- Như chúng ta biết, địa danh được ra đời trong những điều kiện lịch sử, địa lý và mang theo dấu ấn của môi trường, thời đại... Như vậy, địa danh là một phạm trù lịch sử, xuất hiện và tồn tại lâu dài, địa danh phản ánh nhiều khía cạnh địa lý, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ... tại nơi ra đời. Địa danh được xem như những tấm bia lịch sử - văn hóa bằng ngôn ngữ.
Địa danh do con người đặt ra và đầu tiên được con người trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ nói, sau đó khi có chữ viết, địa danh được viết bằng bộ chữ của mỗi dân tộc.
Quá trình hình thành, tồn tại và biến đổi không chỉ do các tác động của ngôn ngữ mà còn do các tác động của bên ngoài ngôn ngữ (đặc điểm văn hoá, sự di dân, tiếp xúc, vay mượn...) bởi thế nhiều biến cố về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, ngôn ngữ được lưu giữ trong địa danh, khi nghiên cứu địa danh, đặc biệt với địa danh Việt Nam - điểm này khá rõ nét và sẽ giúp chúng ta tìm hiểu thêm về địa danh.
- Có nhiều định nghĩa khác nhau về địa danh.
Theo những hướng tiếp cận khác nhau, các nhà địa danh học đã đưa ra những định nghĩa của mình.
Từ góc độ địa lý, tác giả Nguyễn Văn Âu định nghĩa địa danh là “... Tên đất, gồm tên sông, núi, làng mạc hay là tên các địa phương, các dân tộc...” [3, tr.5].
Theo quan điểm của chúng tôi tác giả Nguyễn Văn Âu đưa khái niệm tên các dân tộc vào định nghĩa địa danh là chưa chính xác bởi theo chúng tôi hiểu khái niệm tên của các dân tộc là tộc danh (Nation names).
Từ góc độ ngôn ngữ, Lê Trung Hoa nói rằng:
“...Địa danh là những từ hoặc ngữ, được dùng làm tên riêng của các địa hình thiên nhiên, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ và các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều, trước địa danh ta có thể đặt một danh từ chung chỉ loại địa danh đó... [24, tr.18]”.
Theo quan điểm chúng tôi thì địa danh bao gồm cả tên của những công trình theo không gian ba chiều như bệnh viện, trường học, trại, nông trường, tháp...
Từ góc độ văn hoá, trong tác phẩm: Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, các nhà biên dịch của bộ sách cho rằng:
“... Địa danh của một vùng hay một nước là tổng thể của các tên riêng đặt ra để gọi đơn vị địa lý tự nhiên hay nhân văn của vùng ấy hay nước ấy. Đồng thời, đó còn là những chứng tích về ngôn ngữ và có thể cả về văn tự mà các cộng đồng có thể đặt, đã dùng và lưu lại trên địa bàn cư trú và phát triển của mình... [45, tr.11]”.
Từ góc độ kết hợp các mặt địa lý, ngôn ngữ, văn hoá tác giả Nguyễn Kiên Trường: “Địa danh là tên riêng của các đối tượng địa lý tự nhiên và nhân văn có vị trí xác định trên mặt đất” [58, tr.16].
Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa địa danh là:
“...Tên gọi các lãnh thổ, các điểm quần cư (làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố), các điểm kinh tế (vùng nông nghiệp, khu công ng- hiệp), các quốc gia, các châu lục, các núi, đèo, cao nguyên, thung lũng, đồng bằng, châu thổ, sông, hồ, vùng, vịnh, biển, eo biển, đại dương có tọa độ địa lý nhất định ghi lại trên bản đồ. Địa danh có thể phản ánh quá trình hình thành, đặc điểm của các yếu tố tự nhiên và lịch sử với những nét đặc sắc về kinh tế, xã hội của các lãnh thổ... [26, tr.780]”.
Theo Tổ chức chuyên gia của Liên hợp quốc về địa danh UNGEGN (United nations group experts on geographical names)
- Tổ chức chuyên gia của LHQ về địa danh UNGEGN định nghĩa:
“Địa danh là tên gọi của một đối tượng trên mặt đất. Về mặt nguyên tắc, địa danh là tên riêng (gồm một từ, nhiều từ hoặc ngữ) được dùng một cách nhất quán trong ngôn ngữ để chỉ một địa điểm, một đối tượng hoặc một vùng cụ thể có vị trí có thể nhận biết được trên trái đất. Các đối tượng có thể là các điểm dân cư (ví dụ thành phố, thị trấn, làng), các đơn vị hành chính lãnh thổ (ví dụ bang, tỉnh, huyện), các đối tượng tự nhiên (ví dụ: sông, núi, mũi đất, hồ, biển), đối tượng xây dựng (ví dụ: đập, sân bay, đường sá), các địa điểm hay các vùng có ranh giới không xác định (ví dụ: cánh rừng, ngư trường) 75 , 80 ”.
UNGEGN cho rằng địa danh cụ thể hiểu là tên địa hình (topographical names) hoặc là toponym (là thuật ngữ có nghĩa rộng hơn, bao gồm cả tên dùng cho các đối tượng trên mặt trăng và các hành tinh khác).
Như vậy, mặc dù có những cách định nghĩa khác nhau về địa danh nhưng đều có cùng nhiều điểm đồng nhất, từ những trình bày trên có thể định nghĩa địa danh như sau: Địa danh là tên gọi của các vùng lãnh thổ, các điểm quần cư, các điểm kinh tế và các đối tượng địa lý cụ thể do con người đặt ra. Chúng có thể là tên các châu lục, các quốc gia, các đơn vị hành chính lãnh thổ (tỉnh, huyện, xã...) tên các khu công nghiệp, nông trường, nhà máy, hầm mỏ..., tên các đại dương, biển, vịnh... hay tên các sông, hồ, núi, đèo, cao nguyên... có vị trí xác định trên bề mặt trái đất.
Địa danh chứa những thông tin về tinh thần, văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ và chính trị. Một trong những đặc điểm nổi bật của địa danh là sự đa dạng về ngôn ngữ.
- Cần phân biệt địa danh nước ngoài và địa danh ngoại lai: địa danh nước ngoài (Foreign geographical names) là những địa danh nằm ngoài đất nước, còn địa danh ngoại lai (exonyms) do ảnh hưởng của ngôn ngữ bên ngoài và quá trình lịch sử tạo ra.
Ví dụ: ở Hải Phòng có một số địa danh Đảo, Vịnh do người Pháp đặt tên còn ghi lại trên bản đồ cũ, nay đặt tên lại như Grôttơ (Les grottes): đảo Hang; Xơmen (La Semelle): hòn Đế Giày (hòn Hài).
Bản đồ Trung tâm Thành phố Hải Phòng thời Pháp thuộc
Danh pháp (nomenclature): Thường được hiểu là “Danh pháp có thể chỉ tới một hệ thống các tên gọi hay thuật ngữ, các quy tắc hay quy ước được sử dụng để tạo ra các tên gọi khi được cá nhân hay cộng đồng sử dụng, đặc biệt những gì nói trên được dùng trong một ngành khoa học (danh pháp khoa học) hay một môn lĩnh vực nghệ thuật cụ thể. Danh pháp là gốc Hán Việt. Danh là tên, Pháp là phép tắc, quy tắc. Nội hàm của nó là quy tắc đặt tên, tương đương với từ Nomenclature tiếng Pháp, tiếng Anh”.
Địa danh thường đi kèm theo danh pháp địa lý (Geographical nomenclature), tức là danh từ chung để chỉ các đối tượng địa lý, địa hình như sông, núi, biển, đất, nước, đường sá, cầu cống, khu, tiểu khu, đường, đường phố...
Danh pháp địa lý được hiểu rộng là thuật ngữ địa lý (Terminology), dùng trong nghĩa hẹp là đối tượng địa hình.
Ai trong chúng ta đều hiểu và có những khái niệm nhất định về địa danh, song để đọc đúng, viết đúng địa danh của những vùng khác nhau trên đất nước Việt Nam, đọc và viết đúng địa danh của các nước khác trên thế giới thì đây là một vấn đề hết sức khó khăn. Nước Việt Nam ta có 54 dân tộc với tiếng nói và 28 bộ chữ viết khác nhau.
Nxb. Giáo dục Việt Nam - 2009
Còn trên thế giới có đến 7.000 thứ tiếng nói với khoảng 200 bộ chữ viết khác nhau. Bộ môn khoa học về địa danh - địa danh học (Toponymy) đã ra đời để nghiên cứu và tìm giải pháp cho vấn đề đáng quan tâm và vô cùng cần thiết này.
Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa như sau:
- (Địa lý) khoa nghiên cứu các địa danh về mặt nguồn gốc, sự phát triển, ý nghĩa nội dung, hình thức tên gọi, cách chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác và những vấn đề liên quan đến hệ thống hóa và sử dụng địa danh. Địa danh học nằm vị trí tiếp giáp giữa các khoa học địa lý, ngôn ngữ học và lịch sử. Địa danh học đã được biết đến từ lâu, song phần lớn các công trình nghiên cứu mới bắt đầu trong thế kỷ XX.
- (Ngôn ngữ, A.Toponomatics), bộ môn từ vựng học nghiên cứu tên và cách đặt tên các danh từ địa lý như tên sông, núi hoặc tên quốc gia và các địa danh khác [26, tr.780].
Tác giả Hoàng Tất Thắng cho rằng: “Địa danh học thực sự là một ngành của ngôn ngữ học, chuyên nghiên cứu ý nghĩa, nguồn gốc và những biến đổi của địa danh. Ngoài ra, địa danh học còn nghiên cứu cấu tạo của địa danh, đặc điểm của địa danh, các phương thức đặt địa danh 44 ”.
Địa danh học còn được phân loại thành các phần nhỏ như thủy danh học (chuyên nghiên cứu tên sông, suối, rạch...), sơn danh học (nghiên cứu các tên đồi, núi, đèo, dốc...), phương danh học (nghiên cứu các tên làng, vùng, xóm, bản...), phố danh học (nghiên cứu các tên đường, phố, quảng trường...).
Địa danh học là một lĩnh vực nghiên cứu khá phức tạp, đòi hỏi người nghiên cứu địa danh cần phải xác định điểm xuất phát một cách nhất quán và những tri thức cần thiết của các lĩnh vực nghiên cứu khác phục vụ cho việc nghiên cứu địa danh. Như vậy, có thể nhận định: Địa danh học là một bộ môn khoa học nghiên cứu nguồn gốc, sự phát triển và hiện trạng của địa danh trên các mặt ngữ nghĩa, ngữ âm, ngữ pháp (cách viết) và quy cách chuyển từ ngữ này sang ngữ khác cho các địa danh. Địa danh học còn nghiên cứu tên và cách đặt tên cho các đối tượng địa lý, phương pháp thu thập, hệ thống hoá, chuẩn hoá và sử dụng địa danh. Vì vậy, địa danh học là bộ môn khoa học nằm ở vị trí tiếp giáp giữa các khoa học địa lý, ngôn ngữ, dân tộc và lịch sử.
Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa về bản đồ như sau:
Bản đồ (BĐ) là hình vẽ biểu thị bề mặt trái đất, các thiên thể hoặc khoảng không vũ trụ trên mặt phẳng theo những quy tắc toán học xác định, được thu nhỏ theo quy ước và khái quát hoá để phản ánh sự phân bố, trạng thái và những mối liên hệ của các đối tượng, hiện tượng tự nhiên, xã hội được chọn lọc và thể hiện bằng hệ thống kí hiệu và màu sắc. Có thể coi BĐ là mô hình kí hiệu tượng hình nhằm tái tạo thực tại (đúng hơn là một phần nào đó của thực tại). BĐ dùng để phản ánh trực quan những tri thức đã tích lũy được cũng như để nhận biết những tri thức mới. BĐ có thể phân nhóm theo lãnh thổ bao trùm (thế giới, quốc gia, tỉnh...); theo nội dung (đại cương, địa hình, chuyên đề); theo mục đích sử dụng (giáo khoa, du lịch, nghiên cứu khoa học); theo phương thức sử dụng (treo tường, để bàn...); theo tỉ lệ thu nhỏ... [26, tr.129].
Bản đồ được xem như là một đại diện 2 chiều hoặc 3 chiều trong không gian hình học. Đó là những hình ảnh đại diện cho một tập hợp các tính năng, mỗi quan hệ được thể hiện bởi vị trí, kích thước, và thời gian. Các bản đồ cho phép nhìn bao quát không gian có giới hạn bất kỳ từ một khu vực không lớn lắm cho đến toàn bộ bề mặt trái đất.
Trên cơ sở phân tích các đặc điểm, tính chất của bản đồ địa lý, Giáo sư K.A. Salishev đã đưa ra định nghĩa về bản đồ như sau:
Bản đồ địa lý là những biểu hiện thu nhỏ bề mặt trái đất lên trên mặt phẳng, được quy định về mặt toán học, có tính chất hình ảnh - kí hiệu và được khái quát hoá. Những biểu hiện này trình bày sự phân bố, tình trạng và các mối liên hệ của những hiện tượng tự nhiên và xã hội khác nhau, cả những biến đổi của chúng theo thời gian, đã được lựa chọn và nêu đặc trưng phù hợp với mục đích của từng bản đồ cụ thể 67 .
Định nghĩa của K.A.Salishev là định nghĩa đầy đủ và khái quát nhất về bản đồ hiện nay đối với ngành bản đồ.
Với khái niệm ngôn ngữ bản đồ là hệ thống kí hiệu đặc thù của bản đồ cùng với các nguyên tắc, phương pháp sử dụng chúng, nhờ đó đối tượng của bản đồ được phản ánh. Ngôn ngữ bản đồ không chỉ là phương tiện phản ánh các mặt nào đó của thực tại mà còn là phương tiện nhận thức thực tại [26, tr.134].
Bản đồ sử dụng ngôn ngữ hình ảnh - kí hiệu. Các yếu tố địa hình, địa vật trên bề mặt đất rất phức tạp và đa dạng. Có địa vật hình dạng giống nhau nhưng bản chất lại khác nhau, hoặc có hình dạng khác nhau, hoặc có hình dạng khác nhau nhưng lại có bản chất giống nhau, đồng thời lại có những đối tượng, hiện tượng mà ta không nhìn thấy được. Vì vậy, để biểu diễn chúng được đúng đắn trên bản đồ ta phải sử dụng những kí hiệu đặc biệt, gọi là kí hiệu quy ước.
Kí hiệu quy ước là tập hợp các hình vẽ, đồ thị, ghi chú và màu sắc dùng để biểu diễn hình dạng, kích thước, đặc tính và mối quan hệ của các đối tượng, hiện tượng trên mặt đất lên bản đồ. Kí hiệu quy ước cung cấp cho người đọc bản đồ những hiểu biết về các hiện tượng tự nhiên, kinh tế, xã hội đồng thời thiết lập trên bản đồ một mô hình phản ánh thực tế khách quan của bề mặt trái đất.
KÍ HIỆU BẢN ĐỒ (KHBĐ) - các phương tiện họa đồ (điểm, đường nét, các hình dạng hình học, chữ, hình vẽ với cấu trúc, hình dạng, kích thước, màu sắc khác nhau) mang ý nghĩa nội dung cụ thể và có khả năng phản ánh khía cạnh không gian của đối tượng. Các kí hiệu phân thành: kí hiệu điểm (để biểu thị các đối tượng chiếm diện tích nhỏ không thể hiện được theo tỉ lệ của bản đồ - kí hiệu phi tỉ lệ); kí hiệu tuyến (để biểu thị các đối tượng hình tuyến hoặc phân bố kéo dài theo tuyến); kí hiệu diện tích (để biểu thị các đối tượng có diện tích được thể hiện bằng khoanh vi - kí hiệu trong tỉ lệ). Tổng thể đa dạng các KHBĐ được hệ thống hoá thành các phương pháp biểu thị bản đồ, kí hiệu định vị, kí hiệu tuyến, nền chất lượng (nền định tính, nền định lượng), đồ giải, biểu đồ định vị, biểu đồ bản đồ, kí hiệu chuyển động, chấm điểm, vùng phân bố, đường đẳng trị. Hệ thống KHBĐ dùng để xây dựng nội dung bản đồ nhằm phản ánh một hiện tượng, đối tượng nào đó của thực tại [26, tr.553].
Theo L.X.Graevxkaia - Bản đồ học thì kí hiệu có 3 dạng: Kí hiệu hình học (hình tròn, hình tam giác, hình vuông...); kí hiệu chữ cái (dùng chữ cái đầu tiên của tên gọi các đối tượng được biểu thị); kí hiệu nghệ thuật (có hình vẽ, hình dáng liên tưởng đến hình dạng đối tượng được được biểu thị). Kí hiệu chỉ ra vị trí của đối tượng và cả số lượng, chất lượng của đối tượng bằng cách dùng các kí hiệu có kích thước, màu sắc khác nhau [21, tr.210].
Với quan niệm bản đồ học - là khoa học về bản đồ địa lý, về các tính chất, phương pháp xây dựng và sử dụng chúng. Bản đồ học bao gồm nhiều bộ môn khoa học và kỹ thuật, quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng mỗi bộ phận lại có chức năng riêng [21, tr.5].
Các địa danh được ghi trên bản đồ là địa danh bản đồ.
Trong khi bản đồ địa lý là sự biểu thị thu nhỏ quy ước của bề mặt trái đất lên mặt phẳng, xây dựng trên cơ sở toán học và phản ánh sự phân bố, trạng thái và mối liên hệ tương quan của các hiện tượng thiên nhiên và xã hội loài người... A.V.Ghedưmin - Bản đồ học [18, tr.6].
Từ đó có thể định nghĩa:
“Địa danh bản đồ học (Cartographic toponymy) là bộ phận của địa danh học, nghiên cứu ứng dụng địa danh học vào công tác bản đồ với nhiệm vụ chính là nghiên cứu việc chọn và ghi địa danh lên bản đồ một cách khoa học và đúng đắn nhất. Còn bản đồ sau đó lại trở thành nguồn tài liệu gốc quan trọng và đáng tin cậy cho các hoạt động nghiên cứu và khai thác đại danh theo mục đích riêng của người sử dụng về lịch sử, ngôn ngữ, địa lý, dân tộc, tổ chức hành chính, lãnh thổ...".
Địa danh nói chung và địa danh bản đồ nói riêng là yếu tố động, liên quan đến sự xuất hiện, biến đổi hay mất đi của các đối tượng địa lý, sự thay đổi tên gọi của các đối tượng địa lý, vì vậy nó cần được nghiên cứu và cập nhật liên tục, cần có bộ phận chuyên nghiên cứu về địa danh ở mỗi quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới.
Có thể nói rằng, tất cả những khái niệm nói trên có liên quan chặt chẽ, mật thiết với nhau và không thể không đề cập. Chúng luôn luôn được vận dụng trong các quá trình nghiên cứu và sử dụng.
Có nhiều tiêu chí để phân loại địa danh trên thế giới, có quan điểm phân chia địa danh theo nguồn gốc ngôn ngữ, quan điểm khác lại cho rằng phân loại địa danh theo đối tượng.
Theo các nhà địa danh học người Pháp tuy không lập bảng phân loại địa danh khi nghiên cứu theo nguyên ngữ của nó, đều chia địa danh thành nhiều phần hoặc nhiều vấn đề.
A.Dauzat trong La Toponymie Frangais chia địa danh làm 4 phần: (1) vấn đề những cơ sở tiền Ấn - Âu; (2) các danh từ tiền La tinh về nước trong thủy danh học; (3) các từ nguyên Gôloa - La mã;
(4) địa danh học Gôloa - La mã của vùng Auvergne và Velay [82].
Ch.Rostaining (Pháp) trong Les noms de lieux chia 11 chương để nghiên cứu địa danh: (1) những cơ sở tiền Ấn - Âu; (2) các lớp tiền Xên tich; (3) lớp Gôloa; (4) những phạm vi Gôloa - La mã; (7) các hình thức của thời phong kiến; (8) những danh từ có nguồn gốc tôn giáo; (9) những hình thái hiện đại; (10) các địa danh và tên đường phố; (11) tên sông và núi 81 .
Theo các nhà địa danh học của Nga, chia địa danh theo đối tượng mà địa danh biểu thị, tức là dựa vào nội dung của nó. G.L. Smoliskaia mà M.V.Gorbanevski trong Toponimika Moskva chia địa danh làm 4 loại: (1) phương danh (tên các địa phương); (2) sơn danh (núi, đồi, gò...); (3) thủy danh (tên các dòng chảy, hồ, vũng...);
(4) phố danh (tên các đối tượng trong thành phố) 70 .
Ở Việt Nam, các nhà địa danh học dựa trên các đặc tính cơ bản về địa lý, về xã hội, về những đặc tính của ngôn ngữ để phân loại. Quan điểm dựa trên những đặc tính cơ bản về địa lý và xã hội để phân chia địa danh Việt Nam: Trần Thanh Tâm chia địa danh làm 6 loại [59, tr.60].
(1) Loại đặt theo địa hình và đặc điểm.
(2) Loại đặt theo vị trí không gian và thời gian.
(3) Loại đặt theo tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử.
(4) Loại đặt theo hình thái đất đai, khí hậu.
(5) Loại đặt theo đặc sản, nghề nghiệp và tổ chức kinh tế.
(6) Loại đặt theo sinh hoạt xã hội. Nguyễn Văn Âu [3, tr.30-32] đã phân loại địa danh theo ba cấp: loại, kiểu và dạng.
1. Theo loại địa danh gồm có 2 loại:
Địa danh tự nhiên: Sông Hồng, núi Trường Sơn...
Địa danh kinh tế, xã hội: Làng Thượng Cát, huyện Sa Pa , thành phố Hải Phòng...
2. Theo kiểu địa danh gồm 7 kiểu: Thủy danh, sơn danh, lâm danh, làng xã, huyện thị, tỉnh, thành phố, quốc gia.
3. Theo dạng địa danh gồm 12 dạng địa danh nhỏ: Sông ngòi, hồ đầm, đồi núi, hải đảo, rừng rú, truông, trảng, làng xã, huyện quận, thị trấn, tỉnh, thành phố, quốc gia.
Nhìn chung ta thấy cách phân loại của tác giả khá phức tạp và chưa hợp lý như:
- Về loại là chưa rõ ràng.
- Về kiểu thì 3 kiểu đầu có thể gộp thành loại địa danh chỉ địa hình, 4 kiểu sau chỉ các địa danh hành chính.
- Về 12 dạng thực ra cũng chỉ là 2 dạng chính, 6 dạng đầu là địa danh chỉ địa hình, 6 dạng sau là địa danh hành chính.
Lê Trung Hoa thì lại kết hợp việc phân loại địa danh vừa theo đối tượng vừa theo ngữ nguyên (theo nguồn gốc ngôn ngữ ghi địa danh). Theo đối tượng, Lê Trung Hoa chia địa danh làm 4 loại:
(1) Địa danh chỉ địa hình thiên nhiên (gọi tắt địa danh chỉ địa hình).
(2) Địa danh chỉ các công trình xây dựng.
(3) Địa danh chỉ các đơn vị hành chính (địa danh hành chính).
(4) Địa danh chỉ vùng.
Theo nguyên ngữ, Lê Trung Hoa chia địa danh thành 4 nhóm:
(1) Địa danh thuần Việt.
(2) Địa danh Hán Việt.
(3) Địa danh bằng các ngôn ngữ dân tộc thiểu số (Chăm, Khơ me, Ba na, Ê đê, Gia rai, Tày, Thái, Mường...).
(4) Địa danh bằng các ngoại ngữ (chủ yếu là địa danh gốc Pháp) [24, tr.9-17].
Nhận thấy là cách phân loại của Lê Trung Hoa có tính hợp lý vì thông qua sự phân loại ta thấy được cả về nguồn gốc địa danh, chỉ có điều việc gọi là địa danh bằng các ngoại ngữ thì chưa rõ nghĩa vì đây chính là địa danh ngoại lai (exonyms).
Địa danh được thể hiện trên bản đồ được gọi là địa danh bản đồ, địa danh bản đồ có đặc điểm khác địa danh trong ngôn ngữ là được xác định trong mô hình không gian thu nhỏ của thế giới thực theo quy định của bản đồ về tỉ lệ mô hình, kí hiệu...
Để nghiên cứu địa danh một cách hệ thống và khoa học, người ta thường phân loại địa danh theo đối tượng địa lý (theo danh pháp địa lý) hoặc theo nguồn gốc ngôn ngữ. Ở Việt Nam hiện còn tồn tại nhiều cách phân loại địa danh khác nhau theo quan điểm của các cơ quan nghiên cứu hay các học giả.
Khái quát lại theo chúng tôi có thể phân loại địa danh theo các đối tượng như sau:
- Địa danh phân loại theo đối tượng địa lý, gồm:
+ Địa danh quốc gia và vùng lãnh thổ (tên quốc gia hay tên vùng lãnh thổ).
+ Địa danh hành chính (tên tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn).
+ Địa danh dân cư (tên thôn, làng, bản).
+ Địa danh sơn văn (tên núi, đèo, rừng).
+ Địa danh thủy văn (tên sông, hồ, biển).
+ Địa danh kinh tế - văn hoá - xã hội (tên nhà máy, trường học, bệnh viện, di tích lịch sử).
- Phân loại địa danh theo ngôn ngữ, gồm:
+ Địa danh thuần Việt.
+ Địa danh Hán Việt.
+ Địa danh ngôn ngữ các dân tộc (Chăm, Tày, Thái, Khmer, Bana...).
+ Địa danh ngoại lai (địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan...).
Việc nghiên cứu để chỉ rõ nguồn gốc ngôn ngữ của địa danh rất có giá trị với việc nghiên cứu khoa học, lịch sử và việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Tổ chức chuyên gia về địa danh của LHQ (United Nations Group of Experts on Geographycal Names = UNGEGN) được thành lập theo Nghị quyết 715A (XXVII) ngày 23/4/1959 và 1314 (XLIV) ngày 31/5/1968 với quyết định của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên hợp quốc tại cuộc họp lần thứ 1854 ngày 4/5/1973 để đẩy mạnh việc chuẩn hóa địa danh trên cả hai mức độ quốc gia và quốc tế với mục đích:
- Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn hoá địa danh trên cả hai mức độ quốc gia và quốc tế để chứng minh những lợi ích phát sinh từ việc chuẩn hóa này.
- Thu thập những kết quả làm việc của các thành viên quốc gia và quốc tế liên quan đến việc chuẩn hóa địa danh và để làm thuận tiện cho việc phổ biến những kết quả đó đến các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
- Nghiên cứu và đưa ra các nguyên tắc, chính sách và phương pháp phù hợp cho việc giải quyết vấn đề chuẩn hóa ở từng quốc gia và quốc tế.
- Đóng góp vai trò tích cực trong việc dễ dàng trợ giúp khoa học và kỹ thuật riêng cho các nước đang phát triển, nhằm tạo ra cơ chế để chuẩn hóa địa danh ở từng quốc gia và quốc tế.
- Cung cấp phương tiện liên hệ và phối hợp giữa các quốc gia thành viên và các cơ quan quốc tế trên các công việc liên quan đến chuẩn hóa địa danh.
- Thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết của các hội nghị của Liên hợp quốc về chuẩn hóa địa danh giao cho [75, tr.239].
Tổ chức chuyên gia Liên hợp quốc về địa danh (UNGEGN) có nguyên tắc chung mang tính định hướng căn bản là sử dụng bộ chữ La tinh và La tinh hoá và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được vi phạm tới tín ngưỡng và tình cảm dân tộc.
Việc vận dụng nguyên tắc chung của UNGEGN “Sử dụng bộ chữ La tinh và La tinh hóa” là một nguyên tắc hết sức bao quát và đúng đắn bởi lẽ các dân tộc, các nước trên thế giới đều có thể vận dụng nguyên tắc này để phiên chuyển địa danh của dân tộc mình, nước mình và phổ biến rộng rãi để cả thế giới đều gọi đúng.
Trong địa danh học có một số nguyên tắc áp dụng khi phiên chuyển địa danh từ ngữ này sang ngữ khác. Tài liệu tập huấn Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam 2007: 10 , đó là:
1. Giữ nguyên nguyên ngữ (địa danh gốc viết thế nào sẽ được viết lại nguyên như vậy).
2. Phiên âm (căn cứ vào âm của địa danh gốc, ghi lại âm đó bằng chữ viết của ngôn ngữ cần sử dụng).
3. Chuyển tự (dùng các chữ cái tương đương của ngôn ngữ cần sử dụng để chuyển các chữ cái của địa danh gốc).
4. Dịch nghĩa (dịch nghĩa của địa danh gốc sang ngôn ngữ cần sử dụng).
5. Sử dụng theo thói quen (hiện đang quen dùng thế nào thì để nguyên như thế).
6. Theo quy định của nhà nước hay Ủy ban địa danh quốc gia (đối với những trường hợp địa danh được quyết định bởi các Nghị định của nhà nước và những trường hợp đặc biệt và nhạy cảm khác).
Một nhiệm vụ quan trọng của địa danh học là nghiên cứu ngữ âm, ngữ nghĩa, cách viết, cách chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.
Xác định hình thức tên gọi hay cách viết địa danh, cách chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác cho các địa danh cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn vì trên thế giới hiện có khoảng 7000 ngôn ngữ dân tộc với khoảng 200 bộ chữ viết khác nhau; riêng Việt Nam có 54 ngôn ngữ dân tộc với 28 bộ chữ viết khác nhau (26 dân tộc Việt Nam không có chữ viết riêng và trong 28 bộ chữ viết có nhiều bộ chữ không được sử dụng một cách phổ biến).
Để giải quyết những vấn đề này cần sự hợp tác của rất nhiều nhà ngôn ngữ dựa trên những nguyên tắc nghiên cứu được xác lập của địa danh học, đó là:
- Ghi âm cách đọc địa danh của người bản địa, trên cơ sở đó xác định ngữ nghĩa của địa danh.
- Tìm cách viết địa danh theo đúng quy tắc ngữ pháp và bộ chữ quốc ngữ.
- Tìm cách phiên chuyển từ bộ chữ quốc ngữ này sang bộ chữ quốc ngữ khác theo nguyên tắc chung của UNGEGN là “sử dụng chữ La tinh và La tinh hoá” và lựa chọn áp dụng theo những nguyên tắc nêu trên.
1. Giữ nguyên nguyên ngữ (địa danh được viết ở ngôn ngữ gốc thế nào thì giữ nguyên như thế). Nguyên tắc này chỉ thuận lợi với những nhóm nước có cùng hệ ngôn ngữ vì người dân của nước này có thể đọc được (tuy không phải là tất cả mọi người đều đọc được và đọc đúng), ví dụ các nước trong cùng nhóm ngôn ngữ Slavo, Hán... Vì vậy, nguyên tắc này không được áp dụng phổ biến tuy nó được nêu lên hàng đầu.
2. Phiên âm (từ âm gốc của địa danh nguyên ngữ phiên chuyển và ghi lại âm đó bằng chữ cái của ngôn ngữ cần chuyển). Nguyên tắc này có thể áp dụng cho bất cứ ngôn ngữ nào dựa vào hệ thống ký tự phiên âm quốc tế, hơn thế nữa, với những ngôn ngữ không có chữ viết thì đây là nguyên tắc duy nhất có thể sử dụng, vì vậy nguyên tắc này được áp dụng phổ biến nhất trên thế giới.
3. Chuyển tự (từ các chữ cái viết địa danh trong ngôn ngữ gốc phiên chuyển sang các chữ cái tương ứng của ngôn ngữ cần chuyển). Nguyên tắc này cũng được áp dụng khá phổ biến tại các nước có cùng hệ ngôn ngữ vì việc phiên chuyển tương đối dễ dàng, sau khi phiên chuyển mặt chữ không thay đổi nhiều (trông gần giống như địa danh gốc). Tuy nhiên giữa các nước có hệ ngôn ngữ khác nhau thì nhiều khi các bộ chữ không tương đồng nên việc tìm và phiên chuyển sang chữ cái tương ứng không dễ nếu không muốn nói nhiều khi là không thể (ví dụ giữa các ngôn ngữ La tinh và Hán hay Ả rập...). Mặt khác cách đọc các chữ cái trong các ngôn ngữ khác nhau là khác nhau nên việc chuyển tự nhiều khi dẫn đến việc đọc các địa danh khác lạ so với địa danh gốc nên người giao tiếp không thể nhận ra (ví dụ điển hình cho trường hợp này là các địa danh gốc tiếng Anh và các địa danh gốc La tinh khác).
4. Dịch nghĩa (dịch nghĩa của địa danh và ghi lại nghĩa của địa danh đó sang ngôn ngữ cần chuyển). Việc dịch nghĩa của địa danh làm cho người sử dụng tăng thêm hiểu biết về ý nghĩa của địa danh đó. Tuy nhiên đây là công việc hết sức khó khăn vì để truy tìm ngữ nghĩa của địa danh là không dễ ngay cả với dân bản địa (người Việt chúng ta cũng không hiểu nghĩa của rất nhiều địa danh Việt). Mặt khác, khi đó dịch nghĩa thì âm của địa danh gốc sẽ không còn nên khi nói đến những địa danh này chỉ có dân từng nước hiểu được với nhau. Ví dụ cho trường hợp này là rất nhiều, chỉ xin dẫn ra đây một vài địa danh nổi tiếng sau:
- Khi nói đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Tứ Xuyên... thì người Trung Quốc không biết đó là địa danh nào, ở đâu.
- Người dân Nam Phi khi nghe mũi Hảo Vọng không hề có bất cứ liên tưởng nào đến Cape of Good Hope của đất nước họ.
Vì những lý do trên mà nguyên tắc này không được áp dụng rộng rãi, thường chỉ áp dụng với những địa danh nổi tiếng và của chung các quốc gia như tên đại dương (Pacific Ocean hay Thái Bình Dương, Black Sea hay Biển Đen, Dead Sea hay Biển Chết...).
5. Theo thói quen (giữ nguyên cách gọi của địa danh đó thành quen thuộc). Ví dụ cho trường hợp này là vô cùng nhiều, đặc biệt đối với nước ta. Có thể nói hầu hết các địa danh trên thế giới đều được người Việt Nam gọi theo cách riêng, không giống ai của mình. Đó là tên các nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ..., tên các thành phố, tỉnh ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Ninh, Hải Nam... Tuy Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi thống nhất với Bộ Ngoại giao theo tinh thần Nghị định 12/2002 NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động đo đạc - bản đồ đã có công báo về cách viết địa danh của 6000 địa danh nước ngoài nhưng cho đến nay tất cả các phương tiện thông tin đại chúng vẫn giữ nguyên cách gọi địa danh theo thói quen. Mà ngay cả thói quen của chúng ta cũng rất khác nhau, ví dụ chúng ta vẫn dùng tên Hoa Kỳ và Mỹ, Anh Quốc và nước Anh, Ý và Italia... Với những ví dụ nêu trên có thể thấy rằng đó đến lúc hạn chế việc áp dụng nguyên tắc này, đưa việc sử dụng địa danh đúng vào giảng dạy tại ngay cấp học đầu tiên để sau một thế hệ nữa học sinh có thể hòa nhập với thế giới bằng địa danh.
6. Theo quy định của nhà nước (gọi địa danh theo quy định bắt buộc của nhà nước). Đây là nguyên tắc đặc biệt, nhất thiết phải áp dụng cho dù nó có thể mâu thuẫn với những trường hợp chung khác. Đó là việc giữ nguyên các địa danh đó được ghi nhận trong các Hiệp định về biên giới quốc gia, các địa danh đó được Quốc hội hay Chính phủ phê duyệt (đối với các nước đó có Ủy ban địa danh quốc gia là phê duyệt của ủy ban này), địa danh theo quan điểm của nhà nước tại những vùng tranh chấp. Ví dụ điển hình cho nguyên tắc này đối với nước ta là các địa danh Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thác Bản Dốc, đảo Thổ Chu (mà dân địa phương quen gọi là đảo Thổ Châu)...
- Trình nộp cho UNGEGN dưới dạng Danh mục địa danh (gazeteer) để sử dụng rộng rãi và thống nhất trên toàn thế giới (ý nghĩa của việc này sẽ được nói rõ hơn ở phần sau).
Việc tồn tại một số nguyên tắc chung này cũng phần nào nói lên sự phức tạp của việc phiên chuyển địa danh và cho ta thấy rằng chúng ta phải sử dụng tất cả các nguyên tắc này, vấn đề là chỗ nguyên tắc nào sẽ được sử dụng phổ biến, nguyên tắc nào sẽ được lựa chọn cho những trường hợp cụ thể.
Địa danh được ghi trên bản đồ là địa danh bản đồ. Địa danh bản đồ học là một bộ phận của địa danh học, như vậy nguyên tắc cơ bản trong địa danh bản đồ học nằm trong nguyên tắc chung của địa danh học.
Có thể nói bản đồ là công cụ tốt nhất để thể hiện địa danh. Trên bản đồ, các địa danh được thể hiện cùng với đối tượng mang địa danh một cách trực quan và chính xác nhất. Từ bản đồ có thể xác định loại đối tượng, phân bố của đối tượng, tọa độ địa lý của đối tượng mang địa danh. Thêm vào đó người sử dụng còn có thể chồng (overlay) các bản đồ có nội dung liên quan (bản đồ địa hình, bản đồ phân bố dân tộc, bản đồ hành chính...) để kiểm tra độ xác thực của địa danh.
Để thuận tiện cho việc sử dụng danh mục địa danh, UNGEGN khuyến cáo xuất bản kèm theo danh mục một bản đồ địa danh là loại bản đồ chuyên đề mà trên đó yếu tố địa danh được thể hiện nổi bật trên nền gồm các yếu tố định hướng khác như sông ngòi, đường sá, ranh giới phân chia hành chính, dân cư...
Trước hết liên quan đến nguyên tắc chung của UNGEGN là “sử dụng bộ chữ La tinh và La tinh hoá các địa danh”. Đây là nguyên tắc nhằm quốc tế hoá việc chuẩn hoá sử dụng địa danh. Nguyên tắc này đã được tất cả các nước chấp nhận và đương nhiên chúng ta cũng phải chấp nhận nếu chúng ta muốn hòa nhập với thế giới. Theo nguyên tắc này có thể phân chia các ngôn ngữ trên thế giới và tương tự là các ngôn ngữ của các dân tộc Việt Nam ra 2 nhóm: nhóm La tinh và nhóm phi La tinh, để từ đây vận dụng các nguyên tắc chuẩn hoá của địa danh học.
Trong khoa học bản đồ có một bộ môn gọi là địa danh bản đồ học với những nguyên tắc cụ thể cho việc phiên chuyển và chọn lọc địa danh thể hiện trên bản đồ như sau:
1. Các địa danh không trùng lặp vì chúng thuộc một đối tượng địa lý nhất định và có tọa độ địa địa lý cụ thể.
2. Các địa danh cần có hình thái ngữ âm không quá xa với nguyên ngữ nếu là cùng hệ La tinh (vì tất cả địa danh ở các hệ ngôn ngữ đều được phiên chuyển sang La tinh theo nguyên tắc chung của UNGEGN); với các ngôn ngữ khác phải gần với phiên âm quốc tế.
3. Âm của địa danh đọc lên càng gần với âm của nguyên ngữ và càng ít cách đọc càng tốt.
4. Địa danh sau khi phiên chuyển càng ngắn gọn càng tốt và đẹp về con chữ để người sử dụng dễ tìm, dễ đọc, dễ viết và dễ nhớ.
5. Không khuyến khích việc viết các địa danh đa âm tiết với gạch nối (vì các gạch nối sẽ phá vỡ các yếu tố nét trên bản đồ). Gạch nối chỉ nên dùng trong những trường hợp bắt buộc.
Theo “Tài liệu phục vụ công tác tập huấn chuẩn hoá địa danh” Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam 2007: [10]
Rõ ràng nhận thấy việc xác lập những nguyên tắc cụ thể cho địa danh bản đồ học bên cạnh việc tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của địa danh học và UNGEGN là hết sức cần thiết để phù hợp với đặc thù của bản đồ.
Trước khi nghiên cứu địa danh ta phải thu thập, thống kê, phân loại đánh giá các tài liệu nghiên cứu địa danh trước đây dưới dạng các nguồn tin sơ cấp và thứ cấp để xây dựng cơ sở luận chứng cũng như tài liệu nghiên cứu phục vụ công tác chuẩn hóa địa danh.
Qua phân tích nguồn gốc lịch sử chúng ta có thể xác định được nguồn gốc của địa danh, sự tiến triển, biến đổi và nguyên nhân biến đổi. Nghiên cứu nguồn gốc địa danh, thời gian xuất hiện và quá trình phát triển là rất quan trọng. Nhưng không phải địa danh nào chúng ta cũng có thể phân tích và xác định được nguồn gốc lịch sử của nó.
Phương pháp từ nguyên học nghiên cứu lịch sử của từ, nguồn gốc của chúng và bằng cách nào hình thức và ý nghĩa của chúng thay đổi theo thời gian. Từ nguyên học giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử phát triển của ngôn ngữ, mối liên hệ với các ngôn ngữ khác trong lịch sử. Phương pháp này thường được sử dụng để nghiên cứu địa danh có cùng một nhóm ngôn ngữ. Phương pháp từ nguyên học có vai trò to lớn trong việc nghiên cứu địa danh, nó giúp chúng ta nhận biết xuất phát điểm của địa danh, ý nghĩa lịch sử của địa danh.
Phương pháp này là khảo sát các bản đồ theo diện đồng đại để phát hiện những loại địa danh nào xuất hiện nhiều ở địa bàn nào mà tập trung tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của nhóm địa danh đó.
Phương pháp này giúp chúng ta nhìn một cách trực quan, sự phân bố địa danh theo lãnh thổ, đặc thù của hậu tố, ngôn ngữ của địa danh, mối liên quan giữa địa danh và các đặc điểm tự nhiên, xã hội, kinh tế, mật độ của địa danh, mức độ được nghiên cứu, sự lặp lại của địa danh trên đơn vị lãnh thổ, từ đó nhận thấy quy luật phân bố địa danh.
Đây là phương pháp kế thừa sử dụng các tài liệu khoa học về địa danh, về dân tộc và lớp thông tin địa danh trên bản đồ.
Đây là phương pháp tổng hợp các phương án phiên chuyển địa danh, so sánh đối chiếu với quy định phiên chuyển để lựa chọn một phương án chuẩn hoá địa danh chính xác.
Đây là phương pháp phân tích đối sánh với các nguyên tắc chung của hệ thống địa danh học để đề xuất các phiên chuyển địa danh một cách phù hợp nhất, khoa học nhất.
Phương pháp này là phương pháp điều tra thực địa để truy tìm, xác minh nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của địa danh trên phương diện ngôn ngữ học theo vùng ngôn ngữ.
Phương pháp này sử dụng các kiến thức của các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan như ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, dân tộc, truyền thông... bằng cách tham vấn, phỏng vấn và cùng các chuyên gia bản đồ để đưa ra phương án tối ưu đối với việc chuẩn hóa địa danh.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa về chuẩn như sau:
Chuẩn mực ngôn ngữ (ngôn ngữ), các quy tắc mẫu mực về ngữ âm, từ vựng, cú pháp phong cách nói và viết, chính tả, dấu câu… được xã hội quy định, thừa nhận và được dùng thống nhất trong toàn xã hội, tùy từng giai đoạn lịch sử.
Chuẩn mực xã hội (triết), thuật ngữ dùng để mô tả những tiêu chuẩn chung hoặc ý tưởng hướng dẫn con người đáp ứng những yêu cầu của xã hội. Các cá nhân trong xã hội chấp nhận các chuẩn mực, tuân thủ qua các hành động đơn giản hoặc trong sự phán xét về mặt đạo đức nhằm tăng cường tính thống nhất của các nhóm. Người ta gọi một hành động là chuẩn có nghĩa nhấn mạnh đến sự đáp ứng được những yêu cầu về hành vi đối với cộng đồng. Bất cứ nhóm nào được xác lập đều có các chuẩn mực riêng cho chính nhóm đó và nói rộng hơn là cả với cộng đồng. Tiêu chuẩn nhóm có thể khác giữa nhóm này với nhóm khác và các bộ phận nhỏ của nhóm có thể áp dụng các chuẩn mực khác nhau trong cùng hoàn cảnh [26, tr.527-528].
Với các định nghĩa trên, lưu ý đặc biệt ở chuẩn mực ngôn ngữ, ta được hiểu rằng, ngôn ngữ chuẩn (tiếng chuẩn, phương ngữ chuẩn, phương ngữ đã được chuẩn hoá) là một loại ngôn ngữ được sử dụng bởi một nhóm người trong các thảo luận nghiêm túc và chính thức chung của họ. Ngôn ngữ còn thành chuẩn trong quá trình chuẩn hoá (được miêu tả trong ngữ pháp, từ điển và được mã hoá trong các công trình khoa học) nói chung ngôn ngữ trở thành ngôn ngữ chuẩn là thổ ngữ địa phương được nói ở trung tâm thương mại và chính quyền, nơi nhu cầu loại ngôn ngữ được mở rộng vượt khỏi tầm địa phương.
Chuẩn hoá ngôn ngữ là thực hiện một nhiệm vụ chung tổng quát đó là trau dồi ngôn ngữ, trau dồi công cụ quan trọng và với từng bản thân lời nói, câu văn mỗi người. Với một quan điểm toàn diện, chuẩn hoá ngôn ngữ không xem xét từng hiện tượng một cách cô lập mà xem xét trong mối liên hệ có tính hệ thống với từng trường hợp tương tự, chú ý đầy đủ đến mặt ngôn ngữ, xã hội của vấn đề.
Chuẩn hóa tiếng Việt nhằm làm cho tiếng Việt không những thống nhất hơn, sự liên kết chặt chẽ hơn và đặc biệt tạo ra sự phát triển tốt hơn cho chính ngôn ngữ Việt.
Địa danh xuất hiện, thay đổi, mất đi hoặc tồn tại đều gắn với những biến cố lịch sử, sự kiện xác định. Địa danh liên quan đến vấn đề ngôn ngữ, địa lý, lịch sử, văn hóa, dân tộc các quá trình phát triển tự nhiên và xã hội. Biến động chính trị thường dễ làm thay đổi địa danh. Địa danh do con người đặt ra và gửi gắm vào sự mong muốn, mô tả đặc điểm… nói chung đến ý nghĩa xác định được biểu thị trong ngữ nghĩa.
Địa danh do những dân tộc bản địa đặt ra và cả những nguồn khác nhau nên có những cách phát âm riêng tùy thuộc vào ngữ âm. Nếu ghi âm lại không chuẩn dẫn đến sai nghĩa, thậm chí phản cảm, ảnh hưởng đến những vấn đề lớn như tập quán, phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo… địa danh cũng chịu ảnh hưởng của sự xâm cư giữa các dân tộc trong tiến trình phát triển. Do đó, có những địa danh quen dùng và địa danh gốc cần được chuẩn hoá.
Chuẩn hoá địa danh cũng là nhằm xác định tính duy nhất của địa danh cho mỗi địa danh đều được gắn với tọa độ cụ thể, trong đó bản đồ là một công cụ rất hữu hiện cho việc chuẩn hoá địa danh.
Hiện nay có nhiều những mâu thuẫn và tồn tại trong cách gọi tên và viết địa danh Việt Nam bởi các quy định không thống nhất của văn phòng Quốc hội, Chính phủ hay trong Từ điển Bách khoa… đó đều chỉ là những quy định mang tính tạm thời và có giá trị riêng biệt, chỉ sử dụng trong từng ngành, lĩnh vực riêng.
Ta có thể nói rằng: muốn có Chuẩn (standard) thì phải xây dựng được chuẩn trên cơ sở thống nhất những nguyên tắc có tính định hướng, tính khoa học cụ thể của chuyên ngành. Ở đây với địa danh bản đồ thì chuẩn được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc có tính định hướng của tổ chức nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc về địa danh (UNGEGN) và các nguyên tắc của địa danh học với địa danh bản đồ học.
Như vậy, chuẩn hoá địa danh trong xuất bản bản đồ là thống nhất với cách đọc,cách viết địa danh trên cơ sở nguyên tắc có tính định hướng của nhóm chuyên gia Liên hợp quốc về địa lý (UNGEGN) và các nguyên tắc của địa danh học, địa danh bản đồ học, chính tả tiếng Việt.
Chuẩn địa danh (Standard of Geographical names) cũng có nghĩa là địa danh chuẩn, đảm bảo tính đúng đắn về ngữ âm, ngữ nghĩa, cách viết địa danh.
Chuẩn hoá địa danh (Standargization of geographical names) là quá trình gồm nhiều bước với các công cụ, phương tiện theo những tiến trình cụ thể để có địa danh chuẩn.
Hiện nay hầu hết các nhà địa danh học luôn coi bản đồ là một nguồn tư liệu quan trọng mà theo nhận định chung của một số nhà khoa học ngành bản đồ là bản đồ được xuất bản còn chứa đựng khối lượng địa danh sai rất nhiều (địa danh sai do các lỗi kỹ thuật, chính tả, vị trí, cách bố trí...).
Vai trò của chuẩn hoá địa danh bản đồ là làm tăng các giá trị của bản đồ, giá trị sử dụng, giá trị phổ cập và tuyên truyền.
Là khoa học có đối tượng là địa danh học bản đồ được chuẩn hoá mà vị trí được tiếp nối giữa các ngành khoa học lớn như Ngôn ngữ học, Lịch sử học, Dân tộc học, Bản đồ học và Khoa Xuất bản thấy rằng trong xuất bản bản đồ thì vị trí của công tác chuẩn hoá địa danh bản đồ có ý nghĩa quan trọng và gắn chặt với vị trí của các biên tập viên.
Tình trạng hiện nay, công tác bản đồ do các chuyên gia về bản đồ thực hiện, các biên tập viên về bản đồ tuy đã có những kiến thức lý luận và thực tiễn trong biên tập, in, phát hành của chuyên ngành bản đồ nhưng vẫn cần được trang bị hệ thống tri thức lý luận về ng- hiệp vụ xuất bản, xuất bản học để hoàn thành được nhiệm vụ trong công tác chuẩn hoá địa danh bản đồ học trong xuất bản bản đồ.
Có thể nói rằng những công việc chuẩn hoá địa danh bản đồ trong công tác biên tập bản đồ là thường xuyên và có tác động lớn đến chất lượng bản đồ.
- Trong giai đoạn chế in bản đồ: việc kiểm tra giám sát chuẩn hoá địa danh bản đồ cũng cần thiết để có được sự hoàn thiện theo mục đích chuẩn hoá.
- Trong giai đoạn phát hành: việc nắm bắt các thông tin phản hồi nhằm phục vụ cho xử lý những sự cố cấp thiết, tạo kinh nghiệm tích lũy cho hệ thống chuẩn hoá địa danh bản đồ cũng là những bước cần thiết không thể thiếu trong công tác chuẩn hoá địa danh bản đồ cũng là những bước cần thiết không thể thiếu trong công tác chuẩn hoá địa danh trong xuất bản bản đồ.
Địa danh học là một nghiên cứu khoa học rất trẻ ở Việt Nam. Chưa có nhiều công trình toàn diện, quy mô nào được công bố, những lý luận cơ bản về địa danh học được phổ cập, ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam chưa nhiều và thiếu tính hệ thống.
Xuất phát từ thực trạng địa danh trên bản đồ hiện nay, khi địa danh đã chuẩn hoá được đưa vào sử dụng rộng rãi và thống nhất trên tất cả các ấn phẩm, các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông sẽ đem lại nhiều lợi ích về mặt chính trị - xã hội, kinh tế cũng như hội nhập quốc tế.
- Lợi ích của địa danh được chuẩn hoá và chuẩn hoá trên bản đồ sẽ xác định được cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ, sự tranh chấp này diễn ra thường xuyên tại các cấp lãnh thổ, thậm chí bình diện quốc gia.
Đối với nước ta việc chuẩn hoá các địa danh biển, đảo, địa danh vùng biên giới là đặc biệt quan trọng. Những địa danh này sau khi trình nộp cho UNGEGN để phổ biến rộng rãi trên thế giới sẽ là căn cứ pháp lý vững chắc tránh cho những tranh cãi trong tương lai về chủ quyền lãnh thổ (ví dụ: chúng ta phải khẳng định các tên gọi Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, đảo Bạch Long Vĩ, đảo Thổ Chu...).
- Sử dụng thống nhất các địa danh chuẩn hoá sẽ tránh được nhầm lẫn, đem lại những lợi ích vật chất, ví dụ, địa danh đã chuẩn hoá viết bằng chữ Việt Nam với đầy đủ dấu là ví dụ rất rõ cho việc tránh nhầm lẫn, như viết là NAM DINH thì không phân biệt được với NAM ĐỊNH (thành phố) với NẬM DINH (suối)... Ngay cả Tổ chức thương mại thế giới cũng rất quan tâm đến việc chuẩn hoá địa danh vì địa danh thương mại gắn với thương hiệu hàng hoá, ví dụ: Chè Thái Nguyên, Nước mắm Phú Quốc, Yến sào Nha Trang...
Các tổ chức cứu hộ, cứu nạn cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuẩn hoá địa danh vì tính cấp bách của việc cứu hộ, cứu nạn, nếu nhầm lẫn sẽ gây ra những hậu quả rất tai hại.
Địa danh được chuẩn hoá trong bản đồ mang lai nhiều lợi ích giúp cho việc hoạch định các kế hoạch, dự án, phương án tác chiến được đảm bảo vì tính chính xác của nó.
Địa danh đã chuẩn hoá được đưa vào các tài liệu giáo khoa (sách giáo khoa, bản đồ giáo khoa, quả cầu...) và được giảng dạy ngay từ phổ thông cơ sở sẽ là một cơ hội tốt cho các thế hệ công dân tương lai, tránh cho học sinh những khó khăn trong học tập, giao tiếp và hòa nhập thế giới.
- Việc chuẩn hoá địa danh còn lợi ích làm phong phú và chính xác thêm tiếng Việt cũng như địa danh Việt, do bộ chữ cái hiện tại và chính tả tiếng Việt mà việc phiên chuyển địa danh quốc tế cũng như địa danh các dân tộc Việt Nam sang tiếng Việt gặp nhiều khó khăn, quá trình chuẩn hoá sẽ đòi hỏi và thúc đẩy cải cách tiếng Việt, ví dụ, nếu chính tả cho phép dùng chữ “K” với các nguyên âm a, o, u, cho phép dùng chữ “F” thay cho chữ “Ph”, cho phép dùng chữ “Z”, “J” trong các trường hợp cần thiết thì sẽ làm cho việc phiên âm kết hợp với chuyển từ địa danh có tự dạng La tinh và La tinh hoá dễ dàng hơn, tạo nên mặt chữ sau khi phiên chuyển gần với nguyên ngữ đẹp hơn, dễ tra cứu hơn.
10 Trịnh Anh Cơ (2006), “Cơ sở khoa học của việc phiên chuyển địa danh”, Tạp chí Địa chính, (3).
67 K.A.Xalishev (2006), Bản đồ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
70 Смолицкая, Г. П., Горбаневский, М. В. 1982 Топонимия Москвы Москва: Наука.
80 Ch.Rostaining (1948), Les noms de lieux, Paris edition.
81 Albert Dauzat (1960), La toponymie Française Éditions Payot.