CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG ĐỊA DANH Ở VIỆT NAM

anhhoavan

2.1. Tình hình sử dụng địa danh nói chung

2.1.1. Nhận xét chung


Hiện nay ở Việt Nam ngoại trừ địa danh hành chính (tên tỉnh, thành phố, thị xã, quận huyện, thị trấn, xã, phường) do được sử dụng thống nhất trong cả nước theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ cho việc thành lập các đơn vị hành chính, còn lại địa danh được sử dụng rất không thống nhất. Sự không thống nhất đó bao gồm việc thể hiện qua cách viết địa danh (viết hoa/viết thường; viết liền/viết rời; có gạch nối/không có gạch nối; chính tả), cách sử dụng thuật ngữ địa lý (danh pháp), giữa các cơ quan thông tin đại chúng (báo viết, báo nói, báo hình), giữa các cơ quan trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành. Trong khi ai cũng thấy việc giao tiếp, dù nghi thức hay không chỉ đơn thuần là một cái tên được đặt ra để gọi cho một vùng, miền hay đối tượng địa lý nào đó, không chỉ phản ánh đặc điểm về địa lý, địa bàn, lịch sử, xã hội, ngôn ngữ... mà địa danh còn mang những ý nghĩa khái quát hơn, thiêng liêng hơn khi gắn với những dòng chảy của lịch sử, đất nước, con người Việt Nam.

Nói đúng, viết đúng địa danh là một yêu cầu mang tính bắt buộc và đòi hỏi sự thống nhất cao độ, nhưng việc sử dụng không thống nhất và thậm chí cả những địa danh sai lệch có nhiều nguyên nhân mang tính xã hội, mang tính ngôn ngữ, cả về việc tổ chức nghiên cứu địa danh nữa.

2.1.2. Hiện trạng sử dụng địa danh trong các phương tiện truyền thông

Trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng chúng ta sẽ thấy việc thể hiện từ ngữ âm đến cách viết nhiều địa danh ở một số địa phương, thị xã, tỉnh chưa đảm bảo chuẩn mực, những địa danh có cách ghi không nhất quán thường thấy là Bắc Cạn/ Bắc Kạn, Playcu/ Pleiku/Plei-ku, Đắclăc/Đăclăk/ Đăklăk/Daklak...

Những vấn đề mà chúng ta gặp phải ở đây đó là:

- Khi thì có dấu thanh điệu, khi thì lược bỏ.

- Có sự tùy tiện khi viết con chữ cái k và c; i và y

- Lúc viết rời từng âm tiết, khi thì lại viết không tách rời.

- Chữ cái đầu của mỗi âm tiết lúc viết hoa, lúc lại không.

- Lúc có dấu gạch nối giữa các âm tiết, lúc lại không...

Lưu ý hơn nữa đó là không chỉ là cách viết, đọc thiếu tính thống nhất này với riêng các đơn vị truyền thông đó mà ngay cùng một tờ báo, một đài truyền hình, một Nxb... mà hôm nay thể hiện thế này, mai lại viết thế khác. Những sự khác biệt đó tạo ra sự thiếu

chuẩn mực, thiếu trang trọng, nghiêm túc khi đọc hay viết địa danh. Đối với một số những trường hợp có thể không ảnh hưởng nhiều đến nội dung thông báo nhưng một số trường hợp có thể sẽ trở nên nghiêm trọng, ví dụ như thông báo về khí tượng, thiên tai cho các khu vực...

Giống như báo và truyền hình, việc ghi một số địa danh trên sách cũng không thống nhất. Khi tra các sách giáo khoa địa lý thấy rằng:

- Trong quyển “ATLAT Địa lý Việt Nam” (Nxb Giáo dục Trung tâm Bản đồ và Tranh ảnh Giáo dục - 2002), ghi các địa danh trên như sau: Bắc Cạn, Đắc Lắc, Plây cu.

- Tập “Bản đồ lớp 9” (Nxb Giáo dục - 2002) ghi Bắc Cạn, Đắc lắc, Plâycu.

- Tập “Bản đồ lớp 12” (Nxb Giáo dục - 2002) ghi Bắc Kạn, Đăk Lăk, Plâyku.

- Quyển “Sổ tay Địa danh Việt Nam” (Nguyễn Dược, Nguyễn Trung Hải - Nxb Giáo dục - 2002) ghi Bắc Cạn, Đắc Lắc, Plei ku.

Trong khi các sách trên được xuất bản trong cùng một thời điểm ở một Nxb lớn và có những đòi hỏi về chuẩn mực rất cao, Nxb Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng xuất bản cuốn “Chuẩn hoá chính tả và thuật ngữ” - Trung tâm Biên soạn sách cải cách giáo dục và Viện Ngôn ngữ học Việt Nam - Nxb Giáo dục 1980, trong đó đã nêu: “Tên riêng trong các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở nước ta cũng viết theo các quy định trên đây, ví dụ Đak lak, Eatul (một xã ở Tây Nguyên)” - tr.26.

Trong cuốn “Nước non Việt Nam” của Tổng cục Du lịch - Trung tâm Công nghệ Thông tin Du lịch - xuất bản năm 2000 thì ghi các địa danh như sau: Bắc Kạn, Đăc Lăc, Pleicu trong khi ở bản đồ hướng dẫn thì lại viết ĐắkLắk - tr.545.

Trong bộ sách “Hỏi đáp về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” - Nxb Trẻ - 2006 do Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt chủ biên có nêu rõ một số tên đường bị viết sai như Kha Vạn Cân (Thủ Đức) đúng ra là Kha Vạng Cân, Trần Khắc Chân (Phú Nhuận) đúng ra là Trần Khát Chân, Hồ Huấn Nghiệp (Quận 1) đúng ra là Hồ Huân Nghiệp, Trương Quốc Dung (Phú Nhuận) đúng ra phải là Trương Quốc Dụng...

Với địa danh Hàng Xanh thì phải xác định tên đúng là Hàng Sanh, theo các nhà nghiên cứu địa danh học, theo Đại Nam quốc âm tự vi của Huỳnh Tịnh Của cho biết sanh là một loại cây da, lá nhỏ trồng dọc hai bên đường ở khu vực trên nên gọi là Hàng Sanh.

Gò Vấp thật ra là Gò Vắp nguyên là vùng đất cao có trồng nhiều cây vắp, loại cây này thân gỗ rất cứng thuộc họ măng cụt, hiện vẫn còn trồng nhiều nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh như công viên Tao Đàn, đường Nguyễn Đình Chiểu.

Rạch Ông (Quận 8) với tên gọi là Rạch Ông lớn và Rạch Ông nhỏ thật ra là Rạch Ong (rạch có nhiều ong đến làm tổ). Địa danh này trong các cuốn sách cổ như Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí đều dịch sang chữ Hán là Đại Phong Giang và Tiểu Phong Giang (phong có nghĩa là con ong).

Chí Hòa được người Pháp viết là Kihoa, đến khi người Việt xem tài liệu của người Pháp lại đọc thành Kỳ Hòa.

Vừa qua trên một số website của các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp du lịch đã sử dụng cụm từ China Beach để thay cho ghi chú Biển Đông, như trường hợp của Đà Nẵng đã phải xử lý yêu cầu phải cải chính lại như Báo Văn hoá ra ngày 25/03/2011 đã nêu.

Việc sử dụng địa danh nhầm lẫn, sai sót với các địa danh lịch sử trên các phương tiện thông tin truyền thông và có thể trở thành phổ biến, ví dụ như tại khu di tích Tân Trào là một di tích đặc biệt của quốc gia, một trong những điểm di tích quan trọng ở Tân Trào là lán Nà Nưa mà lâu nay trong sách báo, truyền thông thậm chí sách lịch sử còn ghi là Nà Lừa (mới gần đây ngày 29/4/2013, tôi vẫn nghe giới thiệu trên ti vi là Nà Lừa).

Cần sửa Nà Lừa thành Nà Nưa theo đúng tiếng gốc của dân tộc Tày (Nà - ruộng, Nưa - trên). Nà nưa có nghĩa là ruộng trên.

Tại An toàn khu ở Định Hoá (Thái Nguyên) đã từ lâu mọi người gọi một điểm địa danh là Tỉn Keo ngay cả trên báo, đài... trong tiếng Tày Tỉn Keo không có nghĩa gì mà thậm chí như còn mang dụng ý xấu, trong khi đó địa danh nguyên gốc phải là Tin Kéo (tiếng Tày: tin là chân, kéo là đèo). Tin kéo  có nghĩa là chân đèo, thế mà tới nay địa danh này vẫn chưa được sửa.

Lán Tin Kéo hay còn được biết tới là Tỉn Keo

Thậm chí với địa danh nổi tiếng Pác Bó là địa danh lịch sử thuộc Hà Quảng (Cao Bằng) vẫn bị một số nơi và phương tiện truyền thông phát âm là Pắc Bó, tiếng Tày có nghĩa là Cắm Mỏ (đánh dấu cho mỏ). Pác bó  có nghĩa thực chính là đầu nguồn.

Chữ Khuổi Nặm nghĩa là suối nước nhưng vẫn hay bị phát âm và ghi chệch thành Khuổi Nậm.

Việc chú ý sửa lại tên các địa danh đặc biệt với các địa danh lịch sử cho đúng với địa danh gốc phù hợp với dân tộc ở bản địa là việc làm hết sức đúng đắn, phù hợp với các tiêu chí chung của địa danh học và UNGEGN.

Có thể tạm kết luận vì nước ta cho đến nay chưa thành lập Ủy ban địa danh quốc gia và cũng chưa có quy trình và những nguyên tắc đặt địa danh. Việc công bố và đặt địa danh đang được các cơ quan quản lý nhà nước làm theo phân công của Chính phủ, cụ thể như sau:

- Địa danh hành chính (tên các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, tên các quận/huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh, tên các phường/xã/thị trấn) và địa danh biển, đảo do Bộ Nội vụ đề xuất, trình Quốc hội thẩm định, phê duyệt.

- Địa danh dân cư (tên thôn, làng, bản, tổ dân phố; tên các đường phố, ngõ) do Sở Nội vụ các tỉnh đề xuất, trình Hội đồng

  Nhân dân các tỉnh thẩm định, phê duyệt.

- Địa danh giao thông (tên đường quốc gia, đường tỉnh và tên các công trình phụ thuộc các đường này) do Bộ Giao thông đặt.

- Địa danh giao thông các cấp thấp hơn (tên đường huyện, xã và các công trình phụ thuộc) do Sở Giao thông các tỉnh đặt.

- Địa danh thủy lợi (tên hệ thống thủy lợi, tên kênh mương và các công trình phụ thuộc) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt tùy theo quy mô công trình.

- Địa danh sơn văn (tên núi, đồi, rừng), địa danh thủy văn (tên sông, suối, hồ tự nhiên) phần lớn đã được đặt từ trước đây và hiện đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn lại và công bố.

- Địa danh lịch sử - văn hoá (tên các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh) do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đặt.

Cũng do bởi chưa thành lập Ủy ban địa danh quốc gia, chưa có quy trình và những nguyên tắc chung cho việc địa danh và việc đặt địa danh từng yếu tố địa lý và kinh tế, xã hội được chia nhỏ cho nhiều bộ như trên nên tất nhiên thiếu tính thống nhất và không tránh khỏi những sai sót, nảy sinh nhiều vấn đề tồn tại.

2.1.3. Mười lăm nguyên nhân chính làm thay đổi và sai lệch một số địa danh

Tìm hiểu kỹ về những nguyên nhân gây ra sự biến đổi và tạo ra một hiện trạng địa danh Việt Nam được sử dụng rất không thống nhất như thế này, chúng ta phải tìm hiểu rõ về nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của địa danh. Ta có thể phân tích trên cơ sở các nguyên nhân được phân chia ra các nhóm cụ thể.

2.1.3.1. Nhóm nguyên nhân xã hội và lịch sử gồm 9 loại

+ Nguyên nhân Hán - Việt hoá: theo nhiều tác giả, tên Cổ Loa hay Khả Lũ là Hán Việt hoá địa danh Klu - tên cổ của thành này. Cũng theo một số người, tên sông Cửu Long bắt nguồn từ việc người Trung Quốc phiên âm chữ Krong, có nghĩa là “sông” cũng có thể xếp vào nguyên nhân này. Những địa danh Nôm như Gióng, Chèm... được Hán Việt hoá thành Phù Đổng, Từ Liêm...

+ Nguyên nhân Việt hoá. Một số địa danh vốn bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số, được người Kinh Việt hoá để tiện lợi cho việc phát âm và in ấn. Tên vùng Ksach (tiếng Khmer có nghĩa là “cát”) được Việt hoá thành Kế Sách (nay là tên huyện của tỉnh Sóc Trăng). Tên huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) bắt nguồn từ tiếng dân tộc Blao.

+ Nguyên nhân “Tây hoá “. Khi người Phương Tây đến nước ta, họ đã đọc và viết theo ngữ âm tiếng mẹ đẻ, làm nhiều địa danh ở Việt Nam bị sai lệch. Hoài Phố ở Quảng Nam thành Faifo; Láng Thọ, Đất Hộ, Chí Hòa ở Sài Gòn biến thành Lăng Tô, Đa Kao, Kí Hòa.

+ Việc kiêng húy cũng đã làm sai lệch nhiều địa danh. Dưới chế độ phong kiến, khi các địa danh có một yếu tố đồng âm với tên húy, phải đọc và viết chệch yếu tố đó hoặc thay bằng yếu tố khác (yếu tố này có thể đồng nghĩa hoặc không đồng nghĩa với yếu tố cũ). Vì kiêng húy bà Hồ Thị Hoa (mẹ vua Thiệu Trị), chợ Đông Hoa phải gọi và viết thành chợ Đông Ba. Dưới thời nhà Mạc, vì kiêng húy tên (Mạc Đăng) Dung, tên huyện Phù Dung phải đổi thành Phù Hoa, tên cửa biển Tư Dung đổi thành Tư Khách. Dưới thời vua Lê chúa Nguyễn, vì kiêng húy tên (Nguyễn Phúc) Nguyên, tên huyện Bình Nguyên phải cải thành Bình Tuyên.

+ Quá trình vẽ bản đồ hoặc dịch các sách cổ, vì không hiểu rõ tên gốc của địa danh nên vô tình góp phần làm sai lệch. Các  cửa biển Trấn Di, Cồn Ngao được in trên bản đồ là Trần Đề/Tranh Đề (Sóc Trăng), Cung Hầu (Bến Tre). Các bản dịch Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí rất nhiều những địa danh sai lệch: giồng Ông Tố -> gò Lão Tố, chợ Dầu Một -> Dầu Miệt, Gành Rái -> Ghềnh Rái, sông Ba Kè -> Ba Ki, sông Hàm Luông -> Hàm Long, Sài Gòn -> Sài Côn.

+ Nguyên nhân do lỗi in ấn. Dưới thời Pháp và Mỹ, nhiều sách báo in các địa danh Việt Nam lại bỏ sót dấu nên làm sai lệch. Về sau, các sách báo, bản đồ Việt Nam tiếp tục sai và người địa phương thế hệ sau cũng bị đánh lừa. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, làng Thạnh Đa thành Thanh Đa, sông Lôi Giáng thành Lôi Giang, rạch Sống Trâu thành sông Trâu. Ở Nghệ An, Thành phố Vĩnh trở thành Vinh. Ở Quảng Ngãi, làng Mỹ Lại, Vũng Quýt biến thành Mỹ Lai, Dung Quất.

+ Ngoài ra, còn những nguyên nhân mang tính lịch sử: Sự thay đổi thể chế dẫn đến việc thể chế mới muốn xóa đi hoặc thay đổi các địa danh cũ. Ví dụ: việc thay đổi tên nước và tên các đơn vị hành chính, lãnh thổ sau một cuộc cách mạng hay đảo chính trên thế giới, việc thay đổi tên phố ở Miền Bắc nước ta sau năm 1954 và thay đổi tên đường phố ở Miền Nam sau năm 1975.

+ Sự thay đổi địa danh sau những cuộc di cư. Ví dụ sau công cuộc khai hoang ở Miền Bắc những năm 1960 và công cuộc di cư vào các tỉnh ở Tây Nguyên những năm sau 1975, có nhiều địa danh ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên được người mới di cư đặt lại cho dễ gọi và dễ nhớ (điển hình là tên chợ, tên làng). Theo quy luật, những người di cư nếu chiếm đa số thì sau một thời gian địa danh mới mà họ đặt ra sẽ được sử dụng phổ biến hơn. 

+ Việc số hóa tên thôn, làng những năm gần đây theo chủ trương của Bộ Nội vụ để tiện quản lý đã biến các thôn, làng cũ với những tên rất có ý nghĩa và giá trị lịch sử - văn hóa thành thôn 1, thôn 2... ở khắp các tỉnh (ở đây chúng tôi xin không bình luận về tính đúng sai cho chủ trương này).

Những thay đổi địa danh theo các biến cố lịch sử và thời gian này đều được các nhà sử học ghi chép lại và là những tài liệu rất quan trọng để nguồn gốc phát sinh và phát triển của địa danh.

2.1.3.2. Nhóm nguyên nhân ngôn ngữ gồm 6 loại

+ Nguyên nhân do ngữ âm địa phương. Chẳng hạn, ở Nam Bộ, vì không phân biệt các âm đầu ch - tr, s - x, v - d - gi, một số âm chính o - ô, ă - â, một số vần tận cùng bằng t - c, n - ng, hai thanh hỏi - ngã, nên nhiều địa danh bị sai lệch ở âm đầu, vần, thanh điệu hoặc hai, ba bộ phận trên. Ví dụ: Hàng Sanh -> Hàng Xanh, Vồng Trôm -> Giồng Trôm, Gò Vắp -> Gò Vấp, rạch Gằm -> Gầm, Hóc Môn -> Hốc Môn, rạch Ong -> Ông, rạch Chun -> Chung, sông Tắt

-> Tắc: Kinh Tẽ - Tẻ.

+ Nguyên nhân do hiện tượng rút gọn. Một số địa danh có ba âm tiết, bị rút gọn ở âm tiết giữa: ngã ba Quán Bà Hồng -> Quán Hồng (Quảng Ngãi)...

Một số địa danh có hai âm tiết được rút gọn âm tiết đầu hoặc âm tiết sau: Cửa Tứ Hội -> cửa Hội (Hà Tĩnh), cầu Xóm Kiệu -> cầu Kiệu (Thành phố Hồ Chí Minh), sông Ông Đốc -> sông Đốc (Cà Mau), cống Tám Bọ -> cống Bọ (Quảng Ngãi).

Cửa Vạn Phần -> cửa Vạn (Nghệ An), cửa Hội Thống -> cửa Hội (Hà Tĩnh), Vĩnh Doanh -> (Thành phố) Vĩnh (Nghệ An, nay là Vinh).

+ Nguyên nhân do dị hóa âm ngữ. Một số địa danh cả hai âm tiết đều có vần tròn môi thì một âm tiết bị dị hóa vần để dễ phát âm: rạch Bàu Môn -> Bà Môn, rạch Bàu Hói -> Bà Hói.

+ Một nguyên nhân do mượn âm. Trong tiếng Việt có một hiện tượng là một từ có ngữ âm na ná một từ khác thì mượn âm của từ ấy. Ở Thành phố Hồ Chí Minh và An Giang, hai con kinh và rạch mang tên Cổ Hũ (con kinh/rạch có chỗ eo lại như cổ cái hũ mượn âm tên món ăn tàu hủ thành kinh/rạch Tàu Hủ).

Ngọn đèo phía Bắc Thành phố Nha Trang do viên kỹ sư Pháp Rury sửa sang lại cho dễ đi nên người Pháp dùng tên viên kỹ sư này đặt tên cho đèo. Chẳng bao lâu, người địa phương đã gọi chệch thành Rù Rì.

Tên huyện Kế Sách cũng có thể xếp vào loại này.

+ Nguyên nhân do thuộc ngữ nghĩa. Một số yếu tố cũ trong địa danh bị thay thế có thể do ý nghĩa của nó ít quen thuộc, gần gũi với quần chúng bằng các yếu tố mới.

Chẳng hạn, Hanh Thông, Hanh Thông Tây (TP. Hồ Chí Minh) bị nói chệch thành Hạnh Thông, Hạnh Thông Tây. Từ Hán Việt hanh (thông) (nghĩa là “nói vận hội may mắn, làm việc gì cũng dễ”) ít phổ biến với quần chúng nhân dân. Trong khi đó, từ hạnh (nghĩa là “may mắn”) lại rất quen thuộc. Do đó, hanh đã bị hạnh thay thế.

Vinh lộc có ý nghĩa tốt đẹp (“bổng lộc và danh dự”) mà vĩnh lộc cũng có ý nghĩa tốt đẹp (“mãi mãi được bổng lộc”). Nhưng vĩnh lộc được dùng làm địa danh nhiều hơn, nên quen thuộc hơn. Do đó, ở thế kỷ XIX, người Sài Gòn gọi Vinh Lộc (tên làng), sang thế kỷ XX, gọi là Vĩnh Lộc.

+ Nguyên nhân do bị biến âm. Những nguyên âm cùng hàng thường dễ chuyển đổi lẫn nhau: u và o; a, ă và â: lung - (cái) lồng, xung (phong) - xông (lên), cùng - đồng (tâm)...; cô đào - đàu - đầu, bảo (cử) - bầu (cử)... Do đó, trước đây người Việt gọi Hùng Ngự, Câu Lãnh nay là Hồng Ngự, Cao Lãnh (An Giang và Đồng Tháp).

Qua các phần trình bày trên, ta thấy có nhiều nguyên nhân trong cũng như ngoài địa danh làm ảnh hưởng đến cấu trúc của địa danh. Vì vậy, việc biến đổi này có tính liên tục và đa dạng.

2.2. Tình hình sử dụng địa danh trên các bản đồ

2.2.1. Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam với những sản phẩm của mình


Giới thiệu Nhà xuất bản Tài nguyên môi trường và Bản Đồ Việt Nam

Nxb Bản đồ được thành lập ngày 28/01/1995 theo Quyết định số 18/QĐ-ĐC của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính. Ngày 21/12/1996 Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính đã ký Quyết định số 678/QĐ-TCCB về việc sáp nhập Xí nghiệp Bản đồ, Xí nghiệp In Địa chính vào Nhà xuất bản Bản đồ. Tiếp sau đó, theo các quyết định của Tổng cục Địa chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sáp nhập các đơn vị Phân xưởng In - Công ty Trắc địa Bản đồ số 1, Xí nghiệp Đo vẽ Bản đồ - Công ty Trắc địa Bản đồ số 3, Xí nghiệp In Khí tượng Thủy văn vào Nhà xuất bản Bản đồ.

Như vậy, mặc dù sự phát triển của xuất bản bản đồ ở Việt Nam được hình thành từ rất lâu nhưng nó mới thực sự trở thành một ngành độc lập từ năm 1995.

Tới năm 2010, Nxb Bản đồ được chuyển đổi thành Công ty TNHHMTV Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam theo Quyết định số 919/QĐ-BTNMT ngày 24/05/2010 và theo Công văn số 536/TTg-ĐMDN ngày 02/04/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Công ty TNHHMTV Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường  và Bản đồ Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước Hạng Một thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, tư tưởng, văn hóa, sản xuất và kinh doanh trên phạm vi cả nước về xuất bản, thành lập, in và phát hành các thể loại bản đồ, atlas, văn bản quy phạm pháp luật và các xuất bản phẩm khác, phục vụ các yêu cầu về quản lý tài nguyên, môi trường, nhu cầu xã hội và nâng cao dân trí với nhiệm vụ và ngành nghề kinh doanh như sau:

1. Thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao trong lĩnh vực biên tập, xuất bản, in và phát hành bản đồ, sách, tài liệu chuyên ngành về tài nguyên - môi trường trên phạm vi cả nước và nước ngoài.

2. Tổng hợp nhu cầu xuất bản bản đồ, sách, tài liệu chuyên ngành tài nguyên, môi trường và các xuất bản phẩm khác, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kế hoạch xuất bản, ký quyết định xuất bản theo kế hoạch đó được phê duyệt.

3. Xuất bản các loại sách, tài liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, phổ biến pháp luật, khoa học - kỹ thuật, thông tin, tuyên truyền về tài nguyên - môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Biên tập xuất bản, in và phát hành hệ thống bản đồ địa hình, địa chính, hành chính, bản đồ nền cơ sở; bản đồ, tập bản đồ, atlas, quả cầu chuyên ngành, chuyên đề trên giấy, CD-rom, mạng interrnet và trên các phương tiện khác, phục vụ công tác quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phục vụ các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật và nâng cao dân trí.

5. Thành lập bản đồ và hồ sơ địa giới hành chính, bản đồ hành chính các cấp; xây dựng bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đo vẽ, thành lập và hiện chỉnh bản đồ địa hình các tỷ lệ, bản đồ địa chính.

6. Tư vấn, thiết kế các dự án, dự toán và giám sát thi công các công trình thuộc lĩnh vực: đất đai, đo đạc, bản đồ.

7. Ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tư vấn dịch vụ trong các lĩnh vực: xuất bản, in ấn, phát hành, đo đạc, bản đồ; thiết kế xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý, cơ sở dữ liệu đất đai, tài nguyên môi trường và phát triển các ứng dụng GIS.

8. In và phát hành các loại sách, tạp chí, lịch, nhãn bao bì hàng hóa, sản phẩm quảng cáo và các ấn phẩm khác phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

9. Kinh doanh sản phẩm, thiết bị, vật tư trong lĩnh vực xuất bản, in ấn, đo đạc bản đồ.

10. Dịch vụ cho thuê nhà, xưởng, văn phòng, kho bãi.

11. Dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng công nghệ mới trong lĩnh vực in ấn, đo đạc bản đồ.

12. Thực hiện một số nhiệm vụ, dịch vụ ngoài lĩnh vực tài nguyên - môi trường khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Nhà xuất bản tập trung được những thiết bị biên tập và chế in bản đồ hiện đại, trở thành cơ sở xuất bản, biên tập và chế in bản đồ có quy mô và trình độ công nghệ tiên tiến, lớn nhất Việt Nam với hệ thống thiết bị công nghệ cao, đồng bộ từ công đoạn thành lập bản đồ với trên 200 máy tính, máy in, máy quét cấu hình mạnh được kết nối trong hệ thống mạng tốc độ cao, hoạt động với các phần mềm biên tập, tổng quát hóa, hiện chỉnh bản đồ hiện đại. Công nghệ  chế bản, in được thực hiện trên hệ thống chế bản điện tử tự động Trenseter Quantium (Creo - Canađa), Mapsetter - 6000 (Intergraph - Mỹ) và các thiết bị in điều khiển tự động 2 màu, 4 màu, 6 màu hiện đại của các hãng Man-Roland, Heidelberrg, Mitsubishi... Nhà xuất bản có tính chuyên nghiệp cao trong việc thành lập, biên tập và sản xuất các thể loại atlas, tập bản đồ, bản đồ địa hình, hành chính, chuyên đề, chuyên ngành dưới dạng số và in trên giấy. Các sản phẩm công nghệ cao như atlas điện tử, bản đồ điện tử, bản đồ trên đĩa CD- rom, bản đồ Internet, các dịch vụ về xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ, hệ thống thông tin địa lý phục vụ đa mục tiêu, in ấn các sản phẩm cao cấp phục vụ xuất khẩu... là những mặt mạnh trong hoạt động chuyên môn đặc thù của nhà xuất bản. Nhà xuất bản đã áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm ISO-9001 - 2000 vào sản xuất.

- Trong thời gian trước đây Nxb đã hoàn thành công trình sản phẩm “Thanh vẽ, chế bản và in Atlas Quốc gia Việt Nam”. Tập bản đồ này là thành tựu khoa học kỹ thuật về bản đồ lớn nhất Việt Nam, đồng thời là một sản phẩm văn hóa quý báu, giới thiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2005, Atlas Quốc gia Việt Nam đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ.

- Mặc dù Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam là một đơn vị hàng đầu về lĩnh vực bản đồ và thực hiện các nhiệm vụ về xuất bản cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về 9 lĩnh vực, đó là: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ, quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo. Tuy nhiên xuất phát từ tình hình chung, Việt Nam là nước chưa có danh mục quốc gia về địa danh, công tác biên tập các sản phẩm nói chung và riêng từ xưa đến nay vẫn chưa được đánh giá đúng về công tác địa danh như những thực trạng chung đã nêu ở các phần trên, nhà xuất bản cũng chưa có chuyên gia và biên tập viên chuyên về địa danh.

- Trong các phương án sản xuất và biên tập chung việc chuẩn hóa địa danh còn thiếu cơ sở và chưa được đồng nhất, đồng bộ, vì thế trên bình diện sản phẩm việc thể hiện địa danh trên bản đồ và các sản phẩm còn chưa được thực sự nhất quán, còn nhiều sơ sót, sai phạm về địa danh.

- Đối với việc xây dựng hệ thống thông tin địa danh phục vụ cho công tác bản đồ mới bước đầu được thực hiện từ năm 2012 và còn chưa đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu (khách quan và chủ quan) trong xuất bản bản đồ.    

2.2.2. Các nhà xuất bản khác có liên quan đến xuất bản bản đồ

Hiện nay đối với các Nxb khác đặc biệt là một số Nxb có liên quan đến bản đồ như Nxb Giáo dục, Cục Bản đồ - Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, Tổng cục Du lịch, Nxb Giao thông vận tải... việc chịu ảnh hưởng những tồn tại cũ như đã nêu trên gây  ảnh hưởng chung tới việc sử dụng địa danh chưa chuẩn hóa trên các xuất bản phẩm đặc biệt là bản đồ.

Ảnh hưởng này còn do việc lưu trữ và cập nhật tư liệu về bản đồ, địa danh bản đồ tại các Nxb và cơ quan trên còn chưa đầy đủ, đồng bộ, thường xuyên dẫn đến nhiều sai sót khi sử dụng.

Các địa danh trong bản đồ trong khi giới nghiên cứu, các nhà địa danh, ngôn ngữ thì luôn coi việc sử dụng địa danh trên bản đồ là một nguồn tin cậy.

Ta có thể kiểm tra và xem xét những bản đồ của các cơ quan và Nxb nêu trên đang hiện hành và sẽ dễ dàng phát hiện ra những vấn đề về địa danh chưa được đồng bộ, chính xác và phù hợp theo các tiêu chí của địa danh học và địa danh bản đồ học với các nguyên tắc của UNGEGN trong hội nhập chung.

- Khi nghiên cứu về địa danh và thông tin địa danh trên bản đồ buộc phải sử dụng một khối lượng các bản đồ mới và cũ ở nhiều tỉ lệ khác nhau như:

+ Hệ thống bản đồ thuộc cơ sở dữ liệu hồ sơ địa giới hành chính các cấp (Hồ sơ 364).

+ Bản đồ Hành chính Việt Nam, bản đồ Hành chính các địa phương.

+ Hệ thống cơ sở dữ liệu phủ trùm tỉ lệ 1/50.000.

+ Bản đồ địa hình tỉ lệ 1/250.000, 1/500.000, 1/1.000.000.

+ Bản đồ địa hình tỉ lệ 1/25.000, 1/10.000, 1/5.000.

+ Bản đồ thế giới và các châu.

+ Các nhật ký điều vẽ thực địa, các tài liệu khác về địa lý.

Có thể thấy rằng khối lượng tư liệu bản đồ là rất lớn và được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, với thời gian thành lập khác nhau, do vậy cần có khảo sát hiện trạng của từng khối lượng cụ thể về độ chính xác chuẩn hóa trước khi tích hợp vào hệ thống thông tin địa danh. Riêng với tư liệu địa danh trên bản đồ phải đặc biệt lưu ý vấn đề là quy phạm, quy định kỹ thuật thành lập, biên tập hiện nay còn ít chú ý tới loại nội dung này, đặc biệt với các vùng có độ khó khăn cao (dân tộc, bản địa, ngôn ngữ gốc và lai tạp...).

2.2.3. Phân tích, đánh giá một số nguyên nhân về hạn chế và thuận lợi trong thực trạng địa danh Việt Nam trên bản đồ

Do nhiều nguyên nhân đã phân tích, công tác nghiên cứu địa danh nói chung và địa danh học bản đồ nói riêng ở nước ta còn nhiều vấn đề đáng được lưu tâm xem xét. Tại phần này, chúng tôi chỉ đề cập đến cách ghi địa danh trên bản đồ, vấn đề còn chưa được những người làm bản đồ quan tâm đầy đủ.

2.2.3.1. Nguyên nhân hạn chế trong quản lý nhà nước và quy phạm kỹ thuật

Xuất phát từ việc chưa có Ủy ban quốc gia về địa danh nên nhiều năm qua các bộ, ngành của Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu hoặc xây dựng những danh mục địa danh đáp ứng nhu cầu của bộ, ngành mình theo những quan điểm mà trong đó còn nhiều vấn đề chưa thống nhất và thậm chí còn khác nhau.

Căn cứ theo các tài liệu mang tính pháp lý của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, căn cứ theo một số quy định đã được công bố và việc thực hiện bước đầu về dự án hệ thống thông tin địa danh Việt Nam và quốc tế phục vụ công tác lập bản đồ ở một vài tỉnh là những cơ sở ban đầu chứ chưa đầy đủ cho việc chuẩn hóa địa danh trong xuất bản bản đồ.

Trong các quy định, quy phạm về thành lập và biên tập bản đồ, các nguyên tắc ghi địa danh dường như cũng không được chú ý đúng mức - hoặc rất sơ sài, hoặc không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn trong các tài liệu do cùng một cơ quan ban hành trong cùng một thời kỳ. Ví dụ trong “Ký hiệu bản đồ địa chính tỉ lệ 1/5.000; 1/1.000;1/2.000; 1/5.000” - Nxb Bản đồ, 1999 quy định các danh từ chung đi kèm tên riêng các đối tượng thủy hệ phải được ghi chú đầy đủ, không lược bỏ hoặc viết tắt, và dẫn ví dụ sông Hồng, đầm Vân Trì, Hồ Tây, còn trong “Lý luận bản đồ địa hình” - Tổng cục Địa chính, 1995 lại quy định ghi chú các danh từ chung đứng trước tên riêng địa vật, đối tượng chưa có ký hiệu chung và viết hoa chữ đầu, các danh từ chung có thể được viết tắt. Hoặc cũng trong cuốn đó quy định địa danh vùng dân tộc ít người ghi bằng chữ dân tộc tương ứng, tên nào ghi theo tiếng Việt thì đặt trong dấu ngoặc đơn và đặt dưới hoặc sau tên chính. Trong khi đó, trong “Quy định biên tập và thể hiện nội dung bản đồ địa hình tỉ lệ 1/25.000” - Tổng cục Địa chính, Hà Nội 2001 và “Quy phạm bản đồ địa hình tỉ lệ 1/50.000” - Tổng cục Địa chính, Hà Nội 1998 lại quy định tất cả các ghi chú tên gọi riêng trên bản đồ đều dùng tiếng Việt phổ thông, tên địa phương và tên bằng tiếng dân tộc được đặt trong ngoặc đơn và bố trí ở dưới hoặc sau tên chính nếu tải trọng bản đồ cho phép. Cách xử lý khác biệt đó có thể được lý giải bởi sự khác biệt về tải trọng bản đồ, diện tích phân bố của các đối tượng được thể hiện và mục đích sử dụng của bản đồ, song sự không thống nhất như dẫn ví dụ ở trên chắc chắn sẽ gây cho người sử dụng dữ liệu đa tỉ lệ những ngộ nhận và bất tiện không đáng có.

Thực tế này cũng phản ánh mức độ quan tâm khác nhau của những người biên soạn quy định, quy phạm trong ngành đo đạc - bản đồ đối với vấn đề địa danh. Về chính tả tiếng Việt, cũng có mâu thuẫn giữa cách ghi địa danh trong nhà trường được quy định trong tài liệu “quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa” - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2003, cùng với cách ghi địa danh được hướng dẫn trong các quy định, quy phạm bản đồ.

2.2.3.2. Nguyên nhân hạn chế trong hệ thống nghiên cứu, học thuật, ngôn ngữ

Điều rất chú ý là thiếu các nghiên cứu cơ bản về nguyên tắc phiên chuyển, phiên âm địa danh từ tiếng thuộc hệ ngôn ngữ khác sang tiếng Việt và cách áp dụng các nguyên tắc đó, chưa kể tiếng Việt hiện đại mới sử dụng trong một thế kỷ nên còn tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, gây khó khăn trong khi sử dụng, các công trình công bố cho thấy những cố gắng tản mạn trong một số cơ quan và giới học thuật thể hiện rõ ràng sự thiếu điều phối của một cơ quan chức năng chung.

Hiện nay các tài liệu bản đồ cũ được xây dựng trong các hệ quy chiếu và hệ tọa độ khác nhau, nay tất cả các tài liệu này về nguyên tắc nếu được sử dụng cho mục đích xây dựng hệ thống thông tin địa danh cho thành lập bản đồ đều phải tiến hành chuyển đổi về hệ tọa độ VN 2000 theo quy định của nhà nước 5 .

Trong tiếng Việt và nhiều thứ tiếng khác, địa danh, như đã nêu ở trên các phần trước gồm hai thành phần. Danh từ chung, còn gọi là thuật ngữ địa lý, danh pháp hay loại từ và danh từ riêng là tên riêng của đối tượng địa lý đó. Trong quá trình phát triển của ngôn ngữ, có nhiều trường hợp danh từ chung được kết hợp với tên riêng của đối tượng và được sử dụng để đặt tên cho các đối tượng khác. Ví dụ: Bến Tre, Buôn Đôn, Sông Hinh, Chợ Đồn, Vũng Tàu. Trường hợp này đặc biệt phổ biến đối với các địa danh có yếu tố Hán Việt như Tiền Giang, Tây Hồ, Sóc Sơn (Hà Nội).

Địa danh hình thành và biến đổi cùng với sự phát triển của ngôn ngữ và chịu tác động của nhiều yếu tố, một trong các nguyên nhân biến đổi địa danh Việt Nam là do sự phát triển của văn tự tiếng Việt qua các thời kỳ. Ví dụ:

- Do phiên sai, ghi sai, đọc sai văn tự tiếng Hán đã có biến đổi địa danh T’lem - Từ Liêm, B’lao - Bảo Lộc, Vòng - Dịch Vọng, kẻ Noi - Cổ Nhuế, Láng - Yên Lãng, (núi) Linh - (núi) Chí Linh, “Một số vấn đề về địa danh học” - Nxb ĐHQG, 1998, Nguyễn Văn Âu.

- Do phiên sai, ghi sai, đọc sai văn tự tiếng Pháp: vũng Quít - Dung Quất, Vịnh - Vinh, Phó Đáy - Phố Đáy, “Một số vấn đề về địa danh học” - Nxb ĐHQG, 1998, Nguyễn Văn Âu.

- Ghi sai, đọc sai văn tự quốc ngữ: Vân Phong - Văn Phong, Hồng Gai - Hòn Gai khá phổ biến.

- Không thống nhất trong phiên chuyển tiếng dân tộc thiểu số và tiếng địa phương sang tiếng Việt phổ thông: hồ Lắc - đác Lắc đắc Lắc..., Buôn Mê Thuột - Ban Mê Thuật, Tân Sơn Nhất - Tân Sơn Nhứt...

Đối với bản đồ, do đặc điểm điều kiện xây dựng và sử dụng, để đảm bảo ghi địa danh ngắn gọn nhưng đầy đủ và chính xác, các nhà bản đồ dùng đến những thủ pháp riêng. Với mục đích chính là giảm tải trọng bản đồ, phần lớn các địa danh ghi trên bản đồ được lược bỏ yếu tố loại từ. Để truyền tải thông tin về loại đối tượng, người ta dùng các công cụ ngôn ngữ bản đồ như: kiểu chữ, kích thước chữ, màu sắc, vị trí tương đối (hướng, khoảng cách) giữa ghi chú địa danh và đối tượng. Nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi cho các thành phố, đơn vị hành chính, đối tượng thủy hệ. Cũng có khi danh từ chung được viết tắt, ví dụ Sg. (sông), Đ. (đảo), m. (mũi). Danh từ chung thường được ghi đầy đủ trên các bản đồ tỉ lệ lớn.

Trên thực tế, điểm qua một số ấn phẩm bản đồ, có thể thấy việc ghi địa danh trên bản đồ ở nước ta vẫn còn chưa thống nhất. Ngoại trừ địa danh hành chính đã có quy định, cách ghi địa danh sơn văn, thủy văn vẫn còn tương đối không nhất quán.

Ví dụ trong Atlas Quốc gia - “Việt Nam - ATLAS Quốc gia HN 1996, ở hầu hết các bản đồ ta có thể bắt gặp các cách ghi địa danh như: Đ. Phú Quí, hòn Nam Du, Sg. Mã, Vàm Cỏ Đông, Sông Tiền, Thái Bình, Bằng Giang, N. Hòn Lá, N. Đá Rong, Ngàn Phố, Bù Ring... Ngay trong các bản đồ chuyên đề, cách ghi tên gọi của các đối tượng nghiên cứu chính cũng chưa nhất quán. Xem bản đồ thủy văn, người đọc thấy: đa Nhim, ia  Hơ Leo, ia Khe, Đ. Bơ la, sg. Lòng Sông, sông Ba, Kỳ Cùng, Đại Giang...

Trên bản đồ hành chính Việt Nam tỉ lệ 1/1.000.000 - Nxb Bản đồ, 1998, cũng có thể gặp: nậm Mức, xê Xan, nam Sa Thầy, Đak Pơ Cô, Crông Ana, Đak Krông, Đắk R’Lắp.

Sự không thống nhất trong cách ghi địa danh Việt Nam trên bản đồ nói riêng và trên văn bản nói chung thể hiện ở các điểm sau:

- Không thống nhất trong cách ghi hoặc lược bỏ danh từ chung;

- Không thống nhất trong cách ghi danh từ chung: ghi đầy đủ/ viết tắt danh từ chung, viết hoa/viết thường;

- Không thống nhất trong cách viết tên riêng: viết liền/viết cách, có gạch nối/không có gạch nối, viết hoa chữ cái đầu âm tiết đầu tiên/tất cả các âm tiết;

- Không thống nhất trong cách ghi danh từ chung trong các địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc thiểu số, tiếng địa phương;

- Không thống nhất trong cách ghi tên riêng có nguồn gốc tiếng dân tộc thiểu số, tiếng địa phương...

Ngoài ra về công tác của lực lượng điều tra địa danh tại cơ sở thực tế về các lĩnh vực ngôn ngữ, bản đồ, tin học còn thiếu cần nhiều sự bổ sung, công tác cho thực tế yêu cầu công việc. Phương án tìm kiếm các chuyên gia phù hợp có kinh nghiệm về địa danh, ngôn ngữ bản địa và quốc tế... là hết sức cần thiết và tùy thuộc vào thực tế của quá trình xây dựng và chuẩn hóa tư liệu địa danh.

2.2.3.3. Thuận lợi trong việc chuẩn hóa địa danh trên bản đồ

Hiện nay ngành bản đồ tại Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các bước đi về địa danh như việc ban hành một số các quy định như:

- “quy  định phiên chuyển địa danh quốc tế song tiếng Việt phục vụ cho công tác lập bản đồ” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2004.

- “quy  định chung phiên chuyển địa danh các dân tộc Việt Nam sang tiếng Việt phục vụ công tác lập bản đồ” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2007.

- “quy  định chung về chuẩn hóa địa danh Việt Nam phục vụ công tác lập bản đồ” ban hành kèm Quyết định số 271/QĐ-BTNMT ngày 28/2/2007.

- “quy  chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN37:2011/BTNMT về chuẩn hóa địa danh phục vụ công tác lập bản đồ”.

Đây chính là những thuận lợi và là cơ sở ban đầu giúp cho quá trình chuẩn hóa địa danh Việt Nam trên bản đồ trong những chặng đường đầu tiên. Tuy nhiên việc phải tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những giải pháp khắc phục là hết sức cần thiết mà chúng tôi xin được đề cập ở phần sau của cuốn sách này.


Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Thông tư 23/2011/ TT-BTNMT ban hành kèm QCVN 37: 2011/BTNMT ban ngành ngày 06/7/2011.