địa danh bản đồ.

3.1.1. Những quy tắc chung trong việc chuẩn hóa địa danh

3.1.1.1. Quy tắc thứ nhất:

Chuẩn hóa địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ phải đảm bảo tính dân tộc, tính hệ thống, tính phổ thông, tính kế thừa, tính hội nhập, tuân thủ các nguyên tắc của địa danh học, địa danh bản đồ học và nguyên tắc có tính định hướng về phiên chuyển địa danh của UNGEGN: “Sử dụng bộ chữ La tinh, La tinh hóa và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được vi phạm tín ngưỡng, tình cảm của các dân tộc”.

3.1.1.2. Quy tắc thứ hai:

Khi phiên chuyển địa danh các dân tộc thiểu số, địa danh nước ngoài sang tiếng Việt phải phù hợp với bộ chữ và cách đọc của tiếng Việt, tôn trọng tín ngưỡng, tình cảm của các dân tộc.

3.1.1.3. Quy tắc thứ ba:

Mỗi địa danh phải được xác định danh từ chung, trừ trường hợp do tính lịch sử của địa danh hoặc do đối tượng địa lý đã bị biến đổi không thể xác định được.

3.1.1.4. Quy tắc thứ tư:

Mỗi địa danh thể hiện trên bản đồ phải gắn với một đối tượng địa lý cụ thể và có tọa độ xác định trên bản đồ.

3.1.1.5. Quy tắc thứ năm:

Tọa độ của địa danh được xác định như sau:

a. Đối tượng địa lý được thể hiện bằng ký hiệu dạng điểm trên bản đồ: xác định theo vị trí của trung tâm đối tượng.

b. Đối tượng địa lý được thể hiện bằng ký hiệu dạng đường trên bản đồ: xác định theo vị trí của điểm đầu, điểm cuối của đối tượng.

c. Đối tượng địa lý được thể hiện bằng ký hiệu dạng vùng trên bản đồ:

- Trường hợp ký hiệu dạng vùng có ranh giới xác định: xác định theo vị trí trọng tâm của vùng phân bổ đối tượng.

- Trường hợp ký hiệu dạng vùng có ranh giới không xác định: xác định theo vị trí trung tâm của khu vực phân bổ đối tượng.

d. Tọa độ của địa danh Việt Nam lấy chẵn giây; tọa độ của địa danh nước ngoài lấy chẵn phút và được ghi bằng chữ số kết hợp với các ký hiệu độ (o), phút (‘), giây (“).

3.1.1.6. Quy tắc thứ sáu: Địa danh được chia theo các nhóm đối tượng địa lý như sau:

a. Địa danh quốc gia và vùng lãnh thổ: gồm tên quốc gia và tên vùng lãnh thổ.

b. Địa danh hành chính: tên đơn vị hành chính các cấp.

c. Địa danh dân cư: tên các điểm dân cư.

d. Địa danh kinh tế, xã hội: tên các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cơ sở kinh tế.

đ. Địa danh sơn văn: tên các yếu tố địa hình, tên rừng, tên đồng ruộng.

e. Địa danh thủy văn: tên các yếu tố thủy văn.

g. Địa danh biển, đảo: tên các yếu tố biển, hải đảo.

Trên đây chính là 6 quy tắc chung cho việc chuẩn hóa địa danh, đối chiếu với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chuẩn hóa địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ QCVN37:2011/BTNMT là văn bản mới nhất của Bộ Tài nguyên Môi trường nên chúng tôi diễn giải, áp dụng, phân tích 6 quy tắc chung này được nêu tại phần II Quy định kỹ thuật các mục từ (1.1.1; 1.1.2; 1.1.3; 1.1.4; 1.1.5; 1.1.6;), tại đây QCVN37:2011/BTNMT thể hiện những quy tắc chung đó là:

Tại Quy tắc thứ nhất (1.1.1) đây là quy tắc hàng đầu và bắt buộc mọi người làm chuẩn hóa địa danh phải tuân thủ để đảm bảo tính dân tộc, tính hệ thống, tính phổ thông, tính kế thừa, tính hội nhập, tuân thủ các nguyên tắc của địa danh học, địa danh bản đồ học và nguyên tắc chung có tính định hướng của UNGEGN.

Tại Quy tắc thứ hai (1.1.2) đây chính là quy tắc tuân thủ các quy định về luật chính tả Việt Nam làm phù hợp bộ chữ và cách đọc tiếng Việt tôn trọng tín ngưỡng, tình cảm các dân tộc Việt Nam.

Tại Quy tắc thứ ba (1.1.3) nhằm xác định rõ đối tượng biểu hiện của địa danh.

Tại Quy tắc thứ tư (1.1.4) đây chính là quy tắc chung xác định địa danh bản đồ và làm rõ tính chung nhất của địa danh bản đồ với tọa độ xác định trên bản đồ.

Tại Quy tắc thứ năm (1.1.5) đây là quy tắc xác định cụ thể địa danh của các đối tượng địa lý theo đặc thù của đối tượng địa lý là thể hiện theo ký hiệu dạng điểm, dạng đường, dạng vùng (ranh giới xác định, ranh giới không xác định).

Ở đây chắc chắn QCVN37:2011/BTNMT có sự sai sót và nhầm lẫn khi quy định ký hiệu dạng vùng có ranh giới xác định  và dạng vùng có ranh giới không xác định đều xác định theo vị trí trung tâm của vùng (khu vực) phân bổ đối tượng?

Theo chúng tôi hiểu thì do đặc thù khác nhau giữa ký hiệu dạng vùng có ranh giới xác định và ranh giới không xác định mà chúng ta phải:

+ Xác định theo vị trí trọng tâm (centroid) của vùng phân bổ đối tượng với ký hiệu dạng vùng có ranh giới xác định.

+ Xác định theo vị trí trung tâm (central) của vùng phân bổ đối tượng với ký hiệu dạng vùng có ranh giới không xác định.

Ví dụ: Nhiều trường hợp trọng tâm của vùng phân bổ đối tượng với ký hiệu dạng vùng có ranh giới xác định như hình móng lừa thì trọng tâm sẽ nằm ngoài.

Tại Quy tắc thứ sáu (1.1.6) đây là quy tắc nhằm xác định địa danh của các đối tượng địa lý rõ ràng, chính thống khác biệt hẳn với các địa danh thông thường khác.

Trên đây là phân tích làm rõ 6 quy tắc chung trong việc chuẩn hóa địa danh trên bản đồ.

Trong thực tế khi áp dụng 6 quy tắc chung trong việc chuẩn hóa địa danh trên bản đồ thì điều khách quan cần thiết là sự ra đời 4 quy tắc riêng trong việc chuẩn hóa địa danh để đáp ứng được yêu cầu cụ thể của địa danh bản đồ cho phù hợp với đặc thù của bản đồ với những hệ thống ký hiệu mà không phá vỡ bề mặt bản đồ.

3.1.2. Quy tắc riêng cho việc chuẩn hóa địa danh bản đồ

3.1.2.1. Quy tắc thứ nhất:

Nguyên tắc giữ nguyên những địa danh đã được quy định hoặc thể hiện thống nhất tại các văn bản pháp lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các văn bản pháp lý về biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam với các nước.

Những địa danh đã được quy định hoặc thể hiện tại các văn bản nêu trên nhưng chưa thống nhất thì chọn địa danh theo nguyên tắc sau:

- Trường hợp có nhiều văn bản pháp lý thì chọn địa danh tại văn bản có giá trị pháp lý cao nhất.

- Trường hợp các văn bản pháp lý ngang nhau thì chọn địa danh tại văn bản mới nhất.

3.1.2.2. Quy tắc thứ hai:

Địa danh sau khi chuẩn hóa được viết bằng chữ Quốc ngữ, theo chính tả tiếng Việt, không có dấu phẩy treo (‘), hạn chế sử dụng dấu gạch nối.

3.1.2.3. Quy tắc thứ ba:

Cách viết địa danh Việt Nam có ngôn ngữ gốc dân tộc thiểu số Việt Nam.

- Sử dụng chữ cái hoặc tổ hợp chữ cái của bộ chữ tiếng Việt để ghi các phụ âm đầu tương ứng hoặc phụ âm có cách đọc gần đúng với địa danh nguyên ngữ.

- Đối với các phụ âm cuối không có trong chính tả Việt như b, d, f, j, k, l, r, s, v, w, z được thay thế bằng các phụ âm tương ứng trong bộ chữ tiếng Việt và thanh điệu thích hợp khi cần thiết.

- Sử dụng chữ cái hoặc tổ hợp các chữ cái của bộ chữ tiếng Việt để ghi nguyên âm tương ứng hoặc nguyên âm có cách đọc gần đúng với địa danh nguyên ngữ.

- Sử dụng các chữ cái ghép oo, ôô để ghi nguyên âm dài của địa danh nguyên ngữ.

- Sử dụng dấu thanh của tiếng Việt để ghi các thanh tương ứng hoặc gần đúng của địa danh nguyên ngữ.

3.1.2.4. Quy tắc thứ tư:

Các địa danh Việt Nam có ngôn ngữ gốc tiếng nước ngoài thực hiện theo các quy định về cách viết địa danh nước ngoài tại quy chuẩn này. Trong trường hợp địa danh là tên tổ chức nước ngoài có bổ sung bốn chữ cái f, j, w, z.

Trên đây chính là 4 quy tắc riêng trong việc áp dụng với việc chuẩn hóa cụ thể với địa danh bản đồ chúng tôi cũng xin diễn giải, đối chiếu phân tích với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chuẩn hóa địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ QCVN37:2011/BTNMT, tại đây 4 quy tắc riêng này được nêu tại phần 1.2 Chuẩn hóa địa danh Việt Nam [5].

Bốn quy tắc riêng đó là:

Quy tắc thứ nhất (1.2.1.a) quy tắc này có tính chất pháp lý, nhằm công nhận sự thống nhất về địa danh theo các văn bản pháp lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Văn bản của Nhà nước CHXHCN Việt Nam với các nước khác.

Quy tắc thứ hai (1.2.1.c) quy tắc buộc phải tuân thủ theo nguyên tắc tiếng Việt, quy định về chính tả và hạn chế gạch nổi làm ảnh hưởng đến nguyên tắc sử dụng ký hiệu cho bản đồ, không tạo ra sự trùng lặp với các ký hiệu khác trên bản đồ và để tránh nhầm lẫn cho người sử dụng bản đồ.

Quy tắc thứ ba (1.2.1.d) quy tắc để xác lập việc viết các địa danh có ngôn ngữ gốc các dân tộc thiểu số, lựa chọn khi các phụ âm cuối không có trong chính tả tiếng Việt như b, d, f, j, k, l. r. s. v. w. z được thay thế bằng các phụ âm tương ứng trong bộ chữ tiếng Việt và thanh điệu thích hợp khi cần thiết, đây cũng là do đặc thù của bộ chữ cái tiếng Việt của ta.

Quy tắc thứ tư (1.2.1.e) các địa danh Việt Nam có ngôn ngữ gốc bằng tiếng nước ngoài thực hiện theo các quy định về cách viết địa danh nước ngoài tại quy chuẩn này. Trong trường hợp địa danh là tên tổ chức nước ngoài có bổ sung bốn chữ cái f, j, w, z.

Như vậy, bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn hóa địa danh quốc gia bên cạnh những khía cạnh tích cực, thuận lợi cho công tác chuẩn hóa địa danh ở giai đoạn thực hiện đầu tiên thì vẫn còn những hạn chế về những quy định kỹ thuật như còn sử dụng nguyên tắc chuyển tự do theo hoàn cảnh, chưa có khả năng thực hiện chuẩn hóa và sử dụng những biện pháp truy tìm nguyên ngữ của địa danh gốc, khi chưa có Ủy ban quốc gia địa danh, do chỉ căn cứ theo quy định của nhà nước, do đặc thù một số địa phương đặc biệt Tây Nguyên và do một số hoàn cảnh mà vẫn phải dùng những chữ sai nguyên tắc chính tả như Bắc Kạn, M’drac...

Bộ quy chuẩn QCVN37:2011/BTNMT cơ bản chỉ có tính khu vực sử dụng trong Bộ Tài nguyên và Môi trường và thực tế cũng chưa được đồng nhất với các bộ, ngành khác nhằm thực hiện quá trình chuẩn hóa địa danh đồng nhất và đưa ra được danh mục địa danh chung trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Trên thực tế, bộ quy chuẩn này mới được đưa vào thực hiện khoảng một năm nay do đó những vấn đề lớn về địa danh hiệp thương ở cấp tỉnh chưa được giải quyết nên cũng chưa có nhiều cơ hội đánh giá vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

3.2. Quy trình chuẩn hóa địa danh (kèm theo sơ đồ và phụ bản)

Hiện nay việc chuẩn hóa địa danh ở Việt Nam đang ở những bước đầu tiên, trong vài năm gần đây công tác này mới bắt đầu thực hiện và khu biệt ở một số bộ, ngành theo những mục đích riêng của ngành và hầu như chưa có sự phối hợp đồng bộ chung, một trong những biểu hiện rõ nhất là vì chưa có Ủy ban quốc gia về địa danh, vì thế quy trình chuẩn hóa địa danh chỉ là những khái quát chung nhất và cụ thể cho các giai đoạn thực hiện theo những quyết định, thông tư ban hành.

Xin nêu theo quy trình ở văn bản mới nhất là “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn hóa địa danh phục vụ cho công tác thành lập bản đồ” và Thông tư số 23/2011/BTNMT ban hành quy định quy chuẩn này có hiệu lực từ ngày 10/01/2012.

Do đó việc thi hành thực sự chủ yếu trong khu vực Bộ Tài nguyên và Môi trường và thời gian thực hiện mới khoảng một năm nên việc thực hiện chuẩn hóa mới chỉ trên một vài tỉnh và chưa hoàn chỉnh ở cấp độ cao (tỉnh, quốc gia...), những vấn đề phát sinh vẫn còn và đối với những địa danh lớn (đại địa danh) cần liên quan đến sự hiệp thương của các tỉnh, quốc gia... vẫn đang bỏ ngỏ.

Quy trình chuẩn hóa địa danh QCVN37:2011/BTNMT (trích) và diễn giải, phân tích, nhận xét kèm theo:

3.2.1. Trình tự, nội dung các công việc chuẩn hóa địa danh Việt Nam

a. Thu thập, phân tích, đánh giá tài liệu

- Các loại tài liệu cần thu thập bao gồm:

+ Bản đồ địa hình cơ bản.

+ Các loại bản đồ khác: bản đồ địa hình, bản đồ chuyên đề, bản đồ chuyên ngành.

+ Các văn bản pháp lý về biên giới quốc gia, địa giới hành chính, văn bản liên quan đến địa danh.

+ Danh mục địa danh hành chính Việt Nam phục vụ công tác lập bản đồ.

+ Tài liệu khác: từ điển, dư địa chí, sổ tay địa danh, các tài liệu của các cơ quan chuyên môn nghiên cứu về ngôn ngữ học, dân tộc học, địa lý, lịch sử đã được xuất bản.

- Phân tích, đánh giá và phân loại tài liệu theo các nhóm.

+ Bản đồ địa hình cơ bản sử dụng để chuẩn hóa địa danh.

+ Tài liệu để đối chiếu trong quá trình chuẩn hóa địa danh.

+ Tài liệu để tham khảo trong quá trình chuẩn hóa địa danh.

b. Thống kê địa danh trên bản đồ

- Thống kê và xác định tọa độ địa danh trên các bản đồ địa hình cơ bản đã được chọn.

- Phân loại địa danh theo nhóm đối tượng địa lý và đơn vị hành chính theo quy định tại điểm 1.1.6 quy chuẩn này.

- Lập bảng thống kê địa danh theo mẫu quy định tại phụ lục số 10 ban hành kèm theo quy chuẩn này.

c. Xác minh địa danh trong phòng

- Đối chiếu địa danh thống kê với địa danh trên các tài liệu đã phân loại theo thứ tự quy định tại tiết a điểm 1.2.2 quy chuẩn này, kết quả chuẩn hóa địa danh trong phòng căn cứ theo nguyên tắc quy định tại điểm 1.2.1 quy chuẩn này.

- Phân loại địa danh đã được đối chiếu thành địa danh chuẩn hóa trong phòng và địa danh có sự khác biệt theo quy định tại điểm 1.2.1 quy chuẩn này và các mẫu phiên chuyển địa danh gốc nhóm ngôn ngữ dân tộc quy định tại các phụ lục số 1, phụ lục số 2, phụ lục số 3, phụ lục số 4, phụ lục số 5, phụ lục số 6, phụ lục số 7, phụ lục số 8 ban hành kèm theo quy chuẩn này.

- Lập kết quả thống kê, đối chiếu xác minh trong phòng địa danh trên bản đồ địa hình theo mẫu quy định tại phụ lục số 10 ban hành kèm theo quy chuẩn này.

d. Xác minh địa danh tại địa phương

- Chuẩn bị tài liệu

+ Thể hiện kết quả xác minh trong phòng lên bản đồ địa hình cơ bản sử dụng để chuẩn hóa địa danh.

+ Biên tập và in bản đồ màu theo đơn vị hành chính cấp xã.

- Tổ chức tập huấn chuẩn hóa địa danh cho cán bộ địa phương.

- Xác minh địa danh tại đơn vị hành chính cấp xã, gồm:

+ Xác minh toàn bộ các địa danh theo danh mục địa danh xác minh trong phòng.

+ Sự tồn tại của đối tượng địa lý gắn với địa danh.

+ Vị trí của đối tượng địa lý gắn với địa danh.

+ Địa danh.

+ Lập bảng kết quả chuẩn hóa địa danh trên bản đồ địa hình theo đơn vị hành chính cấp xã theo mẫu quy định tại phụ lục số 11 ban hành kèm theo quy chuẩn này.

+ Thống nhất danh mục địa danh với UBND cấp xã.

- Xác minh địa danh tại đơn vị hành chính cấp huyện, gồm:

+ Tổng hợp, lập bảng kết quả chuẩn hóa địa danh trên bản đồ địa hình theo đơn vị hành chính cấp huyện từ kết quả chuẩn hóa địa danh cấp xã theo mẫu quy định tại phụ lục số 4,5,6,7 ban hành kèm theo quy chuẩn này.

+ Thống nhất với UBND cấp huyện.

- Xác minh địa danh tại đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm:

+ Tổng hợp, lập bảng kết quả chuẩn hóa địa danh trên bản đồ địa hình theo đơn vị hành chính cấp tỉnh từ kết quả chuẩn hóa địa danh cấp huyện theo mẫu quy định tại phụ lục số 4,5,6,7 ban hành kèm theo quy chuẩn này.

+ Thống nhất danh mục địa danh cấp tỉnh với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có liên quan và chuyên gia ngôn ngữ.

đ. Kiểm tra đánh giá chất lượng, nghiệm thu sản phẩm các cấp.

e. Thống nhất danh mục địa danh cấp tỉnh với UBND cấp tỉnh...”

Căn cứ theo trình tự, nội dung các công việc chuẩn hóa địa danh Việt Nam nêu trên, phối hợp các bước hoàn thiện sản phẩm của bản đồ thành lập, trình ban hành... Xây dựng sơ đồ sau:

Trên sơ đồ cũng như trong quy chuẩn kỹ thuật đã nêu vắn tắt trình tự nội dung công việc chuẩn hóa địa danh Việt Nam, chúng tôi xin được diễn giải, phân tích, nhận xét về các bước trình tự đó, có thể nói trình tự nội dung và kỹ thuật thực hiện này chính là phương cách chuẩn hóa địa danh Việt Nam.

1. Tập huấn cho cán bộ tham gia chuẩn hóa địa danh Việt Nam

Các cán bộ tham gia triển khai công việc chuẩn hóa địa danh của Bộ Tài nguyên và Môi trường với các cơ quan Trung ương (Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Nxb Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, các cộng tác viên cấp Trung ương...) và các cơ quan địa phương (Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh cũng như các cán bộ thuộc lĩnh vực trên của các huyện trong tỉnh) sẽ được tập huấn về các nội dung:

+ Những kiến thức cơ bản về địa danh, chuẩn hóa địa danh.

+ Thực trạng địa danh ở Việt Nam, sự cần thiết và lợi ích chuẩn hóa địa danh ở Việt Nam.

+ Nắm bắt được kỹ thuật chuẩn hóa, cách thức chuẩn hóa địa danh theo những quy định pháp lý và kỹ thuật hiện hành, cách thực hiện tại trung ương và địa phương.

Vì đây là công việc mới mẻ nên việc tất cả mọi người tham gia đều có những hiểu biết tương đồng, thuận lợi cho công tác chung và hoạt động nhóm là hết sức cần thiết.

Trên đây là yêu cầu đầy đủ cho bước chuẩn bị tập huấn đối với quy trình theo QCVN37:2011/BTNMT về tổ chức, thành phần thực hiện là mới chỉ phù hợp với hiện tại ở lĩnh vực bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng rất cần có sự phát triển riêng, đồng bộ ở cấp quốc gia cũng như việc hình thành một Ủy ban quốc gia về địa danh để giám sát, đào tạo và chỉ đạo thực hiện mới đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa địa danh và ban hành danh mục địa danh trên toàn quốc.

2. Thu thập tài liệu

Để chuẩn hóa địa danh, căn cứ vào các nguyên tắc phiên chuyển địa danh của địa danh học và địa danh bản đồ học, việc thu thập đầy đủ các tài liệu có liên quan đến địa danh là vô cùng quan trọng. Các tài liệu này bao gồm các văn kiện và các bản đồ.

Tuy nhiên, theo QCVN37:2011/BTNMT ban hành như đã nêu trên “1.2.2.a” thì hệ thống các tài liệu chưa thật đầy đủ và phù hợp đáp ứng các yêu cầu cụ thể cho quá trình chuẩn hóa nên trong thực tế mặc dù mới thực hiện ở một số tỉnh và chưa tới các cấp cao thì cũng đã có những hiện tượng khó khăn trong chuẩn hóa địa danh vì cần có sự đánh giá đúng tầm quan trọng của một số tài liệu mà được sử dụng phù hợp trong quá trình chuẩn hóa sau khi nghiên cứu theo các tiêu chí của tài liệu như:

- Cơ quan thành lập

- Thời gian thành lập

- Phương pháp thành lập

- Tài liệu dùng để thành lập

- Về tình hình địa danh cụ thể trên bản đồ.

Ý kiến đánh giá về tài liệu như sau:

Các bộ bản đồ địa hình 1/100.000 do Pháp thành lập trên lưới chiếu Born (đây có thể nói là công trình Việt hóa địa danh Việt Nam đầu tiên theo hướng Pháp ngữ). Và bộ bản đồ tỉ lệ 1/50.000 do Mỹ thành lập trên lưới chiếu UTM (đây có thể nói là nguồn tài liệu phủ kín lãnh thổ và Việt hóa địa danh theo hướng Anh ngữ).

Việc sử dụng hai nguồn tài liệu trên cho công tác chuẩn hóa địa danh Việt Nam là hết sức cần thiết, mang tính kế thừa rất cần cho việc đối chiếu xác minh trong quá trình chuẩn hóa địa danh.

Trong khi nếu chỉ căn cứ theo QCVN37:2011/BTNMT này thì sẽ dẫn đến việc đề cao sử dụng những bản đồ địa chính cơ sở do các tỉnh và các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập ở tỉ lệ lớn như 1/1.000, 1/500. Do tỉ lệ quá lớn nên việc đối chiếu với các bản đồ địa hình 1/25.000 và 1/50.000 là rất khó khăn và dường như những địa danh đặc biệt là địa danh lớn (Đại địa danh) lại ít được quan tâm nên ghi thiếu, việc so sánh bản đồ giữa các tỉ lệ quá chênh lệch cũng có nhiều khó khăn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Quy định của hệ thống tài liệu QCVN37:2011/BTNMT cần làm rõ hơn, cụ thể hơn về nguồn tài liệu sau:

+ Các văn liệu bao gồm các nghị định, quyết định của cơ quan nhà nước, tỉnh về địa danh; các hiệp ước phân định biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng (trong đó có phần mô tả đường biên giới nằm ở gần núi, sông nào...).

+ Tài liệu bản đồ bao gồm các bản đồ địa hình được thành lập bởi các đơn vị khác nhau trong thời gian khác nhau. Cụ thể là các bản đồ do người Pháp xây dựng ở tỉ lệ 1/100.000 trên lưới chiếu Born từ đầu thế kỷ 20; các bản đồ địa hình do người Mỹ xây dựng ở tỉ lệ 1/50.000 trên lưới chiếu UTM trong giai đoạn 1954 - 1975; các bản đồ địa hình tỉ lệ 1/25.000 và 1/50.000 do các cơ quan đo đạc bản đồ của Việt Nam trên lưới chiếu Gauss giai đoạn 1945 - 2000.

+ Hồ sơ địa giới hành chính các tỉnh

+ Các tài liệu tham khảo: Bản đồ hành chính các tỉnh, danh mục địa danh hành chính, các văn liệu khác như từ điển địa danh, sổ tay địa danh, các báo cáo chuyên đề về địa danh, dư địa chí...

3. Thống kê địa danh (1.2.2.b)

- Thống kê tất cả các địa danh có trên bản đồ địa hình tỉ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000 trên lưới chiếu VN 2000. Tùy thuộc vào năng lực và sở trường công nghệ mà lựa chọn bản đồ dạng số hay dạng giấy để thống kê.

- Thống kê tất cả các địa danh và danh từ chung chỉ địa danh (danh pháp) theo cách viết (viết hoa, viết thường) trên bản đồ tài liệu, riêng danh từ chung viết tắt trên bản đồ sẽ được viết đầy đủ theo ký hiệu bản đồ, không thống kê những địa danh lặp lại của đối tượng.

- Phân loại các địa danh được thống kê theo đối tượng địa  lý (dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế, xã hội) và theo đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh). Các địa danh trong từng nhóm đối tượng được sắp xếp theo vần ABC.

- Đối với các khu vực có tranh chấp (thể hiện bằng ký hiệu ranh giới hành chính không xác định trên bản đồ) thì địa danh được thống kê lặp cho tất cả các đơn vị hành chính có tranh chấp và ghi vào mục Địa danh vùng tranh chấp.

Đây là một giai đoạn công việc quan trọng và cũng bị phụ thuộc nhiều vào nguồn tài liệu, nhờ nguồn tài liệu mà mới có thể thống kê được địa danh đầy đủ, không bị nhầm lẫn, thiếu sót vì thế việc thực hiện cũng như chọn lựa các phương pháp phải rõ ràng, thống nhất không được chung chung, tùy tiện.

4. Xác minh địa danh trong phòng (1.2.2.c) việc đối chiếu các địa danh thống kê với địa danh trên tài liệu cũng như việc phân loại địa danh đã được đối chiếu thành địa danh chuẩn hóa trong phòng theo các quy định và phụ lục cụ thể từ phụ lục 1 đến phụ lục 8 đã khá rõ ràng.

- Việc lập kết quả thống kê, đối chiếu xác minh trong phòng địa danh trên bản đồ địa hình theo mẫu quy định tại phụ lục số 10 ban hành kèm theo quy chuẩn.

Cần làm rõ hơn việc lập kết quả thống kê, đối chiếu xác minh trong phòng về địa danh trên bản đồ địa hình theo phụ lục số 10 vì đây là một công tác hết sức quan trọng đó là xác định tọa độ của các đối tượng địa lý phải dựa trên đặc điểm phân bổ của đối tượng (dạng điểm, dạng đường, dạng vùng với hai loại xác định và không xác định ranh giới), tại đây QCVN37:2011/BTNMT đã có sự thiếu sót, nhầm lẫn vì chưa nêu rõ việc xác định tọa độ của các đối tượng địa lý dạng vùng có ranh giới xác định theo trọng tâm (centroid). Ngoài ra còn có những vấn đề phát sinh từ thực tế như theo nguyên tắc truyền thống xác định tọa độ cho dãy núi là theo ngọn cao nhất nhưng trong thực tế có nhiều tên núi là dân địa phương đặt và gọi cho những ngọn thấp hơn..?

Như vậy cần nêu rõ bước xác minh địa danh trong phòng bao gồm 3 phần:

+ Xác định tọa độ của các đối tượng địa lý dựa trên đặc điểm phân bổ đối tượng (phụ lục 10).

+ Đối chiếu và xác minh địa danh: đối chiếu và xác minh tất cả các địa danh đã được thống kê với các địa danh tương ứng trên các bản đồ địa hình khác và các văn liệu để tìm ra sự khác biệt của chúng về cả tên gọi, cách viết để phục vụ việc chuẩn hóa tiếp theo phụ lục 10.

+ Chuẩn hóa địa danh trong phòng: công việc này được tiến hành bởi các chuyên gia ngôn ngữ, các cán bộ bản đồ, cán bộ địa danh họ cùng xem xét sự khác biệt của các địa danh để bước đầu đề xuất các địa danh đúng cả về ngữ âm, ngữ nghĩa và cách viết. Riêng phần này là một bước vô cùng quan trọng vì trong quá trình xây dựng bản đồ địa hình trước đây, người Pháp, Mỹ cũng như chúng ta đều có những nhận thức chưa đầy đủ về địa danh học cũng như không có kiến thức về ngôn ngữ các dân tộc Việt Nam dẫn đến sự sai lạc về ngữ nghĩa của địa danh, thậm chí dẫn đến những địa danh phản cảm hoặc có những cách viết không đúng theo luật chính tả của Việt Nam.

5. Xác minh địa danh tại địa phương (1.2.2.1) bên cạnh những bước chuẩn bị như chuẩn bị tài liệu, thể hiện kết quả xác minh trong phòng lên bản đồ địa hình, tổ chức tập huấn chuẩn hóa địa danh cho cán bộ địa phương, lập bảng kết quả chuẩn hóa địa danh theo phụ lục số 10, 11 phần này QCVN37:2011/BTNMT cần nêu rõ hơn vì giai đoạn này thực chất gồm 2 bước công việc quan trọng.

+ Chuẩn hóa địa danh ngoài thực địa: công việc này được tiến hành bởi các cán bộ địa danh, ngôn ngữ của trung ương và địa phương với nhiệm vụ kiểm tra lại các địa danh đã được chuẩn hóa trong phòng và cả các địa danh còn nghi vấn về ngữ nghĩa, ngữ âm, cách viết để tiếp tục chuẩn hóa. Trong quá trình này cũng sẽ phát hiện những địa danh không còn tồn tại trên thực tế, các địa danh thể hiện sai vị trí đối tượng cần loại bỏ hoặc xác định lại tọa độ (Phụ lục 11).

+ Thống nhất với chính quyền địa phương: theo tinh thần của Nghị định số 12/2002/NĐ-CP của Chính phủ về công tác đo đạc bản đồ, tất cả các địa danh của địa phương cần có sự thống nhất giữa UBND các tỉnh và Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) trước khi công bố. Vì vậy tất cả các địa danh đã được thống kê, chuẩn hóa trong phòng và chuẩn hóa tại thực địa cần được UBND các cấp xã, huyện, tỉnh kiểm tra, xem xét cùng các chuyên gia ngôn ngữ, bản đồ và địa danh của trung ương cũng như các cán bộ chuyên môn của các cơ quan có liên quan tại tỉnh để đi đến thống nhất về tọa độ, ngữ âm, ngữ nghĩa và cách viết kể cả về danh từ chung và địa danh.

6. Kiểm tra đánh giá chất lượng, nghiệm thu sản phẩm các cấp (1.2.2.đ).

Đây là giai đoạn đơn vị thi công giao nộp với các kết quả xác minh, chuẩn hóa địa danh tại địa phương, ngoài ra còn phải giao nộp toàn bộ kết quả chuẩn hóa địa danh tại cấp xã (Phụ lục 9) có dấu đỏ của UBND xã và kết quả chuẩn hóa địa danh tại cấp huyện (Phụ lục

9) có dấu đỏ của UBND huyện, nhật ký điều tra, xác minh địa danh đã ghi chép trong quá trình chuẩn hóa địa danh trong phòng và tại địa bàn cấp xã, cấp huyện trong quá trình thi công.

- Thực hiện kiểm tra đánh giá chất lượng 100% địa danh chuẩn hóa đã được thống nhất với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

- Kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng được ghi chép, lưu giữ tuân thủ các quy định hiện hành.

7. Thống nhất danh mục địa danh cấp tỉnh với UBND cấp tỉnh

- Xác minh, chuẩn hóa, thống nhất hoàn thiện các địa danh được chuẩn hóa.

- Thống nhất UBND tỉnh “Kết quả chuẩn hóa địa danh trên

bản đồ địa hình”: in trên giấy “Phụ lục mới” đã hoàn thiện sau khi thống nhất với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét và thống nhất để đóng dấu xác nhận phụ lục mới: “Kết quả chuẩn hóa địa danh trên bản đồ địa hình” in trên giấy đó.

- Rà soát, kiểm tra toàn bộ nội dung trong phụ lục mới đã được UBND cấp tỉnh thống nhất, đóng dấu để khẳng định các địa danh chuẩn hóa không có sự thay đổi so với kết quả đã kiểm tra trước đó và sự thống nhất của UBND tỉnh.

- Lập danh mục địa danh phục vụ cho công tác thành lập bản đồ.

- Tích hợp địa danh chuẩn hóa vào hệ thống thông tin địa danh Việt Nam phục vụ công tác thành lập bản đồ.

3.3. Kết quả cuối cùng của chuẩn hóa địa danh là danh mục địa danh

Lập danh mục địa danh là kết quả sau việc chuẩn hóa địa danh, đây là một vấn đề rất rõ ràng, trong kiến nghị E của Nghị quyết số 4 của Liên hợp quốc về địa danh đã nêu [75, tr.290].

Như vậy danh mục địa danh của các nước đặc biệt với địa danh trên bản đồ là rất quan trọng để được công bố ra quốc tế và đây thực ra chính là quyền lợi của các quốc gia đó.

Nước ta hiện nay đang chuẩn bị xây dựng và hoàn thiện danh mục địa danh trên bản đồ nhưng trong Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chuẩn hóa địa danh phục vụ cho công tác thành lập bản đồ (QCVN37:2011/BTNMT) còn nêu quá giản đơn và dẫn đến thiếu chi tiết hướng dẫn cho công tác (với địa danh số, đại địa danh...) để lập được Danh mục địa danh đáp ứng được chuẩn của quốc tế và đòi hỏi về chất lượng của Danh mục địa danh là chưa được phù hợp cho việc công bố và sử dụng danh mục địa danh hoàn chỉnh. Việc góp ý đề xuất giải pháp hoàn thiện cho Quy chuẩn xin chi tiết tại chương 4 của cuốn sách.


Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Thông tư 23/2011/ TT-BTNMT ban hành kèm QCVN 37: 2011/BTNMT ban ngành ngày 06/7/2011.